11/01/2025

Chúa Nhật III MC, B – 2015: Thanh tẩy đền thờ thành nơi gặp gỡ

Muốn đạt được cuộc biến hình thật sự và toàn diện, ta cần phải đổi mới quan hệ với Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, qua việc Đức Giêsu quyết liệt đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ Giêrusalem.

 Chúa Nhật III MC, B – 2015

Thanh tẩy đền thờ

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần vừa qua, chúng ta đã nói đến cuộc biến hình thật sự và toàn diện của con người. Tuần này Giáo Hội nhắc bảo ta rằng muốn đạt được cuộc biến hình ấy, ta cần phải đổi mới quan hệ với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, qua việc Đức Giêsu quyết liệt đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ Giêrusalem.

Vì thế, trong ít phút này, chúng ta sẽ tìm hiểu đền thờ tượng trưng cho cái gì và thanh tẩy đền thờ như thế nào?

1. Đền thờ nơi mỗi con người

1.1. Đền thờ là gì?

Đền thờ là nơi gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Ở đó con người dâng lời ca tụng, ngợi khen, tôn vinh lên Chúa, lời thống hối xin Chúa tha thứ hay lời cầu xin những ơn lành cần thiết. Ở đó Thiên Chúa gặp gỡ con người để chia sẻ ân phúc, cho con người cảm nghiệm được tình yêu, lòng khoan dung và quyền năng của Ngài. Tóm lại, đền thờ là nơi gặp gỡ cảm thông.

1.2. Hiểu lầm về đền thờ

Tuy nhiên trong suốt dòng lịch sử nhân loại, con người gần như chưa thực hiện được cuộc gặp gỡ cảm thông giữa mình với Chúa, chưa xây dựng được một đền thờ đích thực, vì hiểu sai về Thiên Chúa hoặc về con người.

1.3. Hiểu sai về Thiên Chúa

Con người thường nghĩ rằng Thiên Chúa là một vị thần linh cao cả tuyệt đối nên cần phải xây dựng những đền thờ thật to, sắm sửa những lễ vật thật lớn, tổ chức những nghi lễ thật đẹp thì mới xứng đáng và làm vui lòng Ngài. Nghĩ thế, nên con người đã đóng góp nhiều công sức, tiêu tốn nhiều tiền của để xây dựng các đền thờ nguy nga, tráng lệ. Họ quên mất điều quan trọng nhất là việc gặp gỡ được Thiên Chúa và cảm thông với Chúa trong các đền thờ này.

Dù đóng góp nhiều tiền của, thời giờ, công sức cho Chúa, cho việc xây dựng, tổ chức đó nên con người làm cho mình tàn tạ, kiệt quệ, nghèo túng. Hơn nữa, không thiếu những kẻ lợi dụng tôn giáo để bóc lột quần chúng, bày ra những trò mê tín để kiếm lợi cho mình. Do đó, một số người đã nhân danh con người để phản đối Thiên Chúa, loại bỏ tôn giáo, cho rằng tôn giáo chỉ là “thứ thuốc phiện ru ngủ quần chúng” như nhiều người nói theo Max và Engel từ thế kỷ 19 đến nay.

1.4. Hiểu sai về con người

Nhờ tinh thần phát triển với sự giúp đỡ của khoa học, kỹ thuật, con người càng ngày càng khám phá ra sức mạnh của chính mình, có thể làm ra mọi sự, chiến thắng được cả thiên nhiên, chữa lành cả những bệnh tật. Con người cho rằng mình mới chính là đối tượng đáng được tôn sùng, kính bái; còn thần linh, Thiên Chúa chỉ là những thứ tưởng tượng, không có thật trên đời.

Vì chủ trương duy vật vô thần như thế, nên đền thờ con người bây giờ là chính thân xác. Họ muốn xây dựng thân xác trở thành một đền thờ thật huy hoàng, tốt đẹp với những đồ ăn, thức uống, quần áo, trang sức, mỹ phẩm… để gặp gỡ chính mình ở đó với những dục vọng cần thoả mãn, để tôn thờ chính mình ở đó với những tượng thần mang tên khoa học, quyền lực, thần Tài, thần Venus, thần Zớt…

Đây cũng là một hiểu sai về con người và đền thờ vì sau vài chục hay 100 năm sống, đền thờ thân xác ấy mỗi ngày một tàn tạ, xấu xí và người ta nghĩ rằng “chết là hết” nên vội vã hưởng thụ trước khi đền thờ đó bị phá huỷ bởi cái chết.

Chính vì những hiểu lầm về Thiên Chúa, về con người và về đền thờ mà Đức Giêsu muốn giúp ta hiểu đúng về Thiên Chúa và thanh tẩy đèn thờ nơi mỗi con người.

2. Thanh tẩy đền thờ

Hành động quyết liệt của Chúa Giêsu chỉ muốn dạy con người chúng ta về một nền phụng tự mới, nhờ đó con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa trong đền thờ mới là chính Người.

2.1. Đền thờ Giêrusalem

Khi người Do Thái hỏi Đức Giêsu dựa vào quyền lực nào mà xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ Giêrusalem, thay thế những lễ vật, nghi thức củ bằng nền phụng tự mới, thì Đức Giêsu muốn ám chỉ Người dùng quyền lực của chính Thiên Chúa, khi nói đến việc con người phá huỷ đền thờ là chính thân xác Người nhưng Thiên Chúa sẽ làm cho thân xác ấy sống lại.

Tuy nhiên, người Do Thái lại hiểu về việc phá huỷ đền thờ Giêrusalem. Đây là đền thờ thứ 3 do vua Herod xây dựng, sau khi hai đền thờ trước do vua Salomon và vua Cyrus xây dựng bị phá huỷ. Chính đền thờ tráng lệ đang có phải mất 46 năm mới hoàn thành cũng sẽ bị tướng Titus người Roma phá bình địa vào năm 70 để chỉ còn sót lại Bức Tường Than Khóc cho đến ngày nay. Việc phá huỷ đền thờ Giêrusalem hay thân xác vật chất của Chúa Giêsu như gợi ý cho chúng ta phải tìm đến một đền thờ mới, một phụng tự mới để gặp gỡ được Thiên Chúa.

2.2. Kết hợp với Đức Giêsu để trở nên đền thờ mới

Đức Giêsu là đền thờ mới, tuyệt vời và vĩnh viễn để Thiên Chúa và con người gặp gỡ, cảm thông với nhau vì Người là Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành con người. Ở đó con người gặp được Thiên Chúa là Cha Trên Trời, chứ không còn gặp một “Thiên Chúa đáng sợ, ghen tuông, phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông” (Xh 20,5). Ở đó con người gặp được “Đức Giêsu chịu đóng đinh là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24) đã yêu họ cho đến cùng và kêu gọi họ hãy yêu thương nhau như anh em một nhà. Ở đó con người sẽ gặp thấy mình không phải chỉ là một sinh vật tạm thời, chết là hết nhưng sống mãi và vô cùng tốt đẹp như Thiên Chúa.

Khi kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, mỗi con người trở thành chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người, trở thành viên đá sống động xây nên đền thánh Giêrusalem mới cũng là Giáo Hội của Chúa Kitô (x. 1Cr 3,9-13; Ep 2,22; 1Pr 2,49). Trong đền thờ này, chúng ta được Chúa Giêsu chia sẻ cho mọi ân phúc, quyền năng và sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa để trở thành con cái Thiên Chúa giống như Người. Đó là cuộc biến hình trọn vẹn của Kitô hữu.

2.3. Phụng tự mới đặt nền trên Thần Khí tình yêu và sự thật

Khi hiểu được đền thờ mới là chính Đức Giêsu và mỗi người chúng ta, chúng ta sẽ thể hiện một phụng tự mới đặt nền tảng trên Thần Khí tình yêu và sự thật. Đức Giêsu đã nói rõ điều này trong câu chuyện với người phụ nữ Samari: “Đã đến giờ, các người sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi nàyhay tại Giêrusalem… Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4,21-23).

Thiên Chúa là Thần Khí (Ga 4,24) và cũng là tình yêu (1Ga 4,8.16) nên ta chỉ gặp được Ngài trong tình yêu đối với Chúa cũng như đối với con người qua Mười Điều Răn mà bài đọc I diễn tả (x. Xh 20,1-17). Thiên Chúa cũng là Thần Khí Sự Thật (Ga 14,17; 15,26; 16,13) mà mỗi người chúng ta phải gắn bó, nhất là gắn bó với Đức Giêsu là sự thật cụ thể (Ga 14,6) thì mới tìm ra con đường đến với Chúa Cha và gặp được Người (x. Ga 14,6). Vì thế, Đức Giêsu quả thật là đền thờ mới trong đó ta có thể gặp gỡ được Thiên Chúa và muôn loài để thể hiện một nền phụng tự mới.

Trong nền phụng tự mới này, ta phải bỏ thái độ “buôn bán” quen thuộc từ bao thế kỷ nay vì Đức Giêsu nhắc nhở: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Chúng ta quen tính toán xem mình phải dự bao nhiêu lễ, đọc bao nhiêu kinh thì mới được Chúa ban ơn, xin lễ bao nhiêu tiền thì linh hồn người chết mới được siêu thoát! Chúng ta coi thường việc gặp gỡ bằng Thần Khí tình yêu và sự thật. Nhiều nơi còn đang thúc đẩy việc đóng góp để xây dựng những đền thờ thật to, những trung tâm hành hương thật lớn với giá hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng, trong khi ta quên đi sự thật của dân tộc nghèo khó đang có hàng triệu người đói khổ cần gạo, cần thuốc, cần học phí và cần cả tình yêu đối với họ.

Lời kết

Trong Mùa Chay thánh này, Đức Giêsu đang mời gọi ta cùng với Người quyết liệt thanh tẩy đền thờ là chính mỗi người để ở bất cứ nơi nào, lúc nào ta cũng gặp được Chúa Cha và anh chị em mình trong sự thật và tình yêu.