09/01/2025

Phải thay đổi cách kiểm soát giao thông ở nông thôn

9 ngày nghỉ Tết Ất Mùi 2015, tai nạn giao thông (TNGT) giảm số vụ so với Tết Giáp Ngọ 2014, tuy nhiên số người chết năm nay lại tăng cao cho thấy TNGT nghiêm trọng hơn.

 

Phải thay đổi cách kiểm soát giao thông ở nông thôn

 

9 ngày nghỉ Tết Ất Mùi 2015, tai nạn giao thông (TNGT) giảm số vụ so với Tết Giáp Ngọ 2014, tuy nhiên số người chết năm nay lại tăng cao cho thấy TNGT nghiêm trọng hơn. 

 

 

 

 

Ảnh: T.Phùng

Điểm đáng chú ý là địa bàn xảy ra tai nạn năm nay chủ yếu ở khu vực nông thôn.

Ông Khuất Việt Hùng – phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia – phân tích về tình hình TNGT năm nay.

Trước hết, số người chết vì TNGT dịp tết chủ yếu là tai nạn xe máy với nhau, giữa ôtô và xe máy, không có tai nạn xe khách. Phần lớn tai nạn xảy ra ở địa bàn nông thôn và quốc lộ ngoài đô thị.

Một vấn đề được nhận thấy sau kỳ nghỉ tết này là chọn trọng điểm trọng tâm để tuần tra, kiểm soát giao thông. Thực tế trước tết ở trong đô thị, trên trục giao thông chính mật độ giao thông đông. Còn trong những ngày tết thì trong đô thị vắng, ngoài đô thị, nông thôn lại đông.

Đáng ra trong những ngày tết phải có phương án kiểm soát giao thông ở nông thôn và đường ngoài đô thị khi nhu cầu giao thông dịch chuyển về địa bàn này lớn gấp nhiều lần.

Trong khi đó lực lượng tuần tra, kiểm soát ở nông thôn rất mỏng. Hiện nay bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát theo địa bàn, cấp tỉnh chỉ tuần tra trên quốc lộ. Còn lực lượng cấp huyện, cấp xã không thể đảm đương được trật tự ATGT trên địa bàn.

Thứ hai, khi phân tích nguyên nhân tai nạn thì chủ yếu do phóng nhanh vượt ẩu, lấn đường và lạm dụng bia rượu, không đội mũ bảo hiểm. Hầu hết hành vi này đều có nguồn gốc từ trạng thái kích thích thần kinh sau khi uống rượu bia.

Thứ ba, mặt đường liên thôn liên xã ở nông thôn nay tốt hơn nhưng tổ chức giao thông, cảnh báo an toàn và kết nối giữa đường nông thôn với tỉnh lộ đều hạn chế. Đường nông thôn đa số là đường làng cũ đổ bêtông, không có tiêu chuẩn về bán kính cong, tầm nhìn cũng dễ xảy ra tai nạn khi nhu cầu đi lại đông.

Điều CSGT đến địa bàn người dân về nghỉ tết đông

* Như vậy giải pháp để giảm thiểu TNGT ở địa bàn nông thôn, ngoài đô thị sẽ được thực hiện thế nào?

– Có hai vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất là tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát những địa bàn dân cư tập trung về nghỉ tết, tham gia lễ hội. Cục CSGT (C67) có thể tăng cường lực lượng cho tỉnh để tỉnh đưa lực lượng của mình đến địa bàn nông thôn.

Hay có thể điều CSGT từ tỉnh này sang tỉnh khác. Đấy là câu hỏi đặt ra để tính toán phương án. Nếu địa bàn nào có mật độ, nhu cầu đi lại tăng thì thực hiện vì lực lượng công an xã không đủ khả năng giải quyết.

Thứ hai, vào dịp tết và lễ hội có phương án tăng cường vận tải công cộng cho địa bàn nông thôn. Dù còn có tình trạng chở quá số người, thu quá giá vé nhưng vận tải trên tuyến Bắc – Nam, từ thành phố lớn về các địa phương làm tương đối tốt.

Còn ở nông thôn không có vận tải công cộng, không có taxi. Việc đi lại dịp tết đông nhưng đều phụ thuộc vào xe máy nên tỉ lệ tai nạn xe máy tăng.

Vì vậy cũng cần đặt ra bài toán có thể ngày tết điều chỉnh taxi ở Hà Nội về các địa bàn nông thôn được không?

Đối với địa bàn lễ hội cũng cần tăng cường xe khách tuyến cố định và xe buýt (nếu có), tăng cường chất lượng xe hợp đồng, taxi tại khu vực lễ hội. Có phương án tổ chức sẽ giảm được việc người dân sử dụng xe cá nhân đi đến lễ hội và đi lại trong khu vực lễ hội.

Năm nay trong báo cáo Thủ tướng, Uỷ ban ATGT quốc gia cũng đề cập việc tiếp tục tăng cường mạng lưới xe khách tuyến cố định, xe buýt để giảm hoạt động xe cá nhân, xe máy trên quốc lộ.

* Các giải pháp trên có thể áp dụng cho tết năm tới?

– Những vấn đề như tăng cường lực lượng cấp trên cho cấp dưới có thể làm ngay như Hà Nội đã tăng cường 200 cảnh sát cho huyện Mỹ Đức dịp lễ hội chùa Hương. Phương án rộng cho cả nước thì thực hiện dịp tết. Còn các địa phương thực hiện theo địa bàn của mình.

Các tỉnh có ít CSGT có thể tăng cường từ C67 xuống để người của C67 đảm bảo ở quốc lộ. Còn lực lượng của tỉnh đến địa bàn trọng điểm khác của tỉnh. Khi đã có phương án tổng thể, chắc chắn phía công an làm được vì công an có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất từ cấp bộ.

Một thiếu niên không đội mũ bảo hiểm lái xe tại huyện Mộc Châu (Sơn La) – Ảnh: T.T.D.

Vẫn có khả năng con số thống kê thấp hơn thực tế

* Sau tết, nhu cầu đi lại bằng xe khách nhiều, tình trạng nhồi nhét khách, chạy ẩu được ngăn chặn thế nào? Dù đã có nhiều chỉ đạo từ các cấp nhưng vẫn xảy ra tình trạng nhồi khách thì có thể hiểu là lực lượng thực thi trực tiếp chưa làm hết trách nhiệm?

– Đúng là phải thực hiện nghiêm. Việc đầu tiên là phải có lực lượng, nhưng lực lượng ở chỗ có nhiều vấn đề lại mỏng. Bên cạnh đó, tâm lý mọi người muốn về nhanh, đi nhanh nên chấp nhận nhồi nhét. Khi phạt phải hạ tải nhưng lực lượng thực thi cũng ngần ngại việc đó làm khó hành khách khi về tết. Bên cạnh đó cũng thiếu xe để hạ tải hành khách.

Dịp tết vừa qua có một xe khách bị gãy trục ở Khánh Hòa từ 23g-2g chiều hôm sau mới giải quyết được xe thay thế đưa hành khách đi tiếp, nên có trường hợp chở quá số chỗ nhưng phạt rồi vẫn phải cho chạy vì không có xe thay thế để chở khách đi tiếp.

Xe xuất bến được kiểm soát khách từ bến, nhưng quan trọng là tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát để xử lý việc bắt khách dọc đường. Năm nay, ủy ban sẽ tập trung thực hiện đề án xã hội hóa về giám sát giao thông. Khi đó sẽ ghi nhận vi phạm trước tết, phạt nguội sau tết.

* Có ý kiến cho rằng số liệu thống kê TNGT chưa chính xác hoàn toàn, các trường hợp chết ở bệnh viện vài ngày sau vụ tai nạn chưa được thống kê?

– Thống kê TNGT do Bộ Công an thực hiện. Các trường hợp tử vong ở bệnh viện sau tai nạn đó sẽ được thống kê vào số liệu tháng sau. Các nước có quy định thống kê sau thương vong đến một tháng sau khi xảy ra tai nạn, nhưng VN chưa quy định nên vẫn còn một số trường hợp “rơi rụng” ngoài thống kê.

Ở nước mình có khi xảy ra tai nạn thì hai bên hoà giải cũng chưa được đưa vào thống kê đầy đủ. Một vấn đề nữa là sai số từ hệ thống báo cáo… Bây giờ vẫn có khả năng con số thống kê thấp hơn thực tế. Sắp tới trong đề án ứng dụng công nghệ thông tin của Uỷ ban ATGT quốc gia sẽ kết nối dữ liệu giữa công an, giao thông, y tế, bảo hiểm để có con số chính xác hơn

Số người chết tăng 12,4% so với tết 2014

Trong báo cáo tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong dịp Tết Ất Mùi 2015 vừa gửi Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban ATGT quốc gia cho biết theo thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an, trong chín ngày nghỉ tết toàn quốc xảy ra 536 vụ tai nạn, làm chết 317 người, bị thương 509 người. So với cùng kỳ Tết Giáp Ngọ 2014 thì giảm 40 vụ (giảm 6,9%), tăng 35 người chết (tăng 12,4%), giảm 82 người bị thương (giảm 13,9%).

Ngoài ba tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ không xảy ra tai nạn giao thông trong chín ngày nghỉ tết, có 13 tỉnh chỉ xảy ra 1-2 vụ tai nạn giao thông. 

Trong chín ngày nghỉ tết, các lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 39.833 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, thu nộp Kho bạc Nhà nước hơn 140 tỉ đồng; tạm giữ 223 ôtô, 8.028 môtô; tước 1.380 giấy phép lái xe.

Trong dịp Tết Ất Mùi 2015, số lượt phản ảnh qua các đường dây nóng của Uỷ ban ATGT quốc gia gần 1.200 lượt/9 ngày (bao gồm gọi điện thoại và tin nhắn).

Nội dung các phản ảnh được tiếp nhận chủ yếu là thắc mắc của hành khách về quy định phụ thu giá cước vận tải chiếm hơn 35% tổng số lượt, phản ảnh tình trạng tăng giá vé quá cao so với quy định và xe chở quá số người quy định, nhồi nhét và chèn ép hành khách khoảng 55% tổng số lượt.

Tuổi Trẻ 24-2 có cập nhật tình hình tai nạn giao thông Tết Ất Mùi 2015 với tít “Số người chết tăng cao nhất 3 năm qua”.

Theo số liệu vừa được Uỷ ban ATGT quốc gia công bố thì tít này chưa chính xác. Số người chết Tết Ất Mùi 2015 (317 người) cao hơn Tết Giáp Ngọ 2014 (286 người) nhưng thấp hơn Tết Quý Tỵ 2013 (335 người).

TUẤN PHÙNG

Hiện trường vụ tai nạn xe 7 chỗ va chạm với xe khách 16 chỗ ở Bảo Lộc, Lâm Đồng – Ảnh: Gia Bảo

Vừa lái xe vừa nôn mửa gây tai nạn làm 4 người bị thương

Khoảng 14g45 ngày 24-2 trước Trường cao đẳng Kinh tế và công nghệ Bảo Lộc (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng), một ôtô 7 chỗ do một tài xế (chưa rõ danh tính) lái xe trong tình trạng say xỉn đã gây tai nạn với một xe khách 16 chỗ.

Theo những người chứng kiến vụ việc, sau khi điều khiển xe chạy lảo đảo trên đường và thò đầu ra cửa xe nôn mửa liên tục, tài xế ôtô 7 chỗ đã lấn đường và tông vào xe khách đang chạy theo hướng từ Đà Lạt đi TP.HCM.

Vụ tai nạn làm bốn người gồm hai tài xế và hai hành khách bị thương, trong đó hai người bị thương nặng là tài xế xe 7 chỗ và chị Trần Thị Ngọc Phúc (31 tuổi, hành khách đi xe 16 chỗ). Vụ tai nạn cũng khiến hai xe hư hỏng nặng và giao thông tại khu vực bị ùn tắc cục bộ khoảng hai giờ.

* Khoảng 5g sáng 24-2, tại tổ 16 khu Bí Giàng (P.Yên Thanh, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) xảy ra vụ va chạm giữa một ôtô do tài xế Lưu Văn Đại (27 tuổi) lái và người đi đường là bà Phạm Thị Gai (52 tuổi) làm bà Gai tử vong tại chỗ.

G.BẢO - Đ.HIẾU

TUẤN PHÙNG thực hiện