10/01/2025

Chúa Nhật IV TN B-2015: Bạn là lời cứu độ

Việc cần làm để chinh phục con người: đó là nói lời cứu độ của Chúa cho con người. Đây chính là sứ mạng làm tiên tri của người tín hữu Kitô. Vậy bạn thể hiện sứ mạng đó như thế nào?

 Chúa Nhật IV TN B-2015

Bạn là lời cứu độ

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần trước Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta đi chinh phục con người về cho Chúa, tuần này, Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta việc cần làm để chinh phục: đó là nói lời cứu độ của Chúa cho con người. Đây chính là sứ mạng làm tiên tri của người tín hữu Kitô, như bài đọc I nói đến vị tiên tri cao cả sẽ xuất hiện sau ông Môsê (x. Đnl 18,15-20) và bài Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta Đức Giêsu chính là vị tiên tri đầy quyền uy đó của Thiên Chúa (x. Mc 1,21-28). Trong ít phút này chúng ta sẽ tìm hiểu sứ mạng tiên tri thời nay là gì và làm sao để thực hiện được sứ mạng đó.

1. Sứ mạng tiên tri của chúng ta

Ngay từ lúc lãnh nhận bí tích Rửa tội, người tín hữu chúng ta được xức dầu thánh hiến để tham dự vào chức vụ làm tiên tri, làm tư tế và làm vương đế của Chúa Kitô. Theo nghĩa tiếng Việt: tiên có nghĩa là trước, là hướng dẫn; tri là hiểu biết, thông tuyền; tiên tri là người dùng sự hiểu biết để hướng dẫn và truyền đạt một điều gì đó cho con người. Nhóm Các Giờ kinh Phụng vụ thì lại thích dùng từ ngôn sứ thay cho từ tiên tri: ngôn là lời, sứ là sứ giả, ngôn sứ là một người thay mặt ai đó chuyển lời). Theo gốc tiếng Do Thái, tiên tri được chuyển dịch từ từ Nabi (người được gọi); dịch sang tiếng Hy Lạp là prophetes, pro là thay cho, phemi là nói, vậy tiên tri là người nói nhân danh ai.  Như thế, tiên tri là người được Chúa gọi (x. Gr 1,5; Is 49,1) làm sứ giả, nhân danh Chúa để nói và truyền đạt sứ điệp của Chúa cho con người (x. Gr 1,9; Is 6,6-10; Ed 3,1-11), và đôi khi báo trước điều sẽ xảy đến cho dân Chúa.

Nhìn vào sứ mạng là tiên tri, nhiều khi chúng ta thấy mình chưa truyền đạt được lời của Chúa cho con người một cách hiệu quả, dù rằng Chúa đã ban cho chúng ta những ân sủng để thực hiện được sứ mạng ấy ngay từ lúc được rửa tội. Chúng ta nói rất nhiều lời trong một ngày sống, nhưng thường chỉ là những lời tự nhiên của con người, chúng không mang lại niềm vui, hạnh phúc, nhất là ơn cứu độ cho ai. Đôi khi những lời ấy lại gây nên xung đột, bất mãn trong gia đình, xí nghiệp hay trong cộng đồng nên chúng ta ngại ngùng không muốn nói những lời xung đột, bất hoà ấy và giữ sự im lặng! Chúng ta thấy người ta bán những bức tượng con khỉ bịt mắt, bịt tai, bịt miệng là ngầm ý nói: đừng nhìn, đừng nghe, đừng nói! Đó là thái độ khôn ngoan của người quân tử theo quan niệm Trung Quốc xưa, nhất là trong xã hội quân chủ độc tài. Nhưng chúng ta là những Kitô hữu, nhận được sứ mạng làm tiên tri để truyền đạt sứ điệp cứu độ của Chúa cho con người nên bó buộc chúng ta phải nói. Vậy làm thế nào để thực hiện được sứ mạng tiên tri một cách hiệu quả?

2. Bốn việc cần làm

Để nói Lời Chúa một cách hiệu quả chúng tôi xin giới thiệu 4 việc cần làm sau đây. Thứ nhất là học hỏi Lời Chúa để nói cho đúng; thứ hai là gắn bó với Chúa Giêsu để Người chuyển thông cho chúng ta sự sống, tình yêu và quyền năng của Chúa Cha; thứ ba là hít thở được Thần Khí của Chúa Giêsu để biến lời của con người thành lời Thiên Chúa; thứ tư là phải ra đi gặp gỡ và nói cho những ai muốn nghe Lời Cứu độ.

2.1. Học hỏi Lời Chúa học hỏi để nói cho đúng

Nhiều người hiểu rằng để nói đúng về Chúa Giêsu và những lời của Người, ta phải học hỏi trong những lớp Kitô học và các lớp Thánh Kinh. Đây là điều cần thiết vì Ngôi Lời đã trở thành một con người cụ thể trong không gian và thời gian nhất định, Người nói tiếng nói của người Do Thái, hành động theo văn hoá dân tộc Do Thái cách đây 2000 năm, nên chúng ta phải học mới có thể hiểu rõ Người, hiểu được ý nghĩa lời Chúa nói và truyền đạt ý đó cho con người thời nay ở Việt Nam hay ở nơi nào trên thế giới. Đây là việc hội nhập văn hoá hay khía cạnh nhập thể của Lời Chúa.

Nhiều người vì thiếu học hỏi nên chỉ hiểu Lời Chúa ghi trong Thánh Kinh theo nghĩa chữ, nghĩa đen thay vì nghĩa ẩn dụ, nghĩa luân lý, nghĩa dẫn đường như Giáo Hội yêu cầu (x. Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 114-118). Thí dụ nhiều người khi nghe Chúa Giêsu dạy: “Ai vả má bên trái ngươi thì hãy đưa má kia cho họ nữa. Ai đòi các ngươi áo ngoài, đưa cho nó cả áo trong…”, họ thực hiện đúng theo nghĩa đen của câu nói chứ không hiểu đó là cách nói của người Do Thái để chỉ hành động yêu thương đáp lại quá điều người khác đòi hỏi. Nhưng Chúa Giêsu không dạy ta thái độ nhu nhược trước những đòi hỏi bất công. Trước toà án Do Thái, khi người lính vả mặt Người, Người không giơ má kia mà lại đòi anh ta giải tích tại sao lại đánh Người (x. Ga 18, 22-23). Vì thế, việc học hỏi Kinh Thánh để hiểu đúng Lời Chúa là rất cần thiết.

2.2. Gắn bó với Chúa Giêsu

Có thể nói điểm cần thiết nhất là chúng ta phải gắn bó với Chúa Giêsu. Khi chịu bí tích Rửa Tội, chúng ta trở thành chi thể trong thân thể nhiệm mầu của Người nên chúng ta không phải chỉ nói lời cứu độ cho con người mà trở thành lời cứu độ, thành hiện thân của chính Ngôi Lời Thiên Chúa. Từng lời nói, cử chỉ, cả cuộc sống của ta, thân xác linh hồn chúng ta đều trở thành lời cứu độ cho con người. Dù chúng ta không nói nhưng nhìn vào đời sống của ta, người khác phải cảm nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Thí dụ cụ thể nhất là thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, qua cuốn phim “Những ngày tháng cuối cùng của Đức Gioan Phaolô II, những chuyện chưa kể” của Đài CNN. Vào tháng cuối đời, sau khi phải giải phẫu để mở khí quản cho dễ thở ngày 24/02/2005, ngài nói không ra tiếng nhưng ngài vẫn cố gắng xuất hiện và nói với đám đông. Gương mặt ngài thật buồn khi vị tổng giám mục thân cận lấy đi chiếc micro vì không muốn ngài cố gắng nói nữa. Nhưng nhìn vào cụ già ngồi im lặng, cổ ngẹo sang một bên, đầu cúi gằm, miệng chảy nước miếng, bao người chúng ta vẫn cảm thấy xúc động vì ngài đang nói cho ta rất nhiều điều về thân phận con người, về sự kiên nhẫn chịu đựng, về sự thánh thiện phát ra từ hình hài tàn tạ…

Muốn “nói” được như thế, chúng ta phải “gắn bó với Chúa Giêsu” như thánh Phaolô nhắc nhở ta hôm nay (x. 1Cr 7,35), để Người chuyển thông cho chúng ta sức mạnh, tình yêu, quyền năng và ân phúc của Thánh Thần, nhờ đó mỗi “lời ta nói” đều là lời cứu độ: chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, giải phóng con người khỏi đam mê, nghiện ngập, tội lỗi.

2.3. Yếu tố thứ ba là thở hít được Thần Khí của Chúa Kitô

Nhiều người chúng ta chỉ thở khí tự nhiên nên ta mới chỉ nói lời của con người. Khi thở được Thần Khí của Chúa Kitô, lời ta nói mới có sức tác động vào lòng người, thấm sâu vào bản chất con người vì đó là lời của Chúa giống như Chúa Giêsu. Lúc đó ta mới thấy tác động cứu độ kỳ diệu trong lời quyền năng như Chúa Giêsu “vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không giống như các kinh sư” (Mc 1,22) “do Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn” (Ga,34).

2.4. Yếu tố cuối cùng là đi ra gặp gỡ và nói cho những ai muốn nghe Lời Cứu độ

Nhiều người chúng ta nhận được sứ mạng tiên tri, nhưng chúng ta lại không dám đi ra gặp gỡ để nói cho những ai đang cần nghe lời cứu độ. Nhiều người sợ không dám đi ra. Họ nghĩ rằng đạo chỉ nên giữ trong nhà thờ, hay trong gia đình với những buổi kinh, buổi lễ. Đi ra ngoài đường, đến làm việc trong công ty, xí nghiệp, họ im thin thít và hành động giống như người không có đạo. Chúng ta đã bàn đến lời kêu gọi “đi ra” của Đức Giáo hoàng Phanxicô vài tuần trước đây.

Nhưng cũng có nhiều anh chị em, nhất là các linh mục tu sĩ chúng tôi, lại chỉ đến gặp gỡ và nói Lời Chúa cho những người không muốn nghe Lời. Chúng ta thường thích đến với người giàu có, trẻ đẹp, tài giỏi, đạo đức… Đó là những người đang tự mãn về của cải, sức mạnh, tài năng, ân phúc….mình có, đang hãnh diện mình là người tự do, nhưng thật sự lại đang bị ma quỷ trói buộc bởi những tham vọng và dục vọng. Chúng ta quên mất là phải đi ra để nói Lời cứu độ cho những người nghèo khó, đau yếu, tỗi lỗi, bị ma quỷ kiềm chế vì Chúa sai chúng ta đến với họ và họ đang rất cần nghe lời Chúa. Đó là khía cạnh nhập thế của Lời.

Tuy nhiên để có thể nói Lời cứu độ cho những người này chúng ta cũng cần phải học hỏi để biết cách giúp họ vượt qua và chiến thắng những đam mê, dục vọng, tội lỗi nhờ quyền năng Chúa đồng thời cũng biết vận dụng những khoa học tâm lý xã hội để chữa trị cho họ. Chúng tôi đã biên soạn tập sách “ Bạn là Lời Cứu độ” giúp nhau thể hiện hiệu quả sứ mạng tiên tri này.

Lời kết

Hôm nay chúng ta được mời gọi để tìm lại sứ mạng làm tiên tri trong thời nay của chúng ta. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta luôn kết hợp với Chúa Giêsu một cách mật thiết, thở được Thần Khí của Người để mỗi lời ta nói đều mang lại niềm vui, bình an, hạnh phúc và ơn cứu độ cho con người.