Học để biết… chơi
Xuân – Khi cuộc sống khá lên, con người ta bên cạnh chuyện làm việc để tồn tại, phát triển thì còn phải… chơi.
Học để biết… chơi
Xuân - Khi cuộc sống khá lên, con người ta bên cạnh chuyện làm việc để tồn tại, phát triển thì còn phải… chơi.
“Bò ơi, ăn cỏ đi!” – Ảnh: Đức Triết |
Và chơi cũng phải sao cho thật pờ-rồ (chuyên nghiệp). Thế là chơi cũng cần phải học…
Trẻ em Hà Nội học làm nông dân
Vào mùa ngoại khóa của học sinh Hà Nội, triền đê Vàng-Giang Biên (Long Biên, Hà Nội) luôn ríu rít tiếng nói, tiếng cười trẻ thơ. Chẳng là, dọc triền đê này có trang trại giáo dục mang tên Erahouse – Ngôi nhà kỷ nguyên, đang dạy cho học trò nội thành về nông nghiệp, nông dân.
Truyền kiến thức từ trái tim đến khối óc Xa hơn với Erahouse là trang trại Đồng Quê ở xã Vân Hoà, Ba Vì, Hà Nội của Công ty TNHH ACT Việt Nam, cũng là một điểm đến dành cho học sinh nội thành Hà Nội trong nhiều năm qua. Đến đây, học sinh được trải nghiệm làm nông dân khi bắt cá, cấy lúa, trồng cây, sử dụng các nông cụ như dần, sàng, xay lúa, giã gạo, đeo gùi hái chè, thăm các trang trại gia súc như thỏ, dê, đà điểu, bò sữa… “Từ chính di sản văn hoá nông nghiệp và di sản văn hóa thiên nhiên với cả một vùng nguyên liệu phong phú ở chân núi Ba Vì, chúng tôi muốn hướng học sinh đến những trải nghiệm sâu sắc về nền văn minh lúa nước của người Việt cổ để kiến thức được truyền từ trái tim đến khối óc của các em” – TS Ngô Kiều Oanh, giám đốc Công ty TNHH ATC Việt Nam, cho biết. |
Bò ơi, ăn cỏ đi!” – cô sinh viên Trường đại học Nông nghiệp hướng dẫn tốp học sinh lớp 1A6 Trường tiểu học Lê Quý Đôn vừa mang cỏ vừa gọi bò đến ăn dễ thương như thế. Đáp lại, những cái miệng tròn vo vừa gọi bò vừa reo: “Bò ăn cỏ của tớ rồi!” và “giở giọng” rất… cô giáo: “Phải ăn cho hết suất”.
Những tiếng nói này lan khắp khu vực chăn nuôi của Erahouse (cơ sở 1), từ chuồng bò đến chuồng thỏ, sang chuồng dê, chuồng chim, chuồng lợn, chuồng gà… và lẫn trong tiếng đùa nghịch của những đứa trẻ thành phố lần đầu được biết đến, được trò chuyện, được chăm sóc những con vật nuôi có thực ngoài đời chứ không phải chỉ qua sách, tivi hay Internet…
Qua cầu treo lắt lẻo, tốp học sinh đến khu trồng cây, khu bắt cá. Khu bắt cá có hai loại: bể bêtông và “ao” bùn mini. Cứ tưởng đám trẻ thành phố chưa bao giờ biết đến bùn đất sẽ xúm lại với bể bêtông để vớt cá bằng những cái vợt cho… sạch sẽ, ai ngờ chúng chẳng nề hà gì thi nhau ào xuống ao mini đục ngầu bùn đất.
Thật ra vẫn có những thoáng… sợ bẩn, sợ tanh trong ánh mắt hay bước chân dè dặt của trẻ, nhưng cái cảm giác là lạ, thinh thích của lần đầu tiên được chơi với đất đã nhanh chóng cuốn hết đi…
“Ở đây có nhiều trò chơi như: thầy đồ viết chữ, nặn tò he, xem núi lửa phun trào, làm đồng hồ cát, kim tự tháp Ai Cập, trồng cây, bơi thuyền, cưỡi ngựa… Nhưng con vẫn thích nhất là cho bò ăn cỏ và lội xuống ruộng úp cá. Con bò có mùi hôi và con cá thì nhớt nhưng con vẫn muốn được sờ tay vào chúng” – bé Phương Lê, lớp 1A6 Trường tiểu học Lê Quý Đôn, hồn nhiên nói.
Còn anh Ngô Vương Đức – cả buổi sáng theo chân cô con gái Ngô Trang Linh đang học lớp 4A Trường tiểu học Thành Công A đến Erahouse (cơ sở 2) vào vai phi công, hải quân, bộ đội Điện Biên Phủ, nghệ nhân làm gốm Bát Tràng, làm tranh dân gian Đông Hồ… và tập cưỡi ngựa – chia sẻ: “Trẻ con thành phố cứ tưởng chẳng thiếu thứ gì nhưng thật ra lại thiếu rất nhiều thứ. Mà thiếu nhất là không gian vui chơi với những kiến thức thực tế từ nông nghiệp. Vì thế, chúng tôi thật sự quan tâm tới những giờ ngoại khoá ở các trang trại giáo dục như thế này. Đúng là chi phí đắt hơn nhưng hiệu quả mang lại thì lớn hơn nhiều…”.
Bà chủ của Erahouse – thạc sĩ Đặng Lưu Hoa (vốn là giảng viên Đại học Nông nghiệp I Hà Nội) có cách lý giải riêng: “Trẻ con thành phố mới biết gọi tên về con trâu, con bò, con ngựa… theo sách vở, tivi, Internet mà thiếu hiểu biết về thực tế. Lỗi này là do cách giáo dục lâu nay chỉ có lý thuyết. Tôi nhận ra điều đó từ chính những tháng ngày lăn lộn với đồng đất, lăn lộn với những câu hỏi rất đỗi ngây thơ của trẻ về thế giới xung quanh. Vậy nên từ Erahouse 1, tôi phát triển ra Erahouse 2 (cùng đặt địa điểm ở đê Vàng) và mới nhất là vườn khoa học Erahouse ở tầng 3 trung tâm thương mại Savico, đường Nguyễn Văn Linh, Long Biên. Ba năm qua, khi các trường học ở nội thành Hà Nội và người nội ô biết đến chúng tôi thì Erahouse luôn ở tình trạng quá tải, có ngày đón đến 2.500 học sinh. Mừng bao nhiêu tôi lại thương trẻ thành phố bấy nhiêu”.
Chuyên gia … vẹt
Cuốn ebook đầu tiên được dịch ra tiếng Việt chuyên về chuyện ăn uống, tính khí, thói quen, bệnh tật, cách huấn luyện… nhiều loài vẹt trên thế giới được “xuất bản” bởi Đặng Hải Triều, chàng trai sinh năm 1990 ở TP.HCM.
Nuôi vẹt hoàn toàn không phải là một thú chơi tao nhã nếu như bạn đã đọc ebook với 38 bài dịch, viết theo chuyên đề từ kinh nghiệm mà Đặng Hải Triều soạn thảo tại thegioivet.com.
Muốn chú vẹt cưng khỏe mạnh, thông minh, yêu chủ, “hiểu lễ nghĩa”, làm được nhiều trò hay, người chơi vẹt ngoài hiểu biết cặn kẽ về loài chim này còn cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, chịu thương chịu khó như những ông bố, bà mẹ nuôi con nhỏ.
Hải Triều và chú vẹt xám châu Phi |
Nghề chơi vẹt lắm công phu
Vẹt cũng giận dữ, stress Khi Đặng Hải Triều nói điều này, chúng tôi vô cùng bất ngờ. Đó là lúc chú vẹt Susi thứ hai của Triều đậu lên ly nước suýt làm vỡ ly, làm loang lổ nước trên bàn ngay lúc khách vừa vào nhà. Triều giải thích với khách do chú vẹt bối rối với người lạ. Triều cũng cho khách biết cách nhận dạng trạng thái giận dữ hoặc không thích của vẹt khi nhìn vào mắt chúng. Nếu chú vẹt giận dữ hay không thích thì mắt mở to hoặc phần đen nhiều hơn phần trắng. |
Giờ đây nhiều người tìm đến Đặng Hải Triều để nhờ tư vấn về cách chăm sóc, huấn luyện các loài vẹt. Nhưng bốn năm về trước chàng trai này cũng tự nhận mình là “gà mờ” trong công việc này dù đã nuôi vẹt từ khi còn niên thiếu.
Cho đến một ngày, Đặng Hải Triều sở hữu được một chú vẹt xám châu Phi. Mọi việc như đảo lộn vì kinh nghiệm nuôi vẹt cũ không đủ để áp dụng.
Trước đây Đặng Hải Triều từng nuôi một số loài vẹt của Việt Nam, Thái Lan nhưng lần này là một chú vẹt đến từ châu Phi đỏ hỏn, non nớt và có nhiều khác biệt về môi trường sống. Ban đầu Hải Triều vừa chăm theo kinh nghiệm cũ vừa dò la, hỏi han cách nuôi nấng từ các cửa hàng chim, thú cảnh.
“Vẹt cũng như chim thôi, cứ cho thức ăn của chim là ổn”, “Có gì khó đâu, cứ cho vẹt ăn mấy thứ mà người ăn được”… Vậy nhưng khi hỏi cặn kẽ hơn là dùng thức ăn nào thì tốt, phù hợp nhất với vẹt xám châu Phi, những cửa hàng này cũng chỉ trả lời đại khái, mỗi nơi một kiểu.
Tại TP.HCM rất hiếm hoi tìm ra một cửa hàng chuyên về vẹt nên sau khi tìm đến nhiều địa chỉ, Đặng Hải Triều hiểu ra rằng người am hiểu về các loài vẹt ở Việt Nam không nhiều. Thương chú vẹt nhỏ, không muốn bỏ qua giai đoạn “vàng” để nuôi một chú vẹt được cho là thông minh nhất như vẹt xám châu Phi, Triều ngày ngày lên mạng tìm kiếm thông tin để phục vụ việc chăm sóc con vẹt này.
“Tôi như đứa trẻ đứng trước một thế giới khác khi tiếp cận thông tin về nuôi vẹt ở nước ngoài. Những thông tin đó khác xa với những gì tôi đã được nghe, được chỉ dẫn trước đây. Lúc này tôi mới biết rằng việc nuôi vẹt ở Việt Nam mình không khoa học, thậm chí làm giảm tuổi thọ và trí thông minh của loài vẹt” – Triều kể.
“Tại Việt Nam, người ta thường cho vẹt non ăn bột ăn giặm của em bé, nhưng ở nước ngoài sẽ có thức ăn dành riêng cho vẹt dưới 4, 5 tháng tuổi. Những loài vẹt nhỏ như Xích Thái Lan hoặc vẹt Việt Nam có thể ăn bột ăn giặm của em bé, nhưng với những chú vẹt lớn kiểu vẹt xám châu Phi, nếu ăn bột ăn giặm sẽ không phát triển tối ưu được” – Hải Triều viết trong ebook.
Như một bà mẹ lần đầu có con nhỏ nhưng lại trong cảnh không có người nào để hỏi han, hướng dẫn, Triều vừa nuôi chú vẹt vài ngày tuổi vừa kè kè máy tính để tìm kiến thức nuôi vẹt từ những nước có kinh nghiệm nuôi loài này.
Từ bản “note” của riêng mình
Tìm thông tin để nuôi vẹt đúng cách. Cứ thấy “khó gỡ” công đoạn nào là Đặng Hải Triều lại tra cứu, đọc tài liệu trên mạng. Từ Thái Lan qua châu Phi đến Bắc Mỹ, Triều không nhớ đã “lướt” qua bao nhiêu trang web, bao nhiêu diễn đàn trên mạng chỉ để chăm sóc chú vẹt nhỏ của mình.
Để kiểm chứng thông tin có ích và loại bỏ thông tin mang tính thử nghiệm, Hải Triều đối chiếu nhiều cách nuôi khác nhau ở những diễn đàn, trang web khác nhau, rồi chọn lọc, áp dụng lên cách chăm vẹt của mình. Sợ kiến thức rơi rụng, những thông tin cần thiết cho nuôi dưỡng, chăm sóc, huấn luyện, chọn thức ăn… qua các giai đoạn phát triển của chú vẹt xám Susi đều được Hải Triều “note” (ghi lại) và ghi luôn cả nguồn đã đọc.
Khi nhìn lại, chính Hải Triều cũng không ngờ đã đọc nhiều thông tin đến vậy. Có một điều khiến Hải Triều thấy vui nhất là nhờ sự kiên trì tìm kiếm thông tin và chăm sóc chu đáo nên chú vẹt Susi không chỉ khỏe mạnh mà còn lanh lợi, thông minh. Người mê vẹt ở nhiều quận như 10, 11, Tân Phú, Thủ Đức… khi thấy chú vẹt xám châu Phi do Hải Triều nuôi làm được nhiều trò, lại ít bệnh tật, thân thiết với chủ, đã hỏi bí kíp, cách nuôi nấng… Hải Triều vui vẻ chia sẻ cả kinh nghiệm lẫn kiến thức mà mình có. Trang web thegioivet cũng được Hải Triều lập lên từ đó.
Nhưng việc viết một ebook về vẹt lại bắt nguồn từ sự “bực mình” của Triều. Lên các diễn đàn, các trang mạng xã hội, ai hỏi gì về vẹt Triều hăng hái chia sẻ. Nhưng oái oăm thay, các bài chia sẻ thường bị xoá rất nhanh. Từng nằm trong cảnh “hỏi ai bây giờ”, Triều hiểu thiếu kiến thức không chỉ khổ cho người nuôi mà những chú vẹt cũng bị vạ lây, còi cọc, dễ bệnh tật…
Thế là Triều tập hợp những thông tin đã note trước đó với kinh nghiệm nuôi vẹt của bản thân, tạo thành các bài viết và cho ra đời cuốn ebook “Làm thế nào để chăm sóc và huấn luyện vẹt” khoảng giữa năm 2013.
Những con thú cưng trèo vai bá cổ đồng hành cùng chủ nhân đến không gian cà phê |
Offline cùng thú cưng
Thời gian qua, trào lưu lập hội chơi các loại thú diễn ra rầm rộ tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… Người yêu thú cưng dễ dàng tìm cho mình một nơi để cùng những con thú cưng thỏa thích thư giãn vào dịp cuối tuần. Ngoài những nhóm yêu thú cưng chung với đầy đủ các loài động vật, còn có các hội nhóm chơi riêng từng loài như hội chơi rắn, bò sát, vẹt, chào mào, sóc…
Không gian vui chơi không bó hẹp một địa điểm. Đó có thể là công viên, quán cà phê hay bất kỳ một khoảng trống đủ cho nhóm 15-20 người ngồi vừa chơi đùa trao đổi kinh nghiệm, bình phẩm về những con vật dễ thương của mình.
Buổi offline của Hội Vẹt độc lạ Việt Nam (Exotic Parrot Club VN) diễn ra đúng 9g sáng chủ nhật một ngày cuối tháng 11 tại công viên Tao Đàn (Q.1, TP.HCM). Đây cũng là hoạt động hằng tuần của hội. Tới giờ hẹn, hơn 20 thành viên mang theo những chú vẹt có bộ lông sặc sỡ tuyệt đẹp với đủ giống từ vẹt má vàng (xích), ngực hồng (Việt Nam), lovebird, cockatiel, sun conure (Thái Lan), vẹt xám châu Phi…
Sự pha trộn màu sắc thật hài hoà, tuyệt diệu khiến người chơi cứ phải ngắm mãi không biết chán, say mê mãi không biết ngừng. Người dạo chơi ở công viên, đặc biệt trẻ em hiếu kỳ quây quần cùng nhóm tò mò, thích thú. Người chụp ảnh, người tỏ ra cuốn hút bởi những chú vẹt tinh nghịch, lâu lâu nói một câu trêu chọc vui tai.
Bạn Cao Thị Thuý Ngân (1986) hôn say đắm chú vẹt Blue and gold macaw, trong khi chú vẹt Lutino lovebird dễ thương quấn quýt trên vai |
Nụ cười hài lòng của chị Nguyễn Bích Lan khi vui chơi cùng chú vẹt của mình |
Rồng đất 5 tuổi nằm phơi dáng chễm chệ trong nắng ấm |
Chú rắn kiểng không độc cũng được đem đến giới thiệu cùng mọi người |