10/01/2025

Đào lại dòng kênh Hàng Bàng

Dòng kênh Hàng Bàng (quận 6, TP.HCM) bị lấp từ năm 2000 sẽ được đào trở lại bởi không thể lấp một đoạn, còn một đoạn dày đặc rác. Đây có phải là cái giá đắt phải trả cho bài toán quy hoạch và phát triển đô thị chưa được tính toán đầy đủ?

 

Đào lại dòng kênh Hàng Bàng 

Dòng kênh Hàng Bàng (quận 6, TP.HCM) bị lấp từ năm 2000 sẽ được đào trở lại bởi không thể lấp một đoạn, còn một đoạn dày đặc rác.

Dưới con đường bêtông này từng là dòng kênh Hàng Bàng. Sắp tới, dòng kênh bị lấp 15 năm nay sẽ được khôi phục để tiêu thoát nước, điều hòa môi trường - Ảnh: Thuận Thắng
Dưới con đường bêtông này từng là dòng kênh Hàng Bàng. Sắp tới, dòng kênh bị lấp 15 năm nay sẽ được khôi phục để tiêu thoát nước, điều hòa môi trường – Ảnh: Thuận Thắng

Đây có phải là cái giá đắt phải trả cho bài toán quy hoạch và phát triển đô thị chưa được tính toán đầy đủ?

Một đoạn kênh Hàng Bàng (Q.6, TP.HCM) đã bị lấp đặt cống hộp trước đây sẽ được trả lại nguyên trạng. Dự án cải tạo, khôi phục kênh Hàng Bàng không chỉ mục đích tăng khả năng thoát nước mà còn tăng khả năng tích trữ nước, điều hoà môi trường.

Kênh Hàng Bàng sẽ được đào rộng 11m như dòng kênh cũ, hai bên trồng cây xanh (hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020).

Như vậy, toàn bộ dải đất giữa đường Phan Văn Kho và Bãi Sậy (dọc kênh Hàng Bàng) có chiều ngang chừng 30m, dài 600m với hơn 900 hộ dân ở dọc hai bên dòng kênh (từ đường Lò Gốm đến Ngô Nhân Tịnh) sẽ được giải to trắng.

Tái hiện cảnh kênh – chợ Bình Tây

Hơn 100 kênh, rạch đã bị lấp

Tại TP.HCM, nhiều con kênh đã bị lấp và đặt cống hộp trong quá trình xây dựng đô thị như: đoạn đầu nguồn kênh Nhiêu Lộc (từ khu vực đường Cộng Hoà đến đường Út Tịch hiện tại), 3km kênh Tân Hoá (từ đường Âu Cơ đến cầu Hoà Bình)… Ngoài ra còn nhiều kênh, rạch khác trong các dự án nhà ở đã “âm thầm” bị lấp, đặt cống.

Ông Lê Huy Bá cho biết theo thống kê của Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, tại TP.HCM đến nay đã có hơn 30% kênh, rạch bị lấp. Còn thông tin từ một nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học thu lợi miền Nam thì từ năm 1996-2008, toàn TP có trên 100 kênh rạch lớn, nhỏ bị san lấp và lấn chiếm với tổng diện tích khoảng 4.000ha.

Toàn bộ tuyến kênh Hàng Bàng chạy từ rạch Lò Gốm (Q.6) đến kênh Vạn Tượng (Q.5) dài khoảng 1.400m. Nhưng hiện hai đoạn kênh ở hai đầu chỉ còn là một mương thoát nước thải của khu dân cư hai bên có chiều rộng 2-3m.

Riêng đoạn giữa của kênh (từ đường Bình Tiên đến Phạm Đình Hổ dài hơn 600m) đã bị lấp đặt cống hộp từ năm 1999-2000.

Ông Võ Văn Vân, trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.6, cho biết việc đào lại hơn 600m kênh đã bị lấp để cải thiện môi trường, tăng khả năng thoát nước cho khu vực, chỉnh trang đô thị và tái định cư cho người dân sống ở hai bên dòng kênh.

Theo ông Vân, kênh Hàng Bàng được khơi thông sẽ vừa thoát nước cho khu vực, lại là nơi trữ nước nhằm giảm tải cho kênh Lò Gốm khi trời mưa lớn và để cải tạo môi trường, tăng thêm mảng xanh, thêm nơi giải trí cho người dân.

“Sau khi cải tạo kênh Hàng Bàng, quận sẽ di dời 58 hộ dân trước chợ Bình Tây để làm công viên trước chợ và nối không gian từ chợ ra kênh, tái hiện cảnh kênh – chợ đặc trưng Sài Gòn” – ông Vân nói.

Chỗ kênh Hàng Bàng bị lấp hiện nay là đoạn đường ximăng nằm sau lưng hai dãy nhà mặt tiền của đường Phan Văn Khoẻ và Bãi Sậy.

Đường nhỏ, ít xe cộ qua lại nên người dân ở đây sử dụng như sân sau của nhà mình phơi quần áo, để xe, ngồi hóng mát. Trong khi đó, những đoạn kênh chưa bị lấp hiện nay chỉ là một lạch nước nhỏ, đen ngòm, dày đặc rác với nhiều ống cống thoát nước thải từ các hộ dân hai bên đưa thẳng ra kênh, mùi hôi thối luôn xông lên nồng nặc.

Phần kênh Hàng Bàng còn sót lại bị ô nhiễm nghiêm trọng - Ảnh: Thuận Thắng
Phần kênh Hàng Bàng còn sót lại bị ô nhiễm nghiêm trọng – Ảnh: Thuận Thắng

Dù một đoạn cũng rất quý

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết rất ủng hộ kế hoạch đào lại kênh Hàng Bàng. Theo ông Sơn, kênh rạch kết nối với sông là giải pháp hiệu quả nhất để thoát nước nhanh, chống ngập, cải tạo khí hậu, làm sạch môi trường.

Còn GS.TS Lê Huy Bá, nguyên viện trưởng Viện khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường ĐH Công nghiệp), cho rằng sau kênh Hàng Bàng, Nhà nước cần khơi thông lại nhiều con kênh khác của TP đã bị các công trình xây dựng đè lên hoặc san lấp.

Theo ông Bá, việc cải tạo mương có thể tốn nhiều tiền của nhưng đổi lại bảo đảm được lưu lượng thoát nước, đô thị không bị ngập, thuận với tự nhiên. “Không có tiền cải tạo kênh rạch thì cứ để nguyên, thế hệ sau sẽ làm nhưng không được lấp kênh rạch như trường hợp kênh Hàng Bàng đã mắc phải”.

Ông Hồ Long Phi, giám đốc Trung tâm nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận: “Dù một đoạn rạch được trả lại cũng rất quý. Đó là cách chúng ta trả lại hiện trạng cho tự nhiên, trả lại nơi mà trước đây chúng ta “chiếm chỗ” của nước. Hiện nay nếu còn kênh rạch nào thì nên giữ lại thay vì lấp kênh, làm cống hộp, rất trái tự nhiên”.

Theo ông, việc trả lại không gian cho nước, chủ động trong vấn đề điều tiết nước thông qua việc khơi thông, mở rộng kênh rạch, xây hồ chứa nước là việc hết sức cần thiết, đặc biệt là những khu vực thượng nguồn.

Nhưng còn nhiều con kênh chờ… lấp

Dù kênh Hàng Bàng sẽ được khôi phục nguyên trạng được nhiều người ủng hộ nhưng hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục đề xuất lấp một số kênh, rạch để đặt cống hộp tránh ô nhiễm như kênh Hiệp Tân (Q.Tân Phú), rạch Phan Văn Hân (Q.Bình Thạnh)…

Ông Nguyễn Tấn Lực, chủ tịch UBND Q.Tân Phú, cho biết việc lấp kênh Hiệp Tân đặt cống hộp đã được UBND TP đồng ý và đang chờ vốn. Sau khi đặt cống hộp, kênh Hiệp Tân sẽ biến thành con đường chạy thẳng xuống dự án 3,6ha của Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre và là động lực để phát triển tam giác Hoà Bình – Tô Hiệu – Thoại Ngọc Hầu (thuộc P.Hiệp Tân).

Theo ông Lực, việc đặt cống hộp có khối lượng xây lắp lớn, chi phí cao hơn cải tạo kênh nhưng bù lại sau đó sẽ có diện tích đất để làm đường mà không phải giải tỏa nhiều nhà dân. “Nếu như phải giải tỏa để xây dựng một con đường tương tự thì tốn trên 1.000 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng” – ông Lực cho biết.

Còn ở Q.Bình Thạnh, sau khi đặt cống hộp ở rạch Phan Văn Hân thì diện tích mặt rạch này cũng sẽ biến thành con đường có lộ giới 16m chạy từ đường Nguyễn Cửu Vân đến Hoàng Sa, giải to áp lực giao thông lên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và đường Điện Biên Phủ của khu vực này.

 

Một con rạch khác cũng đang chờ lấp và đặt cống hộp là rạch Xuyên Tâm (chảy qua Q.Gò Vấp và Q.Bình Thạnh), phương án do Sở Giao thông vận tải TP trình lên UBND TP, mục tiêu giải quyết ô nhiễm môi trường(!).