27/11/2024

Sổ sách làm khổ giáo viên tiểu học

Cả chuyên gia, nhà quản lý và chính các giáo viên đều nhận định như vậy sau học kỳ đầu tiên thực hiện thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét.

 

Sổ sách làm khổ giáo viên tiểu học

Cả chuyên gia, nhà quản lý và chính các giáo viên đều nhận định như vậy sau học kỳ đầu tiên thực hiện thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét.

Một giáo viên tiểu học ở TP.HCM viết nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục kết thúc học kỳ 1 năm 2014-2015 - Ảnh: Như Hùng
Một giáo viên tiểu học ở TP.HCM viết nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục kết thúc học kỳ 1 năm 2014-2015 – Ảnh: Như Hùng

Làm gì để “giải phóng” cho giáo viên tiểu học là chủ đề của Diễn đàn chủ nhật kỳ này.

Gộp tất cả các loại sổ thành 1 sổ

Ông Lê Ngọc Điệp - Ảnh: H.Hg.
Ông Lê Ngọc Điệp – Ảnh: H.Hg.

ThS LÊ NGỌC ĐIỆP - nguyên trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về đánh giá học sinh bằng nhận xét là bước đổi mới mạnh dạn, toàn diện việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Đây là một bước tiến mới, là xu hướng chung của giáo dục tiểu học trên thế giới.

* Là người gắn bó với giáo dục tiểu học đã nhiều năm, theo ông, tại sao một phương pháp đánh giá học sinh tiến bộ như vậy lại bị nhiều giáo viên phản ứng, kêu than?

– Tôi cho rằng để thực hiện tốt thông tư 30, giáo viên cần được chuẩn bị chu đáo, trang bị đầy đủ phương tiện để sẵn sàng thực hiện sứ mệnh của mình. Đánh giá học sinh bằng nhận xét có nhiều ưu điểm nhưng chỉ phù hợp với những lớp học có sĩ số 30-35 học sinh.

Ở ta, có lớp 50-55 học sinh thì giáo viên phải làm như thế nào? Nhà quản lý cần có hướng dẫn cụ thể, chỉ dẫn cặn kẽ cho giáo viên.

Giáo viên phải hiểu học sinh mới nhận xét chính xác, đúng với năng lực học sinh và lời nhận xét ấy mới có tác dụng. Tôi lấy ví dụ: hai học sinh cùng làm bài tốt, cùng được 9 điểm nhưng rất có thể nhận xét hai bài làm ấy là khác nhau.

Có thể em A rất tiến bộ vì trước đây bài làm của em không được tốt như thế, nhưng em B phải 10 điểm mới được xem là tiến bộ. Lớp đông học sinh quá thì giáo viên khó sâu sát đến từng học sinh, tôi cho rằng nếu chia học sinh ra thành từng nhóm đối tượng thì sẽ dễ nhận xét và theo dõi, đánh giá học sinh hơn: nhóm học sinh giỏi, nhóm học lực giữa mức khá và giỏi, nhóm trung bình, nhóm yếu – kém.

Để thực hiện thông tư 30, giáo viên cần có lòng yêu thương. Một cô giáo nhận xét về học trò như một bà mẹ nhận xét về con mình thì sẽ không có gì trở ngại cả

Ngoài ra, đánh giá học sinh bằng nhận xét là một mắt xích của việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, trong đó cần thực hiện triệt để phương pháp giáo dục lấy học sinh làm trung tâm.

Như vậy, cần phải có một hướng dẫn cặn kẽ cho giáo viên biết điều chỉnh, bổ sung giáo án (không phải soạn giáo án mới) phù hợp quy trình một tiết học đánh giá bằng nhận xét theo năng lực, phẩm chất; với lớp học có 50 học sinh trong tiết dạy thì cần phải làm như thế nào, kiểm tra học sinh ra sao… để có thể đánh giá học sinh bằng nhận xét.

* Nhiều giáo viên rất bức xúc khi phải làm quá nhiều sổ sách theo quy định trong thông tư 30…

– Đúng là sổ sách đang làm khổ giáo viên tiểu học. Bộ GD-ĐT nên có nghiên cứu để cải tiến việc này sao cho tinh gọn, khoa học và sư phạm. Tôi đề xuất nên tổng hợp tất cả các loại sổ (sổ theo dõi, sổ liên lạc, sổ chủ nhiệm, sổ báo bài…) làm thành một sổ.

Ngay cả việc yêu cầu giáo viên ghi nhận xét hằng tháng vào sổ theo dõi – đánh giá học sinh, theo tôi, cũng không cần thiết. Hãy xem việc ghi chép này có tác dụng gì cho học sinh không hay chỉ tác dụng cho nhà quản lý?

Nhiệm vụ chính của giáo viên là giảng dạy, sổ sách là phương tiện để dạy học, không phải công cụ để quản lý. Tôi cho rằng nhà quản lý giỏi không nhìn vào sổ sách để đánh giá giáo viên vì đây là biện pháp quản lý kém hiệu quả, nặng hình thức.

Tôi vẫn kiên trì đề nghị Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu để bổ sung, hoàn chỉnh thông tư 30. Đã giảm áp lực thì phải giảm áp lực đồng bộ, giảm cho cả giáo viên chứ không phải chỉ giảm cho học sinh.

Giáo viên tiểu học hiện nay chịu nhiều áp lực nặng nề, nhất là về thi đua. Bản thân các nhà trường cũng đang chịu áp lực này (các trường phải cố gắng để đạt trường tiên tiến cấp thành phố, trường tiên tiến cấp quận và trường chuyển áp lực đó xuống giáo viên).

Cần thay đổi cả hệ thống thanh tra, kiểm tra – đánh giá nhà trường, đánh giá giáo viên để giảm bớt áp lực cho họ. Việc dự giờ, kiểm tra giáo viên nên thực hiện nhẹ nhàng nhằm mục đích tìm hiểu, chia sẻ, giúp đỡ chứ không phải để đánh giá giáo viên.

Ông PHẠM XUÂN TIẾN (phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội):

Ghi nhận xét không phải để “báo cáo cấp trên”

Ảnh: CTV
Ảnh: CTV

Trước đây cùng với việc cho điểm số, giáo viên vẫn cần phải có lời phê, ghi nhận xét bên lề, gạch chân những nội dung học sinh làm chưa chuẩn, chưa chính xác hoặc đề nghị học sinh sửa chữa theo hướng dẫn…

Trước đây giáo viên cũng phải nhận xét vào sổ liên lạc, nhận xét vào học bạ hoặc có phiếu nhận xét về từng học sinh cuối kỳ, cuối năm.

Còn hiện tại khi thực hiện thông tư 30, các thầy cô giảm bớt việc cho điểm, giữ lại phần nhận xét. Đây không phải việc mới mẻ mà thực chất vẫn là công việc các thầy cô từng làm trước đây.

Vì thế việc ở nơi này nơi kia có thầy cô giáo kêu khổ, kêu quá tải, rõ ràng người quản lý giáo dục cấp trường, cấp phòng phải kiểm tra lại.

Tôi thấy nhiều thầy cô nghĩ rằng “ghi nhận xét để báo cáo cấp trên” nên mới vất vả, căng thẳng như vậy. Còn nếu các thầy cô điều chỉnh suy nghĩ, ghi nhận xét học sinh để phục vụ công việc giáo dục của mình, làm những việc để hướng dẫn, động viên, chia sẻ với học sinh là vì học sinh thì các thầy cô sẽ thấy nhẹ nhàng, chủ động hơn.

Tôi ví dụ có học sinh đọc còn ngọng, cô giáo chỉ cần ghi “còn ngọng” vào sổ để biết và có hướng quan tâm, uốn nắn học sinh. Hay học sinh khác tính nhẩm nhanh nhưng trình bày chưa đúng, giáo viên có thể ghi “lưu ý trình bày”…

Thậm chí, giáo viên có thể ghi theo ký hiệu riêng. Trên một số diễn đàn có giáo viên than khổ vì phải ghi nhiều quá, mà người kiểm tra đâu có đọc hết nội dung ghi. Nói như vậy là hiểu không đúng vấn đề vì thông tư 30 không yêu cầu giáo viên ghi chép để nộp cho người kiểm tra.

Điều quan trọng là khi thực hiện thông tư này, từ các thầy cô trực tiếp đứng lớp đến các hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục phải nắm đúng tinh thần thông tư. Việc chỉ đạo và kiểm soát một cách máy móc, cứng nhắc sẽ dẫn đến việc “đánh giá” thiếu thực chất và người trong ngành tự làm khổ nhau.

VĨNH HÀ ghi

 

Một giáo viên lớp 5 ở vùng ven TP.HCM:

Thời công nghệ thông tin sao bắt giáo viên viết tay?

Trước đây, khi áp dụng thông tư 32 (năm 2009), dù có lúng túng nhưng chỉ sau một tháng là chúng tôi đi vào nề nếp. Còn bây giờ, đã hết học kỳ 1 của năm học mà giáo viên vẫn hụt hơi. Ngay cả ban giám hiệu trường tôi cũng băn khoăn, lúng túng, không biết xử trí như thế nào.

Ví dụ như việc khen thưởng học sinh: có học sinh giỏi nhưng không được lòng các bạn nên không được bình bầu; có em học tốt nhưng không nổi trội mặt nào cũng không được bầu chọn. Rồi cuối cùng ban giám hiệu trường quyết định mỗi lớp chỉ giới hạn khen thưởng trên dưới 10 học sinh cũng chưa thỏa đáng…

Nói một cách khách quan, thông tư 30 có nhiều ưu điểm nhưng Bộ GD-ĐT chưa lường hết những hệ lụy gây ra khó khăn cho giáo viên. Điều mà giáo viên chúng tôi sợ nhất là hệ thống sổ sách chồng chéo: lớp tôi có 47 học sinh, mỗi tháng tôi phải viết nhận xét vào 47 cuốn sổ liên lạc và nhận xét cho 47 em trong sổ theo dõi đánh giá học sinh.

Đó là chưa kể cuối học kỳ còn làm thêm sổ học bạ; sổ chủ nhiệm đã làm hằng ngày, hằng tuần. Thời đại công nghệ thông tin, chúng tôi đang dạy học với bảng tương tác mà bắt giáo viên viết tay những lời nhận xét thì không khác gì sự tra tấn.

Thời gian qua, tôi bị đau cổ tay, đau đốt sống cổ vì viết nhận xét quá nhiều. Mà sổ liên lạc còn có phụ huynh đọc chứ sổ theo dõi đánh giá học sinh thì viết cho ai đọc?

Trong khi đó, ai cũng biết nhận xét về một học sinh ở ba loại sổ đều giống nhau chứ đâu có khác gì. Thời gian viết nhận xét đã choán hết thời gian làm việc của chúng tôi. Tôi biết có giáo viên vào lớp là giao cho học sinh làm bài tập để dành thời gian viết nhận xét.

Giáo viên nào có tâm, chịu khó giảng bài cho học sinh trên lớp thì đương nhiên phải mang sổ về nhà viết nhận xét. Mà về nhà lại khổ trăm bề, chúng tôi còn chồng, còn con chứ đâu phải chỉ đi dạy.

Tôi thấy rằng Bộ GD-ĐT quá vội vàng khi áp đặt cho chúng tôi phải thực hiện đánh giá bằng nhận xét. Tại sao không làm theo kiểu cuốn chiếu để học sinh các khối 2, 3, 4, 5 đỡ bất ngờ. Học trò của tôi lơ là, không chịu học bài, làm bài, lực học ngày càng đi xuống. Tôi nhắc nhở, có em còn bảo: “Không có điểm học làm chi cô?”.

Tôi đề nghị lãnh đạo Bộ GD-ĐT hãy thử xuống trường tiểu học làm giáo viên một tuần xem chúng tôi đang cực khổ đến cỡ nào! Các vị lãnh đạo hãy thử nghĩ xem: tại sao hàng triệu giáo viên tiểu học than vãn về thông tư 30?

H.HG. ghi