09/01/2025

Thượng võ hay tranh cướp ?

Những cuộc tranh cướp ấn, hoa tre, chiếu trong lễ hội. Ẩu đả và máu. Và người ta băn khoăn, liệu có phải tranh cướp và đánh nhau là truyền thống của nhiều lễ hội dân tộc?

 

Thượng võ hay tranh cướp ?

 

Những cuộc tranh cướp ấn, hoa tre, chiếu trong lễ hội. Ẩu đả và máu. Và người ta băn khoăn, liệu có phải tranh cướp và đánh nhau là truyền thống của nhiều lễ hội dân tộc?

 

 

Lễ hội đền Gióng ở Gia Lâm (Hà Nội) - Ảnh: Ngọc Thắng

Lễ hội đền Gióng ở Gia Lâm (Hà Nội) – Ảnh: Ngọc Thắng

Trước khi trở thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại của UNESCO, hội Gióng chỉ là một hội của làng. Giờ đây, tiếng lành đồn xa, lễ hội đông hơn trước. Năm nay, cuộc tranh cướp hoa tre theo truyền thống đã có ẩu đả, đổ máu. Hội Gióng “ghi danh ngược” vào danh sách những lễ hội có tranh cướp mà nhiều người phải lắc đầu chán ngán. “Nếu thực sự có đánh nhau như thế thì không hay”, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, nói.
Tuy nhiên, điều lớn hơn là truyền thống đã trở thành điều gây tranh cãi. Tục tranh giành như vậy thể hiện tinh thần thượng võ hay hiếu chiến, lễ hội đang đi đúng như truyền thống hay biến tướng? “Tôi nghĩ bây giờ tranh cướp được hiểu và thực hành theo nghĩa xấu. Người ta không hiểu vì sao lại có những hành động tạo ra hỗn loạn như vậy”, một vị tiến sĩ dân tộc học chia sẻ.
Sự hỗn mang hình thành vũ trụ
Theo GS Trần Lâm Biền, không nên nhìn sự hỗn độn trong lễ hội, cụ thể hơn là những chuyện tranh cướp tại lễ hội như một điều gì đó xấu xa. Bản thân hành vi đó cũng có nguồn gốc văn hoá. Theo ông, người Việt là cư dân sản xuất theo chu trình thời gian khép kín của mùa màng trong một năm. Thời gian này được lặp đi lặp lại gần như không đổi. Vì thế, ứng xử tâm linh cũng như hành động trong lễ hội ít khi chú ý tới tính bạo liệt hình thức, mà hầu như tất cả đều hướng đến hiện tượng uyển chuyển, mềm mại, nhịp nhàng đầy chất trữ tình.
 
 
Thượng võ hay tranh cướp ? - ảnh 2
Truyền thống không có lỗi gì cả, chỉ có người cụ thể có lỗi thôi. Cái đấy thì phải có luật lệ để ngăn cản, chứ đâu phải có chuyện là cấm

Thượng võ hay tranh cướp ? - ảnh 3
 
Một tiến sĩ của Viện Nghiên cứu văn hoá

 

Cũng theo ông Biền, đồng thời, từ nhận thức về thời gian như nêu trên, người Việt còn đồng nhất thời gian của một năm với thời gian lịch sử. Trong đó có khởi đầu là thời kỳ hỗn mang, ăn lông ở lỗ của “thời gian chiêm bao” không có trật tự, thời kỳ hỗn độn… Cho nên trước khi đi vào những “tiết mục” chính, người ta thường hay trở về với không gian và thời gian của thời hỗn mang, cụ thể là bằng vào những hành động ẩn chứa sự mất trật tự.

GS Biền phân tích: “Có thể lấy một vài ví dụ cụ thể như: chuyện cướp cột và dô ông Đám ở đền Đồng Kỵ. Vào đúng lúc giao thừa, thanh niên của các giáp đưa ông Đám của mình vào cướp chiếc cột cái ở bên trái sát hậu cung. Nhưng khi ôm được cột ấy thì thanh niên các giáp khác lại kéo ra, để ông Đám của mình ôm. Hiện tượng này vô cùng mất trật tự và chỉ nhằm một mục đích là tạo nên sự “ồn ào hỗn mang”.
Cũng theo vị GS này, tương tự, ở chuyện dô ông Đám, thanh niên các giáp nâng ông Đám của mình lên rồi cùng kết lại dưới một đường tròn khép kín chuyển động ngược chiều kim đồng hồ, nhưng vừa đi vừa chen lấn để cố vượt lên. Thực tế, trong một vận động, không có đầu và đuôi thì sự xô đẩy này cuối cùng trở nên mất trật tự một cách rõ rệt. Chỉ tới ngày mùng 4 tháng giêng, khi làm lễ bốc thăm, thì trật tự mới được lập lại và giải toả.
Việc tranh cướp, chen lấn, xô đẩy “hỗn độn” còn thể hiện ở một số trường hợp khác, là hiện tượng cướp hoặc vật cầu. “Nếu chưa đưa được cầu vào lỗ, mà chỉ quan tâm đến hiện tượng cướp thì rõ ràng ở sự reo hò, trong khi không có bất kể một quy định nào cho luật chơi, thì sự mất trật tự đã được đẩy lên tới đỉnh điểm”, ông cho biết. Theo ông, gần đây vật cầu vẫn mất trật tự, vẫn mang bóng dáng như quay về với thời kỳ “hỗn mang”. Tuy nhiên, nhiều khi người ta còn cố tình tạo nên một hình thức gần gũi hơn nữa với tự nhiên như đổ nước ra sân vờn cầu.
Cùng với hiện tượng vờn cầu, người ta còn tìm thấy việc trở về với sự mất trật tự (thời kỳ hỗn mang) ở hiện tượng cướp gậy của làng Sơn Đồng, cướp kén, cướp cây bông, ném đá chùa Hương hay hội chen ở Hà Bắc. Rõ ràng, tính chất của hội cũng đã nhìn thấy yêu cầu về sự kết hợp của âm dương gắn với nông nghiệp, nhưng sự trở về với thời kỳ đầu lịch sử vẫn là một điểm nổi trội để sau đó có một thời điểm sang trang, như lễ mở cửa rừng (mùng 6 tháng giêng) ở Yến Vĩ, Đục Khê hay mở hội ở Đồng Kỵ (mùng 4 tháng giêng).
Không thể đổ lỗi cho truyền thống
Một tiến sĩ của Viện Nghiên cứu văn hóa chia sẻ, đây không phải lần đầu tiên hội Gióng có đánh nhau gây chấn thương. “Nhưng không thể vì thế mà cấm hội, cấm những trò vui trong hội được. Vấn đề là ý thức của người dân phải được rèn luyện, học hỏi. Ngày xưa ở làng xã vẫn có những chuyện như thế, người ta tranh cướp nhau cái chiếu, cái hoa tre của hội Gióng từ mấy trăm năm rồi, nhưng không đến mức đánh nhau vỡ đầu. Đánh nhau vỡ đầu là do những chuyện xích mích khác”, vị này nói.
Cũng theo ông: “Truyền thống không có lỗi gì cả, chỉ có người cụ thể có lỗi thôi. Cái đấy thì phải có luật lệ để ngăn cản, chứ đâu phải có chuyện là cấm”.
PGS-TS Trịnh Hòa Bình cho rằng đề kháng văn hóa đang đi xuống trên cơ sở văn hoá xuống cấp. Vì thế, ứng xử của nhiều cá nhân không theo chuẩn cũ, họ cũng dễ nổi nóng hay tìm cách “tự xử” khi có mâu thuẫn hơn.
Một lãnh đạo của Bảo tàng Dân tộc học đánh giá hiện nay việc tranh cướp trong lễ hội đang được hiểu và thực hành theo nghĩa xấu. Nhiều người không hiểu về ý nghĩa tạo lập, cái hỗn mang của vũ trụ. Thay vào đó, họ nghĩ đến chuyện mạnh được yếu thua và cay cú phải giành cho bằng được. “Xét cho cùng, nó là hệ quả của đứt đoạn văn hoá, đứt đoạn truyền thống. Trải qua mấy chục năm kháng chiến, chúng ta quay lưng lại với cái gọi là phong kiến. Sau đó, khi phục hồi lễ hội lại mất đi cái nguyên nghĩa. Như thế, chúng ta chỉ phục hồi được hiện tượng”, ông nói.
“Lớp người trẻ tiếp nhận lại thứ truyền thống lễ hội mà với họ xét cho cùng lại là thứ mới nhập”, vị lãnh đạo này phân tích. “Do đó người ta không ý thức được đúng đắn tâm thế văn hóa như lớp già ngày xưa, của nếp cũ. Cướp lộc cũng thế. Họ hiểu đó như một trò thể thao ấy, chứ không phải như với các cụ già. Cho nên cứ nói là khôi phục nhưng nếu không tuyên truyền về nguồn gốc văn hoá thì sẽ nguy hiểm như thế. Phải trao truyền cho đời sau rằng cái tục thờ đó là sao, ý nghĩa thế nào về tâm linh về văn hoá”.
Về điều này, ông Phạm Xuân Phúc cho rằng bên cạnh tuyên truyền ý nghĩa, bản thân các địa phương phải siết chặt về an ninh. “Thanh tra bộ vẫn đi kiểm tra liên tục, nhưng cái này chính quyền địa phương phải lo. Tuy nhiên, cá nhân tôi đánh giá đó là ý thức riêng lẻ của từng người dân thôi. Chứ làm gì có ai xui bẩy, hay có yếu tố đánh nhau có tổ chức gì. Chỉ là tranh cướp rồi giằng co sinh mâu thuẫn, đó là ý thức, văn hoá ứng xử và kỹ năng sống của chính người tham gia thôi, chứ không thể đổ lỗi cho truyền thống”, ông Phúc nói.

Trinh Nguyễn