26/11/2024

Khi lễ hội làng trở nên dung tục…

Vừa là người trong cuộc vì cũng có trong tâm thức mình hình ảnh lễ hội, vừa là người khách quan ở vị trí của người quan sát, đạo diễn Đào Thanh Tùng đã chia sẻ với PV Tuổi Trẻ suy nghĩ của ông về lễ hội.

 

Khi lễ hội làng trở nên dung tục…

 

Vừa là người trong cuộc vì cũng có trong tâm thức mình hình ảnh lễ hội, vừa là người khách quan ở vị trí của người quan sát, đạo diễn Đào Thanh Tùng đã chia sẻ với PV Tuổi Trẻ suy nghĩ của ông về lễ hội.

 

 

Hát quan họ trên thuyền là một nét văn hóa đặc sắc tại các lễ hội làng ở Bắc Ninh, nhưng việc hát xong xin tiền lì xì là một biến tướng xấu. Ảnh chụp tại lễ hội làng Ném Thượng ngày 24-2-2015 – Ảnh: Trịnh Quốc Trung

* Sinh ra từ làng, trong ký ức của ông, lễ hội làng ra sao?

– Làng quê bao giờ cũng có truyền thống riêng, suy nghĩ riêng, chỉ cần nghe giọng nói thôi người ta cũng hiểu mình sinh ra từ đâu.

Trong một khoảng thời gian dài người ta sợ bị nhận diện là người nhà quê, người ta cố gắng bắt chước giọng thành phố để hòa nhập nhưng văn hoá làng thì nằm trong sâu thẳm tâm thức mỗi con người, có muốn thay đổi cũng khó.

Quê tôi ở làng Nôm (Hưng Yên), có chùa làng, đình làng, đền của làng và có những lễ hội đầu năm. Ðó là những thiết chế văn hoá quan trọng vì nó cho thấy ngôi làng đó có phải làng cổ không, có hình hài của một ngôi làng tiêu chuẩn không.

Hội làng trong ký ức của tôi mỗi năm sau tết là dịp để con cháu ở xa trở về, thắp nén hương cho ông cha tiên tổ.

* Khi làm phim tài liệu, ông đã tiếp cận lễ hội Việt như thế nào? Ông thấy lễ hội biểu hiện cho nét gì của văn hoá Việt?

– Tôi càng học nhiều thì thấy những thứ mình học về văn hóa thật ra đang sống đâu đó trong tiềm thức, dù có cái có vẻ như bảo thủ lạc hậu vô lý nhưng nó vẫn tồn tại. Lễ hội thì dễ giải mã thôi. Phần lễ là tín ngưỡng, là sự thiêng liêng, là mật mã riêng được truyền đời qua nhiều thế hệ.

Phần hội thì dân gian, là vui chơi, là cộng đồng. Nhiều khi tôi thấy các nhà văn hóa đang cố can thiệp vào sự thiêng liêng của phần lễ khi đưa ra những nhận định, lý giải, thậm chí là chú giải, còn các nhà quản lý văn hoá thì cố gắng can thiệp định hướng các lễ hội dân gian khiến cho lễ hội trở nên lạc lõng, nhạt nhẽo và thậm chí là biến tướng. Người dân địa phương cũng dần từ chối…

* Ðã có nhiều năm lễ hội gần như bị ngăn trở, nhưng rồi được “cởi trói và phục dựng”. Sự phục dựng đó có hơi ồ ạt và hào hứng quá dẫn đến những hệ luỵ sau này?

– Ðúng là có thời kỳ nhiều lễ hội bị ngăn trở, rồi phục dựng, ban đầu rất truyền thống. Như tôi thấy rõ nhất là lễ hội phồn thực ở làng Tứ Xã (Lâm Thao, Phú Thọ, cũng là quê của ông “Tổng Cóc” - chồng của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương), còn gọi là lễ hội “linh tinh tình phộc”.

Cứ mỗi năm đến đêm lễ, họ sẽ chọn ra người nam người nữ rồi dùng các linh vật tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam nữ để đến giờ thiêng thì đâm vào nhau. Nghe miêu tả thì có thể thấy tục nhưng đó thật ra là bản chất của sự sống, của vạn vật sinh sôi. 

Thế rồi, truyền thông đến, người ta tò mò háo hức đến xem. Lễ hội riêng của làng đã thành một nơi chốn tò mò cho dân tứ xứ. Người làng họ bắt đầu bán vé, người ta bắt đầu chụp ảnh quay phim, bãi giữ xe thu tiền xuất hiện, người bán hàng rong đông đúc… Lễ hội bắt đầu trở nên dung tục.

Hay như hội Lim, từ khi phục dựng thì người biết sẽ chẳng ai lên đồi nghe hát qua loa đài, xem quan họ xin tiền, nhìn liền anh liền chị nhễ nhại nhem nhuốc mồ hôi giữa vòng vây của người xem hội.

Vẫn có những người âm thầm về nhà ngồi hát đối nhẹ nhàng với nhau, ăn trầu uống trà, ấy là cái phần lễ còn giữ được. Chứ lên đồi nghe hát giữa ồn ào nhộn nhạo ấy có còn tính văn hoá nữa không?

* Sự biến thái của lễ hội, ông có quan tâm không? Về những mê tín dị đoan, ăn mày lộc thánh, thậm chí là xâu xé, đánh đập để tin rằng miếng lộc thánh bằng cả gánh lộc trần?

– Ðó không phải là bản chất dân tộc như nhiều người đang cực đoan nhận định. Theo tôi, đó chính là sự biến thái sinh ra bởi hiệu ứng đám đông. Ðám đông thấy chỗ nào đông thì chen vào, thấy người ta phát lộc thì xin lộc, thậm chí là cướp lộc.

Một người làm được thì hai người bắt chước, nơi này làm được thì nơi khác bắt chước, truyền thông và mạng Internet lại vô hình trung cộng hưởng. Họ bắt chước nhau đơn giản như anh có xe máy, tôi cũng phải có thôi.

Như phát ấn đền Trần hay vay tiền bà Chúa Kho, người quyền cao chức trọng, người giàu có còn đến ăn mày lộc thánh thì tại sao người dân lại không bắt chước? Có mấy ai chịu hiểu rằng cái gốc ban đầu của tích phát ấn hay bà Chúa Kho đâu phải để thăng quan tiến chức, để vay tiền kinh doanh?

* Vậy theo ông, cách nào để lễ hội trở về với những giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp như xưa? Người dân và cơ quan quản lý phải ý thức được điều gì?

– Theo tôi, phần lễ thì các cơ quan nhà nước và quản lý văn hoá không thể và không nên can thiệp vào vì đó đã là mật mã của làng. Phần hội nên quản lý vì đây chính là sự phức tạp biến tướng nhất, đặc biệt là về an ninh trật tự. Khi người dân kiếm được tiền từ lễ hội thì chính họ sẽ làm hỏng lễ hội.

Tôi cũng không chịu được sự loạn di sản, các cụ dường như cụ nào cũng muốn hội làng mình, ngôi làng mình ở có di sản quốc gia, thậm chí là di sản cấp thế giới.

Ðây cũng chính là lỗi của các nhà nghiên cứu văn hóa, các sinh viên văn hoá, các nhà quản lý văn hoá muốn ghi dấu ấn của mình vào sự phát triển nhưng thật ra lại đang làm hỏng các thiết chế văn hoá mang tính tinh thần của sự nguyên sơ thấm đẫm văn hoá làng thuở ban đầu.

Cái sự loạn di sản cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm biến thái lễ hội vốn mang nhiều tính địa phương hẹp trước đây của mỗi cộng đồng làng xã! 

   Ảnh: C.K.

Đạo diễn Đào Thanh Tùng – phó giám đốc Hãng Phim tài liệu và khoa học T.Ư – là tác giả của bộ phim tài liệu về lễ hội nổi tiếng Tín ngưỡng phồn thực của người Việt cùng nhiều phim khác như Mặt trời màu gì (Hội đồng phim khoa học Pháp trao tặng giải thưởng Bichat), phim Câu chuyện cải táng (phát sóng trên kênh Discovery) và rất nhiều phim tài liệu đã giành giải Bông sen vàng, Cánh diều vàng trong gần 20 năm qua… 

 

CÁT KHUÊ thực hiện