Chúa Nhật I MC B – 2015: Thử thách và an bình
40 ngày trong hoang địa tượng trưng cho cuộc đời đầy thử thách, nhưng tràn đầy niềm vui và bình an vì có sự hiện diện của Thiên Chúa. Đó là bài học Chúa muốn dạy ta khi bước vào Mùa Chay này.
Chúa Nhật I MC B – 2015
Thử thách và an bình
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Thánh Marcô, trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Mc 1,12-15), đã trình bày cơn cám dỗ của Chúa Giêsu với giọng văn bình dị và cô đọng, để đưa chúng ta vào bầu khí của mùa Chay thánh: “Thần Khí đẩy Chúa Giêsu vào trong hoang địa, Người ở trong hoang địa 40 ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú và có các thiên sứ hầu hạ Người”. 40 ngày trong hoang địa tượng trưng cho cuộc đời đầy thử thách, nhưng tràn đầy niềm vui và bình an vì có sự hiện diện của Thiên Chúa. Đó là bài học Chúa muốn dạy ta khi bước vào Mùa Chay này.
1. Hoang địa thử thách và an bình
Hoang địa là nơi thử thách như dân Do Thái đã từng trải qua. Họ phải đối mặt với đói khát, nắng thiêu ban ngày và giá rét ban đêm, họ phải đối mặt với rắn rết bọ cạp, và cả với kẻ thù giấu mặt là Satan luôn muốn lôi kéo họ từ bỏ Thiên Chúa, bỏ giao ước mà họ vừa mới ký kết trên núi Sinai để thờ lạy con bò vàng. Nhưng hoang địa cũng là nơi an bình với manna lạ lùng rơi xuống mỗi ngày, với dòng nước trong lành vọt ra từ tảng đá từng giây, với cột lửa soi sáng ban đêm và cột mây che mát ban ngày, với con rắn đồng cứu họ khỏi rắn lửa như hình ảnh báo trước của Đấng sẽ treo mình trên thập tự. Hoang địa còn nhắc cho người Do Thái nhớ đến giao ước Mười Điều răn ký kết với Thiên Chúa trên núi Sinai, đến lều chứng giữ bia đá giao ước tượng trưng cho việc Chúa hiện diện giữa lều trại của họ. Hoang địa như thế vừa là nơi có nhiều cám dỗ nhưng cũng tràn đầy an bình để người ta cảm nghiệm được sự hiện diện đầy tình thương và quyền năng của Thiên Chúa.
Đời sống của người tín hữu chúng ta thời nay cũng tương tự như người Do Thái thời trước, chúng ta được mời gọi để đi vào hoang địa cuộc đời với những thử thách của đói khát, nghèo túng, tật bệnh, thiên tai. Chúng ta cũng phải đối mặt với những đam mê dục vọng nơi thân xác lúc nào cũng muốn no đủ, xinh đẹp, an nhàn. Chúng ta còn phải chiến đấu với kẻ thù giấu mặt nhưng lại lấy hình dáng của con người để quyến rũ chúng ta bỏ Chúa, chối từ sự hiện diện của Ngài: nhân danh khoa học, nhân danh ý thức hệ, nhân danh cả chính tôn giáo mình đang theo để thờ thần tài, thần Vệ Nữ và đủ loại thần tượng khác.
Đời sống trần thế của nhiều người chúng ta chưa được an bình, chưa cảm nhận được sự hiện diện đầy tình thương và quyền năng của Chúa, chưa thể hiện Nước Trời cho mọi người thấy nó đến gần, chỉ vì chúng ta không chấp nhận đi vào hoang địa hoặc vào đó mà không vượt qua được những thử thách và cám dỗ của Satan.
2. Muốn vượt qua thử thách chúng ta cần phải làm gì?
Đối với nhiều người bình thường, để vượt qua thử thách, người ta chỉ tin cậy vào sức lực của riêng mình, hoặc nghe theo lời chỉ dẫn của các nhà khoa học, chuyên viên tâm lý, và cả những tiên tri giả đủ loại xuất hiện trong thời đại hôm nay. Họ cho rằng để vượt qua đói nghèo thì chỉ cần gắng sức học hành, làm việc sẽ có cơm ăn, áo mặc, tiền bạc, của cải. Muốn che nắng thì mang theo mũ nón, váy che, kính mát. Đi trong đêm tối thì mang theo đèn pin, diêm nến. Gặp rắn lửa thì mang theo thuốc trừ độc. Cần mưa thì dùng khoa học phun sương; … Nhưng tốt hơn cả là cứ ở yên trong nhà, vui thú với người thân, với công việc hằng ngày, vào hoang địa làm chi cho khổ cực, hiểm nguy! Nhiều người đang chủ trương “sống an thân” như thế.
Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng: chính Chúa Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa để chịu cám dỗ vì Ngài muốn Chúa Giêsu thực hiện công trình cứu độ cho muôn vật muôn loài. Thánh Giáo hoàng Lêô cả nhắc nhở chúng ta rằng: “Chúa Giêsu muốn chịu tên cám dỗ tấn công để bảo vệ chúng ta bằng sự hậu thuẫn của Người và để giáo huấn chúng ta bằng gương sáng của Người (x. Thánh Giáo hoàng Lêô Cả, Bàn về Việc ăn chay 40 ngày, Tractatus XXXIX, 3, CCL138/A, Turnholti, 1973, 214-215).
Chúa Thánh Thần cũng đang thúc đẩy chúng ta cùng vào hoang địa với Chúa Giêsu để chịu thử thách và cùng chiến đấu với Chúa Giêsu để mang lại ơn cứu độ cho muôn loài. Trong công cuộc loan báo Tin Mừng, chúng ta không thể làm chứng cho Chúa Giêsu nếu không có kinh nghiệm chiến đấu, cũng như không thể có chất liệu rao giảng nếu không gặp thử thách. Hơn nữa, chính Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta với những ơn khôn ngoan, lo liệu, minh mẫn của Người để giúp chúng ta khám phá ra ý đồ, mưu chước, thủ đoạn của Satan và chỉ dẫn những cách thức hành động hiệu quả trong cuộc chiến đấu thiêng liêng. Chính Chúa Thánh Thần ban sức mạnh và nhiều ân sủng giúp chúng ta làm những dấu lạ chữa lành bệnh tật, chiến thắng thiên nhiên, xua trừ ma quỷ để làm chứng cho Tin Mừng. Chính Chúa Thánh Thần là tình yêu thôi thúc chúng ta đón nhận những thử thách và kết hợp chúng ta với Chúa Giêsu để biến những thử thách ấy thành ơn cứu độ, như Người đã tự nguyện đi vào trong hoang địa cuộc đời và nhận thử thách cuối cùng là chịu chết nhục nhã trên thập giá để mang lại sự sống và ơn cứu độ cho muôn loài.
Vì thế, chúng ta đừng ngại thử thách và can đảm khước từ cơn cám dỗ “sống an thân” để sống đúng giá trị độc đáo của mỗi bản thể con người và giá trị tuyệt vời của con cái Chúa (x. John Masdon, Sinh ra là một bản thể, đừng chết như một bản sao, NXB Thời Đại, 2013).
3. Chúa Giêsu mời gọi ta cùng rao giảng Tin Mừng để thể hiện Nước Trời
Vượt qua cơn thử thách, chúng ta cùng theo Chúa Giêsu để loan báo cho mọi người: “Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”. Khi chúng ta gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, được Người chuyển thông cho chúng ta sức mạnh, tình yêu, quyền năng của Người, chúng ta sẽ thấy mình “chiến thắng được Satan, sống chung với loài dã thú và có các thiên sứ phục vụ mình”.
Những lời trên đây của thánh Marcô khá lạ lùng đối với chúng ta trong thời đại ngày nay! Chúa mời gọi chúng ta không phải chỉ loan báo Tin Mừng cứu độ cho con người nhưng còn “cho muôn loài thụ tạo” (Mc 16,15; x. Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục 2012 về Tân Phúc Âm hoá, số 125), nghĩa là cho vạn vật, cho cả những người đã khuất khi cộng tác với các thiên sứ như các bài Thánh Kinh hôm nay gợi ý.
Bài đọc I (x. St 9,8-15) nhắc nhở ta về công trình cứu độ toàn thể vũ trụ khi ta gắn bó với Chúa Giêsu để cùng với Người ký kết “một giao ước mới với muôn loài”. Sau cơn đại hồng thuỷ, Thiên Chúa đã ký kết “một giao ước không phải chỉ với loài người, nhưng với mọi sinh vật ở với con người, kể cả dã thú, cho đến muôn thế hệ mai sau”.
Tin Mừng mời gọi ta mở lòng ra với muôn loài để yêu thương, tôn trọng, cứu giúp thay vì khai thác cạn kiệt thiên nhiên, huỷ diệt sinh vật theo lòng tham không đáy. Chúng ta không xin Chúa bỏ luôn mặt trời để không bị thiêu cháy, bỏ luôn gió mưa để không bị cảm sốt, lụt lội, bỏ luôn dã thú, để không bị nguy hiểm, nhưng chúng ta được mời gọi đón nhận, điều khiển, làm chủ chúng như anh chị lớn trong đại gia đình Thiên Chúa. Khi chúng ta tràn đầy tình yêu và quyền năng của Chúa Giêsu, chúng ta có thể nói với gió, với biển rằng: Hãy im đi! Hãy lặng đi! Nói với bánh cá: Hoá nhiều ra! Và tất cả sẽ nghe theo lời ta. Đó là chúng ta đã bắt đầu sống chung với dã thú như Chúa Giêsu vì chúng ta ký kết một giao ước hoà bình với muôn loài trong vũ trụ khi chúng ta tôn trọng môi trường sống của tất cả. Lúc bấy giờ chúng ta thấy bão tố, lụt lội, hạn hán sẽ bớt đi vì chính con người đang tàn phá thiên nhiên chứ không phải Thiên Chúa gây nên những tai hoạ đó.
Chúng ta cũng tiếp tục cùng với Chúa Giêsu “rao giảng Tin Mừng cho các vong linh bị giam cầm” (1Pr 3,19). Hơn nữa, vì Đức Kitô là Đấng phán xét kẻ sống và kẻ chết, mà tiêu chuẩn để phán xét là Tin Mừng, nên trước đó những người đã khuất cũng cần được nghe rao giảng Tin Mừng. Thánh Phêrô viết rõ ràng: “Họ sẽ phải trả lẽ với Đấng sắp sửa phán xét người sống và kẻ chết. Quả thật, chính vì thế mà Tin Mừng đã được loan báo ngay cho cả những kẻ chết.” (1Pr 4,5-6). Biết bao người khi sống trên trần gian này chưa nhận biết Chúa Giêsu, nên khi chết họ cũng mù mờ về Người, họ rất cần chúng ta loan báo Tin Mừng, giúp họ tin tưởng và gắn bó với Chúa Giêsu. Khi nói ra điều này thì nhiều người tín hữu, ngay cả anh em linh mục, chưa thể tưởng tượng được, cho đó là ảo tưởng, là mê tín. Nhưng đây là điều Giáo Hội đang nhắc nhở chúng ta và Thánh Kinh đang yêu cầu chúng ta làm.
Cuối cùng, chúng ta được mời gọi để cộng tác với các thiên thần trong việc rao giảng Tin Mừng cứu độ. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo (GLHTCG) dạy ta: các thiên thần cùng với tín hữu “rao giảng Tin Mừng (x. Lc 2,10), khi loan báo Tin Mừng về việc Nhập Thể (x. Lc 2,8-14), và về việc phục sinh của Đức Kitô (x. Mc 16,5-7) (x. GLHTCG), số 333). “Toàn bộ đời sống Hội Thánh hưởng nhờ sự trợ giúp bí nhiệm và đầy uy quyền của các thiên thần” (x. Cv 5,18-20; 8,26-29;10,3-8;12,6-11;27,23-25) trong đó có đời sống truyền giáo (x. SáchGLHTCG, số 334). Rất nhiều khi rao giảng Tin Mừng, chúng ta chỉ rao giảng với nguồn lực, tài năng của riêng mình mà quên đi những sức mạnh thiêng liêng và những thiên thần đang hỗ trợ cho chúng ta, như sứ thần Rafael, Gabriel, Michael và các thiên thần khác (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, 2013,19-23).
Lời kết
Hôm nay bắt đầu Mùa Chay thánh, chúng ta đang được mời gọi đi vào trong hoang địa cùng với Chúa Giêsu để cảm nghiệm được sự hiện diện đầy tình thương và bình an của Thiên Chúa. Như thế Mùa Chay không phải tạo nên cho chúng ta nỗi buồn chán, sợ hãi, nhưng đem lại cho chúng ta niềm vui và hy vọng của Tin Mừng.