10/01/2025

Thú vị tủ sách Nobel

Đó là tủ sách của anh Ngô Thanh Tuấn (35 tuổi, ngụ TP.Đà Nẵng) với hơn 1.500 cuốn sách của gần 80 tác giả được trao giải Nobel Văn học trên toàn thế giới.

 

Thú vị tủ sách Nobel

Đó là tủ sách của anh Ngô Thanh Tuấn (35 tuổi, ngụ TP.Đà Nẵng) với hơn 1.500 cuốn sách của gần 80 tác giả được trao giải Nobel Văn học trên toàn thế giới.

Thú vị tủ sách NobelAnh Ngô Thanh Tuấn bên gia tài sách Nobel Văn học mà anh dày công sưu tầm – Ảnh: An Dy
“Tính từ giải Nobel Văn học đầu tiên được trao cho nhà thơ Pháp Sully Prudhomme năm 1901, tới nay có khoảng hơn 100 tác giả nhận giải, vì có nhiều năm giải thưởng này bị gián đoạn. 3/4 trong số đó có các tác phẩm được dịch sang tiếng Việt. Tủ sách này được tôi sưu tầm với nhiều bản dịch khác nhau, nhiều dịch giả khác nhau, nhiều lần xuất bản khác nhau”, anh Tuấn chia sẻ về thú sưu tầm sách của mình.
Hút vào tầm mắt là 3 dãy dài với rất nhiều sách, nhưng tên tác giả thì chỉ có một, đó là Pearl S.Buck, nữ nhà văn Mỹ nhận giải Nobel Văn học năm 1938. Cũng theo anh Tuấn, Pearl S.Buck có lẽ là nhà văn đạt giải Nobel có sách dịch ra tiếng Việt nhiều nhất, với nhiều đầu sách tái bản cả chục lần. Tủ sách của anh Tuấn có từ những tác phẩm quen thuộc của S.Buck như: Gió Đông, gió Tây, Đất lành cho đến Những người con trai, Một nhà chia rẽ, Người mẹ, Những đứa trẻ chậm lớn, Lưu đày, Trái tim kiêu hãnh, Thiên thần chiến đấu…
Ngoài tác giả Buck, cũng có những tác phẩm anh sở hữu đến gần hai chục cuốn với những bản dịch khác nhau, những lần tái bản khác nhau như: Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez, nhà văn Colombia đạt giải Nobel Văn học năm 1982 hay Câu chuyện dòng sông của Hermann Hesse, nhà văn Thụy Sĩ vinh dự nhận giải Nobel Văn học vào năm 1946.
“Với tác phẩm Câu chuyện dòng sông, tôi có tất cả các bản dịch và xuất bản, từ bản in lần đầu tiên năm 1965 đến lần in thứ 6, trước 1975. Tiếp theo đó, qua bạn bè, qua những lần lê la lục lọi ở những tiệm sách cũ, tôi có được 5 bản kéo lụa khác nhau do nhà chùa ấn tống”, anh Tuấn cho biết.
Mê đọc sách từ những năm học phổ thông, cuốn Tuổi trẻ và cô đơn, tiểu thuyết đầu tay của Hermann Hesse được xuất bản năm 1904, là cuốn sách của tác giả đạt giải Nobel Văn học đầu tiên mà anh Tuấn được đọc. Với anh, đây là cuốn sách thực sự có ảnh hưởng sâu rộng, tư tưởng của Hesse và nhiều tác giả đạt giải Nobel khác mà anh đọc được bắt đầu có sự lan tỏa lớn. Và hơn 20 năm qua, như con kiến cần mẫn tha mồi về tổ, gia tài sách của những tác giả đạt giải Nobel cứ lớn dần và được sắp xếp khoa học theo năm mà các tác giả nhận giải thưởng.
“Lùng sách, săn cho được những cuốn sách mà mình biết chắc nó tồn tại đâu đó thực sự là một điều thú vị với những người sưu tầm sách, tự thân mỗi cuốn sách cũ mang trên mình rất nhiều câu chuyện…”, anh Tuấn tiết lộ.
Vì vậy nên chỉ một bộ sách thiếu nhi có 5 cuốn mà anh lùng đến hơn 5 năm trời mới có đủ. Đó là bộ Phiêu lưu trên lưng ngỗng, bộ sách nổi tiếng nhất của Semal Lagerlof, nhà văn nữ đầu tiên đạt giải Nobel Văn học, khi giải thưởng này được trao vào năm thứ 9.
Năm 2009, tình cờ anh Tuấn có được tập 3 của bộ sách Khu vườn hoa lệ do NXB Nguồn Hồng phát hành vào năm 1971. Anh bắt đầu lang thang các tiệm sách cũ, chia sẻ trên mạng xã hội, đánh tiếng trong giới sưu tầm sách để tìm cho đủ bộ và mãi đến năm 2013 anh mới toại nguyện.
“Trong quá trình tìm bộ sách với bản cũ nhất, tôi cũng tìm được những bản dịch khác của nhiều dịch giả khác nhau như Chuyến phiêu lưu kỳ thú của Nils Holgerssons do NXB Kim Đồng phát hành năm 1979, sau đó là NXB Giáo dục phát hành năm 1988… Nhưng thích nhất có lẽ là bản dịch cũ của NXB Nguồn Hồng (miền Nam) vì giọng văn trong trẻo, hợp với trẻ con”, anh Tuấn nói.
Trong thế giới sách Nobel Văn học của anh Tuấn thì sách của các nhà văn Pháp là nhiều nhất với hơn 500 cuốn, kế đến là các tác giả châu Á như Rabindranath Tagore (Ấn Độ), Yasunari Kawabata (Nhật Bản), Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn (Trung Quốc)… và ít nhất là tác giả các nước Bắc Âu, có lẽ do sự khác biệt về văn phong, cảm thụ.

 

An Dy