27/11/2024

Cái họa từ miếng ăn

Tại sao người mắc bệnh ung thư ngày càng nhiều? Chưa có nguyên nhân nào được xác nhận, nhưng ngoài những vùng miền ô nhiễm nhiều, “thủ phạm” đáng ngờ nhất chính là từ ăn uống mà ra.

 

Cái họa từ miếng ăn

 

Tại sao người mắc bệnh ung thư ngày càng nhiều? Chưa có nguyên nhân nào được xác nhận,  nhưng ngoài những vùng miền ô nhiễm nhiều, “thủ phạm” đáng ngờ nhất chính là từ ăn uống mà ra. 

 

 

 

Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, tỉ lệ thịt heo nhiễm vi sinh là 25%, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do việc bày bán, giết mổ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ảnh chụp tại chợ Nghĩa Tân, Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh
Theo Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, tỉ lệ thịt heo nhiễm vi sinh là 25%, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do việc bày bán, giết mổ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ảnh chụp tại chợ Nghĩa Tân, Hà Nội) – Ảnh: Nguyễn Khánh

Tôi vừa vào bệnh viện ung bướu thăm một người bạn tuổi mới 50 đang nằm điều trị ở đây.    Nói thật, chẳng có bệnh viện nào u ám như bệnh viện ung bướu, khi vào đây xem như đã nhận cái trát của tử thần. Ngồi với bạn nửa giờ mà nghe xung quanh không biết bao nhiêu lời than thở, u uẩn.

Chuyện người Việt ngày càng có nhiều người mắc bệnh ung thư không còn là nhận định cảm tính, mà chính Bộ Y tế báo động hẳn hoi. (Theo thống kê của bộ này vào cuối năm 2014, mỗi năm VN phát hiện mới hơn 150.000 người mắc bệnh ung thư).

Tại sao người mắc bệnh ung thư ngày càng nhiều? Chính các bác sĩ cũng phải nói rằng chưa có một nguyên nhân chính xác nào được xác nhận, nhưng thường là những quốc gia, những vùng miền nào ô nhiễm nhiều; và đặc biệt “thủ phạm” đáng ngờ nhất chính là chuyện ăn uống mà ra.

Nào là rau được phun thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu; thịt từ gia súc, gia cầm được nuôi bằng thực phẩm tăng trọng… Thậm chí cũng đã có rất nhiều bài báo từ các nhà khoa học hẳn hoi, báo động về chuyện nước uống bẩn.

Dân ở thành phố xài nước máy cũng lo khi nước sông bị ô nhiễm do phải nhận quá nhiều chất thải nguy hại, rồi hoá chất xử lý từ nhà máy. Rồi ở nông thôn cũng không an toàn khi nhiều nhà khoa học báo động nạn sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bừa bãi dẫn đến việc dư lượng hoá chất ngấm vào các nguồn nước ngầm…

Tóm lại, cái hoạ từ miếng ăn, thức uống là rất lớn.

Chính vì vậy mà chưa bao giờ người ta sính thực phẩm sạch như bây giờ. Cứ thứ nào được gắn mác “xanh, sạch” là bán đắt như tôm tươi. Vô số nhà không có điều kiện thì trồng rau để tự cung tự cấp.

Tết nhất đến nơi, bạn bè là phụ nữ với nhau thế nào ngồi lại cũng hỏi han, nhờ vả mua giùm con gà, miếng thịt của nơi đảm bảo an toàn. Với những bà nội trợ như tôi, ra chợ bây giờ không ham gà béo, rau xanh mơn mởn nữa mà gầy gầy một chút, rau lá be bé một chút thì yên tâm không có thuốc kích thích, thuốc tăng trọng!

Nhưng tại sao các bà nội trợ phải vất vả trong việc lùng sục tìm kiếm thực phẩm sạch để chăm lo sức khỏe cho gia đình như vậy? Nhà nước có đầy đủ bộ máy để quản lý, giám sát chuyện này kia mà?

Tôi đi chợ quen, nhiều tiểu thương là mối ruột trong chuyện cung cấp thực phẩm an toàn đã chép miệng bảo: “Thanh tra, kiểm tra đủ cả. Nhưng chưa đi đã biết cả rồi, và thế là mấy quầy hàng buôn bán những thứ thực phẩm đáng ngờ đều có thời gian tẩu tán, che giấu hàng bẩn. Và thế là chỗ bán đồ bẩn với đồ sạch cũng chẳng khác gì nhau”.

Tết sắp đến, truyền thống của người Việt mình là luôn phải lo thực phẩm đủ đầy trong ba ngày tết. Nghĩa là “cầu” tăng vọt, dễ dẫn đến “cung” vô tội vạ. Dân có chút tiền thì lo ngay ngáy không biết mình có bị nhầm thực phẩm bẩn. Dân không tiền thì tặc lưỡi nhủ thầm “bẩn thì cũng chưa chết ngay mà sợ”!

Vậy nhưng, các sếp ngồi họp với nhau thì toàn đưa ra báo cáo đẹp, an toàn. Vâng, cứ đi lấy mẫu mà ai cũng biết trước; đi lấy mẫu toàn từ siêu thị sang thì đẹp là phải.

Chiều chiều vào lúc tan tầm chịu khó ra mấy cái chợ xép phục vụ công nhân nghèo thử xem, nội thấy mấy con cá mắt đục lờ, mấy miếng thịt tái nhợt ruồi nhặng bu đầy, khỏi cần máy móc kiểm nghiệm cũng thừa biết nó sạch cỡ nào!


GIÁNG HƯƠNG