11/01/2025

GẦN 1/3 NGÀNH CỦA HỆ CAO ĐẲNG KHÔNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG: ​Dự báo chưa thống nhất

Số liệu này được Bộ GD-ĐT đưa ra sau khi tiến hành rà soát toàn bộ điều kiện đảm bảo chất lượng các ngành đào tạo CĐ trong các cơ sở giáo dục trên cả nước.

 

GẦN 1/3 NGÀNH CỦA HỆ CAO ĐẲNG KHÔNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG:

​Dự báo chưa thống nhất

 

Số liệu này được Bộ GD-ĐT đưa ra sau khi tiến hành rà soát toàn bộ điều kiện đảm bảo chất lượng các ngành đào tạo CĐ trong các cơ sở giáo dục trên cả nước.

 

 

 

Thí sinh dự thi vào Trường CĐ Kinh tế đối ngoại làm thủ tục trước giờ thi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 – Ảnh: Như Hùng
Sau khi thực hiện đợt rà soát, kiểm tra ở các trình độ đào tạo, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện rà soát, kiểm tra hằng năm và với cơ sở dữ liệu đã xây dựng được qua các đợt rà soát các trình độ đào tạo, Bộ GD-ĐT xác định rõ sẽ phải thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu, rà soát, kiểm tra và chấn chỉnh các điều kiện đảm bảo chất lượng nhằm đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả và nâng cao chất lượng đào tạo trong toàn hệ thống

Tại sao lại tồn tại nhiều ngành CĐ không đảm bảo chất lượng và trách nhiệm của các trường, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT ra sao? Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Đặng Quang Việt – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) – cho biết:

– Thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước và thực hiện kế hoạch công tác năm 2014, Bộ GD-ĐT đã rà soát các ngành đào tạo trình độ CĐ của các trường CĐ trong cả nước. Việc rà soát, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng ngành đào tạo được bộ thực hiện thường xuyên, theo kế hoạch đã đặt ra theo thứ tự trình độ các năm: tiến sĩ (năm 2011), thạc sĩ (năm 2012), ĐH (năm 2013) và CĐ (năm 2014).

Với đợt rà soát năm 2014, mục tiêu của bộ là kiểm tra và nắm thực trạng về tổ chức đào tạo của các trường CĐ trong việc thực hiện điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật, trong đó chủ yếu kiểm tra đội ngũ giảng viên cơ hữu (các trường được tự chủ tuyển dụng nhưng thực tế thường có nhiều biến động). Từ đó, cảnh báo vi phạm và xử lý các ngành đào tạo CĐ không đảm bảo chất lượng, tập trung vào đội ngũ giảng viên và công tác tuyển sinh.

681 ngành thuộc 147 trường CĐ không đáp ứng yêu cầu

* Nếu so với các đợt rà soát trước đó ở trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH, đợt rà soát các trường, các ngành CĐ lần này liệu có phải đã phát hiện số ngành đào tạo không đạt “chuẩn” lớn nhất không, thưa ông?

– Kết quả rà soát được thực hiện trên cơ sở báo cáo của các trường, có kiểm tra chung trên toàn hệ thống dữ liệu của Bộ GD-ĐT. Cũng như các đợt khảo sát đối với các trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và ĐH, đây là lần tổng khảo sát đối với các trường CĐ. 

Kết quả khảo sát làm rõ các thông tin: điều kiện cơ sở vật chất (diện tích đất, diện tích xây dựng, phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện, đội ngũ giảng viên và nhân viên), số ngành được phép đào tạo, quy mô sinh viên của từng ngành (chính quy, vừa làm vừa học, từ xa), đội ngũ giảng viên (số lượng và trình độ chuyên môn)… theo từng ngành đào tạo. 

Kết quả xử lý ban đầu cho thấy trong tổng số 2.026 ngành trình độ CĐ của 215 trường CĐ, có 681 ngành thuộc 147 trường CĐ không đáp ứng yêu cầu quy định (không tuyển sinh từ năm 2012, không đủ bốn thạc sĩ đúng ngành đào tạo). Trong đó, 255 ngành thuộc 37 trường CĐ ở khu vực Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ, vùng núi cao phía Bắc và 182 ngành thuộc 46 trường CĐ không có sinh viên từ năm 2012. Kết quả này sẽ được xử lý chính xác sau khi các trường có báo cáo cập nhật và kèm theo minh chứng.

* Việc rà soát phát hiện số lượng lớn các ngành đào tạo không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng (qua báo cáo của chính các trường) có nguyên nhân chính từ đâu? 

– Thực tế, một số ngành đào tạo không tuyển sinh được do người học không có nhu cầu nhưng nhiều trường vẫn duy trì, không xem xét đánh giá lại nhu cầu của xã hội để đưa ra khỏi danh mục ngành đào tạo của trường.

Cũng phải chia sẻ rằng có ngành đào tạo không tuyển sinh được hoặc số sinh viên tuyển được quá ít nên nhà trường đã dừng đào tạo, dừng tuyển sinh trong một số năm (đa số các ngành không có sinh viên thuộc các trường CĐ sư phạm, do đào tạo giáo viên trong phạm vi một tỉnh nên nhu cầu thường xuyên về nguồn nhân lực khó đảm bảo).

Nhiều ngành được phép đào tạo từ trước khi thông tư 08 có hiệu lực, nhưng nhà trường đã không rà soát, bổ sung lực lượng để đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng được quy định tại thông tư này. Bên cạnh đó, cũng có những ngành khi mở ngành nhà trường đáp ứng đủ điều kiện về đội ngũ (có xác nhận của sở GD-ĐT tỉnh/thành phố), nhưng sau đó không duy trì được đội ngũ giảng viên nên dẫn tới không đủ giảng viên cơ hữu tính ở thời điểm rà soát, kiểm tra.

Đã qua thời chạy theo số lượng?

* Vậy ngoài lỗi xuất phát từ phía nhà trường, theo ông, liệu có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục khi để tồn tại nhiều ngành CĐ chưa đảm bảo chất lượng trong suốt mấy năm qua?

– Trước hết cần khẳng định việc thực hiện rà soát, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng ngành đào tạo là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Từ năm 2006, triển khai nghị quyết của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH VN giai đoạn 2006-2020, Bộ GD-ĐT đã ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn và chế tài liên quan. Các điều kiện, tiêu chuẩn và chế tài là cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý nhà nước về mở ngành đào tạo, rà soát và chấn chỉnh các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Đúng là đã có thời gian chúng ta đẩy mạnh quy mô giáo dục ĐH, nhưng những năm gần đây cả đào tạo ĐH và CĐ đều đã được “định vị” lại để phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, siết chặt lại quy mô, không còn chạy theo số lượng.

Việc rà soát giúp đưa ra cảnh báo cho các trường quan tâm hơn nữa về các điều kiện đảm bảo chất lượng, đảm bảo quyền lợi cho người học, cũng là cách để quy hoạch ngành đào tạo thật sự phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn. Việc rà soát cũng giúp Bộ GD-ĐT nâng cao trách nhiệm quản lý, thêm dữ liệu phục vụ công tác quản lý ngày càng bao quát hơn, chuyên nghiệp hơn. 

* Theo quy định, nếu không đảm bảo điều kiện chất lượng, các ngành đào tạo CĐ trước mắt sẽ bị dừng tuyển sinh. Vậy Bộ GD-ĐT quyết định sẽ xử lý cứng rắn hay lại “giơ cao đánh khẽ” với các ngành đã bị “điểm mặt, chỉ tên”?

– Do một số trường còn thiếu kinh nghiệm thống kê hoặc chưa quan tâm đúng mức đến báo cáo thống kê. Rút kinh nghiệm từ thực tế các lần rà soát, kiểm tra trước đây có không ít trường lấy số liệu từ các báo cáo có sẵn chưa được cập nhật nên không đúng thực trạng của chính trường mình.

Để có cơ sở dữ liệu bảo đảm độ tin cậy và tránh việc có trường bị xử lý do báo cáo chưa được cập nhật, lần này Bộ GD-ĐT có “dự lệnh” cho các trường trước khi quyết định dừng tuyển sinh.

Bộ đã có công văn thông báo kết quả xử lý ban đầu và yêu cầu các trường CĐ có ngành bị cảnh báo phải kiểm tra lại báo cáo thống kê của trường mình, nếu thấy cần thiết, gửi báo cáo thống kê bổ sung kèm theo các minh chứng liên quan; nếu đủ độ tin cậy sẽ được cập nhật lại cơ sở dữ liệu.

Trên cơ sở báo cáo thống kê của các trường đã được chuẩn hóa và cập nhật, Bộ GD-ĐT sẽ xử lý các ngành không đảm bảo các điều kiện theo quy định. Các trường không có báo cáo bổ sung hoặc có báo cáo bổ sung mà minh chứng không thuyết phục về điều kiện đảm bảo chất lượng, không đáp ứng đủ điều kiện về nguồn lực giảng viên, không có sinh viên trong ba năm… sẽ bị dừng tuyển sinh. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT sẽ phải xem xét đến điều kiện các trường thuộc vùng khó khăn, các ngành đặc thù.

Dự báo nhu cầu đào tạo, quy hoạch… chưa thống nhất

Trong 681 ngành đào tạo CĐ chưa đáp ứng được điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định của Bộ GD-ĐT, có 182 ngành của 46 trường không tuyển sinh được từ năm 2012 đến nay. Số còn lại là không đảm bảo điều kiện mỗi ngành đào tạo phải có ít nhất bốn giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đào tạo.

Nguyên nhân có số lượng lớn các ngành đào tạo không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng được tích tụ trong cả quá trình, tổng hợp bởi nhiều nguyên do. Tuy nhiên, nguyên nhân dễ nhận thấy là việc dự báo nhu cầu đào tạo, quy hoạch nguồn nhân lực của ngành, địa phương, kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên theo ngành đào tạo của các trường… chưa thống nhất ở cấp hệ thống và cấp trường.

NGỌC HÀ thực hiện