10/01/2025

38 bệnh viện trung ương không còn nằm ghép năm 2015

Bộ Y tế vừa công bố danh sách 13 bệnh viện trung ương đăng ký dứt điểm tình trạng bệnh nhân nằm ghép giường ngay trước Ngày thầy thuốc năm 2015 (27-2).

 

38 bệnh viện trung ương không còn nằm ghép năm 2015

Bộ Y tế vừa công bố danh sách 13 bệnh viện trung ương đăng ký dứt điểm tình trạng bệnh nhân nằm ghép giường ngay trước Ngày thầy thuốc năm 2015 (27-2).

Tại khoa hô hấp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nhiều giường bệnh có hai bệnh nhân nằm ghép. Đây là bệnh viện trung ương nằm trong danh sách dứt điểm tình trạng nằm ghép trong năm nay - Ảnh: Nguyễn Khánh
Tại khoa hô hấp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nhiều giường bệnh có hai bệnh nhân nằm ghép. Đây là bệnh viện trung ương nằm trong danh sách dứt điểm tình trạng nằm ghép trong năm nay – Ảnh: Nguyễn Khánh

Tiếp đến là 25 bệnh viện trung ương còn lại cũng sẽ dứt điểm tình trạng nằm ghép trong năm nay. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại không còn nằm ghép nhưng nằm cáng…

Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác khám chữa bệnh toàn quốc do Bộ Y tế tổ chức chiều 20-1 công bố từ ngày 20-1 hoặc Ngày thầy thuốc VN 27-2, 13 bệnh viện tuyến trung ương đầu tiên cam kết không còn bệnh nhân phải nằm giường ghép. Cam kết này có khả thi khi trên thực tế ở nhiều bệnh viện, bệnh nhân phải nằm ghép 2-3 người/giường bệnh?

Danh sách 13 bệnh viện đầu tiên cam kết không còn nằm ghép bao gồm Nhi trung ương, Châm cứu trung ương, Việt Đức, trung ương Huế, E, trung ương Thái Nguyên, VN – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), Bệnh nhiệt đới trung ương, Lão khoa, Da liễu trung ương, Răng hàm mặt trung ương Hà Nội, Tâm thần trung ương 1 và VN – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình).

Trong danh sách này có những bệnh viện đang đứng đầu danh sách quá tải như Nhi trung ương, Việt Đức… khiến mọi người rất băn khoăn về khả năng thực thi.

Tại Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) trung bình mỗi giường bệnh ở đây có 3-4 bệnh nhân nằm điều trị, một số người không có giường nằm phải nằm dưới nền gạch và cả dưới gầm giường - Ảnh: Hữu Khoa
Tại Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) trung bình mỗi giường bệnh ở đây có 3-4 bệnh nhân nằm điều trị, một số người không có giường nằm phải nằm dưới nền gạch và cả dưới gầm giường – Ảnh: Hữu Khoa

Không còn nằm ghép nhưng quá tải, nằm cáng!

Ông Lê Thanh Hải, giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho hay giảm tải và cam kết không nằm ghép xuất phát từ câu chuyện thực tế xảy ra ở bệnh viện này.

“Đầu năm 2014 khi xảy ra dịch sởi, do nhiễm trùng bệnh viện, nằm ghép kéo theo nhiều hậu quả mà đặc biệt là trên 120 bệnh nhi mắc sởi đã tử vong. Không nằm ghép là chất lượng cơ bản nhưng thực hiện còn khó khăn, nhưng chúng tôi hoàn toàn có cơ sở thực hiện cam kết này khi bốn tháng vừa qua, bằng nhiều biện pháp tổng thể, Bệnh viện Nhi trung ương không còn nằm ghép”- ông Hải cho biết.

Tuy nhiên, ý kiến của ông Hải đã gây nhiều phản ứng với báo giới. Một nhà báo nữ ở Cầu Giấy (Hà Nội) vừa có con vào điều trị tại khoa dị ứng Bệnh viện Nhi trung ương từ ngày 5 đến 12-1 cho biết khi vào viện, con chị được xếp vào giường đã có hai cháu nhỏ, tức phải nằm giường ghép ba.

Trong phòng rất ngột ngạt vì quá tải, trong đó có những trẻ viêm phổi. Gia đình chị phải đợi đến chiều để được thuê giường dịch vụ với giá 680.000 đồng, trong đó có 60.000 đồng/ngày là chi phí điện nước bố mẹ sử dụng chăm con ở bệnh viện.

Một nhà báo khác bức xúc vì tình trạng đưa bệnh nhân ra ngoại trú.

“Chúng tôi đang hỗ trợ một bệnh nhi rất nghèo, bé được mổ hai lần thì cả hai lần đều phải kêu gọi các nhà hảo tâm, hiện cháu đang phải đợi để được nong hậu môn nhưng vẫn phải ra cổng Bệnh viện Nhi trung ương để thuê trọ 70.000 đồng/ngày. Bệnh viện cam kết không còn nằm ghép và nếu thực hiện được thì bệnh nhân đỡ khổ, chúng tôi cảm ơn. Nhưng làm sao phải không nằm ghép một cách thực chất”- nhà báo này nêu ý kiến.

Theo ông Nguyễn Tiến Quyết – giám đốc Bệnh viện Việt Đức, tính cả giường cả cáng thì bệnh viện này có 1.100 giường, nhưng thời gian gần đây thì không khi nào lượng bệnh nhân nội trú đạt 1.050, tức là vẫn đảm bảo 1 người bệnh 1 giường hoặc cáng!

Tuy nhiên, ông Quyết cũng thừa nhận nếu bệnh nhân vẫn chưa hết phàn nàn do vào viện không được mổ ngay mà phải đợi vì còn cần những quy trình chuyên môn. Có ý kiến cho biết Việt Đức như vậy là không còn nằm ghép, nhưng vẫn còn quá tải.

Đó là chưa kể nếu tính cáng cũng là giường thì bệnh nhân nằm cáng hầu hết phải nằm ngoài hành lang, vừa chật chội lại chẳng thơm tho vì gần nhà vệ sinh chung.

Bé Lương Gia Bảo (3 tuổi, quê Bình Định) và bà ngoại phải ra ngoài gốc cây trong khuôn viên Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM nằm vì nhiều giường bệnh tại bệnh viện đã quá tải - Ảnh: Hữu Khoa
Bé Lương Gia Bảo (3 tuổi, quê Bình Định) và bà ngoại phải ra ngoài gốc cây trong khuôn viên Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM nằm vì nhiều giường bệnh tại bệnh viện đã quá tải – Ảnh: Hữu Khoa

Cần nhiều giải pháp

Ông Nguyễn Trường Sơn – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết Bệnh viện Chợ Rẫy quá tải bệnh nhân nội trú cao nhất nước nên tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép 2 người/giường vẫn còn ở nhiều khoa điều trị.

Theo ông Sơn, năm 2010 số giường kế hoạch của bệnh viện là 1.800 giường nhưng số giường thực kê chỉ có 1.623. Năm 2014 số giường kế hoạch vẫn như cũ nhưng số giường thực kê lên tới 2.402.

Hầu hết giường thực kê (600 chiếc) là băng ca, giường di động…, được bố trí thêm trong phòng bệnh hoặc hành lang. Nhưng số bệnh nhân thực tế điều trị nội trú tại bệnh viện khoảng 2.500-2.600 người/ngày.

Năm 2013, bệnh viện tiếp nhận 117.803 lượt bệnh nhân nội trú nhưng năm 2014 là 123.189, tăng gần 5%. Bệnh viện phải tăng cường giường bệnh bằng băng ca, ưu tiên ở 10 chuyên khoa quá tải cao nhất.

“Công suất sử dụng giường bệnh nội trú tại bệnh viện hiện trong tình trạng quá tải trầm trọng (hơn 120%). Bệnh viện sẽ cố gắng đưa công suất giường bệnh về mức 100% và cố gắng bảo đảm mỗi người bệnh điều trị nội trú được nằm một giường vào cuối năm 2015, khi tòa nhà mới là trung tâm ung bướu 250 giường đi vào hoạt động cuối tháng 4-2015” – ông Sơn cho hay.

Ngoài ra, để thực hiện được cam kết bệnh nhân không còn phải nằm ghép, theo ông Sơn, bệnh viện đã có một số biện pháp chống quá tải bệnh nhân nội trú và chống nằm ghép như: nâng cao chất lượng chuyên môn, ứng dụng kỹ thuật mới nhằm chẩn đoán sớm, chính xác và điều trị chóng phục hồi để được xuất viện sớm, giảm thời gian nằm viện…

Đồng thời tăng chuyển tuyến cơ sở đối với các trường hợp bệnh lý tạm ổn định phù hợp với khả năng chuyên môn của tuyến cơ sở; triển khai hệ thống điều trị trong ngày cho nhóm bệnh nhân hóa trị, xạ trị, thẩm phân phúc mạc và một số bệnh nhân ngoại khoa ổn định chuẩn bị trước khi hội chẩn phẫu thuật…

3 tiêu chí không nằm ghép

Theo ông Trần Đức Long – vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng Bộ Y tế, có ba tiêu chí để các bệnh viện đăng ký vào nhóm bệnh viện không còn nằm ghép. Đó là mỗi người bệnh một giường ngay từ khi vào điều trị nội trú, tối đa 24 giờ hoặc 48 giờ sau khi vào điều trị nội trú thì mỗi người bệnh được xếp nằm một giường bệnh.

Trong đó, Bệnh viện Trung ương Huế, VN – Thụy Điển Uông Bí thuộc nhóm cam kết tối đa sau 48 giờ kể từ khi bệnh nhân vào điều trị nội trú sẽ được nằm mỗi người bệnh một giường.

Tại cuộc họp gần đây để bàn về chủ trương này, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết nếu những bệnh viện đã cam kết không thực hiện được như cam kết là không nằm ghép, giám đốc bệnh viện có thể bị nhắc nhở, trừ thưởng, thậm chí là luân chuyển để phó giám đốc lên phụ trách điều hành bệnh viện.

Về biện pháp chế tài các bệnh viện đã cam kết mà vẫn còn bệnh nhân nằm ghép, đại diện Bộ Y tế nói tại hội nghị chiều 20-1 là bệnh nhân có thể gọi điện đến đường dây nóng của Bộ Y tế để được giải quyết.

Theo ông Long, các bệnh viện ở TP.HCM cũng đang tính toán thêm để sớm đăng ký vào danh sách bệnh viện không nằm ghép. Lần lượt 38 bệnh viện trung ương sẽ đăng ký dần để đạt chỉ tiêu không nằm ghép trước hết từ ngày 27-2, kế tiếp là từ ngày 19-5 và 2-9. 

 

Những “điểm nóng” tại TP.HCM: phải vài năm nữa

Ghi nhận tại các bệnh viện địa phương, tình trạng quá tải diễn ra trầm trọng ở nhiều bệnh viện. Ông Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết bệnh viện này chỉ có 644 giường nội trú, trong khi thực tế bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện ngày 20-1 là 1.438 bệnh nhân.

Như vậy, trung bình 2-3 bệnh nhân sẽ phải nằm chung một giường. Những năm trước (2012 và 2013) cũng với số giường này nhưng số bệnh nhân nội trú khoảng 1.600 người.

Theo yêu cầu của Bộ Y tế, bệnh viện đã cố gắng giảm bệnh nhân nội trú bằng cách những bệnh nhân có thể đi lại được, có điều kiện thuê nhà trọ hoặc có người thân ở TP.HCM sẽ đưa ra điều trị ngoại trú, nhưng hiện không thể giảm thêm được nữa.

Theo ông Thịnh, nếu ký cam kết để cho những bệnh viện chuyên khoa quá tải, tiến tới trong năm 2015 không còn tình trạng nằm ghép nữa thì rất khó cho những bệnh viện chuyên khoa, quá tải như Bệnh viện Ung bướu khi cơ sở vật chất và số giường bệnh chỉ có chừng đó.

Nếu tiếp tục đưa bệnh nhân ra ngoài ngoại trú điều trị thì sẽ làm khó bệnh nhân vì bệnh nhân phải mướn nhà trọ, chưa kể bệnh nhân cần được nằm trong môi trường sẵn sàng được can thiệp về mặt chuyên môn.

Về giải pháp giảm tải cho Bệnh viện Ung bướu, cơ quan thẩm quyền đã lên kế hoạch xây dựng một bệnh viện ung bướu mới, dự kiến tháng 4-2015 khởi công nhưng cũng phải đợi vài năm mới xây xong.

Ông Thịnh cho rằng ngay trong năm 2015 mà cam kết không còn bệnh nhân nằm ghép nữa thì đối với Bệnh viện Ung bướu là khó khả thi.

Chiều 20-1, nằm điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt tại gầm giường của một giường bệnh trong phòng 205, khoa nội 4 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ông N.X.N. (39 tuổi, ở Q.Tân Bình, 

TP.HCM) kể phòng ông có 4 giường nhưng giường nào cũng phải nằm ghép 2 bệnh nhân. Bệnh nhân nằm cùng giường với ông N. liệt một chỗ, không thể nhúc nhích nên ông N. đành nằm dưới gầm giường.  

Cùng ngày, tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), tình trạng quá tải còn trầm trọng hơn. Phòng 305 của khoa chỉ có 4 giường nhưng có tới 16 bệnh nhi, trung bình 4 bệnh nhi nằm một giường. Mỗi bệnh nhi có 1-3 người đi theo chăm sóc nên phòng bệnh gần như không còn chỗ trống, đi lại rất khó khăn.

Chị L.T.M.P. (26 tuổi, ở Q.8), đang chăm con mới hơn một tháng tuổi bị bệnh viêm phổi, kể buổi tối một bé khóc là những cháu bé còn lại tỉnh giấc khóc theo. Đề cập chuyện bệnh nhân không còn nằm ghép, chị P. nói: “Ai có con bị bệnh cũng mong điều đó. Có điều giờ vẫn đang là 4 cháu một giường thì đến bao giờ mới không nằm ghép?”.

Không chỉ các khoa hô hấp mà khoa tiêu hóa, khoa nhiễm – thần kinh, khoa thận, khoa sốt xuất huyết… của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đều có bệnh nhân phải nằm ghép. Nhiều người nhà bệnh nhân thấy trẻ phải nằm chật chội đã đưa trẻ ra dọc hành lang của các khoa này nằm, thậm chí ra cả sân bệnh viện nằm.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết trong ngày 20-1 bệnh viện này có 1.510 bệnh nhân nằm điều trị trong khi bệnh viện chỉ có 1.400 giường nên sẽ có hơn 110 trẻ phải nằm ghép.

 L.T.HÀ – T.DƯƠNG