Chúa Nhật V TN -B-2015: Loan báo Tin Mừng kết hợp với việc chữa lành
Các bài Kinh Thánh hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về thực trạng đau khổ của con người với những tật bệnh để có thể chữa lành cho họ khi rao giảng Lời Chúa như Chúa Giêsu. Vậy chúng ta sẽ thực hiện việc đó như thế nào trong hoàn cảnh hiện nay?
Loan báo Tin Mừng kết hợp với việc chữa lành
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Các bài Kinh Thánh hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về thực trạng đau khổ của con người với những tật bệnh để có thể chữa lành cho họ khi rao giảng Lời Chúa như Chúa Giêsu. Vậy chúng ta sẽ thực hiện việc đó như thế nào trong hoàn cảnh hiện nay?
1. Những phản ứng và thái độ xa lánh việc đời
Khi nói đến việc rao giảng Tin Mừng kèm theo việc chữa lành bệnh nhân, kể cả việc trừ quỷ, chúng ta gặp thấy có nhiều phản ứng khác nhau.
Có nhiều người, thậm chí cả linh mục, tu sĩ lập luận rằng: hiện nay đạo và đời tách biệt. Vì thế, việc đạo chỉ nên làm trong nhà thờ, nhà xứ; còn những việc ngoài đời như lo cho các bệnh nhân thì nên dành cho các bác sĩ, y sĩ và các chuyên viên về sức khoẻ. Còn việc trừ quỷ bị coi là mê tín không nên làm. Vì thế, nhiều linh mục phản ứng rất gay gắt về việc này. Hơn nữa, y khoa là lĩnh vực khoa học chuyên môn, những người không học, không biết thì không nên làm, kẻo nguy hại cho người khác thay vì chữa lành họ. Trong một xã hội đề cao khoa học và coi trọng sự phân công, phản ứng như trên là lẽ thường tình và được coi là khôn ngoan,vì không dẫm chân lên các lĩnh vực của người khác.
Ngay từ thời công đồng Triđentinô vào thế kỷ XVI (1545-1563), Giáo Hội đã quy định các linh mục phải học triết học, thần học cho có đủ khả năng chuyên môn về các khoa học đạo và ngày nay thêm một số khoa mục vụ để có thể loan báo Tin Mừng cách hiệu quả. Các tu sĩ nam nữ hiện nay cũng được đào tạo về triết học, thần học và ít môn tâm lý để phục vụ con người theo chiều hướng đó. Nhiều người học không thua kém các linh mục. Nhưng khi hoạt động, linh mục tập trung cho việc cử hành các bí tích, dâng thánh lễ, giảng dạy Thánh Kinh; còn các tu sĩ dạy giáo lý, học đàn, học nhạc để tập hát thánh ca, đánh đàn, cắm hoa, dọn đồ lễ… Họ hầu như chẳng được đào tạo gì để có thể phục vụ sức khoẻ, chữa lành bệnh tật cho con người. Vì thế chúng ta không nên lạ lùng về phản ứng “xa lánh việc đời” của các linh mục, tu sĩ.
2. Hành động và yêu cầu của Chúa Giêsu
Nếu nhìn vào Đức Giêsu trong đời hoạt động công khai của Người, hình như Chúa Giêsu lại muốn các môn đệ hành động khác.
Người rong ruổi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân mắc đủ các bệnh tật, xua trừ ma quỷ ra khỏi con người như ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Rồi Người sai các môn đệ tiếp tục công trình cứu độ của Người: “Các ông đi rao giảng, trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (x. Mc 6,7-13).
Trong bài đọc II, thánh Phaolô mời gọi chúng ta tự nguyện “trở thành nô lệ của mọi người” khi đối mặt với thực trạng đau khổ, bệnh tật, yếu đuối của con người như ông Gióp trong bài đọc I (x. G 7,1-4.6-7) để chinh phục thêm được nhiều người. Ngài nói: “Tôi đã trở nên đau yếu đối với những người đau yếu để chinh phục người đau yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người để bằng mọi cách cứu được một số người. Tôi đã làm tất cả những điều đó vì Tin Mừng… Khốn cho thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 16,19-23).
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong chiều hướng đó, mời gọi chúng ta, nhất là các anh em linh mục, tu sĩ hãy “đi ra” loan báo Tin Mừng cho những người ở vùng ven để chữa lành những con người khốn khổ, bệnh tật, bị ma quỷ kiềm chế bằng đủ thứ nghiện ngập, đam mê khác nhau hầu mang lại ơn cứu độ và sự giải phóng toàn diện cho con người. Vậy chúng ta sẽ làm thế nào trong thực trạng đất nước hiện nay?
3. Thực trạng đất nước về lĩnh vực y tế và sức khoẻ toàn diện
Nhìn vào tình trạng đất nước, chúng ta thấy dân tộc Việt Nam còn rất yếu kém về lĩnh vực y tế và sức khoẻ. Nhiều người do không biết giữ những điều cơ bản về vệ sinh đã mắc nhiều thứ bệnh tật. Hơn nữa, trong một xã hội chối từ Thiên Chúa và chỉ biết kiếm tìm vật chất như hiện nay, thì nhiều bác sĩ, y tá cũng thường khai thác bệnh tật đề làm lợi cho mình, chứ không thể thành “lương y như từ mẫu”. Nhiều phòng xét nghiệm y khoa lạm dụng xét nghiệm để bóc lột bệnh nhân, phục vụ cho những nhóm có đặc quyền. Không ít dược sĩ tham lam bắt tay với các bác sĩ và nhà thuốc để bắt ép bệnh nhân phải mua thuốc giá cao hay mua thuốc không cần thiết. Thực trạng này như đang mời gọi người tín hữu Kitô thể hiện tích cực hơn sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng cách chữa lành.
Hơn nữa, chính nền y học VN cũng đang cần thay đổi từ cách đào tạo lương tâm nghề nghiệp cho đến những kiến thức mới mẻ về sức khoẻ toàn diện của con người. Vào tháng 9 năm 2012, tôi đã cùng đi với hai giảng viên khoa tâm lý của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM sang nghiên cứu 3 tuần ở Đức về vấn đề này. Các nước tiên tiến như Đức, Mỹ ngày nay khám phá ra rằng sức khoẻ con người gồm 4 lĩnh vực tác động lên nhau và ảnh hưởng lẫn nhau, đó là: thể lý, tâm thần, tâm lý và tâm linh.
Về lĩnh vực thể lý với những triệu chứng, bệnh tật trên thân xác thì y học đã nghiên cứu vài ngàn năm rồi. Về lĩnh vực tâm thần học, người ta mới quan tâm từ vài chục năm nay. Ở TP.HCM, chúng ta mới chỉ thấy Trung tâm Sức khoẻ Tâm thần ở 192 Bến Hàm Tử, Q.5. Thí dụ: cùng một chứng nhức đầu như do đi nắng đi mưa, bác sĩ cho ta vài viên thuốc cảm uống là hết bệnh. Nhưng có người nhức đầu không phải về thể lý, mà về tâm thần. Người bệnh ôm đầu, nói lảm nhảm, đó là do bộ não người này làm việc quá căng thẳng, có thể vì nghiện trò chơi trực tuyến, xem ngày xem đêm, dẫn đến chứng hoang tưởng, tâm thần phân liệt. Họ cần điều trị bằng loại thuốc an thần.
Nhưng cũng có người nhức đầu lại cần điều trị về tâm lý. Họ buồn bực nhức đầu do ông chồng có bồ nhí hoặc do thầy cô đối xử nghiêm khắc, hay gọi lên trả bài, nên đến giờ học của thầy cô là ôm đầu kêu khóc. Chồng hết lăng nhăng, lớp đổi thầy cô khác, là họ khỏi bệnh mà không cần 1 viên thuốc! Việc điều trị tâm lý loại này ở VN mới chỉ được quan tâm trong vòng 5 năm nay. Năm học 2014 vừa qua, khoa Tâm lý của 2 đại học ở TP.HCM là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Văn Hiến mới cho tốt nghiệp được 41 cử nhân về điều trị tâm lý.
Còn lĩnh vực nữa được các nước tiên tiến nghiên cứu nhiều, nhưng VN lại chưa chính thức công nhận, đó là lĩnh vực tâm linh. Thí dụ một bệnh nhân nhức đầu dữ dội từ 1 giờ đến 2 giờ sáng mỗi ngày. Sau đó cả ngày đều bình thường. Các bác sĩ cho xét nghiệm đủ loại vẫn không tìm ra nguyên nhân bệnh. Nhà chuyên môn về tâm linh khám phá ra người bệnh bị một hồn ma nhập vào, xưng tên tuổi rõ ràng. Sau khi dâng lễ, giải tội, làm phép trừ tà, cầu nguyện cho hồn đó được siêu thoát, người bệnh không còn bị nhức đầu nữa.
Đây là những kinh nghiệm khi giúp đỡ bệnh nhân trong nhiều năm qua khiến tôi thấy nước mình cần phải tìm hiểu nhiều hơn về sức khoẻ toàn diện của con người.
4. Rao giảng Tin Mừng kèm theo việc chữa lành bệnh nhân
Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ để chứng tỏ cho con người thấy rằng Nước Thiên Chúa hay chính Thiên Chúa đang đến gần, đang hiện diện giữa con người, đang thực hiện ơn cứu độ trong con người. Đức Giêsu làm thế để chứng tỏ Người đã chiến thắng sự dữ ngay từ gốc rễ của nó và cuộc chiến thắng này thể hiện trước cuộc chiến thắng sẽ đạt được qua cái chết và cuộc sống lại của Đức Giêsu Kitô.
Chúng ta được Đức Giêsu mời gọi đi theo Người, tiếp tục công trình cứu độ của Người cho đồng bào chúng ta trong xã hội hiện nay. Vậy chúng ta thực hiện sứ mạng này như thế nào?
Trước hết, chúng ta bắt chước Đức Giêsu: Người tìm một nơi hoang vắng và cầu nguyện từ lúc sáng sớm để đón nhận sức mạnh, tình yêu, quyền năng và ý muốn của Chúa Cha qua sự kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu. Có như thế ta mới có đầy đủ ân sủng, sức mạnh để làm chứng cho Thiên Chúa qua việc chữa bệnh và trừ quỷ. Điều này nhắc ta nhớ lại hình ảnh của chị Anna Miều, 26 tuổi, thuộc dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn, vào năm 1867, trong vòng 2 năm, hai chị em đã rửa tội cho hơn 600 người theo đạo. Ban ngày chị vào các làng quên cắt lể, cạo gió, dạy chữ, dạy đạo. Tối về lên chiếc thuyền con, cũng là nhà ở, chầu Thánh Thể (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Người mục tử cộng đồng hướng về tương lai, 1996, tr. 45).
Tiếp theo, chúng ta cần phải học hỏi những điều vệ sinh căn bản, những bệnh thường gặp và cách chữa trị sơ khởi thì mới có khả năng giữ gìn sức khoẻ cho mình và cứu giúp người khác, nhất là những người thân thuộc, hàng xóm, láng giềng. Thí dụ: Khi về vùng nông thôn tôi thấy người ta hay phơi quần áo, khăn mặt ngoài trời đêm. Điều này không nên vì những con bọ, con sâu có thể truyền bệnh zona mà dân gian gọi là bệnh “giời leo”. Bệnh này làm thương tổn các trung khu thần kinh, nếu không biết cách chữa trị, có thể dẫn đến vô sinh. Rồi ta cũng biết mang phòng thuốc Acyclovir để chỉ cho người ta vừa uống vừa thoa lên chỗ đau.
Nhiều khi cho rước lễ thấy mặt một số bạn trẻ bị nhiều mụn, tôi chỉ muốn gặp riêng họ để chỉ cách nặn mụn, giữ vệ sinh da cho sạch thay vì dùng các loại mỹ phẩm; nhất là biết giặt khăn lau mặt thường xuyên bằng nước sôi với bột giặt để loại bỏ các chất nhờn, chất mỡ bám vào các sợi bông của khăn. Do ta thường để khăn ướt nên không thấy đó là môi trường đầy vi trùng và nấm mốc ở đó. Ta thử phơi khăn ngoài nắng sẽ thấy khăn khô cứng như mo cau.
Đó chỉ là vài thí dụ cụ thể để cho ta thấy khi kết hợp với Chúa Giêsu trong đời cầu nguyện và tình yêu, ta có thể có nhiều cách thể hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ và chữa lành bệnh nhân.
Lời kết
Hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa cho từng tín hữu Kitô, nhất là các linh mục, tu sĩ, biết quan tâm hơn đến các bệnh nhân cũng như luôn biết chuẩn bị để trở thành hiện thân của Chúa Giêsu, Đấng chữa lành cho muôn người.