10/01/2025

Thứ Tư Lễ Tro năm B – 2015: Cái chết là dịp may tuyệt vời!

Chúng ta bắt đầu bước vào Mùa Chay với nghi thức xức tro như một gợi ý định hướng cho cuộc hành trình 40 ngày và cũng tượng trưng cho cuộc hành trình suốt cả đời ta. Vậy nghi thức này sẽ định hướng đời ta như thế nào cho năm nay?

Cái chết là dịp may tuyệt vời!

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK 

Lời mở

Chúng ta bắt đầu bước vào Mùa Chay với nghi thức xức tro như một gợi ý định hướng cho cuộc hành trình 40 ngày và cũng tượng trưng cho cuộc hành trình suốt cả đời ta. Vậy nghi thức này sẽ định hướng đời ta như thế nào cho năm nay?

1. Hiểu lầm

Nhiều người đến ngày Lễ Tro hay bước vào Mùa Chay quen giữ thái độ buồn buồn, với nét mặt thiểu não. Tro bụi lại còn gợi ý cho thân phận mong manh, tàn tạ của con người: “Con hãy nhớ mình là bụi đất và sẽ trở về với đất bụi” (St 3,19).

Họ thường giữ thái độ bi quan vì nghĩ đến cái chết như điểm tận cùng của kiếp người và vạn vật. Họ bỏ mất niềm vui và không muốn cố gắng hành động để xây dựng cho đời mình và đời người vì dù có dựng xây đến đâu thì cái chết cũng làm cho tất cả bạc trắng đôi tay. Không ít người lại sống buông thả, chiều theo tham vọng và dục vọng để ít ra có được niềm vui trong chốc lát và nói lên quyền tự do chọn lựa của con người trước một định mệnh khắc nghiệt.

2. Cái chết là một dịp may tuyệt vời!

Tuy nhiên, các bài Kinh Thánh hôm nay lại mời gọi chúng ta có một thái độ tích cực lạc quan. Chúa Giêsu nhắc bảo ta rằng “Còn anh, khi ăn chay nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm để Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo, thấu suốt những gì kín đáo sẽ thưởng công cho anh” (Mt 6,17-18).

Cái chết đối với người tín hữu Công giáo chỉ là một ngưỡng cửa phải bước qua để tham dự vào sự sống kỳ diệu, phi thường, vĩnh hằng của Thiên Chúa vì khi đó con người không còn bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian. Cái chết không còn là một nỗi sợ hãi khiến người ta bất động nhưng là dịp giải thoát khiến người ta mau mắn tiến về nhà Cha như Chúa Giêsu đón nhận cái chết trong mầu nhiệm vượt qua của Người. Cái chết giúp ta hoà nhập với Thiên Chúa, vừa là “Cha nhân từ” mà bài Tin Mừng lặp đi lặp lại tới 6 lần trong một đoạn ngắn, vừa là nguồn sự sống, tình yêu, ân phúc của muôn người, muôn vật. Vì thế, được trở về với Cha là chúng ta vừa được hưởng trọn vẹn hạnh phúc vĩnh hằng, vừa gần gũi với mọi người thân yêu mà ta tưởng là cái chết đã chia lìa mọi người, đồng thời cũng đón nhận mọi vật mà chúng ta đã tốn công xây dựng, bồi đắp sau khi được biến đổi nhờ Đức Giêsu Phục Sinh.

3. Sống trọn vẹn phút giây hiện tại

Chính khi nhớ đến cái chết là dịp may hiếm có như thế, chúng ta sẽ thay đổi thái độ sống của mình: từ cách làm những việc lành phúc đức đến việc bố thí, cầu nguyện, ăn chay… Chúng ta sẽ không còn quan tâm đến việc khen chê của người đời, thành bại của công việc, lợi lộc kiếm được nhiều hay ít ở trần gian. Ta chỉ cần nhớ rằng: “Cha chúng ta, Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả lại cho chúng ta tất cả những gì tốt đẹp” mà ta làm cho Cha và anh chị em mình.

Dĩ nhiên chúng ta đều nhớ mình là những con người với thân phận yếu hèn, luôn bị những tham vọng và dục vọng thúc đẩy, cũng như bị ma quỷ cám dỗ và con người chi phối. Vì thế, chúng ta không cậy dựa vào sức mạnh của riêng mình hay sự công chính do những việc đạo đức của mình. Chúng ta chỉ cậy trông vào “Đức Giêsu Kitô, Đấng không hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5,21).

Đức Giêsu Kitô sẽ giúp ta hiểu rằng: dù sống lâu dài hay ngắn ngủi với 33 năm sống như Người, thì mỗi giây phút trong đời đều có giá trị vĩnh hằng, đều có thể mang lại niềm vui cho mình, đều có thể làm vinh danh Cha Trên Trời và đem lại ơn cứu độ cho mọi người, mọi vật quanh ta. Do đó, ta hãy sống trọn vẹn giây phút hiện tại để không đánh mất ơn Chúa vì “đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2Cr 6,2). Mỗi giây phút sống trọn vẹn cho Chúa và cho anh chị em như thế là ta tạo nên một quá khứ tốt đẹp và một tương lai huy hoàng.

Lời kết

Sống gắn bó với Chúa Giêsu là Tin Mừng sống động, chúng ta sẽ thấy mình thật sự là “tro bụi tuyệt vời” vì tro bụi này được Cha Trên Trời yêu thương đến nỗi ban Con Một của Ngài. Lúc đó ta sẽ cảm nghiệm được rằng: “Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp được Chúa Giêsu” (ĐTC Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Lời mở đầu).