Sợ tết
Nhiều bạn đọc gửi thư về Nhịp sống trẻ chia sẻ: các phong tục ngày tết ngày càng bị biến tướng khiến cứ nhắc đến tết là thấy ngán ngẩm, lo âu.
Sợ tết
Nhiều bạn đọc gửi thư về Nhịp sống trẻ chia sẻ: các phong tục ngày tết ngày càng bị biến tướng khiến cứ nhắc đến tết là thấy ngán ngẩm, lo âu.
Con cháu chúc tết ông bà, cha mẹ và nhận lì xì may mắn là tục lệ đẹp của người Việt nhưng đang dần bị biến tướng ở nhiều nơi – Ảnh: T.T.D. |
Nhịp sống trẻ xin trích đăng một số ý kiến về vấn đề trên.
Tết bị thương mại hóa
Mùa xuân về, tết đến, không khí phố phường rộn ràng nhưng không ít người rất sợ tết vì tết có bao nhiêu thứ phải chi tiêu. Tiền bạc không nhiều nên chẳng biết làm sao cho “phải đạo”.
Có những cặp vợ chồng tha phương vào thành phố làm ăn, mấy năm trời chắt chiu dành dụm cũng không đủ tiền về quê ăn tết, bởi không chỉ vé tàu xe mà còn phải quà cáp cho người thân, nếu không sẽ cảm thấy xấu hổ với xóm giềng thân tộc.
Sinh viên về quê ăn tết nghĩ đến cảnh gia đình phải chạy vạy tiền cho mình về lại thành phố nên cảm thấy nao lòng. Ý nghĩa quà cáp ngày tết thời nay không còn gói ghém hương vị của tình thân mà đã dần bị thương mại hóa. Tiền mừng tuổi lì xì cho trẻ thơ đã thành thước đo tình cảm giữa người lớn với nhau…
Tết cổ truyền của dân tộc đang mất dần tính thiêng liêng, ấm cúng khiến nhiều người không còn mặn mà với tết.
Nỗi ám ảnh lì xì
Tôi không tiếc những tờ tiền mới làm lộc cho người thân trong gia đình. Tôi ám ảnh “mùi kinh doanh” của tục lệ này xuất hiện gần đây.
Một buổi trưa tết nọ, tôi đang ngủ chập chờn thì nghe tiếng hai đứa trẻ hỏi nhau: “Mày xin được bao nhiêu rồi?”. Hai đứa chia sẻ mục đích tiêu tiền: đứa sẽ mua điện thoại di động, đứa mua máy chơi trò điện tử. Chúng đã có lì xì của ông bà, cha mẹ, các cô chú bác, nhưng với mục đích đặt ra thì số tiền có được vẫn chưa đủ. Vậy là chúng lên danh sách những người chưa lì xì để đi chúc tết. Chúng tính sẽ đi cùng cha mẹ, hoặc sẽ đi xe đạp đến từng nhà.
Một câu chuyện khác: chị tôi có một cô bạn thân giàu có. Tết nào mẹ tôi cũng dắt hai cháu con chị sang nhà cô bạn ấy chúc tết.
Trước khi đi, mẹ tôi luôn miệng dặn dò cháu: “Tới nơi nhớ kể nghèo than khổ nghe không. Nói là ba bỏ đi. Mẹ nuôi con cực lắm, mẹ buồn khóc hoài”. Đến khi về, ai cũng hỉ hả xách giỏ bị căng phồng nào là lạp xưởng, bánh tét, bánh mứt kẹo. Bà cháu ngồi chia phần với nhau. Chị tôi thu lại phong bao lì xì của hai con hí ha hí hửng. Nhiều lần tôi khuyên chị và mẹ đừng làm việc kỳ cục như thế nhưng chị thản nhiên: “Bạn nó giàu mà”, còn mẹ thì mắng: “Mày liệu có lo cho tao được như thế này không?”.
Còn với nhiều anh chị khác của tôi, tết là xua con tìm về nội ngoại thu gom tiền lì xì. Một anh của tôi từ trước Giáng sinh đã gửi thư xin tiền đến tất cả bà con xa gần ở nước ngoài, thậm chí bạn bè người quen của họ.
Một chị khác ra sức săn lùng người quen là Việt kiều về ăn tết truyền thống. Chị nói “ít nhất phải có cục xà bông, chai dầu gió…”.
Ôi, cái sự lì xì đã bị lòng tham làm biến tướng đến thế!
Chị tôi sợ tết
Trong nhà bà ngoại tôi luôn tự hào là người vén khéo, giỏi nữ công gia chánh. Cứ tết là bà tỉa rau củ, làm mứt bánh, nấu nướng. Chị tôi là người soạn giỏ đi chợ, xếp dọn, sơ chế mọi thứ sẵn sàng cho ngoại tôi chế biến. Ngoại chế biến xong thì chị là người coi lửa, đun nấu, bưng bê và dọn dẹp.
Ngoại tôi cực khó, một cọng cà rốt thái trong nước mắm mà hơi to một chút cũng có thể bị bà gắp ra mắng mỏ. Nên tết thì mật độ chị tôi bị mắng càng cao hơn.
Trước tết, nhà tôi như cái sạp chợ với đậu ngâm, thịt ướp, đủ loại rau củ. Chị tôi hì hụi lau lá chuối, cà đãi đậu. Chị coi nồi bánh, nồi thịt, chảo mứt rồi quay sang quét dọn nhà, giặt giũ từ cái màn đến cái áo gối, cái thảm giậm chân…
Chị cực khổ chỉ để bà và mẹ có cái bánh ngon nhất, miếng mứt khéo nhất để gói thành giỏ quà và mang đi biếu. Bà và mẹ rất tự hào vì luôn đầy đủ quà cáp nhà làm để biếu xén, để nở mày nở mặt với hàng xóm, bà con. Nhưng với chị tôi, tết là những ngày tất bật, là buông cái này bắt cái kia, là có khi chị vừa rửa một núi chảo chén vừa quẹt nước mắt.
Khổ với cờ bạc
Nỗi ám ảnh lớn nhất của tôi ngày tết là những tiếng mạt sát, tiếng khóc, tiếng hơn thua của những đứa cháu trong gia đình ngày tết quanh chiếu bạc. Ban đầu đánh chơi cho vui, sau thành đen đỏ, cay cú ăn thua. Ngay cả mẹ tôi cũng lao vào. Tôi cản thì mẹ cự nự: “Nhà nước cho phép được chơi trong ba ngày tết, đó là cổ truyền, là truyền thống!”.
Tôi cũng không biết đó là truyền thống kiểu gì mà đám trẻ con nhà tôi cứ lấy những tờ tiền lì xì mới tinh ném vào chiếu bạc. Kết cục là có đứa khóc la đòi phải trả tiền lại, đứa cãi cọ, ồn ào ầm ĩ tới người lớn. Rồi kế là trận chiến bóng gió nói qua nói lại của anh chị, dâu rể… Năm nào cũng vậy, tôi gồng mình chịu đựng suốt ba ngày tết với cái ổ bạc trong nhà.