11/01/2025

Đi tìm quà tặng biểu tượng Việt

“Có làm việc tại văn phòng các bộ, phải đi mua quà tặng những đoàn khách quốc tế mới thấy hết nỗi khổ vì bao năm vật vã mà không có quà tặng biểu tượng Việt”, nghệ nhân hoa khô Nguyễn Bá Mưu nói.

 

Đi tìm quà tặng biểu tượng Việt

 

 

“Có làm việc tại văn phòng các bộ, phải đi mua quà tặng những đoàn khách quốc tế mới thấy hết nỗi khổ vì bao năm vật vã mà không có quà tặng biểu tượng Việt”, nghệ nhân hoa khô Nguyễn Bá Mưu nói.

 

 

 Nón lưu niệm được bán dạo tại Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng Nón lưu niệm được bán dạo tại Hà Nội – Ảnh: Ngọc Thắng

Quanh quẩn chỉ là cái quạt, tượng gỗ, tranh thêu

Nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu vẫn nhớ những ngày đã qua lâu rồi, ông cùng Trung tâm khuyến công thực hiện các chương trình thiết kế quà tặng. Năm nào cũng thế, trung tâm thuộc Bộ Công thương, đặt trụ sở ở Hà Đông này lại có những mẫu mới để sản xuất làm quà, rồi chuyển đi tặng cho khách nước ngoài của Bộ. “Các nghệ nhân truyền nghề thủ công cho người sau. Sản phẩm thiết kế cũng chỉ là cái quạt, tượng gỗ, tranh thêu. Năm nay khác năm trước một chút, chứ không có quà mang tính biểu tượng của đất nước”, ông Mưu nhớ lại. Ông cũng cho biết, có được giao việc đi mua quà tặng cho khách mới thấy hết nỗi khổ của chuyện thị trường quá sơ sài.
 
 
Đi tìm quà tặng biểu tượng Việt - ảnh 2

 

Thị trường quà tặng trong nước hiện nay tràn ngập sản phẩm có xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc thì lấy đâu ra quà tặng mang biểu tượng Việt ?

 

Đi tìm quà tặng biểu tượng Việt - ảnh 3
Một TS nghiên cứu về
công nghiệp sáng tạo
 

Năm 2012, Bộ VH-TT-DL đã có hẳn một cuộc thi thiết kế quà tặng cho ngành du lịch phát động trên quy mô toàn quốc. Nhưng chỗ hổng đó giờ đây vẫn chưa được lấp. “Chúng tôi đã tổ chức cuộc thi, sau đó mẫu thắng giải được giao lại cho ngành du lịch. Nhiệm vụ của chúng tôi đến đó thôi”, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật triển lãm nói.

“Đã đến lúc cùng nhau xác lập giá trị cho các sản phẩm mỹ nghệ Việt”, PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN nhận định. Giá trị này, theo ông, hiện nằm trong tay các nghệ nhân. Hội của ông cũng đang có dự án đặt hàng các nghệ nhân sản xuất các sản phẩm như vậy. Tuy nhiên, mọi việc cũng đang trong giai đoạn khởi động.
Trước chương trình của Hội Di sản, đã có doanh nghiệp tự thiết kế những mẫu quà tặng Việt, trong đó có Hội quán di sản. Đơn vị này sản xuất hàng loạt những mẫu quà tặng dựa trên các hiện vật vật liệu kiến trúc thu được từ Hoàng thành Thăng Long. Các mẫu quà tặng mô phỏng hiện vật đất nung, hoặc giả dát vàng. Tuy nhiên, những mẫu quà tặng này dù được kỳ vọng vẫn chưa thể tạo dấu ấn và mang đặc trưng Việt.
Cần có ngành công nghiệp sáng tạo
Về quy trình thiết kế, sản xuất, tiêu thụ, một TS nghiên cứu về công nghiệp sáng tạo cho biết: “Cách làm của chúng ta phải khác đi, chứ không thể thi thiết kế như Bộ VH-TT-DL làm rồi vứt lại cho Tổng cục Du lịch được. Từ góc độ công nghiệp sáng tạo thì không ổn. Thiết kế xong, các doanh nghiệp phải nhận cái đấy mà làm chứ không phải đưa về Bộ Công thương. Sản xuất quà tặng cũng thuộc ngành công nghiệp văn hoá. Thị trường quà tặng trong nước hiện nay tràn ngập sản phẩm có xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc thì lấy đâu ra quà tặng mang biểu tượng Việt?”.
Cũng theo ông này, thị trường quà tặng Việt trong nước quá manh mún, đến mức khó nói là có yếu tố công nghiệp sáng tạo gì. Nếu trông vào các làng nghề, nghệ nhân thì cũng phải hỗ trợ họ thay đổi tư duy. “Thị trường quà tặng ở Pháp quá phong phú. Họ có những món quà tặng hình tháp Eiffel đủ kích cỡ, công dụng, từ chai đựng rượu đến móc khoá. Những bức tranh đã vô cùng nổi tiếng của danh họa Monet, Van Gogh cũng được nhân bản với nhiều cỡ khác nhau, treo trong nhà hoặc làm vật trang trí có nam châm gắn trên tủ lạnh. Ngay ở nước rất gần chúng ta là Malaysia cũng lấy hình ảnh tháp đôi Petronas để sản xuất hàng loạt quà tặng. Họ đã nhắc nhở những người làm công nghiệp sáng tạo ở nước ta. Mặt khác, vì quốc gia họ đã chọn được biểu tượng làm quà tặng. Khi xây dựng những quà tặng như vậy, cũng cần phải dựa trên biểu tượng trong đời sống văn hóa của chính chúng ta”, ông nói.
Phát động cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm đặc trưng TP.HCM
Với tên gọi Giải Hoa sen 2015, cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm đặc trưng cho TP.HCM vừa được phát động vào ngày 11.3, trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu VN, diễn ra tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (TP.HCM).
Cuộc thi do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cùng Sở Du lịch TP.HCM phối hợp tổ chức, đáp ứng nhu cầu mua sắm sản phẩm lưu niệm của du khách đến TP.HCM, phục vụ các hoạt động đối ngoại, giao lưu văn hoá của các cơ quan, tổ chức… với bạn bè, đối tác quốc tế. Từ tháng 3 – 5.2015, ban tổ chức sẽ xây dựng các dữ liệu cho cuộc thi thông qua việc mời các chuyên gia về văn hóa, lịch sử, kiến trúc… đóng góp, đưa ra những tư liệu mang tính định hướng về đặc trưng văn hóa Sài Gòn.
Hạn chót nộp sản phẩm là ngày 25.8; lễ tổng kết và trao giải diễn ra tại Hội chợ du lịch quốc tế ITE vào 10 – 12.9.
Nguyên Vân

Trinh Nguyễn