11/01/2025

Nâng cao nhận thức cộng đồng về lễ hội

Không phải tới năm nay, Hội Gióng mới có đánh nhau tới đổ máu, Khai ấn đền Trần vẫn có phần hỗn loạn. Ngay 1 năm sau khi được công nhận di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại, Hội Gióng đã có đánh nhau rồi.

 

Nâng cao nhận thức cộng đồng về lễ hội

 

Không phải tới năm nay, Hội Gióng mới có đánh nhau tới đổ máu, Khai ấn đền Trần vẫn có phần hỗn loạn. Ngay 1 năm sau khi được công nhận di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại, Hội Gióng đã có đánh nhau rồi.

 

 

 

Người dân chen chúc trong lễ khai ấn đền Trần - Ảnh: Văn ĐôngNgười dân chen chúc trong lễ khai ấn đền Trần – Ảnh: Văn Đông
Đành chịu trước đám đông
Trả lời về việc vẫn còn nạn chen lấn, xô đẩy, ném tiền, cướp lộc trong lễ khai ấn năm nay, bà Cao Thị Tính, Phó chủ tịch thường trực TP.Nam Định, Trưởng ban Tổ chức (BTC) lễ hội đền Trần 2015, cho biết BTC cũng như lực lượng an ninh đã làm hết sức mình. Nhưng trước sức ép của hàng vạn người lao vào cướp lộc thì BTC cũng bất lực. “Trước đó, chúng tôi đã chuyển phát ấn từ đêm sang sáng để tránh chen lấn, cướp ấn. Năm nay, việc giới hạn số người dự rước kiệu và khai ấn trong đền Thiên Trường đã hạn chế tình trạng ném tiền, cướp lộc như mọi năm. Nhưng sau khai ấn, không thể không mở cửa đền cho người dân vào cúng lễ. Và khi đó, không ai có thể cản được cả biển người tràn vào. Tôi thấy tất cả lực lượng công an đều làm việc rất nghiêm túc, ai cũng mồ hôi ướt đầm nên không thể đổ lỗi cho họ”, bà Tính phân trần.
Theo bà Tính, nguyên nhân vẫn còn cướp lộc, ném tiền là bởi người dân vẫn còn tâm lý cầu may, mê tín. “Hàng chục năm nay, chúng tôi đã tuyên truyền rất mạnh về vấn đề này, nhưng không hiểu tại sao mọi người vẫn tin rằng cướp được lộc, lấy được ấn là sẽ may mắn, thăng quan tiến chức”, bà Tính lý giải.
Về việc vẫn còn ăn xin, ăn mày tại đền Trần, vị Trưởng BTC lễ hội đền Trần 2015 khẳng định đã “dọn hết ăn xin, ăn mày ra khỏi khu vực đền Trần trước ngày khai hội”. Nhưng đến ngày khai ấn, lực lượng này lại tìm về nên cũng “hết cách”, vì lúc đó khối lượng công việc phục vụ ngày khai ấn quá lớn.
Khi chuyện tranh lộc thành cuộc ẩu đả
Chưa có kết luận vụ việc cụ thể từ phía Bộ VH-TT-DL, rằng ở Hội Gióng Sóc Sơn có đánh nhau thật hay chỉ là tranh cướp lộc theo truyền thống. Nhưng với nhiều chuyên gia, điều đó gợi đến câu chuyện hồi 2011. Ngay 1 năm sau khi Hội Gióng trở thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, trong lễ hội ấy đã xảy ra xô xát, dẫn tới thương tật vĩnh viễn. Để rồi sau đó, một cuốn phim đã ra đời. “Đã có một dự án làm phim nói lên tiếng nói cộng đồng và giáo dục. Phim có tên Hội Gióng tiếng nói cộng đồng, giúp nâng cao nhận thức và đã phát cho địa phương rồi”, một chuyên gia nhân học nói.
Có thể thấy rõ ý đồ của người làm phim, họ đã để cho người dân Phù Đổng nói lên tiếng nói của mình. Họ nói về quá khứ. Họ cũng nói về cả mất mát khi chuyện tranh lộc bỗng nhiên thành cuộc ẩu đả đẫm máu, mất hết tình làng nghĩa xóm. “Tiếng nói giáo dục từ chính cộng đồng sẽ giúp cộng đồng đó biết phải làm gì trong những năm tiếp theo”, vị chuyên gia nhân học chia sẻ.
Một chuyên gia nhân học giấu tên cho rằng bạo lực trong lễ hội cũng nhiều người đã biết. Nhiều nơi từng bị như thế. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng dù chuyện tranh cướp là bản chất lễ hội, song dẫn đến đánh nhau lại là chuyện cá nhân xích mích. “Bây giờ vấn đề là UNESCO và công ước chẳng bao giờ khuyến khích chuyện đánh nhau. Nó rõ ràng là người với người gây hại cho nhau rồi”, ông phân tích.
Trong khi đó, bà Lê Thị Minh Lý, người năm nào đã thực hiện dự án tuyên truyền cộng đồng ở Phù Đổng, cho rằng cần nâng cao nhận thức cho cả cộng đồng thực hành di sản lẫn cộng đồng hưởng ứng di sản.
“Cái đó UNESCO cũng giúp làm nhiều. Phải đầu tư vào đó và phải làm thường xuyên. Cái đó là giáo dục trong gia đình. Đó là hàng nghìn biện pháp cộng lại mới ra được con người thực hành đúng di sản. Còn chỉ nói trước lễ hội thôi thì làm sao người ta làm được ngay. Phải từ bé, từ trong gia đình. Vấn đề này có nguồn gốc sâu xa thì phải đi từ cơ bản. Không thể cứ ồn lên rồi lại lặn đi, rồi sang năm lại ầm lên mà không biết phải làm thế nào cho nó hết hẳn”, bà Lý nói.
Có thể chấm dứt một số lễ hội
Ông Phan Đình Tân, Chánh văn phòng Bộ VH-TT-DL nói về việc quy trách nhiệm khi lễ hội lộn xộn:
Tình hình lễ hội năm nay không ổn. Liệu có lãnh đạo nào sẽ bị “trảm” không. Phải có ai đó chịu trách nhiệm chứ, thưa ông?
Các sở, các BTC phải chịu trách nhiệm chứ.
Cụ thể là quy thế nào, hay chỉ cảnh cáo?
Thì hiện nay chúng tôi đang rà soát kiểm tra lại. Một số lễ hội không tốt sẽ có thể bị kiến nghị, đề xuất chấm dứt.
Chấm dứt lễ hội có sợ rằng người dân chứ không phải quan chức sẽ bị thiệt đầu tiên không?
Người dân bị thiệt thì người dân phải tham gia lễ hội một cách có trật tự, có văn hoá. Ai cũng muốn bảo vệ quyền lợi, nhưng khi cần có trách nhiệm thì không ai chịu. Rồi cuối cùng cứ đổ lỗi cho cơ quan quản lý nhà nước ở T.Ư thì không phải.
Bao năm qua, bản thân lãnh đạo địa phương cũng không hiểu biết như các chuyên gia, và cũng ít liên kết với chuyên gia. Sắp tới sẽ thay đổi ra sao?
Tôi đồng ý là quản lý ở địa phương cũng có những người hết sức hời hợt, không nắm được về lễ hội. Đồng thời, do sự ngại ngùng, cả nể, rồi không dám đề xuất cái gì để lập lại trật tự lễ hội.
Với những xuyên tạc ý nghĩa lễ hội không phải do không biết, mà vì các mối lợi quá lớn thì Bộ tính sao?
Cái đó sẽ rà soát kiểm tra. Thay đổi nhận thức là quá trình không phải làm ngay được đâu.
Liệu năm nay có lễ hội nào sẽ bị cấm ngay không?
Hiện Bộ đang giao cơ quan chức năng rà soát, đánh giá lại lễ hội, rồi tham mưu. Và trong năm nay sẽ có tham mưu Chính phủ để chỉ đạo; lễ hội nào phản văn hóa, ảnh hưởng hình ảnh quốc gia thì phải cấm. Công đoạn nào của lễ hội cần khu biệt lại cũng sẽ tham mưu. Hiện Bộ đang soạn công văn gửi các tỉnh thành để chấn chỉnh lễ hội.
Trinh Nguyễn
(thực hiện)

Trinh Nguyễn – Văn Đông