Kiên trì đọc sách cùng con
Làm sao để trẻ sớm hình thành thói quen đọc, bố mẹ nên hướng dẫn con đọc sách thế nào trong bối cảnh áp lực thời gian đè nặng lên cả nhà và con trẻ có nhiều sự lựa chọn khác ngoài sách…
Kiên trì đọc sách cùng con
Làm sao để trẻ sớm hình thành thói quen đọc, bố mẹ nên hướng dẫn con đọc sách thế nào trong bối cảnh áp lực thời gian đè nặng lên cả nhà và con trẻ có nhiều sự lựa chọn khác ngoài sách…
Cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc hình thành và định hướng thói quen đọc sách cho con cái – Ảnh: Q.Định |
Những thắc mắc đó được chia sẻ tại toạ đàm “Cùng xây tủ sách thông minh” do báo Tuổi Trẻ, Công ty điện tử Samsung Vina và Công ty phát hành sách Fahasa phối hợp tổ chức.
Khách mời gồm nữ nhà văn Ðặng Nguyễn Ðông Vy, VJ Lâm Thùy Minh, dịch giả Lâm Vũ Thao với sự dẫn dắt của MC Quỳnh Hương. Họ đồng thời là những ông bố bà mẹ đang từng ngày kiên trì cùng con khám phá thế giới mênh mông của sách.
Việc khó!
Đọc để con bắt chước “Mình không đọc lại bắt con đọc, trẻ sẽ nghĩ việc đọc sách cũng giống việc… uống thuốc, không thể yêu thích”. MC Quỳnh Hương nhắc chuyện trẻ vốn có bản năng bắt chước ba mẹ. Nếu từ lúc mở mắt, trẻ đã thấy ba mẹ say mê với trang sách thì chuyện trẻ bắt chước rồi từ từ yêu thích sách là bình thường. |
“Không có thời gian” là nỗi khổ của nhiều người khi nói chuyện đọc sách cùng con. Không chỉ cha mẹ bận bịu, trẻ em ngày nay cũng kín lịch với đủ thứ chuyện học chính khoá, học thêm, học năng khiếu, phụ đạo và làm bài tập ở nhà…
MC Quỳnh Hương dẫn một thống kê: trẻ em trong độ tuổi 6-12 dành trung bình 20 giờ/tuần cho việc học chính khoá, 12 giờ/tuần làm bài tập ở nhà, 2-4 giờ/tuần học ngoại khóa, năng khiếu… Bên cạnh đó, sự ưu tiên của các em dành cho tivi, máy tính bảng… cũng “nuốt” luôn thời gian mà các thế hệ trước vẫn dành cho việc đọc.
Theo thống kê, thời gian đọc của trẻ chỉ khoảng hai giờ/tuần.
Với những trẻ đã có thói quen đọc sách, ba mẹ cũng không cất được nỗi lo. Chị Hải Châu (Q.10) luôn hồi hộp với chất lượng sách. Chị kể không ít lần con lựa trúng sách… có nội dung sai lệch, phản giáo dục.
Ngoài ra, giá sách cao trong khi số trang ít, trẻ đọc nhanh hết khiến áp lực tài chính trong việc mua sách cho con thật sự gây khó chị. Ý kiến chị đặt ra: mong muốn có nhiều địa điểm mượn sách đáng tin cậy cho trẻ nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh.
Thử thách khó nhất là bản thân ba mẹ… không có thói quen đọc, không thể làm gương cho con. Chị Như Quỳnh (giáo viên mầm non, Q.Tân Phú) chia sẻ: “Trường tôi có một thư viện gồm nhiều đầu sách cho các bé và cả ba mẹ. Phụ huynh được thông báo có thể đến mượn, trao đổi sách. Nhưng nhiều năm theo dõi tôi thấy rất ít phụ huynh đến mượn sách. Họ bảo quá bận để đọc”.
Tôn trọng ý thích của trẻ
Nôn nóng rèn con đọc, quá khắt khe, cứng nhắc với sở thích, cách đọc của con là những rào cản ba mẹ phải tự hạ xuống. Tôn trọng sự cảm thụ của riêng trẻ là lời khuyên đắt giá mà các khách mời chia sẻ qua câu chuyện của riêng họ.
Nhà văn Ðông Vy cho biết quyển sách đầu tiên của hai thiên thần nhỏ nhà chị là một cuốn sách vừa có hình ảnh bắt mắt, vừa phát những ca khúc thiếu nhi.
Chị nói: “Ở mỗi thời trẻ em tiếp xúc với những hình thức sách khác nhau. Khoảng cách trong việc đọc giữa phụ huynh và con cái về nội dung thật ra không nhiều, nhưng về cách thức đọc là khá lớn. Không vì vậy mà buộc con phải yêu thích loại sách mình từng yêu thích. Chỉ cần cho trẻ tiếp xúc với sách để trẻ sớm yêu sách là đủ”.
Dịch giả Lâm Vũ Thao cho rằng trong thời hiện đại, sách điện tử là thiết bị cộng thêm. Trẻ đọc cũng tốt, miễn trẻ tiếp thu kiến thức một cách tích cực.
Tuy nhiên, ba mẹ nên hướng dẫn con đọc sách giấy để giúp con rèn sự tập trung, hạn chế sách điện tử để bảo vệ thị lực. Nhưng hạn chế không có nghĩa có cái nhìn tiêu cực khi con thích đọc sách điện tử.
Nhiều phụ huynh lo nghĩ khi con chỉ thích truyện tranh, không đọc truyện chữ, như tâm sự của chị Khánh Ly: “Hồi lớp 1 con trai tôi rất thích đọc sách. Cháu đọc 5-6 quyển một ngày, toàn sách hình, ít chữ. Khi cháu lên lớp 2, tôi nâng cấp mua cho cháu những quyển nhiều chữ hơn thì lập tức thất bại. Chẳng lẽ cứ để cháu xem truyện tranh hoài?”.
Câu chuyện của chị thể hiện tâm tư của nhiều ba mẹ khi muốn con sớm trưởng thành trong việc đọc. Lời khuyên của ông Lâm Vũ Thao trong trường hợp này là “đừng căng thẳng, nôn nóng, hãy để các bé tự thay đổi phù hợp với sự phát triển tâm lý độ tuổi”.
Ông khẳng định con trẻ luôn đuổi theo những câu chuyện. Một khi nhận thấy câu chuyện đơn giản và dễ hiểu quá, bé sẽ tự tìm kiếm những câu chuyện thú vị hơn để thỏa mãn sự tò mò. Nếu ba mẹ thử “nâng cấp” nhưng con phản ứng tiêu cực thì hãy tạm dừng lại.
“Mỗi con người là một cá nhân khác biệt, ba mẹ nên tôn trọng sở thích của con, miễn điều con thích không có tác động xấu”, ông chia sẻ từ kinh nghiệm làm cha. Chị Ðông Vy cũng đồng tình khi bày tỏ ý kiến: “Với trẻ, chọn sách cũng như chọn bạn. Ba mẹ rất khó thuyết phục con người bạn này tốt người bạn kia xấu. Khiến con hiểu tốt xấu, đúng sai không phải việc ở một thời điểm mà là một quá trình”.
Ngoài ra, một cách tế nhị, ba mẹ có thể góp thêm vào tủ sách của con những đầu sách bổ ích theo lựa chọn của mình. Như vậy, ba mẹ có thể giúp trẻ phát triển theo cách riêng mà vẫn đảm bảo tính giáo dục, định hướng.
Mấu chốt đồng hành bên những trang sách cùng con là sự kiên trì. Theo VJ Thùy Minh, nhiều phụ huynh còn ngại việc đọc sách cho con nghe mỗi tối vì chưa thấy rõ tác dụng khi tuổi con quá nhỏ.
Bản thân Thùy Minh từng ngán ngẩm khi bao công sức lên xuống giọng trầm bổng, giả tiếng còi xe lửa như “nước đổ lá môn” với đứa con 2 tuổi hiếu động. Cho đến một ngày chị hạnh phúc khi bắt gặp cảnh tượng đáng yêu: con tự sờ, lật những cuốn sách một cách thích thú.
Tình yêu sách của con trẻ sẽ nảy nở như quả ngọt của những tháng ngày kiên trì chăm bón của người làm cha mẹ. Và như MC Quỳnh Hương tóm gọn, “Cùng xây tủ sách thông minh” không có nghĩa ba mẹ nên mua cho con thật nhiều sách hay mà là thông minh, tinh tế trong việc từng ngày giúp con yêu sách.