Khắp nơi vui tết
Chủ đề Mừng xuân Ất Mùi – Mừng Đảng quang vinh – Mừng đất nước thống nhất diễn ra từ ngày 7 – 28.2 (19 tháng chạp đến mùng 10 tết) trên các tuyến đường: Hàm Nghi, Đồng Khởi, khu vực công viên hai bên Nhà hát TP.HCM, Lê Lợi …
Khắp nơi vui tết
Sài Gòn lung linh
Chủ đề Mừng xuân Ất Mùi – Mừng Đảng quang vinh – Mừng đất nước thống nhất diễn ra từ ngày 7 – 28.2 (19 tháng chạp đến mùng 10 tết) trên các tuyến đường: Hàm Nghi, Đồng Khởi, khu vực công viên hai bên Nhà hát TP.HCM, Lê Lợi (đoạn Pasteur đến vòng xoay Quách Thị Trang), Lê Duẩn, Pasteur (khu vực công viên 30.4), Phạm Ngọc Thạch, Công trường Quốc tế (hồ Con Rùa), Trường Sơn, Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đến giao lộ Lê Lợi), Tôn Đức Thắng (bến Bạch Đằng, từ Xí nghiệp Ba Son đến khu vực cầu Khánh Hội).
Hội hoa xuân TP.HCM
Bắt đầu từ 19 giờ từ ngày 13 – 24.2 (25 tháng chạp đến mùng 6 tết) tại công viên Tao Đàn. Ngoài ra Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng cũng tổ chức Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng ở Q.7. Các chợ hoa tết tại công viên 23.9, công viên Gia Định, công viên Lê Văn Tám từ ngày 11 – 18.2 (23 tháng chạp đến 12 giờ ngày 30 tết) cùng các hệ thống chợ hoa tết các quận, huyện.
Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM – Ảnh: Dệp Đức Minh
|
Ngày hội bánh tét
Diễn ra ở Khu tưởng niệm các vua Hùng, công viên Lịch sử – Văn hóa các dân tộc và 24 quận, huyện. Lễ dâng cúng bánh tét lên Quốc tổ Hùng Vương từ ngày 13 – 15.2 (25 đến 27 tháng chạp) và lễ dâng cúng bánh tét lên Quốc tổ Hùng Vương lúc 8 giờ ngày 16.2 (28 tết).
Chương trình đón giao thừa Tết Ất Mùi 2015
Từ 20 giờ ngày 18.2 (30 tết) đến 20.2 (mùng 2 tết) có chương trình nghệ thuật đặc biệt Mừng xuân Ất Mùi, Mừng Đảng quang vinh tại công viên 23.9, công viên Gia Định, sân khấu đường Trường Sa (khu vực trước Nhà thi đấu Rạch Miễu, Q.Phú Nhuận). Chương trình biểu diễn văn nghệ quần chúng tại Trung tâm văn hóa Q.12, Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (H.Hóc Môn), Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (H.Củ Chi), công viên Lịch sử – Văn hóa các dân tộc (Q.9), thị trấn Cần Thạnh (H.Cần Giờ), 7 khu công nghiệp, khu chế xuất và 5 ký túc xá ĐH… từ ngày 17.2 (29 tết) đến 20.2 (mùng 2 tết).
Bắn pháo hoa từ 0 giờ - 0 giờ 15 ngày 19.2 (đêm giao thừa)
Bắn pháo hoa tầm cao tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (Q.2), công viên Làng hoa, Q.Gò Vấp. Bắn pháo hoa tầm thấp tại các địa điểm sau: công viên Lịch sử – Văn hóa các dân tộc (Q.9), đền tưởng niệm lịch sử Bến Dược (H.Củ Chi), Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (H.Hóc Môn), Khu di tích lịch sử Láng Le – Bàu Cò (H.Bình Chánh), sân bóng đá H.Cần Giờ, công viên văn hoá Đầm Sen (Q.11).
Khai mạc lúc 17 giờ ngày 16.2 (28 tết) đến hết ngày 22.2 (mùng 4 tết), Đường sách TP.HCM với chủ đề Bản sắc Việt – Hào khí VN được tổ chức trên trục đường Hàm Nghi – Hồ Tùng Mậu – Tôn Đức Thắng với sự tham gia của nhiều đơn vị xuất bản và phát hành sách tại TP.HCM.
Ca nhạc, hài kịch
Phòng trà Không Tên: Chương trình của các ca sĩ: Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên (ngày 19.2), Lệ Quyên, Dương Triệu Vũ (20.2), Quang Linh, Lệ Quyên, Hiền Thục (21.2), Đàm Vĩnh Hưng, Dương Triệu Vũ (22.2), Lệ Quyên, Hiền Thục, Duy Mạnh (23.2), Lệ Quyên, Phan Đinh Tùng, Giang Hồng Ngọc (24.2), Elvis Phương, Phương Dung (25.2).
Phòng trà We: Phương Dung, Giao Linh, Hồng Vân, Kim Anh, Vỹ Khang, Hoàng Nguyên (ngày 19.2), Hiền Thục, Hà Vân, Huy Luân, Trường Giang, Thu Trang, Tiến Luật (20.2), Elvis Phương, Phạm Phương, Vũ Đức Phước, Huy Luân, Minh Thảo (21.2), Đàm Vĩnh Hưng, Hà Vân (24.2).
Phòng trà Đồng Dao: Chí Tài, Trường Giang, Dương Triệu Vũ, Long Đẹp Trai (ngày 19.2), Đàm Vĩnh Hưng (20 và 21.2), Elvis Phương, Đức Huy (22.2), Phương Dung, Giao Linh, Kim Anh (23.2), Hoài Linh, Chí Tài (24.2); Hoài Lâm (25.2), Quang Dũng (26.2), Mỹ Tâm (27.2).
Phòng trà MTV: Ưng Hoàng Phúc, Hiền Thục, Khổng Tú Quỳnh, Trường Giang, Vang Quốc Hải (ngày 19.2), Thủy Tiên, Quang Hà, Trấn Thành (20.2), Cao Thái Sơn, Nam Cường, Ngô Mai Trang, Trường Giang (21.2), Phương Dung, Quách Tuấn Du, Bảo Anh, Quốc Đại, Tiết Cương, Vũ Thanh, Tiến Luật… (22.2).
Phòng trà Tiếng Xưa: chương trình Cánh thiệp đầu xuân với các ca sĩ: Hồng Vân, Huyên Chí Bình, Lam Giang, nhóm Đồng Xanh & Mây Lang Thang (ngày 19.2), Mai Quốc Huy, Hồng Vân, Huyên Chí Bình (20.2), Quang Bình, Phượng Giao, Hồng Vân… (21.2), Anh Khoa, Kim Anh, Hồng Vân, Lam Giang…(22.2), đêm nhạc Xuân này con không về (23.2).
Tại tỉnh Nam Định
Tổ chức bắn pháo hoa 15 phút từ 0 giờ ngày 19.2 (mùng 1 tết) tại 3 điểm: bờ hồ Vị Xuyên, ngã tư Big C và chân cầu Đò Quan (thuộc TP.Nam Định). Chợ Viềng xuân được tổ chức vào đêm 25.2 (mùng 7 tết) và lễ khai ấn đền Trần vào đêm 4.3 (14 tháng giêng).
|
Hà Nam
Bắn pháo hoa tại điểm vườn hoa TP.Phủ Lý vào 0 giờ ngày 19.2 (mùng 1 tết). Hai lễ hội độc đáo diễn ra trong dịp đầu năm mới là lễ hội Tịch điền (xã Đọi Sơn, H.Duy Tiên) diễn ra từ 23 – 25.2 (mùng 5 – 7 tết) và lễ hội phát lương Đức Thánh Trần tại đền Trần Thương (xã Nhân Đạo, H.Lý Nhân) vào đêm 4.3 (14 tháng giêng).
Thừa Thiên-Huế: Miễn phí tham quan hệ thống di sản Huế
Chào đón Tết Nguyên đán, tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai nhiều hoạt động: chương trình nghệ thuật tổng hợp kết hợp bắn pháo hoa đêm giao thừa tại quảng trường Ngọ Môn; mở cửa triển lãm tranh, các chuyên đề, bộ sưu tập; ca múa nhạc vào các tối mùng 1 – 3 tết tại Trung tâm văn hoá thông tin tỉnh; hoạt động vui chơi tại công viên Thương Bạc; dạ hội chào đón năm mới tại các nhà hàng, khách sạn; hội hoa xuân tại nghênh Lương Đình, cung An Định, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu; tuần phim tết tại các rạp, điểm chiếu công cộng trên địa bàn tỉnh; tăng suất diễn và nâng cao chất lượng các chương trình ca Huế trên sông Hương…
Đặc biệt, các di tích, bảo tàng, nhà trưng bày sẽ mở cửa miễn phí phục vụ khách vào tham quan trong 3 ngày tết. Ngoài ra, các huyện thị cũng đa dạng hoá các hoạt động lễ hội. H.Phong Điền tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa, hội hoa xuân, đu tiên Điền Hoà, Phong Hiền. H.Quảng Điền với chợ phiên Quảng Ngạn, đua ghe thị trấn Sịa, hội vật Thủ Lễ. H.Phú Lộc với hội bài chòi, chợ quê ngày tết…
Đà Nẵng: Bắn pháo hoa tại 4 điểm
Trong đêm giao thừa xuân Ất Mùi, tại bờ đông cầu sông Hàn – Trần Hưng Đạo, chương trình nghệ thuật lớn chào năm mới, Tết Nguyên đán do Nhà hát Trưng Vương tổ chức, từ 22 – 24 giờ với nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc. Từ ngày 3 – 28.2 tại Bảo tàng Đà Nẵng triển lãm ảnh chụp từ trên cao với chủ đề Đà Nẵng – Tầm cao mới của tác giả Lâm Tứ Khoa. Từ ngày 17 – 26.2, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Đà Nẵng tổ chức chương trình chiếu phim phục vụ các xã vùng sâu vùng xa, vùng ven. Vào tối 23.2 (mùng 5 tết), trên đường Bạch Đằng có chương trình âm nhạc đường phố chào mừng xuân Ất Mùi. Tại bờ đông cầu Rồng vào tối 25.2 (mùng 7 tết) có chương trình ca múa nhạc kịch mừng năm mới. Xuyên suốt trước và sau tết, đường hoa Đà Nẵng sẽ là điểm vui chơi, tham quan của người dân Đà Nẵng.
Trong đêm giao thừa có tổ chức bắn pháo hoa tại 4 điểm: cầu Nguyễn Văn Trỗi, Sân vận động Q.Ngũ Hành Sơn, bãi đất trước Trung tâm hành chính Q.Liên Chiểu, đài tưởng niệm tại H.Hòa Vang.
Hội An, Quảng Nam: Miễn phí vé tham quan cho du khách dịp tết
Vào lúc 22 giờ ngày 18.2 (30 tết), TP.Hội An khai hội Tết Nguyên đán Ất Mùi với những tiết mục văn nghệ đặc sắc, quy tụ những nghệ sĩ trong và ngoài nước biểu diễn. Tại vườn tượng Hội An, đúng thời khắc giao thừa, có bắn pháo hoa nghệ thuật chào mừng năm mới. Từ mùng 1 – 6 tết, Hội An cũng liên tục có nhiều chương trình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: ngày hội thư pháp mừng xuân; liên hoan Tiếng hát mùa xuân và nhịp điệu tuổi thơ; các hội thi Sắc màu tuổi trẻ, Hội ngộ văn nghệ Hội An, đua ghe ngang truyền thống… Đặc biệt trong dịp tết chính quyền TP quyết định miễn phí vé tham quan khu phố cổ Hội An và một số điểm trên địa bàn TP từ ngày 18 – 21.2 (30 tết – mùng 3 tết).
Du khách đến Hội An dịp Tết Nguyên đán sẽ được miễn phí vé tham quan – Ảnh: Diệu Hiền
|
Bình Định: Rộn ràng lễ hội
Chương trình lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 tại tỉnh Bình Định bắt đầu bằng Dạ hội giao thừa được tổ chức tại khu vực quảng trường Trung tâm tỉnh ở TP.Quy Nhơn tối 30 tết. Hai đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh là Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn ca kịch bài chòi sẽ trình diễn nhiều tiết mục đậm đà bản sắc dân tộc trong đêm dạ hội này. Cuối chương trình là màn bắn pháo hoa tầm thấp đón giao thừa. Ngoài ra, Bình Định còn có các lễ hội truyền thống độc đáo diễn ra vào dịp tết như: lễ hội Chợ Gò mỗi năm chỉ nhóm họp một lần vào sáng mùng 1 tết tại thôn Phong Thạnh (thị trấn Tuy Phước, H.Tuy Phước), hội đua thuyền trên sông Gò Bồi (xã Phước Hòa, H.Tuy Phước) vào mùng 2, hội thi chim cảnh H.An Lão vào mùng 6…
Lễ kỷ niệm 226 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789 – 2015) tại Bảo tàng Quang Trung và Khu tâm linh đàn tế trời đất (H.Tây Sơn) diễn ra vào các ngày mùng 4, 5 tết để người dân đến dâng hương, cầu tài lộc… Trong dịp này, tỉnh Bình Định sẽ tổ chức đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt cho di tích lịch sử Khu đền thờ Tây Sơn tam kiệt trong Bảo tàng Quang Trung.
Nha Trang: Thi đấu cờ người
Tết Nguyên đán 2015 trên địa bàn TP.Nha Trang sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Tối giao thừa, tại quảng trường 2 Tháng 4 có bắn pháo hoa tầm thấp; từ mùng 2 – mùng 10 tết tại công viên bờ biển đối diện khách sạn Novotel có hội bài chòi; chiều mùng 3 – mùng 5 tết tại quảng trường 2 Tháng 4 sẽ tổ chức thi đấu cờ người…
Không gian xuân tại Nha Trang – Ảnh: Nguyễn Chung
|
Đà Lạt: Độc đáo mê cung tình yêu
Chuẩn bị đón du khách dịp Tết Ất Mùi và ngày lễ Tình nhân (14.2), khu du lịch Thung lũng tình yêu khai trương “mê cung tình yêu sinh thái” được thiết kế hoàn toàn bằng cây xanh (chiều cao 2 m), tổng chiều dài 1.500 m với những cung đường lắt léo. Trong khuôn viên rộng 4.000 m2 của mê cung còn có 4 cầu định hướng và 6 lối thoát cho những người đi lạc. Cũng trong dịp tết này, khu du lịch khai trương “chiếc cầu tình yêu và vòi phun nước trên không” giữa mặt hồ Đa Thiện; các đôi tình nhân có thể mua ổ khoá để xích vào thành cầu như lời cam kết chung thuỷ trọn đời. Cách đó không xa, “đồi hoa tình yêu” với các hình nhân ngộ nghĩnh giữa không gian hoa rực rỡ được thiết kế đẹp mắt như món quà xuân mà thành phố hoa Đà Lạt gửi tặng du khách. Trên đồi Vọng Cảnh còn có khu trưng bày linh vật rồng – công bằng vàng và đá quý phục vụ du khách tham quan miễn phí…
Mê cung tình yêu tại Đà Lạt – Ảnh: L.V
|
Bến Tre
Tổ chức Hội xuân Ất Mùi năm 2015 diễn ra trong toàn tỉnh từ ngày 17 – 23.2 (29 tết – mùng 5 tết). Tổ chức đêm văn nghệ đón giao thừa, trong đó có bắn pháo hoa tầm thấp, tại TP.Bến Tre từ 22 giờ 30 ngày 18.2 – 0 giờ 15 ngày 19.2. Con đường hoa kết hợp không gian dừa tại công viên Cái Cối (xã Mỹ Thạnh An, TP.Bến Tre) từ ngày 16 – 23.2 (28 tết – mùng 5 tết).
Đồng Tháp: Điểm nhấn đường hoa
Tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa tại TX.Hồng Ngự và H.Lấp Vò, cùng các hoạt động vui chơi giải trí múa lân sư rồng, tổ chức con đường sen… Đặc biệt tại TP.Sa Đéc sẽ diễn ra Lễ hội hoa xuân năm 2015 chủ đề Sa Đéc vào xuân bắt đầu từ ngày 12 – 21.2 (24 tháng chạp đến mùng 3 tết) với các hoạt động vui chơi giải trí như thi hoa kiểng bonsai, thi kiểng cổ, thi chọi chim, chọi gà nghệ thuật…Đặc biệt đường hoa Sa Nhiên – Cai Dao đầu tiên ở Sa Đéc sẽ là điểm nhấn đặc biệt cho lễ hội vào xuân.
Vĩnh Long: Hội thi lân sư rồng
Từ ngày 11 – 25.2, tại trụ sở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long diễn ra triển lãm mỹ thuật và ảnh nghệ thuật Xuân Ất Mùi 2015. Từ ngày 13.2 (25 tháng chạp) tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long diễn ra Triển lãm hội báo xuân “Mừng Đảng mừng xuân” trưng bày 500 bản sách, 200 loại báo, tạp chí xuân, 63 tờ báo xuân… kết thúc vào mùng 4 tết. Ngày 14.2 (26 tết) tại quảng trường TP.Vĩnh Long diễn ra Hội thi múa lân sư rồng mở rộng với 10 đội lân đến từ các huyện, thị, thành trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Hội thi kết thúc và trao giải vào 21 giờ ngày 15.2 (27 tết).
Đêm 30 tết, tại quảng trường TP.Vĩnh Long diễn ra Lễ hội đón giao thừa với chương trình văn hoá nghệ thuật đặc sắc và kết thúc năm cũ bước qua năm mới bằng màn bắn pháo hoa nghệ thuật.
An Giang: Khai trương cáp treo núi Cấm
Lúc 21 giờ ngày 18.2, tổ chức bắn pháo hoa tại công trường Trưng Nữ Vương (TP.Long Xuyên), bắn pháo hoa ở bờ sông Hậu tại công viên văn hóa TP.Châu Đốc, bắn pháo hoa bên bờ sông Tiền tại công viên TX.Tân Châu. Bên cạnh đó các hội thi múa lân rồng, thả đèn hoa đăng trên sông diễn ra ở TX.Tân Châu. Đặc biệt năm nay cáp treo núi Cấm chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 14.2 sẽ đưa du khách trải nghiệm cảm giác lướt cáp ngắm toàn cảnh núi Cấm từ trên cao.
Giải trí trên màn ảnh nhỏ Gặp nhau cuối năm, phát sóng lúc 20 giờ ngày 18.2 (30 tết), trên kênh VTV. Chương trình Táo quân nhìn lại một năm với những điểm được và chưa được của các bộ, ngành cùng các sự kiện nổi bật. Chiều cuối năm – Sắc màu tết Việt, hương vị ngày tết ở 3 miền, sự giao thoa văn hoá, hướng về cội nguồn là nội dung của chương trình Chiều cuối năm, được phát sóng lúc 17 giờ ngày 18.2 (30 tết) trên VTV. 12 con giáp hội ngộ, các khách mời là những nhân vật, nghệ sĩ nổi tiếng cầm tinh 12 con giáp, phát sóng lúc 20 giờ trên kênh VTV3 vào ngày 19.2 (mùng 1 tết). Chuyến xe tết, đưa khán giả tham dự vào hành trình phượt tới 5 địa danh tại Cà Mau, Cần Thơ, TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội cùng nhà báo Lại Văn Sâm và ca sĩ Phạm Anh Khoa để cảm nhận vẻ đẹp của từng vùng đất với những dấu mốc lịch sử và văn hóa, phát sóng từ 22 giờ – 2 giờ ngày 19.2 (mùng 1 tết) trên kênh VTV3.
Gala Cười 2015, phát sóng lúc 21 giờ trên kênh VTV3 ngày 20.2 (mùng 2 tết) với sự tham gia diễn xuất của Quang Thắng, Vân Dung, Tự Long, Hồng Vân, Đức Thịnh… Gala Giai điệu tự hào, giới thiệu các ca khúc được bình chọn nhiều nhất qua các chương trình Giai điệu tự hào, phát sóng lúc 20 giờ 10 trên kênh VTV1 ngày 21.2 (mùng 3 tết). Tết Đồ Rê Mí, mang đến những tiết mục ca múa nhạc với các thí sinh tham gia Đồ Rê Mí được khán giả nhỏ tuổi yêu mến, phát sóng lúc 20 giờ trên kênh VTV3 ngày 21.2 (mùng 3 tết). Gala Việc tử tế, giao lưu với các nhân vật của chuyên mục Việc tử tế trong năm qua, giới thiệu những tấm gương điển hình về thực hiện việc tốt, cũng như khích lệ tinh thần làm việc tốt, việc tử tế trong xã hội, phát sóng lúc 20 giờ 10 trên kênh VTV1 ngày 22.2 (mùng 4 tết). Gala chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, phát sóng lúc 20 giờ 10 trên kênh VTV1 ngày 23.2 (mùng 5 tết). Xuân cười, chương trình hài kịch mang đến không gian giải trí vui tươi trong ngày đầu năm mới, phát sóng trên kênh HTV2 lúc 21 giờ ngày 20 – 21.2 (mùng 2 – 3 tết). Xuân cười gồm những tiết mục được tuyển chọn từ live show của Trấn Thành, với sự góp mặt của các danh hài: Chí Tài, NSND Hồng Vân, NSƯT Việt Anh, Minh Nhí, Cát Phượng, Thu Trang. |
Phim chiếu rạp Kiếm rồng Lấy bối cảnh diễn ra dưới thời Tây Hán, Kiếm rồng xoay quanh câu chuyện của đại tướng quân Hoặc An (Thành Long đóng) với sứ mệnh bảo vệ sự bình yên cho các nước chư hầu ở Tây Vực. Phim do Lý Nhân Cảng đạo diễn với phần diễn xuất của Thành Long, Adrien Brody, John Cusack, Lorie Pester… sẽ phát hành vào ngày 19.2 (mùng 1 tết) trên toàn quốc.
Siêu nhân X Bộ phim mới nhất của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng với sự tham gia của siêu mẫu Thanh Hằng, các ca sĩ Ngô Kiến Huy, Phương Thanh, Phạm Anh Khoa, người mẫu Diệp Lâm Anh. Phim ra rạp từ ngày 4.2. Ngày nảy ngày nay Phim do Cường Ngô đạo diễn, kể câu chuyện về hai cô tiên (Ngô Thanh Vân và Lê Khánh đóng) phải xuống hạ giới để tìm vị hoàng tử của thiên đình đang bị lạc trong thế giới loài người. Phim ra rạp từ ngày 6.2. Trúng số Cũng là hài nhưng “chất” hài trong Trúng số của đạo diễn kiêm diễn viên Dustin Nguyễn sẽ khác nhiều so với những bộ phim Việt chiếu tết năm nay. Phim khai thác cuộc sống của những người dân nghèo miền Tây và câu chuyện về cô Lành bán vé số ngoài đời. Phim khởi chiếu từ ngày 12.2. Quý tử bất đắc dĩ Quý tử bất đắc dĩ kể về mối tình già giản dị của ông Minh (Hoài Linh) và bà Hai Mùi (Việt Hương) do Trần Ngọc Giàu đạo diễn. Phim có sự tham gia của Hoài Linh, Hoài Lâm, Việt Hương, Tấn Beo, Trấn Thành, Huy Khánh… ra rạp từ ngày 12.2. |
Thanh Niên