10/01/2025

Nguy cơ bùng phát sởi, ho gà

Thời tiết thuận lợi cùng tâm lý người dân e ngại về sự cố do tiêm vắc xin đang khiến nguy cơ dịch bệnh bùng phát, nhất là với sởi và ho gà.

 

Nguy cơ bùng phát sởi, ho gà

 

 

Thời tiết thuận lợi cùng tâm lý người dân e ngại về sự cố do tiêm vắc xin đang khiến nguy cơ dịch bệnh bùng phát, nhất là với sởi và ho gà.

 

 

 

Khám cho trẻ mắc bệnh sởi Khám cho trẻ mắc bệnh sởi – Ảnh: Lương Ngọc

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cục vừa chỉ đạo khối y tế dự phòng và khối điều trị của các địa phương phải phối hợp chặt chẽ để nắm tình hình, diễn biến dịch bệnh dịp cận tết. “Dịp Tết Nguyên đán và các tháng ngay sau tết lo ngại nhất là dịch bệnh sởi tái bùng phát. Năm 2014 là một minh chứng rõ nét nhất, bệnh sởi bùng phát dữ dội ngay từ đầu năm. Chúng tôi cảnh báo như thế bởi dịp đông – xuân là thời điểm tiết trời rất thuận lợi cho hai bệnh sởi và ho gà gia tăng”, ông Phu nói.

 
 

Tại TP.HCM, chiến dịch tiêm sởi – rubella miễn phí cho trẻ (từ 1 – 14 tuổi) đang chuẩn bị tiêm đợt 3 dành cho khối mầm non, nhà trẻ. Trước đó đợt tiêm sởi – rubella miễn phí tại TP từ tháng 10 – 11.2014, đã tiêm cho 319.965 em (từ 11 – 14 tuổi), đạt tỷ lệ 87,6%. Tỷ lệ trẻ hoãn tiêm trong đợt này do không đảm bảo sức khỏe là 4,4%.      

 

T.Tùng

 

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, trong tháng 1.2015 đã có 133 ca mắc sởi tại 10 tỉnh, thành. Cùng với sự xuất hiện của sởi thì các ca mắc ho gà nhập viện có xu hướng gia tăng hai năm gần đây, đặc biệt là ở Hà Nội, trong khi trước đây bệnh ho gà rất ít. Tại BV Nhi T.Ư, tháng 1.2015 có 21 ca mắc ho gà nhập viện, với các đặc trưng ho nhiều, ho dai dẳng. Đây là bệnh dễ gặp ở trẻ nhỏ, lây qua đường hô hấp nên rất dễ lây nhiễm.

Hầu hết trẻ mắc bệnh chưa tiêm phòng

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm đơn nguyên 1 Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, cho biết hầu hết số mắc ho gà là trẻ từ 6 tháng tuổi trở xuống. Các trẻ này đều chưa tiêm phòng ho gà hoặc tiêm không đầy đủ. Còn theo Cục Y tế dự phòng, trong số bệnh nhân mắc sởi, có 19% chưa được tiêm ngừa và 80,9% không khai thác được tiền sử trước đó trẻ đã được tiêm chủng hay chưa.

Ông Phu xác nhận thêm, hiện tại 6 tỉnh, thành đã ghi nhận các ca mắc ho gà. Trong số các trường hợp xét nghiệm dương tính ho gà, 100% đều dưới 2 tuổi. Đây là lứa tuổi có chỉ định tiêm ngừa. “Nhiều trẻ mắc bệnh do không được tiêm, vì gia đình các cháu không nắm được lịch tiêm; đặc biệt là tâm lý sợ phản ứng sau tiêm chủng của cha mẹ, nên trì hoãn tiêm cho trẻ”, ông Phu nêu nguyên nhân.

Theo các bác sĩ, một số sự cố sau tiêm vắc xin gần đây gây tâm lý lo ngại ở người dân, làm ảnh hưởng tỷ lệ tiêm chủng và dẫn đến nguy cơ mắc sởi, ho gà sẽ gia tăng trong các tuần tới. “Tại Mỹ, bệnh sởi đã bùng phát ở 14 bang, mà nguyên nhân được xác định cũng do phần lớn người dân những nơi này không tiêm ngừa vắc xin cho trẻ. Điều này nhắc nhở chúng ta cần đẩy mạnh thêm nữa tiêm chủng đầy đủ. Nếu không, tháng 3, tháng 4 tới đây lại bùng phát sởi như năm trước thì rất khổ!”, ông Phu nói.

 
 
Một số bệnh có thể xảy ra nhiều

Theo Cục Y tế dự phòng, ngoài các bệnh sởi, ho gà nói trên, dịp Tết Nguyên đán với thời tiết lạnh như năm nay sẽ thuận lợi cho các bệnh gia tăng như: cúm A, đường hô hấp, tiêu chảy, tai biến mạch máu não, chàm ở trẻ nhỏ… Ngoài ra, Trung tâm chống độc BV Bạch Mai (Hà Nội) khuyến cáo trời rét đậm thường xảy ra ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng bếp than.

 

Tiêm chủng miễn phí là bắt buộc

Ông Trần Đắc Phu cho rằng theo luật định, các vắc xin tiêm miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia là bắt buộc, vì sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta vẫn triển khai trên tinh thần vận động, tuyên truyền để người dân hiểu được sự cần thiết của tiêm chủng nhằm chủ động tham gia.

“Để người dân yên tâm tiêm chủng vắc xin cho trẻ, dù là những loại tiêm miễn phí, thì y tế các địa phương cần đảm bảo tối đa về an toàn tiêm chủng. Nếu còn xảy ra tiêm nhầm vắc xin thì người dân còn e ngại, cho dù vắc xin tiêm miễn phí đã được kiểm định 100% về an toàn, hiệu quả. Thậm chí, chất lượng vắc xin sởi do VN sản xuất được WHO đánh giá có thể xuất khẩu”, ông Phu nói. 

Ngoài ra, theo các chuyên gia, các điểm tiêm chủng miễn phí phải có ở tất cả mọi nơi. Ở những vùng sâu, vùng xa, mở thêm nhiều điểm tiêm để người dân dễ tiếp cận. Tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên phải đạt từ 95% ở cấp xã, đảm bảo thực chất về số trẻ được tiêm, chứ không phải lấy số đẹp, thành tích cao trên toàn tỉnh, thành trong khi vẫn tồn tại vùng trống về tiêm chủng.

Trước thực tế vừa qua có tâm lý chờ đợi được tiêm vắc xin dịch vụ, trong khi nhiều điểm tiêm dịch vụ không cung ứng đủ vắc xin “5 trong 1”,  “6 trong 1” khiến nhiều trẻ nhiễm bệnh do không được tiêm đầy đủ, tuần qua Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các nơi rà soát năng lực của các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Nơi nào không đủ vốn, không đáp ứng đủ nhu cầu vắc xin tiêm dịch vụ phải ngưng hoạt động.

Dịch sởi bùng phát tại Mỹ

Tờ Le Monde dẫn thông cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh Mỹ (CDC) báo động dịch sởi đang trở lại tại nước này với 102 ca được ghi nhận ở 14 bang chỉ trong tháng 1.2015. Đợt bùng phát mới đã làm nảy sinh tranh cãi nảy lửa trong dư luận Mỹ về phong trào chống vắc xin đang khá rầm rộ tại nước này. Theo nhận định của CDC, bệnh sởi hoành hành là do ngày càng có nhiều người không cho con tiêm ngừa.

Phong trào chống tiêm vắc xin ở Mỹ xuất phát từ báo cáo đăng trên chuyên san The Lancet vào năm 1998 cho rằng vắc xin phòng sởi – quai bị – rubella có thể gây hội chứng tự kỷ ở trẻ em. Tuy nhiên, sau đó, báo cáo này đã bị vạch trần là đã “phù phép” số liệu với mục đích không minh bạch. Tác giả chính bị cho là đã nhận tiền từ gia đình những người từng tiêm vắc xin bị tác dụng phụ và muốn kiện các hãng dược. Bài báo sau đó cũng bị The Lancet rút xuống.

Trước tình hình hiện nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi người dân cho con tiêm phòng để “bảo vệ sức khỏe của con mình và con người khác”.         

Lan Chi

Liên Châu