10/01/2025

Khổ vì đưa đón con

Việc đưa đón con học ở các trường mầm non, tiểu học công lập tại TP.HCM như một cực hình vì giờ học, giờ làm tréo ngoe, lại thêm kẹt xe liên tục, đường sá đông đúc.

 

Khổ vì đưa đón con

Việc đưa đón con học ở các trường mầm non, tiểu học công lập tại TP.HCM như một cực hình vì giờ học, giờ làm tréo ngoe, lại thêm kẹt xe liên tục, đường sá đông đúc.

Không kịp về đón con giờ tan trường, nhiều phụ huynh phải nhờ ông bà hỗ trợ công việc này - Ảnh: Như Hùng

Thêm vào đó, người giúp việc thay nhau nghỉ làm.

Trong khi phần lớn công sở bắt đầu ngày làm việc lúc 8g và kết thúc lúc 17g thì các trường mầm non, tiểu học thường bắt đầu lúc 6g30 và kết thúc 17g. Ðưa đón con đã trở thành nỗi lo lắng của rất nhiều gia đình ở TP.HCM.

Sáng ba ngồi cà phê, chiều con ở nhà cô giáo

Sáng 26-1, trong tiết trời se lạnh của Sài Gòn những ngày cuối năm, mới gần 7g sáng nhiều phụ huynh Trường tiểu học Huỳnh Văn Chính (Q.Tân Phú, TP.HCM) đã chở con đến trường.

Một vài học sinh còn ngái ngủ dùng dằng khi ba mẹ bảo xuống xe. Vừa nhắc con ăn gói xôi sáng, chị Nguyệt, một phụ huynh, cho biết nhà chị cách trường khoảng 2km, sáng nào cũng chở con đi học rồi mới đi chợ và đến công sở.

“Con vào học sớm quá, rất ít khi kịp ăn sáng ở nhà, tội nghiệp tụi nhỏ. Người lớn 8g mới vào làm mà trẻ con 7g15 đã học rồi” – chị Nguyệt than.

Nghỉ việc để đưa đón con

Chị Hương Thanh, phụ huynh có con học Trường mầm non Phong Phú (Q.9, TP.HCM), kể chỉ vì việc đưa đón con chị đã phải nghỉ việc ở cơ quan trước đây sang làm kế toán cho một công ty tư nhân.

Tuy vậy, không phải lúc nào chị cũng khiến các cô giáo của con hài lòng.

“Nhiều lúc tôi đón con khoảng 16g45 nhưng cô giáo đã nói mẹ sao đón trễ thế”, chị Thanh nói.

Trong khi đó chị Thanh Tâm (Q.10), có con học ở một trường mầm non công lập tại Q.10, cho biết chị phải nhờ một bác, chủ một nhóm trẻ, đón con lúc 16g30 về nhóm trẻ và gửi con lại đây đến hơn 18g hằng ngày.

Không chỉ chị Nguyệt “dư dả” thời gian sau khi đưa con đến trường, cạnh Trường tiểu học Huỳnh Văn Chính không ít phụ huynh nam đã ngồi vào các quán cà phê khi chưa đến 7g sáng.

“Tôi làm tại Q.3, nhà ở Q.Bình Tân, con học ở đây. Từ nhà đến đây cũng 5km, từ đây đến cơ quan 8km nữa. Chạy xe khoảng 30 phút, còn 30 phút nữa bữa thì cà phê chỗ nọ bữa thì cà phê chỗ kia, vì về nhà cũng dở mà đến cơ quan còn sớm quá” – anh Tiến, một phụ huynh, cho biết.

Buổi chiều với các bậc phụ huynh là một cảnh tượng hoàn toàn khác.

Chị Nguyễn Việt Hà, có con học Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.Tân Bình) – kể nhà chị không có ông bà nội ngoại ở gần, dù chị đã cho con học gần nhà (chỉ cách 3km) nhưng con mới hơn 6 tuổi không thể tự đi bộ về nhà và chị không an tâm cho con ở nhà một mình nên đành gửi con ở nhà cô giáo sau khi tan học.

“Học bán trú 16g con đã tan mà tôi 17g mới nghỉ việc, cả kẹt xe và thời gian chạy từ Q.1 về Tân Bình cũng hết một giờ. Tôi đành phải kiếm chỗ cho con học thêm gần trường nhờ cô quản lý con giúp đến hơn 18g” – chị Hà nói.

Không dễ tìm một chỗ để gửi con như lứa tuổi tiểu học, những ông bố bà mẹ làm công sở có con ở lứa tuổi mầm non thậm chí có người phải nghỉ việc hoặc chuyển trường cho con vì thời gian đưa đón trẻ ở các trường công rất khó xê dịch.

Tại hầu hết quận, huyện ở TP.HCM, thời gian đón trẻ ở các trường mầm non công lập vào buổi sáng thường từ 6g30-8g và trả trẻ thường từ 16g-17g.

Quy định là vậy nhưng giống như một luật bất thành văn ở các trường mầm non công lập tại TP.HCM: nếu trẻ đến lúc 8g sẽ không còn khẩu phần ăn sáng, còn sau 16g30 sẽ “nằm trong danh sách phụ huynh… không thương con”.

Cơ hội của trường tư thục

Nghĩ đến nỗi cơ cực của phụ huynh khi đưa đón con, tháng 10-2014 Trường mầm non Hoa Phượng Hồng (Bình Chánh, TP.HCM) đã tính đến việc mở dịch vụ giữ trẻ sau 17g.

“Khoảng 50% trẻ ở trường là con công nhân, họ phải tăng ca hoặc đi làm về trễ nên tôi nghĩ đến việc mở dịch vụ này để tiện cho phụ huynh đón con. Nhưng khi trường được Phòng GD-ÐT đồng ý và lấy ý kiến giáo viên thì không ai chịu ở lại sau 17g nên không thực hiện được” – cô Nguyễn Thanh Xuân, hiệu trưởng nhà trường, tiếc nuối.

Trong khi đó, nhiều trường tư thục lại “hút” trẻ vì dịch vụ này, nhất là lứa tuổi từ 12 tháng đến 36 tháng.

Cô Nguyễn Thị Kim Cúc, hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Trí Ðức 1 (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết dù mở cửa lúc 7g và đóng cửa lúc 17g nhưng trường tạo điều kiện cho phụ huynh gửi con ở trường từ 17g-18g mỗi ngày.

“Phụ huynh nào khó khăn hoặc kẹt công việc có thể tho thuận với giáo viên của lớp con mình để giữ thêm ngoài giờ. Khoản phí này do phụ huynh và giáo viên tự tho thuận, trường không thu của giáo viên cũng như của phụ huynh. Nếu giáo viên lớp đó không thuận lợi để giữ thì giới thiệu sang các giáo viên ở khối lớp tương tự. Chúng tôi khuyến khích phụ huynh rước con về nhưng nếu phụ huynh bận công tác thì có thể đặt phần ăn chiều ở trường để cô giáo cho trẻ ăn từ 17g-18g” – cô Cúc cho biết.

Trên thực tế khá nhiều phụ huynh chọn gửi con ở trường tư thục cũng vì lý do đó.

“Ban đầu cũng muốn gửi con ở trường công, cũng dò hỏi vì một số trường công lập trong quận nhận trẻ từ 19-24 tháng tuổi. Nhưng ngặt nỗi nhà không có người đưa đón nên phải gửi con ở trường tư dù học phí các trường này gấp đôi, gấp ba trường công” – chị Sáu, một phụ huynh tại Q.Gò Vấp, nói.

 

Hiệu trưởng cần có sự linh động

Cô Chung Bích Phượng, phó Phòng GD-ĐT phụ trách mầm non Q.Tân Phú (TP.HCM), cho biết thời cô còn làm hiệu trưởng, khi một số phụ huynh có nhu cầu gửi con vì không thể đón như quy định của ngành giáo dục, cô cũng cho phép một số giáo viên thỏa thuận với phụ huynh để giữ trẻ ngoài giờ.

Để yên tâm về việc này, hiệu trưởng cũng phải tìm hiểu nơi ăn ở của cô giáo nhận giữ trẻ ngoài giờ đó.

Tâm lý của đa số giáo viên mầm non hiện nay là do họ đã cực quá nên không muốn làm thêm giờ, nhưng một số giáo viên có điều kiện trường gần nhà cũng có thể muốn giữ thêm trẻ. Hoặc một số bảo mẫu, phục vụ, lao công có kiến thức, có tâm cũng có thể linh động để giúp phụ huynh giải quyết bài toán thời gian.

Trường không hình thành dịch vụ giữ trẻ ngoài giờ nhưng vẫn giải quyết được nguyện vọng của phụ huynh trong khuôn khổ quyền hạn của hiệu trưởng.