10/01/2025

Văn phòng không giấy

TP.HCM đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng môi trường làm việc điện tử, nhằm ngăn chặn tình trạng cán bộ, công chức ngâm hồ sơ, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.

 

Văn phòng không giấy

 

 

TP.HCM đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng môi trường làm việc điện tử, nhằm ngăn chặn tình trạng cán bộ, công chức ngâm hồ sơ, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.

 

 

Giải quyết hồ sơ hành chính tại UBND Q.1 Giải quyết hồ sơ hành chính tại UBND Q.1 – Ảnh: Diệp Đức Minh

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hầu hết người dân đến UBND Q.1 giải quyết hồ sơ hành chính đầu năm 2015 đều tỏ ra hài lòng với những tiện ích mà chính quyền trang bị.

 
 
Văn phòng không giấy - ảnh 2

Mọi quy trình, thủ tục đều được số hoá trên hệ thống cảm ứng rất dễ sử dụng nên người dân tự thao tác để biết thông tin mà không cần phải mất thời gian tìm cán bộ nhờ hướng dẫn. Người dân đến đây có cảm giác được phục vụ thật sự chứ không phải đến mà cứ thấp thỏm tâm trạng xin – cho, chờ đợi

Văn phòng không giấy - ảnh 3
 

Ông Nguyễn Hoàng50 tuổi, ở P.Cầu Ông Lãnh (Q.1)

 

Một màn hình cảm ứng lớn được đặt trước “văn phòng một cửa” hướng dẫn chi tiết việc lấy số thứ tự tự động bằng 2 thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng Anh). Bên trong khu vực “văn phòng một cửa” trang bị hệ thống cảm ứng phục vụ miễn phí người dân tra cứu thông tin đầy đủ về thủ tục hành chính, quy hoạch, kết quả giải quyết hồ sơ; thông tin về quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của từng phòng ban, theo từng lĩnh vực cụ thể về đô thị, kinh tế, lao động, thương binh – xã hội, tư pháp, hộ tịch, y tế, thanh tra… Hệ thống cảm ứng hiện đại này còn có chức năng xem tin tức về chính trị – xã hội, an ninh – trật tự, phòng cháy chữa cháy, nếp sống văn minh đô thị, công khai thu chi ngân sách của quận…

“Cảm giác được phục vụ thật sự”

Ông Nguyễn Hoàng, 50 tuổi, ở P.Cầu Ông Lãnh (Q.1), đến UBND Q.1 tìm hiểu quy trình cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, nhận xét: “Cách làm của Q.1 rất tiện lợi cho người dân. Mọi quy trình, thủ tục đều được số hóa trên hệ thống cảm ứng rất dễ sử dụng nên người dân tự thao tác để biết thông tin mà không cần phải mất thời gian tìm cán bộ nhờ hướng dẫn. Người dân đến đây có cảm giác được phục vụ thật sự chứ không phải đến mà cứ thấp thỏm tâm trạng xin – cho, chờ đợi”.

Tại UBND P.Bến Thành (Q.1), việc ứng dụng phần mềm số hoá hồ sơ cũng tạo nhiều tiện ích cho người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính. Theo quan sát của PV, người dân đến phường làm các thủ tục hành chính, nếu cần thiết thì đều được cán bộ phường hướng dẫn làm thủ tục lấy dấu vân tay, chụp ảnh cá nhân miễn phí, hỗ trợ đăng ký vào phần mềm quản lý. Bản chính các giấy tờ như: hộ khẩu, CMND, khai sinh, bằng cấp và các loại giấy tờ khác sẽ được scan (không thu phí) vào máy, tạo thành một file dữ liệu trên mạng. Sau này, khi làm một thủ tục hành chính nào đó, người dân chỉ cần đến đặt dấu vân tay lên máy nhận dạng, đưa ra yêu cầu cụ thể (bằng cách nhập vào máy tính kết nối mạng) thì cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ sẽ xử lý đúng theo yêu cầu mà không cần phải trình ra bản chính…

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Phó chủ tịch UBND Q.1, cho biết 9 phường còn lại trên địa bàn quận cũng đang thực hiện đồng loạt số hoá hồ sơ hành chính. Trong năm nay, UBND Q.1 sẽ vận hành “văn phòng điện tử”. Theo đó, trong nội bộ UBND Q.1 và các phường đều làm việc qua mạng. Sau khi số hóa đồng loạt hồ sơ hành chính, quy trình, thủ tục thì dữ liệu, thông tin quản lý, điều hành, chỉ đạo được thông suốt. Trong quá trình giải quyết hồ sơ, phòng ban này muốn biết thông tin có liên quan của phòng ban kia thì không cần chạy lui chạy tới để hỏi mà sẽ cùng khai thác hệ thống dữ liệu dùng chung cho toàn quận.

Một cửa “điện tử mới”

Đầu năm nay, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cũng thông tin UBND TP đã xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước phục vụ chương trình đột phá cải cách hành chính tại TP.HCM năm 2015, nhằm đạt mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công cho người dân, doanh nghiệp. Theo đó, cấp quận, huyện sẽ đưa vào vận hành chính thức hệ thống ISO điện tử cho các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, văn hóa, lao động, y tế và cấp phép xây dựng, tài nguyên môi trường. Cấp sở ngành sẽ đưa vào vận hành chính thức hệ thống ISO điện tử tại Văn phòng UBND TP, Sở TT-TT, Sở KH-CN, Sở KH-ĐT, Sở Công thương, Sở Du lịch, Sở LĐ-TB-XH.

Đối với dịch vụ công trực tuyến, TP cung cấp các dịch vụ hành chính công hiện đại, tiện dụng, chất lượng cao như các dịch vụ cấp phép tại nhà, dịch vụ cung cấp tình trạng hồ sơ cho người dân qua di động, tin nhắn… Người dân, doanh nghiệp thực hiện đăng ký và hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ qua mạng, bất kỳ thời điểm nào (24/7) mà không cần đến trụ sở của cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Hà cho biết thêm, chính quyền cũng sẽ đưa vào vận hành hệ thống “một cửa điện tử mới”. Theo đó, cung cấp thông tin tình trạng hồ sơ và các dịch vụ hành chính công trực tuyến bao gồm phục vụ tại nhà (kết hợp bưu điện); dịch vụ nộp hồ sơ và thanh toán trực tuyến qua mạng, trong đó đặt trọng tâm các dịch vụ công: cấp giấy chứng nhận đầu tư; cấp phép kinh doanh; cấp phép lao động; cấp phép sử dụng lao động; các dịch vụ thuộc lĩnh vực báo chí, xuất bản, viễn thông internet và phát thanh truyền hình; cấp phép xây dựng; cung cấp thông tin quy hoạch.

Người dân tra cứu thông tin trên hệ thống cảm ứng tại UBND Q.1Người dân tra cứu thông tin trên hệ thống cảm ứng tại UBND Q.1

Trong việc nâng cao năng lực quản lý điều hành, TP sẽ thực hiện văn phòng “không giấy” liên thông kết nối từ Văn phòng UBND TP đến các quận, huyện, sở ban ngành để tạo lập môi trường làm việc thông suốt, không giới hạn khoảng cách địa lý. Cụ thể trong năm nay, TP triển khai hệ thống “văn phòng điện tử” tại Văn phòng UBND TP, kết nối đến các quận, huyện, sở ban ngành, tổng công ty trực thuộc: quản lý văn bản, lịch công tác, thư mời họp qua SMS, email; triển khai hệ thống họp trực tuyến tại các quận, huyện, sở ban ngành thông qua hệ thống hội nghị truyền hình nhằm giảm chi phí, tiết kiệm thời gian đi lại.

TP.HCM cũng triển khai hệ thống “quản lý chỉ đạo, quản lý công việc” liên thông từ UBND TP đến các quận, huyện, sở ban ngành. “Thường trực UBND TP có thể theo dõi công việc các quận huyện, sở ban ngành; các thủ trưởng quận, huyện, sở ban ngành theo dõi công việc của các phòng ban, đơn vị trực thuộc qua mạng”, ông Hà nói.

Lĩnh vực khiếu nại tố cáo cũng được liên thông theo dõi, giải quyết giữa 5 cơ quan: Văn phòng tiếp công dân, Sở TN-MT, Sở Xây dựng, Thanh tra TP và Văn phòng UBND TP.

Hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa công chức với người dân

Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, thành viên Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công của TP, cho biết TP đẩy mạnh xây dựng môi trường làm việc điện tử nhằm tiến tới việc hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức với người dân, doanh nghiệp.

Còn ông Lê Hoài Trung, Phó giám đốc Sở Nội vụ, cho rằng ứng dụng công nghệ thông tin là nội dung quan trọng của cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, minh bạch cũng như tăng hiệu quả trong giải quyết những sự việc công vụ, ngăn chặn tình trạng cán bộ, công chức ngâm hồ sơ, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.

Đình Phú