Mệt và mệt mỏi
Các thầy thuốc gặp nhiều khó khăn trong việc diễn giải được cái mệt của người bệnh sang ngữ cảnh y khoa. Khác với mệt, mệt mỏi là một triệu chứng được mô tả khá rõ ràng trong các sách y học chuyên ngành và thường thức.
Mệt và mệt mỏi
Mệt là triệu chứng mà người bệnh thường than phiền và cũng là lý do đi khám bệnh mà các thầy thuốc “ớn” nhất vì được người bệnh dùng khá chung chung.
Một bệnh nhân ở Q.Tân Bình (TP.HCM) đi khám bệnh do mệt về đêm – Ảnh: Th.H. |
Các thầy thuốc gặp nhiều khó khăn trong việc diễn giải được cái mệt của người bệnh sang ngữ cảnh y khoa.
Khác với mệt, mệt mỏi là một triệu chứng được mô tả khá rõ ràng trong các sách y học chuyên ngành và thường thức.
Mệt
Điều trị và phòng ngừa mệt mỏi Mệt mỏi là triệu chứng của một bệnh tiềm ẩn nào đó cần phải sớm được chẩn đoán và điều trị. Sau khi bác sĩ đã loại trừ các bệnh lý về thực thể và tinh thần, để điều trị và phòng tránh mệt mỏi, bạn thử áp dụng các cách thức sau: * Ăn uống hợp lý, đừng quên ăn sáng. * Tập thể dục thường xuyên. * Ngủ đủ giấc. Tránh ngủ ngày nếu điều này làm bạn khó ngủ ban đêm. * Ngưng thuốc lá và tránh dùng quá nhiều trà hoặc cà phê vì chúng có thể gây mất ngủ, nhất là dùng sau 18 giờ. Tránh dùng thuốc ngủ và rượu, các thứ này có thể gây nghiện và lệ thuộc thuốc. * Bố trí sắp xếp thời gian biểu cho hợp lý. * Nghỉ ngơi và thư giãn. * Tập cách thư giãn, thích nghi với stress như thở sâu, kỹ thuật thư giãn cơ, xoa bóp hoặc thiền. Có thú vui giải trí, giao tiếp với nhiều người. Thỉnh thoảng thay đổi công việc thường lệ hằng ngày, tránh sự đơn điệu và nhàm chán có thể gây mệt mỏi về tinh thần. * Bổ sung vitamin nhóm B, C và các khoáng chất như canxi, manhê… Chúng có tác dụng làm giảm triệu chứng của tình trạng mệt mỏi. |
T.D.P. – sinh viên, 19 tuổi – đến khoa cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương khám bệnh vì lý do: mệt. Sau khi nói chuyện được vài câu cô lăn ra nằm rũ rượi. Trước đó P. không mắc bệnh gì, sau khi khám sơ bộ các bác sĩ không tìm ra được dấu chứng nào của bệnh.
Khi bác sĩ đặt lại câu hỏi: “Chính xác là em cảm nhận thế nào trong người” thì câu trả lời của bệnh nhân được xác lập lại là: cảm giác quá đuối, hết sức lực!
Các sinh viên y khoa, kể cả những thầy thuốc gần như không “thông hiểu” gì về triệu chứng mệt của người bệnh vì đơn giản họ không được học tại trường y và cũng không có sách y học nào mô tả về mệt.
Triệu chứng mệt có thể thay đổi tuỳ theo người bệnh, hay nói cách khác là mỗi bệnh nhân sẽ “mệt” theo một kiểu khác nhau, nên để hiểu rõ thế nào là mệt ở người bệnh và diễn giải sang ngữ cảnh y khoa không phải là chuyện dễ dàng!
Trên thực tế đối với người bệnh, mệt được xem như một cảm giác chủ quan hay triệu chứng chứ không phải là một bệnh. Đây là một than phiền thường gặp, ước tính có khoảng 20% bệnh nhân đi khám bệnh vì lý do này.
Theo từ điển tiếng Việt, mệt là cảm giác khó chịu trong cơ thể vì sức lực bị tiêu hao quá mức, ví dụ như đi bộ xa nên rất mệt. Mệt còn có nghĩa là không được khoẻ, ví dụ như ba tôi còn mệt.
Ngoài ra, mệt còn là phải cố gắng hơn nữa, còn mất nhiều thời gian nữa, ví dụ như còn mệt mới hoàn thành việc ấy.
Triệu chứng mệt có thể được mô tả khác nhau từ người bệnh này đến người bệnh khác, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp…
Thông thường khái niệm mệt mà người bệnh than phiền thường có ý nghĩa chung chung, và ít bệnh nhân nào mô tả triệu chứng mệt đúng như định nghĩa phía trên. Có khi người bệnh dùng từ mệt để ám chỉ cảm giác bất thường ở một vùng nào đó trên cơ thể.
Ví dụ như nhức đầu, chóng mặt, xây xẩm, hoa mắt, lâng lâng; hay tức ngực, hồi hộp, khó thở; đầy hơi, khó tiêu, đau bụng; uể oải, nhức mỏi…
Và mệt mỏi
Khác với mệt, mệt mỏi là một triệu chứng được mô tả khá rõ ràng trong các sách vở y học chuyên ngành và thường thức. Cho đến hiện tại chưa có tài liệu hay sách vở nào khẳng định triệu chứng mệt và mệt mỏi là một dù chúng có nhiều nét tương đồng.
Mệt mỏi là một cảm giác mệt quá sức do các yếu tố thể chất, tình cảm và tinh thần. Đây là một than phiền thường gặp, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và làm giảm hiệu quả công việc. Có nhiều nguyên nhân gây ra mệt mỏi. Phần lớn trường hợp là vì làm việc cực nhọc hoặc gắng sức. Có thể giảm kiểu mệt mỏi này bằng cách ngủ đầy đủ và dinh dưỡng tốt.
Các nguyên nhân khác gây mệt mỏi là do lo lắng, trầm cảm, thiếu ngủ và nghỉ ngơi không đủ. Tình trạng mệt mỏi cũng có thể do một số yếu tố như: bệnh lý (thiếu máu, suy dinh dưỡng, suy giáp, cường giáp, suy thượng thận, nhiễm trùng đường tiểu, lao, viêm gan siêu vi, HIV, đái tháo đường, bệnh tim, phổi, thận…), do mãn kinh và do dùng một vài loại thuốc như thuốc hạ huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau dẫn xuất từ á phiện.
Mệt mỏi hiếm khi xuất hiện đơn độc mà thường đi kèm với các triệu chứng khác. Nhờ vào các triệu chứng kèm theo này giúp các thầy thuốc định hướng chẩn đoán nguyên nhân.
Tình trạng mệt mỏi có thể có biểu hiện kèm theo như yếu mệt, hay đổ mồ hôi, da xanh xao, uể oải, ngất xỉu; chán ăn, sụt cân; khó ngủ, rối loạn giấc ngủ; giảm ham muốn, mất khoái cảm, rối loạn cương dương; đau nhức cơ, đau lưng, mệt mỏi khi vận động, kiệt sức; nhức đầu chóng mặt, ù tai; khó tập trung, giảm trí nhớ; bồn chồn, bứt rứt, lo âu; nóng tính, dễ kích động; mất nghị lực, thụ động.
Qua hỏi bệnh, thăm khám và làm xét nghiệm, thầy thuốc sẽ xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng mệt mỏi. Tuy nhiên, có đến 1/3 trường hợp mệt mỏi không xác định được nguyên nhân.
Cần khám bệnh ngay nếu người bệnh bị mệt mỏi đi kèm với: đau ngực, khó thở, tim đập loạn xạ; ói ra máu hoặc đi tiêu ra máu; đau nhiều vùng lưng, bụng, hạ vị, nhức đầu dữ dội…
Tiên lượng chung của tình trạng mệt mỏi thường là tốt vì đa số nguyên nhân gây ra có thể điều trị được.