Những người thích làm chuyện tử tế
Nhiều năm qua họ lặng lẽ lo việc bếp núc, chăm sóc, điều trị cho người bệnh với lòng tận tâm và kiên nhẫn đến lạ.
Những người thích làm chuyện tử tế
Nhiều năm qua họ lặng lẽ lo việc bếp núc, chăm sóc, điều trị cho người bệnh với lòng tận tâm và kiên nhẫn đến lạ.
Phòng khám từ thiện – bệnh viện miễn phí mini ở Tân Châu của những người tử tế – Ảnh: T.Đức |
Họ làm việc không phải để mưu sinh, cũng không vì người thân, mà để lo cho những người xa lạ có hoàn cảnh khó khăn. Người dân đã gọi họ là những người thích làm chuyện tử tế!
Mới 3g sáng, hơn chục người trong tổ phục vụ ăn uống của bếp ăn từ thiện đã bắt đầu ngày làm việc. Nhóm phụ nữ chia nhau gọt mấy rổ khoai mỡ, lặt mớ rau xanh nấu canh, trong khi cánh đàn ông bê những thau gạo to đùng đi vo rồi đổ vào các ngăn của lò hấp…
Dâng cơm cho người khó
Điểm sáng nghĩa tình “Trong nhiều năm qua, ông Hai Huýnh và các nhà hảo tâm trong nhóm thiện nguyện của ông đã làm được nhiều việc rất đáng trân trọng, nhất là kết hợp với Hội Chữ thập đỏ thị xã Tân Châu duy trì hoạt động của phòng khám bệnh nhân đạo, góp phần cùng ngành y tế chăm lo sức khỏe cho người nghèo, gia đình khó khăn. Đây là một điểm sáng nghĩa tình cần nhân rộng” – ông Trần Hòa Hợp, phó chủ tịch UBND thị xã Tân Châu, nói. |
Chưa tới 5g sáng, bữa ăn đã được chất lên xe, kéo qua dãy hành lang chính phía cổng sau Bệnh viện Đa khoa Tân Châu (An Giang). Ở đó cả trăm thân nhân người bệnh với hộp, tô, đĩa cầm sẵn trên tay.
“Người bệnh cần có bữa ăn sáng để uống thuốc, trong khi người nuôi bệnh cũng đã mệt phờ sau một đêm thức canh, cần có thức ăn bỏ vô bụng, cho nên anh chị em chúng tôi phải tiếp sức cho họ thật sớm” – bà Nguyễn Thị Nhường, tổ trưởng phục vụ, vừa nói vừa liên tục chuyển những phần ăn nóng hổi cho người có nhu cầu.
Chừng nửa giờ, toàn bộ hơn 300 suất ăn miễn phí đã phát xong, đội phục vụ nhanh chóng thu dọn dụng cụ nhà bếp mang về vệ sinh sạch sẽ, chuẩn bị cho bữa cơm chính sẽ phát vào buổi trưa.
Công việc cứ vậy xoay dần cho đến tối, thêm hai bữa nữa, để đảm bảo cho tất cả người bệnh có hoàn cảnh khó khăn và thân nhân của họ không phải đói lòng.
Cách đây tròn 25 năm, trong một lần đến thăm người thân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Phú Châu (tiền thân của Bệnh viện Đa khoa Tân Châu), ông Nhan Hồng Huýnh (Hai Huýnh, nay đã 87 tuổi) nhận thấy nhiều người nghèo phải nhịn ăn sáng để dành tiền lo thuốc thang chữa trị cho người thân.
Nước ấm dùng cho việc uống thuốc, pha sữa, đắp hạ sốt tạm thời cho người bệnh cũng rất hiếm, ngay cả người có tiền cũng không biết tìm mua ở đâu.
Trở về, ông Hai Huýnh đã bàn với những người có tấm lòng đứng ra vận động lập bếp ăn cung cấp cháo, nước sôi miễn phí. Buổi đầu bếp ăn đặt nhờ trong một góc chùa, cách nơi chữa bệnh cả cây số.
“Lúc đầu chỉ có mấy cục đá do anh em lượm ngoài lộ mang vô kê làm ông Táo, rồi chia nhau đi lượm bẹ dừa về đốt thay củi cho đỡ tốn tiền. Nấu xong chất lên thúng gánh đi bộ cả cây số để phân phát cho mọi người” – ông Hai Huýnh nhớ lại.
Rồi dần dà bếp ăn được mở rộng với sự chung tay góp sức của nhiều người. Vợ chồng ông Út Cứng bán thức ăn chay, bà Cúc chủ sạp rau cải, chị Hồng bán cá ở chợ Tân Châu… là những nhà tài trợ thường xuyên mỗi khi bếp ăn thiếu hụt thực phẩm.
Những bếp trưởng như bà Nguyễn Thị Nhường, Nguyễn Thị Thế tuổi đã ngoài sáu mươi vẫn ngày ngày tất bật với chuyện nấu nướng phục vụ người bệnh từ 3g-4g sáng tới tận đêm.
Hai cô giáo Nguyễn Thị Nhân, Nguyễn Thị Lá, trước là hiệu trưởng các trường trung học ở thị xã Tân Châu, đến tuổi nghỉ hưu đã tình nguyện tham gia làm công việc quản lý hồ sơ, sổ sách, vận động tài trợ cho bếp ăn.
Rồi những anh chạy xe ôm, thợ phụ hồ, người bán vé số xung quanh bếp ăn khi tình nguyện đi lấy thực phẩm từ các nhà tài trợ mang về, khi lại xắn tay áo tham gia sửa sang lại bếp ăn mà không đòi hỏi trả công.
Bây giờ bếp ăn đã được xây dựng khang trang ngay sát cổng Bệnh viện Đa khoa Tân Châu với hàng trăm tình nguyện viên, chia làm 12 tổ, luân phiên mỗi tổ đảm nhiệm việc nấu ăn một tuần.
Số lượng khẩu phần hằng ngày tùy theo nhu cầu của người bệnh và thân nhân, cần bao nhiêu cũng cung ứng đủ. Chưa kể mỗi tháng bếp ăn còn cung cấp hơn 18.000 suất ăn miễn phí cho người nghèo, người cơ nhỡ bên ngoài bệnh viện.
Phát cơm miễn phí cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tân Châu – Ảnh: T.Đức |
“Nhà thương thí” cho người nghèo
Ngoài việc lo ăn uống miễn phí, gần chục năm qua nhóm thiện nguyện của ông Hai Huýnh cùng với nhiều nhà hảo tâm khác còn chung tay góp sức xây dựng phòng khám bệnh nhân đạo.
Với ước mơ giúp người nghèo có một “nhà thương thí” kiểu trước năm 1975 ở miền Nam, tháng 8-2005 phòng khám được khởi công xây dựng trên thửa đất rộng hơn 2.000m2 với hàng chục giường điều trị nội trú, có cả phòng tập phục hồi chức năng, phòng thuốc nam, bếp ăn miễn phí phục vụ người bệnh và thân nhân với tổng trị giá đầu tư trên 2 tỉ đồng.
“Tui coi nơi đây như ngôi nhà của mình vậy, bởi các y bác sĩ chăm sóc cho tui rất tốt. Việc ăn uống hằng ngày cũng có người lo, chứ tui nghèo, không có tiền” – ông Danh Út, một bệnh nhân bị tai biến đến từ tỉnh Kandal, Campuchia (địa bàn giáp biên giới với tỉnh An Giang), cho hay.
Cách đây gần tháng, ông Út bị tai biến nằm liệt, được vợ con đưa sang điều trị tại phòng khám. Qua thời gian châm cứu, bấm huyệt kết hợp dùng thuốc miễn phí, giờ ông đã có thể ngồi dậy, trò chuyện mà không cần người đỡ.
Cạnh giường bệnh của ông Út, ông Hết cũng bị tai biến lần hai, lại thêm chứng suy gan. Lúc mới vào lưng bị lở loét do nằm lâu. Giờ thì ông cũng đã ngồi dậy, vẻ mặt tươi tỉnh.
“Nếu không có phòng khám này chắc tui… đi rồi. Coi như tui nợ anh em ở đây công tái sinh lần hai” – ông Hết run giọng nói. Hoàn cảnh của bệnh nhân Võ Văn Phước (56 tuổi) còn bi đát hơn. Trước ông Phước sống bằng nghề phụ hồ, nhưng cách đây ba năm ông bị tai biến nặng, được người thân đưa đến phòng khám. Từ đó đến nay ông phải ngồi xe lăn, chuyện cơm nước, vệ sinh hằng ngày đều do những tình nguyện viên của phòng khám lo hết. Người thân của ông không ai trở lại.
Chăm lo cho hàng chục bệnh nhân đang điều trị nội trú tại phòng khám là đội ngũ hơn 20 y bác sĩ, kỹ thuật viên châm cứu do bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng phụ trách. Tất cả cùng tình nguyện làm việc không hưởng lương. Y sĩ Nguyễn Văn Thành có nhà tại thị xã Châu Đốc đã không quản ngại sang làm việc và ở luôn tại phòng khám để phục vụ người bệnh.
“Hồi đầu đến với phòng khám tôi không nghĩ mình sẽ gắn bó lâu tới vậy. Nhưng rồi chính tình cảm với người bệnh đã níu chân mình dính rịt vô đây” – y sĩ Thành tâm sự.
Cũng như y sĩ Thành, kỹ thuật viên châm cứu Nguyễn Thị Bé Thuỳ dù tuổi đời còn rất trẻ đã tình nguyện làm việc thiện nguyện ở đây hơn sáu năm. Ngoài công việc chuyên môn, lúc rảnh rỗi Thuỳ còn đi đến từng nhà nhận tài trợ của các mạnh thường quân mang về cho phòng khám. Chúng tôi cũng thật sự bất ngờ khi được gặp ông Phan Văn Thồi, người đã có hơn 30 năm tầm dược (tìm cây thuốc nam).
Gần đây, khi bước vào tuổi 60, không còn đủ sức khỏe để leo núi, băng rừng tìm cây thuốc quý, ông lại tình nguyện gắn mình với nhà thuốc của phòng khám, lo việc phơi, sao chế phục vụ miễn phí cho người bệnh.
Cũng không thể quên hình ảnh bà Út Mai (53 tuổi) lúc nào cũng cặm cụi lo chuyện dọn dẹp nhà vệ sinh cho phòng khám suốt từ ngày thành lập tới nay. Nhìn tấm biển ghi “vui lòng để giày dép bên ngoài” trước cửa khu nhà vệ sinh sạch sẽ, người ta không khỏi thán phục sự đóng góp âm thầm của bà.
Có mặt tại phòng khám vào một chiều đầu năm trong tiết trời se lạnh mới thấy không khí nơi đây yên bình đến lạ. Ở đây giống như một bệnh viện miễn phí mini. Những bệnh nhân vừa qua khỏi cơn tai biến đang phục hồi, tập tễnh bước đi trong sân. Người chậm phục hồi cũng được thân nhân dùng xe lăn đưa ra ngoài để hít thở khí trời.
Ở phía đối diện, trong khuôn viên phòng khám, những thành viên trong tổ phục vụ ăn uống đang tất bật chuẩn bị bữa ăn chiều, hệt như bữa cơm gia đình vậy! Tất cả khung cảnh này, công việc này, cuộc sống này có được là nhờ ở sự tử tế của những con người tử tế.
Biết sử dụng của bá gia cho bá tánh “Của bá gia cho bá tánh mà mình không biết quản lý, không dành một phần đầu tư để tạo cơ hội cho nhiều người khó khăn được hưởng lợi thì không hay. Với suy nghĩ đó, chúng tôi đã cố gắng ăn cần ở kiệm, trích ra một phần đầu tư mở rộng quy mô hoạt động. Ngoài ra, anh em còn đóng góp mỗi người 10.000 đồng/tháng, gộp lại trong nhiều năm cũng được chừng 1,2 tỉ đồng, dùng làm nguồn dự phòng lúc thắt ngặt và chăm lo các hoàn cảnh khó khăn đột xuất” – ông Hai Huýnh nói. |