27/11/2024

Dưới vòm trời phơi bày nạn ô nhiễm ở Trung Quốc

Bộ phim tài liệu về tình trạng ô nhiễm không khí ở nước này đã thu hút hơn 300 triệu lượt người xem trên Weibo của mạng Sina, chỉ sau năm ngày được công bố.

 

Dưới vòm trời phơi bày nạn ô nhiễm ở Trung Quốc

 

Bộ phim tài liệu về tình trạng ô nhiễm không khí ở nước này đã thu hút hơn 300 triệu lượt người xem trên Weibo của mạng Sina, chỉ sau năm ngày được công bố.

 
 

 

 

Tác giả Sài Tịnh và hình ảnh trong phim tài liệu Dưới vòm trời - Ảnh: cắt ra từ phim Under the dome

Bộ phim tài liệu Dưới vòm trời (Under the dome) của tác giả Sài Tịnh – 39 tuổi, cựu phóng viên Ðài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).

Đây là sự kiện đang gây chú ý dư luận ở Trung Quốc. Một hãng truyền thông của nước này lập hẳn chuyên đề phân tích sự thành công của Sài Tịnh và bộ phim.

Có nhiều phân tích cho rằng bộ phim thành công là do được tung ra ngay thời điểm “vàng” cuối tuần, cộng với nội dung tính “kích động” liên quan đến vấn đề ô nhiễm, một vấn đề vốn dĩ đang được xem là vấn nạn ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng sự thành công của bộ phim này là do tác giả Sài Tịnh đã làm việc rất nghiêm túc, cẩn thận cộng với tài năng sẵn có của một người làm truyền thông chuyên nghiệp. 

Đánh trúng nỗi nhức nhối của nhân gian

Mở màn bộ phim dài 144 phút là phân đoạn Sài Tịnh tự sự về tình trạng của con gái mình.

Ðứa bé được hoài thai trong năm 2013, ngay trong thời điểm mà Bắc Kinh và hơn 24 tỉnh thành khác ở Trung Quốc chìm trong khói bụi ô nhiễm nghiêm trọng.

Khi đó các hãng thông tấn quốc gia Trung Quốc đều gióng hồi chuông cảnh báo Bắc Kinh, Thượng Hải và những khu vực đông bắc nước này đang có mức ô nhiễm cao hơn mức cho phép đến hàng chục lần.

Tháng 10-2013, bé gái con của Sài Tịnh được bác sĩ chẩn đoán có khối u trong ổ bụng trước khi bé chào đời.

Biết rõ bệnh tình của thai nhi, cựu nhân viên dẫn chương trình này đã quyết định nghỉ việc để có thời gian chăm sóc và chạy chữa cho con khi ra đời. Trong một năm nghỉ việc, Sài Tịnh cũng hoàn tất bộ phim tài liệu này.

Do lấy bối cảnh bệnh tình của con gái mở đầu bộ phim nên Sài Tịnh đã gặp không ít hoài nghi. Thêm vào đó cô sinh con gái tại Mỹ, nên có một số ý kiến chỉ trích rằng cô là “kẻ đạo đức giả và phản bội tổ quốc” khi làm bộ phim “tố cáo” nạn ô nhiễm môi trường ở nước nhà.

Song đại đa số ý kiến người dân Trung Quốc đã đứng về phía Sài Tịnh bởi người dân Trung Quốc cho rằng cô đã nói hộ “nỗi nhức nhối của vạn người” về nạn ô nhiễm.

Kim Thác Lực, một cư dân Bắc Kinh, cho rằng khi xem phim cô cảm nhận tác giả đã cố tránh nói trực tiếp mối quan hệ nhân quả giữa tình trạng “khói bụi” và bệnh tình của con gái.

Kim khẳng định là một người mẹ nên cô hiểu nỗi đau đáu với vấn nạn ô nhiễm khói bụi của tác giả khi làm nên bộ phim.

Cụ thể là đoạn Sài Tịnh trưng ra các tài liệu cho thấy nhiều trẻ sơ sinh ở Trung Quốc đã bị viêm phổi đến mức không thể được ra khỏi nhà.

Kim cho biết cô cũng có con nhỏ nhưng vì thành phố Bắc Kinh luôn chìm ngập trong làn khói bụi dày đặc nên cô thường xuyên khoá trái cửa, nhốt con trong nhà để an toàn cho sức khỏe.

Thậm chí cô còn mua thêm máy lọc không khí để bảo vệ hệ hô hấp của con. “Con tôi thường trèo đến bên cửa sổ để nhìn đoàn tàu lửa chạy phía xa, những đứa trẻ khác ở Bắc Kinh cũng thế” – Kim cho biết. 

Hàng triệu lượt xem

Sài Tịnh từng nói cô và “khói bụi có ân oán với nhau” và cô làm nên bộ phim này là muốn cho con gái hiểu khi bé lớn lên rằng: “Khói bụi là gì và nó có từ đâu, chúng ta phải làm gì với nó”. Chính vì lẽ đó, bộ phim được đông đảo khán giả Trung Quốc hưởng ứng ngoài mức dự kiến.

Theo thống kê của một trang web Trung Quốc, đã có khoảng 117 triệu lượt người xem ngay trong 24 giờ đầu phim được tung ra hôm 28-2.

Nhiều người Trung Quốc đặt câu hỏi: Vì sao giới chức Trung Quốc chi tiền tỉ, rầm rộ mở hàng loạt chương trình tuyên truyền liên quan đến vấn nạn ô nhiễm nhưng thường bị người dân thờ ơ?

Trong khi Sài Tịnh chỉ là một người dẫn chương trình truyền hình và kinh phí làm phim là do cô tự bỏ ra (khoảng 159.000 USD) mà đã làm lay động hàng triệu lượt người trên đất Trung Quốc.

Trang tin 163.com dẫn nhiều ý kiến cho rằng bộ phim thành công ngoài mức dự kiến là do tác giả đã có góc nhìn độc lập, chân thật, thái độ làm việc nghiêm túc và cẩn thận về đề tài này.

Quan trọng hơn là cô dám bóc trần sự thật một cách rất khôn khéo về “vấn nạn” mà ai cũng biết nhưng không làm gì được ở Trung Quốc.

Lưu Tân Chính, một người làm trong ngành truyền thông, đánh giá Sài Tịnh luôn nuôi đề tài và chăm sóc nguồn tin rất chu đáo ở mỗi nơi cô từng đi qua. Cô lặn lội đến những tỉnh thành có mức ô nhiễm nặng nề như Sơn Tây để phỏng vấn các em bé ở đó.

Chính những thước phim này đã đánh động lòng trắc ẩn của người Trung Quốc về “vấn nạn ô nhiễm không khí” nặng nề đang nhan nhản khắp nước này.

Tại vùng mỏ Sơn Tây, hình ảnh bé gái Vương Huệ Cầm, xuất hiện trong đoạn phỏng vấn của Sài Tịnh, đã trả lời rất ngây thơ rằng: “Con chưa bao giờ thấy các vì sao, chỉ thấy một chút bầu trời xanh nhưng con chưa bao giờ thấy mây trắng”.

Câu trả lời đã làm nhức nhối bao người trưởng thành.

Ðược sự cho phép của chính phủ

Ngay sau khi Dưới vòm trời được công bố, Bộ trưởng Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc Trần Cát Lâm trả lời trên tờ Nhân Dân Nhật Báo rằng ông rất muốn cảm ơn Sài Tịnh vì những gì cô đã làm.

“Cô ấy đã đánh thức dư luận quan tâm hơn tới môi trường từ góc nhìn sức khỏe cộng đồng. Cô ấy đáng được chúng ta tôn trọng” – ông Trần nói.

Các nguồn tin từ CCTV cho biết Sài Tịnh đã tự thực hiện bộ phim.

Trong một năm ròng cô một mình tìm phỏng vấn người dân ở các nơi bị ô nhiễm, phỏng vấn giới chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, bảo vệ môi trường và nhiều người trong các lĩnh vực khác ở Trung Quốc và cả nước ngoài.

Song các nhà sản xuất bên trong CCTV đã hỗ trợ làm hậu kỳ cho phim của cô ấy.

Nhân Dân Nhật Báo dẫn lời Sài Tịnh cho biết cô đã gửi bản gốc của bộ phim và những băng ghi âm ghi hình phỏng vấn nhân vật cho Quốc vụ viện Trung Quốc, cũng như văn phòng chính phủ chuyên trách về luật dầu khí mới của Trung Quốc.

Sài Tịnh khẳng định hai nơi này đều có bình luận và phản hồi về bộ phim của cô.

MỸ LOAN – D.KIM THOA