10/01/2025

Giục giã tình yêu đất nước: Đất mẹ

Đất mẹ, đất của mẹ, mảnh đất mẹ ta sinh hạ ra ta, gắn bó với ta qua biết bao kỷ niệm thuở thiếu thời.

 

Giục giã tình yêu đất nước: Đất mẹ

 

Đất mẹ, đất của mẹ, mảnh đất mẹ ta sinh hạ ra ta, gắn bó với ta qua biết bao kỷ niệm thuở thiếu thời. 

 

 

 

Đôi khi ta nhớ đất mẹ chỉ giản đơn vì nhớ tới hương vị ẩm thực quê nhà đã thấm sâu vào máu ta từ ngày thơ bé,  khiến cho ta, về sau, dù lạc bước hải hồ thì bao nhiêu thứ sơn hào hải vị chốn đất khách quê người cũng khó mà thay thế nổi!

Dù vui đất khách, chẳng bằng về

Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) người huyện Thiên Thi (nay là Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), đỗ hoàng giáp năm 15 tuổi, cùng một khoa với Mạc Đĩnh Chi (đỗ trạng nguyên). Ông được người đời tôn xưng là “thần đồng”, về sau làm đến chức kinh sư đại doãn, thượng thư hữu bật, trụ quốc triều Trần, được cử đi sứ sang triều Nguyên. Khi qua vùng Giang Nam, nơi “địa đàng”, chốn phồn hoa bậc nhất đất Thần Châu, ông chạnh lòng nhớ nước, viết bài thơ Quy hứng (Cảm hứng muốn trở về):

Lão tang diệp lạc, tàm phương tận
Tảo đạo hoa hương, giải chính phì
Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo
Giang Nam tuy lạc bất như quy.

Hơn 400 năm sau, bài thơ ấy được hoàng giáp Bùi Huy Bích (1744- 1818) chọn đưa vào bộ Hoàng Việt thi tuyển với bản dịch sát nghĩa mà hay:

Dâu già lá rụng, tằm vừa chín
Lúa sớm bông thơm, cua béo ghê
Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dù vui đất khách, chẳng bằng về.

Trong bài thơ Việt, người dịch đã thay hai chữ Giang Nam bằng đất khách.

Giải chính phì (cua đang độ béo), đó là nỗi nhớ bát riêu cua nơi đồng đất Hưng Yên, cho dù trên đường đi sứ đến Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay), khi ghé qua Giang Nam, vị sứ thần được tiếp đãi đại yến, tiểu yến với không ít món cao lương mỹ vị. 

Vùng đất Giang Nam nằm ở phía nam sông Trường Giang (bao gồm Hàng Châu, Tô Châu cổ kính, và cả Thượng Hải về sau) ấm áp, tốt tươi, lại có nhiều mỹ nhân ngà ngọc yêu kiều chẳng kém gì nàng Tây Thi dệt lụa thời Chiến Quốc. 

Ấy thế mà hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn vẫn cứ dửng dưng như không:Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt/ Dù vui đất khách, chẳng bằng về! 

Hà Nội không quên Nguyễn Trung Ngạn! Ở thủ đô ta, hiện có một ngõ mang tên ông nối liền với phố Tô Hiến Thành, tuy nhiên cái ngõ đó quá nhỏ, chưa thật xứng tầm với công huân đại nghiệp của ông.

Ở TP.HCM cũng có đường Nguyễn Trung Ngạn.

Trong căn hộ của giáo sư Trần Văn Khê ở Paris năm 1998
Trong căn hộ của giáo sư Trần Văn Khê ở Paris năm 1998

Nhắm hướng trời Nam thả mấy vần

Mùa hè năm 1998, sau khi dự Gặp gỡ Blois về vật lý thiên văn do giáo sư Trần Thanh Vân tổ chức tại vùng thung lũng sông Loire nhiều cung điện nguy nga thời Trung đại và Phục hưng, tôi trở lại Paris, đến thăm giáo sư Trần Văn Khê.

Bác Khê sống một mình, xa vợ xa con trong căn hộ ba gian phòng hẹp, chót vót lầu cao, tại vùng Vitry-sur-Seine. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi bước vào nơi bác ở là căn hộ quá chật. Nơi bác làm việc, thư phòng, nhạc sảnh, và cũng là chỗ tiếp tân chỉ rộng 12 mét vuông! 

– May mà ở Paris không mất điện, chứ như ở Hà Nội dạo này thì dăm bữa nửa tháng lại mất một ngày đêm. Phải trèo thang bộ lên tầng 15 như lên căn hộ của bác thì thật bở hơi tai!

– Sao anh lại bảo ở Paris không mất điện? Hơi lý tưởng hóa thủ đô nước Pháp đấy! Vẫn mất, tuy không nhiều. Thế mà tôi lại mắc phải cái chứng quái ác đau nhức khớp gối. 

Sinh năm 1921 tại Vĩnh Kim, Chợ Giữa, Mỹ Tho, hơn nửa thế kỷ sống trên đất Pháp, ấy thế mà bác vẫn sành tiếng Việt quá chừng! Sáng mồng một Tết năm nào bác cũng khai bút bằng một bài thơ luật Đường.

Vào cữ Tết âm lịch, ở Paris đang giữa mùa đông rét tới 15-20 độ âm. Vòm trời mù sương u ám. Bác Khê trông ngóng mãi mà chẳng bắt gặp lấy một tia nắng xuân ấm sáng nào như ở bên xứ ta nhiệt đới. Đứng ép mình trong thang máy chật (loại chế tạo nửa thế kỷ trước), bác xuống phố, cố “xuất hành” để tìm cảm hứng. Khốn nỗi chỉ gặp rặt những mái tóc hung xoắn bện, những đôi mắt xanh lơ nhớn nhác lại qua, hối hả lo toan sinh kế.

Ở phía trời Tây này nào ai có biết lịch Mặt trăng và các thứ Tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Hàn thực, Đoan ngọ, Trung thu, Trùng cửu… là cái chi chi. 

Trở về căn hộ lạnh trên cao ốc, rót chén rượu Cognac định nhấp một hớp, nhưng mà chẳng có người “đối ẩm”. “Rượu ngon không có bạn hiền”. Lấy ai mà “tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu”. Không khéo lại rơi vào cái cảnh cô đơn.

Thôi thì thắp nén nhang, ngồi dạo đàn Việt, ngâm thơ Việt một mình vậy. Bác bỗng cảm thấy lòng mình ấm lại… 

Bước tới bên máy tính để bàn, bác chậm rãi “gõ” lại bài thơ khai bút năm Mậu Dần 1998, in ra tặng tôi:

Khai bút đầu năm Tết Mậu Dần
Mãi chờ tia nắng để tìm xuân
Nhờ thơ, tiết lạnh lòng nghe ấm
Có nhạc, quê xa dạ thấy gần
Ra cửa, xuất hành, đầy mặt lạ!
Về nhà, chuốc ẩm, vắng người thân!
Dạo đàn, chấp bút, hương nghi ngút
Nhắm hướng trời Nam, thả mấy vần.

– Anh muốn biết tâm cảnh của tôi hôm mồng một Tết ở Paris ư? Cứ đọc kỹ bài thơ này sẽ rõ. Hay thì chưa hay nhưng rất thật.

Khi chia tay, bác bảo bác và tôi “chịu chuyện” lắm…

Cho nên không có gì lạ, những năm cuối đời bác Khê trở về sống tại TP.HCM, không xa quê bác Vĩnh Kim, Chợ Giữa, Mỹ Tho. 

Giáo sư  Trịnh Xuân Thuận nói chuyện về vòm trời và các vì sao ở Quy Nhơn, Bình Định năm 2013
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận nói chuyện về vòm trời và các vì sao ở Quy Nhơn, Bình Định năm 2013

Đạo lý

Đất mẹ cũng là nơi giáo sư Trịnh Xuân Thuận hướng về sau rất nhiều buồn lo. Năm 1954, anh Thuận theo gia đình vào Nam khi mới 6 tuổi. Cha của anh là một quan toà cao cấp trong chế độ cũ. Sau năm 1975 ông phải vào trại cải tạo.

Liên tiếp nhận được những lá thư của mẹ từ Sài Gòn gửi sang Charlottesville, bang Virginia, Mỹ, nơi anh làm việc nhưng anh chẳng làm gì được! Bởi lẽ lúc ấy Mỹ và Việt Nam cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao.

Thế rồi một đồng nghiệp Pháp mời anh sang cộng tác một tháng tại Viện Vật lý thiên văn Paris. Anh nhận lời ngay vì nghĩ rằng quan hệ ngoại giao suôn sẻ giữa Pháp và Việt Nam có thể sẽ giúp anh nhiều. Lập tức bay sang Paris, anh chạy vạy ở toà đại sứ Việt Nam, nhưng chưa tính đến sức ì của bộ máy quan liêu lúc đó. Chẳng có chuyển biến gì cả. 

Nhưng rồi anh bỗng gặp một cô bạn Pháp. Cô vui lòng giới thiệu anh với một nhân vật có tiếng ở Đài thiên văn Meudon, rất thân với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, vì đang hết lòng giúp đỡ Việt Nam. Ông tiếp anh nồng hậu, hứa giúp anh bằng cách viết một lá thư riêng cho thủ tướng Việt Nam, đề nghị cho phép cha mẹ anh sang Pháp cư trú. Ngay sau đó ông viết và trao cho anh lá thư, dặn phải chuyển tận tay… thủ tướng. Khó quá đi thôi! 

Đúng vào dịp đó, một người bà cô của anh lên đường về Hà Nội. Quê  anh ở Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội mà. Anh liền đưa cho bà lá thư kia, nhưng không nuôi quá nhiều ảo tưởng, bởi lẽ những lá thư loại đó hiếm khi đến được tay người nhận.

Nhiều tháng sau, biệt vô âm tín. Anh trở lại Đại học Virginia. Nhưng rồi vào một ngày đẹp trời năm 1979, anh bỗng nhận được bức điện của cha mẹ anh cho biết: theo lệnh của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các nhà chức trách Việt Nam vừa cấp visa cho ông bà sang Pháp! 

Sau khi kể lại mẩu chuyện trên trong cuốn Un Astrophysicien bằng một thứ tiếng Pháp tinh tế, giàu chất thơ và chất triết luận, in ở Paris (bản dịch tiếng Việt của Phạm Văn Thiều), giáo sư Thuận viết tiếp: “Cho tới tận phút cuối của đời mình, cha tôi cùng mẹ tôi đã sống một cuộc sống thanh thản, bình dị ở Paris, không một lời oán thán về những gì họ đã mất. Tôi vô cùng cảm phục đạo lý sống của họ”.

Lòng khoan dung của nhà lãnh đạo Việt Nam giúp anh không đánh mất niềm tin nhân bản. Nhiều năm sau, khi anh có dịp trở về nước thì những nhà cách mạng huyền thoại thời Pắc Bó – Tân Trào “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều đã ra đi! Chỉ một mình Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn sống, như một vòm cổ thụ rợp bóng cả…

Từ đấy đến nay, giáo sư Thuận nhiều lần về nước dự các cuộc Gặp gỡ Việt Nam. Anh cùng một số nhà vật lý có tiếng người Việt Nam ở nước ngoài như Trần Thanh Vân, Phạm Quang Hưng, Đàm Thanh Sơn, Trần Minh Tâm được Chủ tịch nước Trần Đức Lương tiếp vào năm 2004.  

Anh đến giảng bài tại Đại học Quốc gia Hà Nội, nói chuyện về vũ trụ hơn 13 tỉ tuổi, về vòm trời đêm đêm lấp lánh những vì sao, về các lỗ đen “háu ăn”, các tinh vân và các thiên hà… Tại Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn… đâu đâu anh cũng được mọi người, nhất là các bạn trẻ, rào rào vỗ tay, vây quanh xin chữ ký… 

Rồi anh gọi taxi qua cầu Đuống, trở lại thăm làng quê anh ở Mai Lâm ngô xanh ngắt bãi phù sa, sau gần nửa thế kỷ cách xa, gặp bà con lối xóm, thắp nén nhang trên bàn thờ tiên tổ. 

Giáo sư Phạm Quang Hưng (phải), thạc sĩ Nguyễn Cẩm Ngọc dự Gặp gỡ Việt Nam 2013 tại Quy Nhơn
Giáo sư Phạm Quang Hưng (phải), thạc sĩ Nguyễn Cẩm Ngọc dự Gặp gỡ Việt Nam 2013 tại Quy Nhơn

Neo đỗ bên bờ Hương giang

Năm 2006, giáo sư Phạm Quang Hưng về dự Gặp gỡ Việt Nam lần VI tại khách sạn Sofitel Plaza, bên bờ hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Tại đấy, ông gặp mấy vị lãnh đạo Đại học Huế và được mời ngay làm điều phối viên chương trình vật lý tiên tiến tại đại học này. Sinh viên học thẳng bằng tiếng Anh, theo chương trình gốc của Đại học Virginia, phần lớn do các vị giáo sư từ Mỹ và các nước phát triển cao đến dạy. Chương trình nhằm đào tạo đội ngũ các nhà nghiên cứu vật lý nòng cốt cho đất Phú Xuân văn hiến. 

Từ đấy đến nay, giáo sư Hưng đã mời được hơn 30 vị giáo sư từ Mỹ cũng như từ nhiều nước phát triển khác đến Huế giảng dạy, trong đó có anh Nguyễn Trọng Hiền, nghiên cứu viên của NASA. 

Sinh viên tốt nghiệp chương trình ấy nhiều người đã nhận được học bổng học lên bậc thạc sĩ, tiến sĩ tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan hoặc ngay tại Đại học Huế.

Thời trung học, Phạm Quang Hưng học sau Trịnh Xuân Thuận và Trần Minh Tâm vài năm, tại Trường trung học Pháp Jean-Jacques Rousseau, Sài Gòn. Năm 1978 anh Hưng bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học California ở Los Angeles (UCLA), Mỹ, dưới sự hướng dẫn của giáo sư J. J. Sakurai nổi tiếng, về tương tác điện – yếu (electroweak interaction). Đó là lĩnh vực anh chuyên sâu cho đến hôm nay. Các bản luận án tiến sĩ của Nguyễn Như Lê, Nguyễn Thị Diện và vài ba nghiên cứu sinh Việt Nam khác nữa do anh làm người hướng dẫn chính đều thuộc lĩnh vực này. Anh đã công bố hơn 100 công trình trên các tạp chí vật lý quốc tế có uy tín.   

– Anh nhận xét ra sao về những sinh viên Huế theo chương trình vật lý tiên tiến? – tôi hỏi.

– Các em đạt kết quả vượt xa những gì tôi và các giáo sư nước ngoài mong đợi. Sinh viên Đại học Virginia suốt ngày nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Anh. Còn các em ở Huế chỉ dùng tiếng Anh trong giờ học các môn chuyên đề. Bài thi ra như nhau. Ấy thế mà sinh viên Huế làm không hề thua kém sinh viên bên Mỹ. Đã đành các em ta chăm chỉ nhưng nếu không sáng dạ thì cũng chẳng giỏi thế đâu. Các bạn trẻ nước ta hôm nay… “hơi bị thông minh” đấy! Tôi đã quen cách nói vui vui của sinh viên khi cùng ăn cơm bụi với các em…

Sáng 5-6-2010, Đại học Huế trang trọng tổ chức lễ trao tặng danh hiệu “Giáo sư danh dự” cho nhà vật lý Phạm Quang Hưng.

– Nói văn hoa một chút, đời tôi như lá thuyền trôi dạt khắp nơi, gần đây mới neo đỗ bên bờ Hương giang – giáo sư Hưng chia sẻ – Rời Việt Nam từ năm 18, đến quá tuổi “ngũ thập nhi tri thiên mệnh” mới quay trở về “cố quốc” nhưng cũng chưa thể nói là về ở hẳn. Bởi lẽ gia đình tôi “bám rễ” quá sâu bên Mỹ. Tôi còn người vợ trẻ Mỹ gốc Ý và ba đứa con nhỏ chưa đủ lớn khôn ở Charlottesville, anh ạ. Đâu có nhẹ gánh!

TS Phan Thị Hà Dương và tác giả tại lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam dự Olympic toán quốc tế (1974-2014)
TS Phan Thị Hà Dương và tác giả tại lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam dự Olympic toán quốc tế (1974-2014)

Sống vui hơn…

Bài tản văn đã dài. Tôi muốn dành những dòng cuối để kể đôi nét về chị Phan Thị Hà Dương.

Mùa khai trường năm học mới, tại lễ kỷ niệm 40 năm (1974-2014) Việt Nam ta dự thi Olympic toán quốc tế (IMO), Hà Dương đã thay mặt những học sinh từng đoạt huy chương IMO, nay đang làm việc ở trong nước, phát biểu cảm nghĩ.

Tôi quen Hà Dương từ năm chị mới 17 tuổi, đoạt huy chương đồng tại IMO Bắc Kinh 1990, và ngay từ dạo ấy tôi đã viết bài về Hà Dương, nhan đề “Em nữ sinh Hà Nội bên Vạn Lý Trường Thành” đăng trên báo Nhân Dân Chủ Nhật.

Mười năm sau tôi lại viết về chị, in trên tờ Tuổi Trẻ. Chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học tại Đại học Paris 7, vào loại rất xuất sắc (mention très honorable).

Vừa đỗ tiến sĩ, chị đã “liều lĩnh” nộp hồ sơ dự tuyển vào ba chiếc ghế maître de conférence (Từ điển Pháp – Việt của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam dịch là phó giáo sư đại học, dù ngữ nghĩa chưa thật tương đồng) còn trống ở Đại học Paris 7. Trong những người dự tuyển có một số đã qua vài năm sau tiến sĩ (post-doctorate). Hội đồng quốc gia chọn ra 24 người có hồ sơ tốt nhất để phỏng vấn. Ngoài các giáo sư đại học trường này còn mời nhiều giáo sư từ trường khác cùng “truy vấn”.

Ít ai ngờ trong cuộc đua tài công khai và minh bạch ấy của hơn 100 tiến sĩ Pháp, người con gái Việt 26 tuổi, mảnh mai, mắt đen láy, tóc mượt dài, lại đỗ đầu!

Phan Thị Hà Dương là thứ nữ, con nòi trong gia đình giáo sư, tiến sĩ khoa học toán – lý Phan Đình Diệu và vợ là cử nhân toán học Văn Thị Xuân Hương, em ruột nhà toán học Văn Như Cương. Cả nhà đều là dân Hồng Lĩnh – Lam Giang. 

Thành công ở Pháp nhưng Hà Dương quyết định trở về Hà Nội nhận việc. Cha mẹ chị đồng tình.

Tại buổi lễ kỷ niệm, với sự có mặt của giáo sư Ngô Bảo Châu, chủ tịch hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, cùng rất đông học sinh chuyên toán, sinh viên, nghiên cứu sinh ngồi chật cả hội trường lớn Trường đại học Bách khoa Hà Nội, chị Hà Dương nhỏ nhẹ nói: 

“Tôi biết về Việt Nam lương thấp. Nhưng trong trường hợp của riêng mình, tôi cảm thấy mình có ích hơn cho đất nước, và nhờ thế sống vui hơn. Tôi đã không nhầm. Ở đây tôi có những người thầy, có các anh chị và bao bạn giỏi giang cùng trang lứa, rất vui… Tôi cũng bắt đầu có học trò, nghiên cứu sinh ngành toán. Lúc mới về tất nhiên gặp khó khăn. Nhưng quen việc dần, càng về sau thu nhập càng khá dần lên. Cũng chẳng đến nỗi nào đâu, các bạn ạ! Điều quan trọng là mình cảm thấy hạnh phúc… Tôi nói thế chỉ là muốn chia sẻ cùng các bạn còn trẻ hơn tôi…”.

Riêng mình, tôi tin rằng chị sẽ còn tiến xa hơn. Cũng như nhà toán học nữ người Nga kiệt xuất Sofia Kovalevskaya, chị vẫn nghĩ  “không thể trở thành nhà toán học nếu không phải là nhà thơ trong tâm hồn”. 

Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dù vui đất khách, chẳng bằng về.

Đất mẹ, chủ đề ấy, thả bút cả nghìn trang chắc cũng chẳng cạn lời… 

HÀM CHÂU