10/01/2025

Ngậm ngùi làng cổ Đông Sơn

Làng cổ Đông Sơn nằm bên bờ sông Mã (thuộc P.Hàm Rồng, TP.Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa) từ lâu vốn được đánh giá là một trong 10 làng cổ đẹp nhất VN nhưng quá trình đô thị hoá đã khiến những dấu xưa của làng cổ chỉ còn là ký ức.

 

Ngậm ngùi làng cổ Đông Sơn

 

 

Làng cổ Đông Sơn nằm bên bờ sông Mã (thuộc P.Hàm Rồng, TP.Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa) từ lâu vốn được đánh giá là một trong 10 làng cổ đẹp nhất VN nhưng quá trình đô thị hoá đã khiến những dấu xưa của làng cổ chỉ còn là ký ức.

 

 

Ngậm ngùi làng cổ Đông Sơn - ảnh 1Làng Đông Sơn – Ảnh: Ngọc Minh
Ngậm ngùi làng cổ Đông Sơn - ảnh 2Những ngôi nhà mới đang phá vỡ không gian kiến trúc làng cổ Đông Sơn
Thật tiếc khi ngôi làng nằm giữa thung lũng núi Rồng nhìn ra dòng sông Mã vốn được khẳng định từng là nơi cư ngụ của người Việt cổ, là nơi mà người dân đã phát hiện chiếc trống đồng đầu tiên, vùi lấp trong lòng đất từ 2.500 – 3.000 năm trước nay chỉ toàn bê tông, nhà mái bằng, nhà tầng. Đi giữa đường làng, đập vào mắt là những ngôi nhà bê tông sơn màu rực rỡ mọc lên vô duyên bên những con ngõ hẹp lát gạch chỉ.
Chút hồn còn lại
Có lẽ, dấu tích còn lại ở làng cổ Đông Sơn chính là các con ngõ nhỏ được lát bằng gạch chỉ đỏ. Bốn con ngõ và bốn xóm được những cư dân trong làng đặt tên là Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng càng tỏ rõ nơi đây từng là một làng quê trù phú, có truyền thống văn hoá rất khuôn mẫu.
Cụ Lương Trọng Duệ (trên 80 tuổi) ở số 10 ngõ Trí là chủ nhân của ngôi nhà cổ được cụ tổ 7 đời của dòng họ Lương Trọng xây dựng từ khoảng hơn 200 năm trước. Căn nhà ban đầu được cất với một nhà chính 5 gian, 2 chái bằng gỗ tốt, lợp ngói âm dương mũi hài. Các vì, kèo, xà, bẩy… chạm trổ rất công phu, cầu kỳ mang đậm dấu ấn của kiến trúc nhà gỗ các tỉnh phía bắc. Ngoài nhà chính còn có 2 nhà ngang đều là nhà 3 gian cũng được những người thợ kỳ công xây cất.
Những năm chiến tranh, gia đình cụ Duệ phải tháo dỡ ngôi nhà đề phòng bị bom đánh sập. “Trước đây, gia đình khó khăn, bom đạn bời bời, tôi rao bán ngôi nhà, nhưng họ chỉ mua ngôi nhà ngang 3 gian. May mà họ không mua căn nhà chính 5 gian 2 chái, nên mới còn được đến ngày nay. Khoảng chục năm nay rất nhiều người ở Hà Nam, Nam Định vào trả giá cao, nhưng tôi nhất định không bán mà giữ lại làm nhà từ đường của dòng họ, truyền lại cho con cháu sau này”, cụ Duệ nói.
Năm 2006, ngôi nhà của cụ Duệ được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cấp bằng công nhận là nhà cổ cần được bảo vệ, giữ gìn. Cũng may, mấy năm gần đây, con cái cụ Duệ làm ăn khấm khá nên đóng góp tiền bạc để cụ tu bổ, bảo vệ ngôi nhà.
Sống trong “nhà khổ”
Theo danh sách do chính quyền địa phương cung cấp, ở làng cổ Đông Sơn hiện còn 13 ngôi nhà cổ, nhưng bây giờ chỉ còn duy nhất ngôi nhà trên 200 năm tuổi là nhà của cụ Duệ còn khá vững chãi. Trong khi đó, 12 ngôi nhà còn lại đều đang bị xuống cấp hết sức nghiêm trọng và có thể sập, đổ bất cứ lúc nào.
Ngôi nhà của ông Dương Văn Tuấn ở ngõ Nhân đã hơn 100 năm tuổi nhưng do không được tu sửa nên đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều cấu kiện gỗ như cột, kèo, xà, vì bị rỗng ruột do mối xông, các bức tranh điêu khắc gỗ bị mối mọt, mục nát… Cũng từng sống trong ngôi nhà cổ xiêu vẹo, đổ nát nên bà Lương Thị Lời rất thấu hiểu nỗi lo lắng của các gia đình có nhà cổ trong làng. “Mang tiếng là nhà cổ nhưng tôi cứ nói với các cháu là nhà… khổ. Mỗi lần mưa gió, ngồi trong nhà mà nơm nớp lo sợ, nước dột tứ bề, tôi phải căng tấm bạt cho mưa đỡ dột xuống giường ngủ. Ai cũng bảo ở trong nhà cổ mà khổ thế thì ở làm gì. Cũng may năm ngoái, có người trong họ xin mua lại để tu bổ, làm nhà từ đường của dòng họ nên tôi nhượng lại. Kể ra thì cũng tiếc đứt ruột đứt gan nhưng không nhượng lại thì có khi bây giờ nó cũng bị sập mất rồi”, bà Lời chia sẻ.
Theo tài liệu lịch sử, năm 1924, một người dân trong làng Đông Sơn tên là Nguyễn Văn Nắm (hoặc Năm) một lần đi đánh cá dọc sông Mã đã phát hiện được nhiều đồ cổ bằng đồng (trong đó có một chiếc trống đồng) ở cánh đồng Xuôi, ngay sát làng Đông Sơn. Sự việc nhanh chóng được lan truyền trong làng, trong tổng và đến tai một viên quan cai thuế người Pháp tên là L.Paijot. Là người đam mê cổ vật, ngay sau khi biết tin, L.Paijot đã về Đông Sơn mang hiện vật người dân nhặt được ra Viện Viễn Đông bác cổ ở Hà Nội để nhờ bạn bè nghiên cứu, tìm hiểu. Chính viên quan này sau đó đã trở lại làng Đông Sơn tiến hành khai quật tại một số địa điểm quanh làng, thu được khá nhiều hiện vật bằng đồng. Nhiều nhà khảo cổ uy tín đã tìm về Đông Sơn tiến hành hàng loạt các đợt khai quật với quy mô lớn, tìm được rất nhiều hiện vật quý hiếm, có giá trị, trong đó trống đồng được đánh giá là hiện vật quý giá, tiêu biểu nhất. Những nhà khảo cổ học đã dùng tên làng Đông Sơn để đặt tên cho trống đồng được phát hiện tại đây. Tên làng Đông Sơn đã được giới khoa học dùng để định danh cho một nền văn minh rực rỡ trong tiến trình phát triển của lịch sử văn minh nhân loại – nền văn minh Đông Sơn.
Chờ bộ quy chế
Ông Trịnh Trọng Giang, Chủ tịch UBND P.Hàm Rồng, cho biết ngày 3.5.2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng”. Theo đó, không gian kiến trúc của làng cổ Đông Sơn sẽ nằm trong khu Công viên khảo cổ nằm dọc bờ sông Mã. Tuy nhiên, cũng theo ông Giang thì hiện nay các cơ quan chức năng vẫn chưa xây dựng được bộ Quy chế quản lý làng cổ Đông Sơn, dẫn tới việc quản lý không gian kiến trúc của địa phương gặp rất nhiều khó khăn. “Do chưa có quy chế quản lý, đặc biệt là không có nguồn kinh phí hỗ trợ bảo tồn, trùng tu các ngôi nhà cổ nên chúng tôi cũng rất lúng túng. Mong rằng các ngành, các cấp sớm quan tâm xây dựng bộ quy chế để chúng tôi có công cụ quản lý”, ông Giang nói.

Ngọc Minh