10/01/2025

Đức Thánh Cha tĩnh tâm Mùa Chay

VATICAN – Lúc hơn 4 giờ chiều Chúa Nhật 22-2-2015, ĐTC và các vị lãnh đạo tại Toà Thánh đã rời Vatican đi tĩnh tâm Mùa Chay cho đến sáng thứ sáu, 27-2 tới đây. Tuần tĩnh tâm năm nay có chủ đề là “Tôi tớ và các ngôn sứ của Thiên Chúa hằng sống”. Vị giảng tĩnh tâm là Lm. Bruno Secondin, 75 tuổi, Dòng Cát Minh, nguyên là giáo sư tu đức thuộc Đại học Giáo hoàng Gregoriana ở Roma và hiện là cố vấn tại Bộ các Dòng tu. Các bài suy niệm của cha trình bày về Ngôn sứ Êlia dưới khía cạnh mục vụ.

Đức Thánh Cha tĩnh tâm Mùa Chay
 
VATICAN – Lúc hơn 4 giờ chiều Chúa Nhật 22-2-2015, ĐTC và các vị lãnh đạo tại Toà Thánh đã rời Vatican đi tĩnh tâm Mùa Chay cho đến sáng thứ sáu, 27-2 tới đây.

Giống như năm ngoái, các vị dùng xe bus để tới Trung tâm “Nhà Thầy Chí Thánh” (Casa Divin Maestro) của Tu đoàn Thánh Phaolo ở Ariccia, cách Roma khoảng 30 cây số về hướng nam.

Tuần tĩnh tâm năm nay có chủ đề là “Tôi tớ và các ngôn sứ của Thiên Chúa hằng sống”. Vị giảng tĩnh tâm là Lm. Bruno Secondin, 75 tuổi, Dòng Cát Minh, nguyên là giáo sư tu đức thuộc Đại học Giáo hoàng Gregoriana ở Roma và hiện là cố vấn tại Bộ các Dòng tu. Các bài suy niệm của cha trình bày về Ngôn sứ Êlia dưới khía cạnh mục vụ.

Tuần tĩnh tâm bắt đầu lúc 6 giờ chiều với buổi chầu Mình Thánh Chúa và kinh chiều. Những ngày sau đó có kinh sáng lúc 7 giờ 30, tiếp đến là bài suy niệm I lúc 9 giờ 30, rồi Thánh lễ đồng tế.

Ban chiều, lúc 6 giờ có bài suy niệm II, tiếp đến là chầu Thánh Thể và kinh chiều.

Sáng thứ sáu 27-2, sẽ có thánh lễ lúc 7 giờ 30 và một bài kết thúc lúc 9 giờ 30.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Cha Bruno Secondin cho biết trong các bài suy niệm cha trình bày về phương diện mục vụ Ngôn sứ Êlia, một trong những ngôn sứ lớn nhất trong Cựu Ước, và là vị nhiệt thành bảo vệ lòng trung thành với Thiên Chúa chống lại các thần tượng.

Ngôn sứ Êlia sống vào thế kỷ thứ 9 trước Chúa Kitô, bị nhà cầm quyền thời ấy bách hại, nên phải chạy trốn vào hoang địa. Trong hành trình này, có lúc nản chí quá, ngôn sứ ao ước được chết. Nhưng Êlia được nuôi sống bằng bánh và nước một cách huyền nhiệm và tìm lại sinh lực để tiếp tục bước đi trong 40 đêm, ngày, để tới núi Hobeb, núi của Chúa, trên đó Ngài tỏ mình cho ngôn sứ không phải như cuồng phong, nhưng như một làn giá nhẹ. Thế là trong sự yếu nhược của mình, ngôn sứ đạt được một cảm nghiệm thực sự về Thiên Chúa.

Theo Cha Secondin, hành trình của Ngôn sứ Êlia phản ánh đức tin chân chính: đề tài các bài suy niệm làm nổi bật sự cần thiết phải trở về căn cội, có can đảm phủ nhận thái độ mơ hồ, tiến từ những thần tượng hư vô đến lòng đạo đức chân thật, từ sự trốn chạy đến sự lữ hành. Trong hành trình ấy có sự vượt thắng lo âu để tiến về sự sống. Nhưng cũng cần để Thiên Chúa làm cho ngạc nhiên, vì Chúa là làn gió nhẹ, một giọng nói thì thấm nhẹ nhàng, khác với điều chúng ta tưởng tượng.

Khi nói về cuộc gặp gỡ của Ngôn sứ Êlia với bà goá ở Zarepta, Cha Secondin nhắc nhở rằng những người nghèo loan báo Tin Mừng cho chúng ta. Vì vậy, Cha Secondin cũng trình bày các tín hữu Kitô như những chứng nhân về sự công chính, tình liên đới và là những người loan báo về tình huynh đệ.

Trong các bài suy niệm, Cha Secondin sử dụng phương pháp Lectio Divina: nguyện gẫm Lời Chúa, đọc Kinh Thánh kèm theo việc cầu nguyện, thực hiện một cuộc nói chuyện thân tình trong đó, khi đọc Sách Thánh, ta lắng nghe Thiên Chúa phán, và khi cầu nguyện, ta đáp lại Chúa với lòng cởi mở tín thác nơi Chúa.

ĐGH Bênêđictô XVI đã từng khẳng định rằng “Lectio divina hệ tại dừng lại lâu dài nơi một đoạn Kinh Thánh, đọc đi đọc lại, như thể “nhai lại” như các Giáo phụ vẫn nói, và có thể núi rút ra từ đó tất cả những tinh tuý, để nuôi dưỡng sự suy niệm và chiêm ngắm và tưới gội cuộc sống cụ thể bằng nhựa sống. Điều kiện của Lectio Divina là tâm trái phải được Thánh Linh soi sáng, nghĩa là từ chính Đấng đã linh hứng Kinh Thánh và nhờ đó ta đặt mình trong thái độ chăm chú lắng nghe Chúa”. (SD 21-2-2015)