Nỗi lòng người dân trên đồi Trại Thuỷ
Đồi Trại Thủy – một trong bốn ngọn núi được xem như “tứ linh” phong thuỷ của vùng đất Nha Trang, Khánh Hoà – có điểm tham quan du lịch nổi tiếng là tượng đài Phật Trắng thuộc chùa Long Sơn.
Nỗi lòng người dân trên đồi Trại Thuỷ
Đồi Trại Thuỷ – một trong bốn ngọn núi được xem như “tứ linh” phong thủy của vùng đất Nha Trang, Khánh Hoà – có điểm tham quan du lịch nổi tiếng là tượng đài Phật Trắng thuộc chùa Long Sơn.
Một xóm “nhà ổ chuột” trên đồi Trại Thuỷ gần khu tượng đài Phật Trắng – Ảnh: Phan Sông Ngân |
Qua rằm tháng giêng này, thành phố sẽ xét duyệt danh sách bố trí tái định cư cho dân di dời khỏi đồi Trại Thủy. Những trường hợp tiền bồi thường giải tỏa không đủ mua lại lô đất tái định cư thì thành phố sẽ áp dụng các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, cho nợ để mỗi hộ đều có được đất tái định cư. Nói chung là sẽ làm mọi cách để có được điều kiện tốt nhất cho dân… |
Ông NGUYỄN VĂN DANH (chủ tịch UBND TP Nha Trang) |
Gần cả ngàn người dân nương náu suốt mấy chục năm qua trên “đồi thiêng” này sắp phải “hạ sơn”.
Hầu hết cư dân ở các “xóm ổ chuột” từ lưng chừng đồi Trại Thuỷ trở lên, nằm trong danh sách 233 hộ mà UBND TP Nha Trang phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ di dời giải toả đều thuộc hộ nghèo và định cư ở đây từ vài chục năm đến gần nửa thế kỷ qua… Việc giải toả dân là để thực hiện “dự án tôn tạo cảnh quan danh lam thắng cảnh đồi Trại Thuỷ” (gọi tắt là dự án đồi Trại Thuỷ).
Ở thì sợ…
Gần trưa rằm tháng giêng (5-3-2015), tôi lên thăm bà con cư dân sắp rời đồi Trại Thuỷ. Cụ Hoàng Thị Sen, vừa sang tuổi 84, vẫn nằm lắc nhẹ trên chiếc võng cũ kỹ trước chái nhà che, lợp bằng những miếng tôn cũ kỹ, đủ hình thù. Đây là một trong 38 hộ ở xóm nhỏ bên mép vực phía sườn bắc đồi Trại Thủy, cạnh đường lên tượng đài Phật Trắng.
Cháu nội cụ Sen cho biết đã 6-7 năm rồi cụ chưa xuống đồi Trại Thuỷ lần nào vì đau yếu liên miên. “Đại gia đình” cụ Sen có tới 12 người, gồm ba gia đình nhỏ.
Cháu cụ Sen là Nguyễn Văn Rum mời tôi: “Chú vô trong nhà con mà xem, ở đây nguy hiểm lắm”. Cụ Sen đang nằm lim dim trên chiếc võng cũ vội lên tiếng nhắc con trai và cháu: “Dắt vô trong nhà coi chừng trượt chân té ngã”.
Trong nhà tối om, che chắn sơ sài bằng ván gỗ cũ kỹ để tạo không gian riêng cho từng gia đình nhỏ. Nhìn xuống vực sâu hun hút đầy cỏ cây hoang dại, rác bẩn… bên vách, mái nhiều nhà nằm bên dưới của xóm Cận Sơn, phường Phương Sơn.
Rum kể trước kia chỗ đất nhà mình che ở còn được rộng hơn nhưng rồi cứ bị sụp dần. Tới giờ vách sau nhà đã nằm ngay bên miệng vực. Nhiều lúc rắn bò luôn vô nhà. Mỗi khi trời mưa, ban đêm nằm trong nhà mà lo sợ lắm. Nếu như mưa lở, sụp tiếp thì cả nhà sẽ bị đổ ụp thẳng luôn xuống vực sâu hơn bảy mươi thước là chết hết.
Nhiều người ở xóm Cận Sơn còn e sợ khi nhắc về vụ đổ cây, sụt đất đá chôn sống ông trưởng khóm vào mùa mưa cách đây chừng chục năm… Nhiều cán bộ TP Nha Trang và phường Phương Sơn cũng như người dân cho biết đồi Trại Thuỷ còn là một địa điểm tập trung tiêm chích ma túy của nhiều người nghiện ở Nha Trang.
Loanh quanh các xóm “nhà ổ chuột”, các khu trên đồi sẽ không khó nhìn thấy nhiều ống chích, kim tiêm người nghiện xài xong vứt bừa bãi trong các bụi cây, lùm cỏ, ven đường đi. Đó là một nỗi lo sợ khác, nhất là lo cho các cháu nhỏ con em cư dân trên đồi Trại Thuỷ…
Ông Trịnh Duy Cường bên căn nhà của mình xin tự phá dỡ đầu tiên trên đồi Trại Thuỷ – Ảnh: Phan Sông Ngân |
Đi thì lo…
Trước Tết Ất Mùi vừa qua, gia đình ông Trịnh Duy Cường (47 tuổi), ở trên đồi Trại Thủy hơn 20 năm, là một trong mấy hộ đã “tự nguyện dỡ nhà” để giao đất cho dự án.
Ông Cường nói: “Có ráng để lại nhà ở thì sau tết cũng phải dỡ đi. Mình nghèo làm không ra tiền nên tui xin tự dỡ trước để được thêm mấy triệu đồng tiền thưởng, tiền hỗ trợ thuê nhà (ở tạm chờ tái định cư), rồi qua ở ké nhà bà già vợ để chờ”.
Nhà ông Cường cũng lợp và che bằng tôn gỉ sét lẫn ván ép mỏng nhưng lại thuộc hạng “khang trang” trong các xóm “nhà ổ chuột” trên đồi này. Rất nhiều nhà khác còn lụp xụp, ọp ẹp hơn bởi hầu hết đều được dựng, che bằng đủ thứ vật liệu gom nhặt được, đắp vá cơi nới dần qua nhiều năm.
Dự án 10 năm 10 năm trước (năm 2005), theo UBND tỉnh Khánh Hoà, tỉnh đã giao Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư “dự án trồng rừng cảnh quan đồi Trại Thủy” nhưng mãi không triển khai được. Tháng 3-2011, tỉnh giao lại UBND TP Nha Trang làm chủ đầu tư dự án đồi Trại Thủy, thực hiện từ năm 2013-2017. Dự án được đổi lại tên như trên, có tổng vốn được phê duyệt (tháng 10-2012) là hơn 131,28 tỉ đồng. Theo dự án đã được tỉnh phê duyệt, cùng với cải tạo toàn bộ mặt bằng, trên đồi Trại Thuỷ sẽ xây dựng thêm các hệ thống điện, đường giao thông, cấp thoát nước, trồng cây xanh, xây cổng tường rào, chòi nghỉ ven đường… Ngoài ra còn xây thêm các công trình kiến trúc mới tại khu tượng đài Phật Trắng: nhà dịch vụ, hồ nước cảnh quan, lan can, sân, bồn hoa, nhà vệ sinh. Tại khu vườn hoa sẽ xây ở phía đông nam tượng Phật đài có nhà quản lý, bãi dừng xe, chòi thiền, chòi nghỉ, nhà dịch vụ, nhà vệ sinh… |
Hôm ông Cường đang dỡ nhà, con cháu cụ Sen đứng ở nhà mình nhìn xuống và tỏ vẻ khá lo âu.
Ông Nguyễn Văn Hùng (43 tuổi, con trai cụ Sen) nói: “Nhà có tới 12 người, gồm ba gia đình chung sống nhưng chỉ được tính gộp là một hộ. Gia đình đã nộp đơn xin xét cấp thêm đất tái định cư mà chưa thấy trả lời giải quyết ra sao. Do vậy, gia đình tôi đâu dám tự nguyện dỡ để được tiền thưởng. Vì lỡ dỡ nhà rồi mà họ không giải quyết chỗ ở thì chẳng biết ở đâu”.
Còn Rum thì cứ nhắc đi nhắc lại: “Ở đây mà được giải toả đi tái định cư nơi khác là nhiều nhà mừng lắm. Phần con thì xin giơ cả hai chân, hai tay xin đi luôn. Thế nhưng cho đến hôm 5-3 thì cả nhà vẫn chưa biết sẽ được cấp đất tái định cư như thế nào” – Rum nói.
Con đường qua những bậc đá lên chùa Tịnh Đức từ hẻm 294/1 đường Thống Nhất, TP Nha Trang cũng là đường lên xóm nhà ở phía sườn đông nam đồi Trại Thuỷ. Những nhà nằm sát sườn đồi giờ đã được kiên cố, ổn định hơn nhưng đều có thông báo giải tỏa, di dời.
Ông Trần Tấn Hiển (45 tuổi, nhà 9A Trại Thuỷ) cho biết cha mẹ ông ở đây từ những năm 1960. Cả ba anh trai ông Hiển đều sinh ra ở trên đồi này. Cụ Bội – cha ông Hiển, 85 tuổi – đã chia lại đất ở đây cho từng người con trai cất nhà.
“Mỗi anh em đều đã ở nhà riêng, hộ khẩu riêng mấy chục năm nay rồi. Vậy mà khi lên kiểm tra để bồi thường giải tỏa phường lại đòi tính chung là chỉ thuộc một hộ. Kiểu đó tiền bồi thường cũng chỉ đủ cất lại cái nhà, còn tiền mua đất tái định cư chắc là phải mang nợ” – ông Hiển nói.
Băn khoăn chuyện mưu sinh
Trước Tết Ất Mùi có 216 hộ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải tỏa. Khu tái định cư cho dân đồi Trại Thuỷ, theo ông Thuyết – trưởng phòng bồi thường, hỗ trợ giải toả của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Nha Trang, là tại Đất Lành, xã Phước Đồng (Nha Trang), mỗi lô từ 40-60m2.
Nhiều người dân ở đồi Trại Thuỷ cho biết có di dời thì họ đều phải làm nghề, việc cũ để kiếm sống. Vì vậy, khi nghe tái định cư cách xa trung tâm TP Nha Trang gần chục cây số, rất nhiều người dân trên đồi Trại Thuỷ tỏ ra lo ngại.
Bà Võ Thị Mậu, 75 tuổi, sống 45 năm ở xóm chùa Lôi Âm, nói: “Theo tui, ở đây vẫn tiện hơn vì gần ngay trung tâm thành phố, chỉ xuống núi là có chợ, có trường, còn vô đó thì xa quá”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thuỷ ở sườn đông Trại Thuỷ bày tỏ: “Bây giờ họ bắt buộc đi thì phải đi thôi, chứ còn ở đây tuy phải lên xuống núi mệt một chút nhưng gần trung tâm thì hằng ngày đi về làm ăn vẫn dễ hơn”.
Còn theo ông Thuyết: “Chính sách tái định cư hiện nay là quá ổn so với nhiều dự án trước đây. Tuy đa số dân ở Trại Thuỷ đều đồng tình giải toả, tái định cư nhưng cũng không tránh khỏi những chuyện băn khoăn”.