11/01/2025

Tăng học phí ở nhiều trường ĐH

Trong khi Bộ GD-ĐT chuẩn bị văn bản đề xuất ban hành nghị quyết mới kéo dài hiệu lực Nghị định 49 với mức trần học phí mới bắt đầu từ năm học 2015 – 2016 ở các trường công lập thì các trường công lập tự chủ tài chính và ngoài công lập cũng có kế hoạch mức học phí mới.

 

Tăng học phí ở nhiều trường ĐH

 

 

Trong khi Bộ GD-ĐT chuẩn bị văn bản đề xuất ban hành nghị quyết mới kéo dài hiệu lực Nghị định 49 với mức trần học phí mới bắt đầu từ năm học 2015 – 2016 ở các trường công lập thì các trường công lập tự chủ tài chính và ngoài công lập cũng có kế hoạch mức học phí mới.

 

 

Sinh viên làm thủ tục đóng học phí tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Đây là trường có đề án tự chủ, dự kiến tăng học phí Sinh viên làm thủ tục đóng học phí tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Đây là trường có đề án tự chủ, dự kiến tăng học phí – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trường tự chủ tăng mạnh

Đến thời điểm này, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt đề án tự chủ với 2 trường ĐH gồm: Kinh tế TP.HCM và Tôn Đức Thắng. Bên cạnh đó, nhiều trường đã có đề án trình Chính phủ xem xét như: Hà Nội, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Công nghiệp TP.HCM, Tài chính – Marketing… Một trong các nội dung được phê duyệt của đề án rất được xã hội quan tâm là việc tăng học phí (HP).

 
 

Học phí ĐH tăng toàn cầu

 

Tính từ năm học 2008 – 2009 đến nay, HP và các khoản phí khác ở các trường ĐH công lập của Mỹ tăng 27%. Trong năm học này, HP trung bình của các trường ĐH tư là 30.000 USD, trường ĐH công dành cho sinh viên trái tuyến là 22.000 USD. Năm 2012, cứ 10 sinh viên tốt nghiệp ĐH thì có đến 7 phải gánh trên vai món nợ ước tính lên đến 30.000 USD. Trong khi 20 năm trước đó, chưa đến một nửa số sinh viên ra trường phải nợ và số tiền nợ cũng chỉ dưới 10.000 USD.

 

 Ở Anh, việc cho phép các trường ĐH có thể thu HP lên đến 9.000 bảng kể từ năm học 2012 so với 3.000 bảng ở các năm học trước đó đã đẩy tỷ lệ phải xóa nợ cho các khoản vay không thể trả của sinh viên lên cao. Theo nguồn dự báo mới đây, chi phí xóa nợ của chính phủ đã lên tới con số 45% trên tổng tiền nợ HP, ước tính vào khoảng 10 tỉ bảng mỗi năm.

Hiện tượng tăng HP cũng đang diễn ra ở nhiều quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản và Singapore.

PGS-TS Vũ Hải Quân
(Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)

 

Theo quyết định phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM giai đoạn 2014 – 2017, mức HP bình quân đối với các chương trình đại trà từ năm học 2014 – 2015 là 13 triệu đồng/sinh viên/năm; 2015 – 2016 tăng lên 14,5 triệu đồng và 2016 – 2017 lên tới 16,5 triệu đồng.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, có một số ngành HP chỉ thu bằng 50% so với mức bình quân trên, tức khoảng 6,5 triệu đồng. Đó là những ngành nhu cầu học có thể không cao nhưng thiết yếu cho nền kinh tế, gồm 4 chuyên ngành: thống kê, kinh tế nông nghiệp, kinh tế chính trị, kinh tế phát triển. “Các chuyên ngành còn lại HP sẽ ở mức 13 triệu đồng trở lên, trong đó một số chuyên ngành có nhu cầu học cao, HP có thể hơn mức 13 triệu đồng. Tuy nhiên, trường sẽ thông báo trước cho sinh viên”, ông Nhựt nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nhựt, sinh viên các khoá cũ chỉ đóng tăng thêm 30% so với mức HP cũ theo Nghị định 49 (năm học 2014 – 2015 ở mức 5,5 triệu đồng/sinh viên/năm). Riêng 4 chuyên ngành có nhu cầu người học không cao, HP có thể thấp hơn mức tăng 30% tùy chuyên ngành. Cách tính này cũng sẽ được áp dụng tương tự cho các năm học tiếp theo. Tuy nhiên, ông Nhựt lưu ý, chính sách tăng HP này chỉ áp dụng với chương trình đại trà. Sinh viên chương trình liên kết với nước ngoài và chất lượng cao không chịu sự tác động của chính sách HP mới này. “Trường cũng sẽ hạn chế đến mức tối đa các khoản lệ phí thu thêm với người học”, ông Nhựt cho biết.

Trong khi đó, theo quyết định do Thủ tướng phê duyệt về đề án đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015 – 2017, Trường ĐH Tôn Đức Thắng được phép thu HP ổn định với mức thu bình quân tối đa hệ ĐH chính quy (chương trình đại trà) năm học 2014 – 2015 là 13 triệu đồng. Mức HP này tiếp tục tăng theo lộ trình từng năm, đến năm học 2015 – 2016 tăng lên 14,95 triệu đồng và 2016 – 2017 là 17,2 triệu đồng. Đối với sinh viên nhập học trước thời điểm quyết định này có hiệu lực, trường thu với mức tăng tối đa năm sau không quá 20% của năm trước.

Theo đề án tự chủ toàn diện giai đoạn 2015 – 2017 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đang trình Thủ tướng xem xét, trường này sẽ tăng HP năm học 2015 – 2016 lên mức 9 triệu đồng/năm và tăng theo lộ trình vào các năm tiếp theo. So với năm học 2014 – 2015, HP mới sẽ tăng thêm 2,5 triệu đồng. Tương tự, Trường ĐH Tài chính –

Marketing cũng dự kiến tăng HP khi đề án tự chủ toàn diện được Chính phủ phê duyệt.

Ngoài công lập tăng do trượt giá

Đại diện một trường ĐH ngoài công lập cho biết sẽ giữ ổn định mức thu HP với sinh viên mới nhập học khóa 2015. Theo đại diện Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, năm 2015 sẽ tiếp tục được giữ ổn định từ 42,2 – 48,5 triệu đồng/năm (với chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt) và 109,8 – 120,3 triệu đồng/năm (giảng dạy bằng tiếng Anh). Tương tự, các trường như: Hoa Sen, Quốc tế Miền Đông, Việt – Đức cũng dự kiến giữ nguyên HP.

Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thông tin HP năm học 2015 – 2016 dự kiến chỉ tăng tối đa 5% so với năm học trước. Đơn giá HP theo tín chỉ không khác nhau nhưng do các ngành học có tổng số tín chỉ không đồng đều nên HP sẽ dao động trên dưới 20 triệu đồng/năm.

Tương tự, năm 2015 Trường ĐH Văn Lang cũng dự kiến sẽ tăng ở mức từ 15 – 20% so với năm ngoái và mức này sẽ không thay đổi trong suốt khoá học. Năm 2014, HP của trường từ 16 – 25 triệu đồng/năm học tùy từng ngành. Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM cũng tăng 10% so với năm ngoái (năm học 2014 – 2015 HP từ 17,5 – 19,5 triệu bậc ĐH). HP năm học 2015 – 2016 Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn từ hơn 16 – 20 triệu đồng/năm hệ ĐH, tăng gần 2 triệu đồng so với năm trước.

Lý giải việc điều chỉnh mức HP, đại diện các trường cho biết tăng theo trượt giá.

Trường công lập chưa thực hiện cách tính học phí mới 

Dự thảo nghị định quy định cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực GD-ĐT của Bộ GD-ĐT xây dựng và công bố ngày 27.10.2014, nhằm thay thế Nghị định 43 của Chính phủ, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất để trình Chính phủ ban hành.

Đại diện của Bộ cho biết Nghị định 43 từ năm 2006 đến nay đòi hỏi phải có sự thay đổi cho phù hợp với thực tiễn. Nếu như Nghị định 43 hiện hành quy định chung cho tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ ngành khác nhau thì lần này Chính phủ yêu cầu giao cho từng bộ ngành xây dựng nghị định riêng của ngành mình để đảm bảo tính đặc thù của từng ngành.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, Bộ chủ trương sẽ lùi thời gian để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng lại dự thảo nghị định trên để đảm bảo tính thực tiễn và khả thi hơn. Trong quá trình đó, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết cho tiếp tục thực hiện Nghị định 49 hiện hành. Điều này cũng có nghĩa lộ trình thay đổi cách tính HP mới trong các cơ sở giáo dục công lập sẽ không thể bắt đầu từ năm 2015 như dự kiến. Như vậy, trong năm học sắp tới, nhiều khả năng các trường ĐH công lập vẫn thực hiện khung HP theo Nghị định 49 ban hành năm 2010.

Tuệ Nguyễn

Ý kiến

Cần có chính sách cho sinh viên nghèo

Tăng HP như ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, như thông báo, là nhiều. Nhà em hiện đang có tới 4 anh em cùng đi học, trong khi thu nhập gia đình không được ổn định. Vì vậy, em hy vọng trường có chính sách hỗ trợ HP cho sinh viên nghèo để có điều kiện học tập tại trường. Em cũng hy vọng khi tăng học phí, cơ sở vật chất sẽ tốt lên vì hiện tại chưa tốt lắm khi còn nhiều cơ sở nhỏ lẻ, lớp học đông…

L.T.H.Cúc (quê Quảng Ngãi, sinh viên năm nhất Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

Tăng để nâng cao chất lượng là cần thiết

Việc tăng HP theo lộ trình mới theo em là cần thiết vì khi đó trường mới có cơ hội để phát triển hơn cơ sở vật chất, giáo trình, đội ngũ giảng viên và cuối cùng là nâng cao chất lượng dạy học. Đặc biệt trước thềm VN gia nhập Cộng đồng kinh tế khu vực Đông Nam Á vào năm nay, em hy vọng sẽ được học tập trong môi trường tốt hơn với giáo trình nước ngoài, giảng dạy bằng tiếng Anh, thực hành nhiều hơn… để ra trường có thể tự tìm được việc làm.

Lại Thị Thanh Huyền (ngụ TP.HCM, sinh viên năm nhất Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

 

Hà Ánh