Quả thật chúng tôi sợ viết lắm rồi
Sau khi áp dụng thông tư 30, giáo viên (GV) chúng tôi cũng thấy có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên còn nhiều việc mà Bộ GD-ĐT cần phải lắng nghe những người trong cuộc để hoàn thiện hơn.
Quả thật chúng tôi sợ viết lắm rồi
Sau khi áp dụng thông tư 30, giáo viên (GV) chúng tôi cũng thấy có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên còn nhiều việc mà Bộ GD-ĐT cần phải lắng nghe những người trong cuộc để hoàn thiện hơn.
Tại một hội nghị giáo dục tiểu học, các đại biểu tham quan sách dành cho học sinh tiểu học – Ảnh tư liệu |
Sau đây là một số nhận định mà chúng tôi thấy sau khi áp dụng thông tư này:
1/ Đối với HS: giảm áp lực về điểm số, về thi cử, học gì thi đó, không phải nhồi nhét như trước vì GV chủ nhiệm trực tiếp ra đề, coi thi và chấm bài. Các em được khen ngợi nhiều hơn về những mặt mạnh của mình.
2/ Đối với GV: chủ động hơn khi được trực tiếp ra đề nên không phải dạy nhồi nhét kiến thức cho HS như trước nữa.
Tuy nhiên khi áp dụng thông tư này đối với GV tiểu học quá vất vả. Chúng tôi thường nói với nhau rằng ngoài dạy học, bây giờ chúng tôi có thêm nghề rèn chữ nữa. Chúng tôi có rất nhiều sổ sách, nào là sổ liên lạc, sổ chủ nhiệm, sổ theo dõi, sổ học bạ…
Vì thứ nhất: việc đánh giá HS bằng nhận xét khiến chúng tôi phải ghi rất nhiều.
Mặc dù đã có chỉ thị là không cần thiết phải ghi nhận xét tất cả các em trong một ngày mà mỗi ngày chỉ nhận xét một số HS. Nhưng xin thưa rằng: đã không nhận xét thì thôi chứ nhận xét một số em thì làm sao bao quát hết được cả lớp, làm sao biết em đó làm bài như thế nào?
Thế nên không chỉ riêng tôi mà ai cũng cố gắng phải nhận xét đủ số bài của HS, việc này đã mất quá nhiều thời gian của GV rồi.
Thứ hai: sổ liên lạc bắt chúng tôi phải ghi quá nhiều ở trang 13 và trang 15. Chúng tôi thấy ghi như vậy là quá dư, lặp lại mà phụ huynh đọc cũng không hiểu gì vì ở trang 13 chúng tôi đã ghi đầy đủ nhận xét về học tập, năng lực, phẩm chất rồi, cớ sao trang số 15 bắt chúng tôi phải viết lại.
Sổ theo dõi HS (thay bằng sổ điểm) của năm trước lại bắt GV ghi lại một lần nữa về các mặt học tập, năng lực, phẩm chất của HS (giống hệt trang 13 của sổ liên lạc). Tôi xin hỏi là ghi để làm gì, và ai đọc? Chẳng lẽ chúng tôi tự ghi ra và tự đọc những nhận xét đó.
Thứ ba: sổ học bạ chúng tôi lại cũng nhận xét như vậy giống ở sổ liên lạc với từng em. Như vậy cùng một nhận xét chúng tôi phải ghi lại tới bốn lần.
Tôi đã đếm và thấy rằng cứ một HS, chúng tôi phải viết 10 trang (tính luôn cả học kỳ 2 của sổ học bạ). Sau đó hãy làm phép nhân: 10 trang x 50 HS = 500 trang giấy mà chúng tôi phải viết trên một năm, thử hỏi điều đó có cần thiết? Xin thưa, thời gian đó hãy để cho chúng tôi tìm tòi, phát huy, sáng tạo những kiến thức mới để dạy các em, đừng bắt chúng tôi rèn chữ nữa.
Thay vì sổ sách ngày càng gọn nhẹ, đơn giản hơn, nhưng tôi lại thấy mỗi năm sổ sách lại dày thêm, rườm rà, không đáng có. Khi chúng tôi gặp nhau, ai cũng than phiền vì phải viết quá nhiều nhưng đành chặc lưỡi, sổ in vậy rồi, không viết thì sao?
Và đúng là đến nay sắp hết tháng 1 mà chúng tôi vẫn chưa làm xong sổ sách nữa. Vào giờ ra chơi quả thật GV chúng tôi đã không còn được nghỉ ngơi mà trên tay ai cũng có “một chồng” – chồng vở, hay chồng sổ sách và cứ mỗi người lại ngồi một góc để viết.
Hãy lấy ý kiến của GV – những người đang trực tiếp thực hiện thông tư 30. Hãy đừng bắt GV phải làm những điều không cần làm như thế nữa. Hãy để thông tư 30 thật có ý nghĩa và ngày càng hoàn thiện!