09/01/2025

Giảng viên đại học xài bằng tiến sĩ “ma”

Bất chấp những cảnh báo, nhiều giảng viên của một số trường ÐH, CÐ vẫn sử dụng bằng tiến sĩ “ma” – bằng chưa được thẩm định hoặc không được công nhận tại VN.

 

Giảng viên đại học xài bằng tiến sĩ “ma”

 

Bất chấp những cảnh báo, nhiều giảng viên của một số trường ÐH, CÐ vẫn sử dụng bằng tiến sĩ “ma” – bằng chưa được thẩm định hoặc không được công nhận tại VN.



 

 

 

 

Trường ĐH Sài Gòn có ba giảng viên, cán bộ sử dụng bằng tiến sĩ không được công nhận tại VN – Ảnh: M.Giảng

Cuối năm 2011, Tuổi Trẻ đã thực hiện loạt bài viết về tình trạng nhiều người, trong đó có cán bộ quản lý và giảng viên nhiều trường ÐH, CÐ, học thạc sĩ, tiến sĩ online của các trường ÐH “ma” của Mỹ mở tại VN.

Thời điểm đó có hơn 150 người theo học tiến sĩ của ÐH Quốc tế Mỹ và hơn 200 người theo học thạc sĩ của ÐH quốc tế Adam tại một cơ sở giáo dục ở TP.HCM. Năm 2012, Bộ GD-ÐT vào cuộc, thanh tra và đóng cửa các chương trình liên kết đào tạo “chui” này.

Danh sách 21 trường ÐH “ma” của Mỹ mà bằng cấp không được công nhận, trong đó có hai ÐH nêu trên, đã được đưa ra và Bộ GD-ÐT khẳng định không công nhận bằng tiến sĩ của các ÐH trong danh sách này. Nhiều người ngừng học nhưng cũng có không ít người đã “tốt nghiệp” và được cấp “bằng tiến sĩ”.

Vẫn sử dụng

Lấy bằng tiến sĩ… làm kỷ niệm

Cũng theo học tiến sĩ ĐH Quốc tế Mỹ và đã nhận bằng nhưng hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM cho hay khi có thông tin không công nhận bằng tiến sĩ, ông không sử dụng bằng này nữa và chỉ để làm kỷ niệm! Nhiều cán bộ quản lý của trường cũng ngưng theo học chương trình này.

Ông Nguyễn Văn Xuân – phó hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng miền Tây – cho biết có theo học tiến sĩ của ĐH Quốc tế Mỹ nhưng sau khi có thông tin không công nhận, ông đã chuyển sang học tiến sĩ của một trường ĐH khác.

Theo danh sách người có bằng tiến sĩ (tính đến tháng 12-2014) của phòng quản lý khoa học Trường ÐH Sài Gòn mà chúng tôi có được, hiện có ba người đang sử dụng bằng tiến sĩ của ÐH Quốc tế Mỹ. Trong số này có hai người là giảng viên gồm bà N.T.L. nhận bằng tiến sĩ năm 2010, ông H.H.T. nhận bằng tiến sĩ năm 2010 và ông L.H.S. nhận bằng năm 2009.

Trao đổi với chúng tôi, ông L.H.S. cho biết thời điểm ông theo học tiến sĩ online của ÐH Quốc tế Mỹ tại VN thì ÐH này được Cục Quản lý giáo dục sau trung học của bang California kiểm định.

“Bồi dưỡng kiến thức là nhu cầu cá nhân và chi phí do tôi tự bỏ ra, không lấy từ ngân sách nhà nước. Sau này khi có thông tin về việc không công nhận bằng tiến sĩ của ÐH này ở VN, tôi có hỏi thông tin và được biết từ năm 2009 trở về trước chưa có quy định rõ ràng về việc công nhận hay không công nhận bằng tiến sĩ online tại VN” – ông S. nói thêm.

Trong khi đó, ông H.H.T. cho biết hiện đang làm thủ tục thẩm định bằng tiến sĩ ÐH Quốc tế Mỹ của mình. “Sáng 20-1, tôi đã đến Tổng lãnh sự quán Mỹ để làm thủ tục xác nhận. Hiện nay quá trình thủ tục thẩm định đang được thực hiện theo yêu cầu của trường” – ông T. nói.

Chúng tôi đã liên hệ phòng quản lý khoa học, phòng tổ chức nhân sự để tìm hiểu việc cán bộ giảng viên của trường sử dụng bằng tiến sĩ không được công nhận nhưng đều nhận được câu trả lời “không đủ thẩm quyền trả lời” và cho biết phải gặp hiệu trưởng. Chúng tôi đã liên lạc rất nhiều lần với hiệu trưởng Trường ÐH Sài Gòn: trực tiếp đến trường, gọi điện, nhắn tin hẹn làm việc… nhưng tất cả đều rơi vào im lặng.

Về việc xài bằng “ma” trong trường ÐH, một giảng viên của Trường ÐH Sài Gòn bình luận: “Bản thân tôi là giảng viên, thật không thể hiểu được một trường như ÐH Sài Gòn, hoạt động bằng ngân sách nhà nước với nhiệm vụ chủ yếu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố lại có thể tiếp nhận và để những người có bằng tiến sĩ “dỏm” đứng giảng dạy cho sinh viên”.

Nơi bắt kiểm định, chỗ cho qua

GS.TS Hoàng Văn Châu – hiệu trưởng Trường ÐH Ngoại thương – cho biết trường sẽ không công nhận bằng từ 21 trường ÐH “ma” của Mỹ theo danh sách đã công bố. Còn lại những người đi học nước ngoài về đều được trường công nhận bằng cấp.

Ông Nguyễn Văn Xuân – phó hiệu trưởng Trường ÐH Xây dựng miền Tây – cũng cho biết chủ trương của trường là công nhận văn bằng của người học các trường nước ngoài.

Theo phó hiệu trưởng một trường ÐH ngoài công lập, trường có nhiều người theo học và lấy bằng tiến sĩ theo dạng “du học” ngắn ngày của ÐH Bulacan. Ông này cho biết thêm hầu hết người có bằng cấp nước ngoài đều được trường công nhận.

Mới đây khi làm việc với trường, Bộ GD-ÐT có yêu cầu những bằng thạc sĩ, tiến sĩ của ÐH nước ngoài cấp sau năm 2007 đều cần phải làm thủ tục thẩm định. Do đó sắp tới trường sẽ thực hiện việc thẩm định và công nhận bằng từ ÐH nước ngoài.

TS Phan Ngọc Sơn – hiệu trưởng Trường ÐH Công nghệ Ðồng Nai – xác nhận mình và nhiều cán bộ của trường theo học và lấy bằng tiến sĩ của ÐH Bulacan. Tuy nhiên, ông Sơn cho biết việc công nhận văn bằng nước ngoài của trường chia làm hai đối tượng.

Ðối với chương trình tiến sĩ “du học” ngắn ngày của ÐH Bulacan, người lấy bằng là cán bộ quản lý sẽ được công nhận bởi họ có học về công tác quản lý. Nếu là giảng viên, bằng tiến sĩ đó bắt buộc phải được Bộ GD-ÐT thẩm định và công nhận mới được trường chấp nhận, nếu không sẽ không được trường công nhận học vị.

Trong khi đó, nhiều trường kiểm soát gắt gao bằng từ ÐH nước ngoài, yêu cầu phải được Bộ GD-ÐT thẩm định và công nhận mới được trường công nhận. TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt – trưởng phòng tổ chức hành chính Trường ÐH Kinh tế TP.HCM – cho biết trường đã từ chối công nhận bằng thạc sĩ nước ngoài của một giảng viên trong trường vì theo học chương trình liên kết chưa được công nhận.

Theo ông Nhựt, chương trình nước ngoài hiện nay thượng vàng hạ cám đủ loại nên trường chủ trương tất cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ nước ngoài nộp về trường đều phải được Bộ GD-ÐT thẩm định và công nhận trước.

Nếu cán bộ, giảng viên muốn được hưởng quyền lợi của người đi học thì phải được trường thẩm tra chương trình đó có được công nhận hay không trước khi ra quyết định cử đi học.

PGS.TS Ðỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ÐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cho biết đã tuyên bố thẳng thừng không chấp nhận cán bộ, giảng viên theo học những chương trình chưa được công nhận.

Hiệu trưởng một trường ÐH ngoài công lập tại TP.HCM phân tích thêm: nhiều trường ÐH mới nâng cấp sau này cần lực lượng giảng viên có học vị cao để mở ngành, tăng chỉ tiêu tuyển sinh cũng như tạo nên vẻ hào nhoáng về đội ngũ có chất lượng.

Ðối với giảng viên chưa có quy định cụ thể về việc bắt buộc kiểm định bằng cấp nên việc thừa nhận hay không là do lãnh đạo trường quyết định. Tuy nhiên, với nhiều chương trình tiến sĩ “ngắn ngày” như vậy khó có thể nói đó là một chương trình tốt, nên việc truyền đạt kiến thức cho sinh viên cũng khó có kết quả như mong muốn.

Chất lượng không được kiểm định, bằng không được công nhận

Ông Nguyễn Xuân Vang – cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD-ĐT – cho biết thông tin về 21 trường ĐH “ma” đã được đưa ra từ năm 2010. Trong số 21 trường này có nhiều cơ sở dạy trực tuyến. Trên thế giới, nhiều nước có các cơ sở giáo dục được cấp phép hoạt động nhưng chất lượng không được kiểm định, do đó bằng cấp không được công nhận.

“Từ năm 2007, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định về việc công nhận văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người VN và quy định rất rõ về việc công nhận các loại văn bằng do nước ngoài cấp, trong đó có hình thức học online.

Những văn bằng học online do nước ngoài cấp chỉ được Bộ GD-ĐT công nhận khi chương trình đó được Bộ GD-ĐT cấp phép hoạt động tại VN. Văn bằng của các trường ĐH nước ngoài chưa được kiểm định chất lượng tại nước sở tại cấp cho người VN sẽ không được công nhận tại VN, trong đó có ĐH Quốc tế Mỹ” – ông Vang nói.

Danh sách 21 trường ĐH không được công nhận tại Mỹ

1 – ĐH quốc tế Adam (Adam International University) thuộc bang Georgia. 

2 – ĐH Akamai (Akamai University) thuộc bang Hawaii.

3 – ĐH American City (American City University), bang California.

4 – ĐH Di sản Mỹ (American Heritage University), phía nam California. 

5 – ĐH American Pacific (American Pacific University). 

6 – ĐH quốc tế American Pacific (American Pacific University – International) thuộc bang New Mexico/California.

7- ĐH Apollo (Apollo University) bang California. 

8 – ĐH quốc tế Đại Tây Dương (Atlantic International University) thuộc bang Hawaii. 

9 – ĐH Capstone (Capstone University), bang California.

10 – ĐH Cosmopolitan (Cosmopolitan University). 

11 – ĐH Frederick Taylor (Frederick Taylor University) thuộc bang California. 

12 – ĐH Honolulu (Honolulu University) thuộc bang Hawaii,

13 – ĐH Irvine (Irvine University) thuộc bang California. 

14 – ĐH Quốc tế Mỹ (International American University), bang California. 

15 – ĐH Kỹ thuật Paramount (Paramount University of Technology) thuộc bang California. 

16 – ĐH Pebble Hills (Pebble Hills University) thuộc bang Pennsylvania. 

17 – ĐH Preston (Preston University) thuộc bang California. 

18 – ĐH Tây Nam Mỹ (Southwest American University) thuộc bang California. 

19 – ĐH Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University) thuộc bang Delaware.

20 – ĐH quốc tế Washington (Washington International University) thuộc bang Pennsylvania. 

21 – ĐH quốc tế Berkeley (Berkeley International University), bang Delaware.

(Theo TS Mark A.Ashwill – nguyên giám đốc Viện Giáo dục quốc tế Hoa Kỳ)

MINH GIẢNG