11/01/2025

Quảng bá văn học: “cái khó… bó cái khôn”

Hội nghị quốc tế quảng bá văn học VN lần 3, với một loạt hoạt động ở Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh vừa khép lại vào ngày 6-3 tại Hà Nội, sau năm ngày tổ chức.

 

Quảng bá văn học: “cái khó… bó cái khôn”

 

Hội nghị quốc tế quảng bá văn học VN lần 3, với một loạt hoạt động ở Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh vừa khép lại vào ngày 6-3 tại Hà Nội, sau năm ngày tổ chức.

 

 

 

 

Nhà thơ Cuba thích thú với trầu têm cánh phượng trong chương trình giao lưu với liền anh, liền chị quan họ ở Bắc Ninh – Ảnh: Văn Luận

Trừ hai cuộc hội thảo cùng diễn ra trong buổi sáng 3-3 về văn và thơ thì sự kiện nào cũng là một lễ hội, ở đó nghiêng nhiều về âm nhạc và thơ ca nên không khí hội nghị khá vui vẻ với hơn 150 đại biểu quốc tế, trong đó phần đông là thi nhân.

Nhưng quay lại với mục đích chính của hội nghị lần này là làm thế nào để VN “không chỉ là thị trường tiêu thụ văn hoá thế giới mà phải là đối tác giao lưu văn hoá thế giới” (như chủ tịch Hội Nhà văn VN – nhà thơ Hữu Thỉnh đã nhấn mạnh ở phát biểu khai mạc) thì câu chuyện còn bỏ ngỏ, chỉ có thể là “tiếp tục chờ đợi”.

Dịch giả Lê Ba Thự cho rằng công tác tổ chức của chúng ta bị cái khó bó cái khôn. Ðúng là đã mời được rất nhiều bạn bè văn chương trên thế giới đến VN nhưng còn ít dịch giả biết tiếng Việt và các nhà xuất bản.

“Các hoạt động thì gần như chỉ có mittinh hội hè mà không đi vào chiều sâu với một chương trình phải làm công phu, chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho đại biểu có được những hiểu biết về văn học của VN, nắm được cơ sở vật chất, làm quen với các nhà xuất bản để có thể liên hệ làm công tác dịch thuật các tác phẩm văn học VN sang tiếng của các nước sau này” – ông nói.

Nhà văn Lê Phương Liên chỉ ra: “Một hội nghị lớn nhằm mục tiêu quảng bá văn học VN ra nước ngoài thì chúng ta phải nhớ rằng các nhà văn, nhà thơ, dịch giả dù nỗ lực đến đâu cũng không thể thiếu một khâu rất quan trọng là các nhà xuất bản.

Thế mà tại hội nghị này các nhà xuất bản VN gần như không có vai trò nào cả, nếu có được mời thì cũng chỉ là tham gia gian hàng trưng bày hay dạo chơi ngoài cuộc. Vậy nên, ở đây Hội Nhà văn VN cần có sự phối hợp tốt hơn với các nhà xuất bản”.

Cùng quan điểm này, nhà thơ Hữu Việt nói:

“Tôi có cảm giác trong việc tổ chức này còn một phần thiếu: thiếu vắng nhà xuất bản. Có nhiều người hỏi tôi là nhà xuất bản đâu, chúng tôi khó lòng mà chỉ được cho họ.

Trong khi ở nước ngoài, các nhà xuất bản đóng vai trò quyết định in ấn và đưa tác phẩm đến với công chúng. Thế nên việc dịch thuật là một chân, còn chân kia rất quan trọng là xuất bản. Những lần sau, chúng ta nên mời nhà xuất bản”.

Bao nhiêu tác phẩm được dịch sau 12 năm?

Ðến kỳ hội nghị này đã là 12 năm Hội Nhà văn VN đứng ra tổ chức được ba kỳ hội nghị quốc tế quảng bá văn học VN (lần 1 năm 2002, lần 2 năm 2010 và lần 3 năm 2015). Thế nhưng, khi nhắc đến việc tổng kết chính xác có bao nhiêu tác phẩm văn học VN đã được dịch ra các thứ tiếng trên thế giới sau các kỳ hội nghị thì ban tổ chức đều kể tên một số tác phẩm mà ban tổ chức có biết đến mà chưa thể có con số thống kê chính xác.

Trước thực tế này, nhà thơ Hữu Việt đề xuất:

“Các đại biểu quốc tế đến đây không phải chỉ để đọc một hai bài thơ mà họ muốn tìm một cái gì đó ở nền văn học này. Vậy nên, chúng ta phải chỉ ra được giữa hai kỳ hội nghị có bao nhiêu tác phẩm được dịch, bao nhiêu khách mời đã thực hiện các dự án dịch, xuất bản.

Có con số rồi mới phân tích được số lượng ấy ít là vì sao, nhiều là vì sao để nhìn ra hiệu quả thiết thực của hội nghị, sau đó tiếp tục đề ra chiến lược cụ thể cho việc quảng bá văn học ra thế giới hiệu quả, tiết kiệm”.

Dịch giả Ngân Xuyên cũng đặt câu hỏi về kết quả cụ thể của hội nghị cũng như yêu cầu vào tính thiết thực:

”Cái mà người ta cần biết nhất sau các hội nghị là kết quả cụ thể như thế nào – đã có bao nhiêu tác phẩm văn học VN tính từ hội nghị trước đến hội nghị này được dịch ra các thứ tiếng trên thế giới và do những ai dịch. Như vậy mới đi vào công việc thiết thực cụ thể”.

Ông cũng bày tỏ băn khoăn: ”Nhìn qua công tác tổ chức, tôi thấy nhiều dịch giả quốc tế đến dự hội nghị không biết tiếng Việt. Vậy làm sao họ hiểu được văn học VN?

Hội nghị phải có định hướng, đầu tư dịch các tác phẩm của mình ra tiếng Anh, tiếng Pháp chứ chờ đợi họ học tiếng Việt để dịch thì rất khó, rất lâu”.

ÐỨC TRIẾT