10/01/2025

Lễ hội bị biến thành nơi trục lợi

Lễ hội đang như một sân kinh doanh rộng với nhiều mặt trái, trong khi nhà quản lý lại lúng túng khi quản lý việc kinh doanh này.

 

Lễ hội bị biến thành nơi trục lợi

 

 

Lễ hội đang như một sân kinh doanh rộng với nhiều mặt trái, trong khi nhà quản lý lại lúng túng khi quản lý việc kinh doanh này.

 

 

 

Du khách ném tiền lẻ kín mặt trống đồng trên tháp chuông để cầu may trong ngày khai hội chùa Bái Đính, Ninh Bình - Ảnh: Đinh Dụng

Du khách ném tiền lẻ kín mặt trống đồng trên tháp chuông để cầu may trong ngày khai hội 
chùa Bái Đính, Ninh Bình – Ảnh: Đinh Dụng

Bất chấp việc lên tiếng “giải thiêng” của các nhà nghiên cứu về lá ấn đền Trần Nam Định, người dân vẫn đổ ùn ùn tới xin để được thăng quan tiến chức.

Thị trường hóa lễ hội
 
 
Lễ hội bị biến thành nơi trục lợi - ảnh 2

 

Tâm lý đám đông cộng với sự non kém của tri thức tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa nói chung và cả sự mông muội mê tín đã khiến họ lấy bản văn đóng ấn làm sợi dây tự trói mình mỗi mùa lễ hội ban ấn đầu xuân. Chính ý thức này, tư tưởng này đã tạo ra những hạn chế tiêu cực trong lễ hội

 

Lễ hội bị biến thành nơi trục lợi - ảnh 3
 

 

PGS-TS Nguyễn Công Việt
Viện trưởng Viện Hán Nôm

 

 

Trước tình trạng trên, PGS-TS Nguyễn Công Việt, Viện trưởng Viện Hán Nôm, nhận xét: “Tâm lý đám đông cộng với sự non kém của tri thức tín ngưỡng tôn giáo, văn hoá nói chung và cả sự mông muội mê tín đã khiến họ lấy bản văn đóng ấn làm sợi dây tự trói mình mỗi mùa lễ hội ban ấn đầu xuân. Chính ý thức này, tư tưởng này đã tạo ra những hạn chế tiêu cực trong lễ hội”. Trong khi đó TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Tôn giáo, đánh giá việc bán ấn chính là một thể hiện rõ ràng của kinh tế hoá lễ hội, trong đó có cả nghĩa tiêu cực. “Một lá ấn thậm chí đã bị xuyên tạc ý nghĩa để có thể bán được”, ông nói.

PGS-TS Trương Quốc Bình, Uỷ viên Hội đồng di sản quốc gia, lo ngại đang có những quan niệm sai trái về ấn lộc được phát tại không ít các lễ hội dân gian ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương… “Đặc biệt là ấn đền Trần được nhiều người ngộ nhận là phương tiện để thăng quan tiến chức, thuận lợi trong việc mua bán quan chức, trong những năm gần đây khiến dư luận và công luận hết sức bức xúc”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường nên có xu hướng giá trị kinh tế đang lấn át giá trị văn hoá. Từ đó dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng, là lợi ích nhóm nên tập trung khai thác giá trị kinh tế… “Trong thực tế có những mạnh thường quân bỏ tiền của tài trợ cho lễ hội chỉ với mục đích nhằm đánh bóng tên tuổi của mình, điều ấy đồng nghĩa với việc lễ hội truyền thống trở thành nơi phô trương, hình thức hoặc bị biến dạng, không giữ được bản sắc văn hoá vốn có của nó”, ông Bình nói.
TS Nguyễn Hữu Thức, Ban Tuyên giáo T.Ư, thì đánh giá hoạt động lễ hội hiện nay đang có xu hướng “lễ lấn hội”. Đi lễ là chính. Càng ở những nơi trung tâm tín ngưỡng dân gian thì số người đến lễ hội chủ yếu là lễ. Ông Thức dẫn báo cáo dư luận xã hội về lễ hội năm 2010 của Viện Văn hoá nghệ thuật VN cho biết 58,2% số người được hỏi trả lời đi lễ hội có cúng lễ; 33,6% tham dự lễ hội chủ yếu là cầu tài, cầu lộc, cầu phúc; 21,6% đi lễ lấy may đầu năm.
Ẩu đả tại lễ hội đền Gióng - Ảnh: Chí Toàn

Ẩu đả tại lễ hội đền Gióng – Ảnh: Chí Toàn

“Đây là biểu hiện bất thường, trong khi đó ở các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á đang có xu hướng hội dần lấn lễ. Việc xóc thẻ, xin quẻ bói vận mệnh ở một số lễ hội; việc xin ấn tín mong thăng quan tiến chức ở lễ hội đền Trần (Nam Định); xin túi lương ở lễ hội Trần Thương (Nam Hà); việc xin cây vàng, cây bạc ở đền bà Chúa Kho (Bắc Ninh); việc lên đồng gọi hồn ở lễ hội Phủ Giày (Nam Định)… là những biểu hiện của hoạt động tâm linh trong lễ hội, đang diễn biến phức tạp, thu hút nhiều người quan tâm và tham gia”, ông phân tích.
Biển lận công đức, mờ ám tài chính…
 
 

Theo ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH-TT-DL Lào Cai, hiện chúng ta cũng chưa có quy định về công khai tiền công đức cũng như có chế tài về điều đó.

 
“Một trong những cơ chế, chế tài là phải chịu thanh tra. Tuy nhiên, thanh tra chuyên ngành lại không được quyền thanh tra tài chính. Thanh tra bộ, tỉnh đi thanh tra, muốn kiểm tra tiền là chịu vì không có cái quy phạm đó. Phải đẻ ra quy định đấy”, ông Sơn nói.

 

 

PGS-TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật VN, cho rằng đã có những hiện tượng phản văn hóa như thương mại hoá hoạt động nghi lễ (dịch vụ vàng mã, khấn thuê, đánh bài ăn tiền…), bất minh hoặc quản lý lỏng lẻo di tích, lễ hội (biển lận tiền công đức, mờ ám trong tài chính, đưa người thân vào hoạt động dịch vụ tư nhân…).

TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH-TT-DL Lào Cai, nhìn nhận đúng là có chuyện kiếm lợi khủng từ kinh doanh lễ hội. “Kinh doanh lễ hội gắn với di tích. Chứ lễ hội mà không gắn với di tích thì không lãi bằng lễ hội gắn với di tích. Một lễ hội truyền thống không gắn với di tích thì người ta cũng đến nhưng cúng tiền ít hơn. Nếu gắn với đó thì ban quản lý di tích có thu tiền, dù lấy tên là tiền công đức hay tiền giọt dầu, càng nhiều càng tốt”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Sơn thừa nhận khó phân định hiện tượng kinh tế hoá lễ hội là xấu hay tốt. “Ngày xưa người ta lên chùa làm lễ bình thường. Thậm chí có nhà nho nghèo cũng đi lễ. Nhưng kinh tế giờ hơn trước rất nhiều rồi. Kinh doanh lễ hội đã là dịch vụ, một nghề không thể cấm. Vì thế, quan trọng là quản lý nó như thế nào”, ông nói.
Theo ông Sơn, chính vì quản lý non kém nên tổng số thu ở lễ hội có di tích bao nhiêu thì không ai biết. Từ chỗ không ai biết nên dẫn đến chuyện chính quyền không quản và bèn khoán thu. “Dẫn đến chuyện người ta bắt đền nọ phủ kia nộp 5 – 10 tỉ đồng đấy. Đã khoán như thế thì người ta sẽ mở nhiều dịch vụ để thu bù. Thậm chí có những cái họ thừa biết là mê tín dị đoan, không được phép nhưng cứ mở ra nhiều dịch vụ.
Chẳng hạn tại sao có nhiều hòm công đức như thế, nhưng vì khoán nên người ta cứ mở ra và người ta cứ thu thôi. Theo luật thì chỉ được 3 hòm công đức một di tích. Điều đó chỉ là lý thuyết, chứ trên thực tế chẳng có di tích nào chỉ 3 hòm công đức cả. Vì tận thu. Một loạt miếu phủ xây thêm ra tạo thành quần thể liên hoàn. Rồi di tích đó biến dạng đi”, ông Sơn phân tích.

Trinh Nguyễn