10/01/2025

Những cống hiến khoa học đáng chú ý

Luôn có những nghiên cứu, tìm tòi, phát hiện mới cho khoa học, với họ niềm hạnh phúc không chỉ là những bài báo được công bố, mà là những công trình đề tài đóng góp cho nền khoa học VN và được ứng dụng vào thực tế.

 

Những cống hiến khoa học đáng chú ý

 

Luôn có những nghiên cứu, tìm tòi, phát hiện mới cho khoa học, với họ niềm hạnh phúc không chỉ là những bài báo được công bố, mà là những công trình đề tài đóng góp cho nền khoa học VN và được ứng dụng vào thực tế.

Những cống hiến khoa học đáng chú ý - ảnh 1Kỹ sư trẻ Phan Huỳnh Lâm
Đó là Vũ Anh Tài và Phan Huỳnh Lâm – hai nhà khoa học trẻ được nhận giải thưởng Quả cầu vàng 2014.

Nhà thực vật đầu tiên khám phá hang Sơn Đoòng

Ở Viện Địa lý (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN), Vũ Anh Tài – Phó phòng Địa lý sinh vật – là nhà khoa học trẻ đang giữ kỷ lục có nhiều chuyến khảo sát trên đỉnh núi Phan Xi Păng. 

Anh đã có 5 chuyến đi, hầu như chuyến nào cũng thu được kết quả. Trong đó phải kể đến các phát hiện chi thực vật mới cho hệ thực vật VN, chi Luzula với loài Luzula sinesis thuộc họ Bấc – Juncaceae, mọc trên đỉnh Phan Xi Păng; ghi nhận loài Rubia tinctorum L, thuộc họ Cà phê – Rubiaceae cho VN.

Dấu ấn khoa học của Vũ Anh Tài không dừng lại ở khám phá những loài hoa mới mẻ trên đỉnh Phan Xi Păng. Anh là nhà thực vật VN đầu tiên khám phá hang Sơn Đoòng được Hiệp hội Nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh công bố phát hiện tháng 4.2009.

 Vũ Anh Tài trong chuyến đi thực địa hang Sơn Đoòng - Ảnh: nhân vật cung cấpVũ Anh Tài trong chuyến đi thực địa hang Sơn Đoòng – Ảnh: nhân vật cung cấp

Anh Tài cho biết: “Đó là đoàn khảo sát lớn nhất tôi từng tham gia với sự có mặt của nhiều nhà khoa học nổi tiếng”. Khi vào trong hang, do đường trơn ướt nên đoàn khảo sát quyết định chỉ có 2 chuyên gia trẻ người Việt là Vũ Anh Tài và tiến sĩ Nguyễn Hiệu – Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, tiếp tục đi hết cuộc hành trình, những người khác ở lại cửa hang phụ trách những công việc khác.

Vượt qua 4 km, với hàng chục đoạn nguy hiểm, nhiều đoạn phải đóng đinh, buộc dây ròng qua những hòn đá tảng, vách núi, làm thang dây… cuối cùng 2 nhà khoa học đã đến khu rừng nhiệt đới. Tại đây, các nhà khoa học đã ghi nhận hang Sơn Đoòng có 160 loài thuộc 114 chi, 63 họ của 3 ngành thực vật bậc cao là Mộc Lan, Dương xỉ, Quyển bá. Anh Tài kể: “Ở đó thực vật không có gì mới về thành phần nhưng đặc điểm sinh thái thì rất khác. Cây gỗ thì rất cao nhưng “gầy”, cây thảo bì sinh thì nhiều… Một nơi là rừng nhiệt đới thấp nhưng lại bị giới hạn bởi các nhân tố sinh thái vừa giống vùng núi cao, vừa giống vùng ôn đới. Đây là một hệ sinh thái đặc biệt nhất của VN và đến nay mới được biết, mô tả. Những khám phá của tôi đã bổ sung những dẫn liệu khoa học cho hang động, đồng thời góp phần lý giải nguyên nhân hình thành các hố sập có tuổi khá muộn theo các niên đại địa chất. Chúng cần được nghiên cứu để tiếp tục làm rõ những mối quan hệ phức tạp giữa các nhân tố sinh thái phát sinh thực vật ở VN”.  

Chia sẻ kinh nghiệm với những bạn trẻ mới bước chân vào nghiên cứu khoa học, Vũ Anh Tài bộc bạch: “Nghề khoa học giàu về vật chất, nhưng khi thực sự say mê với khoa học, trung thực với khoa học và gặp được những người cùng chí hướng, bạn sẽ dễ dàng phát triển được bản thân, kiếm đủ tiền để không bị nghèo và đặc biệt bạn sẽ rất giàu về tri thức, thứ còn quý hơn cả bạc, tiền”.

Người có nhiều giải pháp độc quyền

Nếu như Vũ Anh Tài đến những nơi xa nhất, nguy hiểm nhất để tìm ra những phát hiện mới cho khoa học VN, thì kỹ sư trẻ Phan Huỳnh Lâm, Trưởng phòng Robot – cơ điện tử – tự động hóa, Phòng thí nghiệm trọng điểm điều khiển số và kỹ thuật hệ thống (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) lại tìm ra những giải pháp hữu ích, độc quyền ứng dụng ngay trong cuộc sống đời thường. Một trong số giải pháp mà Lâm là tác giả là “Máy quét 3D bằng tia laser có hệ thống phụ đặc biệt”.

Theo Phan Huỳnh Lâm, hệ thống máy quét 3D rất phổ biến trên thế giới và được áp dụng để giúp đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất, hiệu năng tăng. Ở VN, các thiết bị máy quét chủ yếu nhập từ nước ngoài với giá thành rất cao. Do đó, triển khai nghiên cứu giải pháp để làm chủ công nghệ, giảm giá thành là việc làm cần thiết. 

Cuối năm 2012, giải pháp của Lâm đã triển khai với nguồn kinh phí được cấp 200 triệu đồng. Lâm cho hay: “Chúng tôi xây dựng mô hình máy quét 3D để quét mẫu kiểm tra, dựng hình tạo mẫu ngược để áp dụng trong việc tích hợp trong các dây chuyền kiểm tra mẫu, trong các ứng dụng tạo hình, tạo mẫu. So với các máy ngoại nhập, máy của chúng tôi nổi bật trục xoay, trục tịnh tiến. Sản phẩm có tiềm năng áp dụng vào hệ thống tạo mẫu nhanh trong các nhà máy nhựa”.

Không chỉ tiết kiệm thời gian vận hành, máy quét 3D do VN nghiên cứu và sản xuất còn giảm chi phí đáng kể, nếu như mua máy từ nước ngoài sản phẩm này có giá từ 1 – 1,5 tỉ đồng, thì máy trong nước giá thành chỉ bằng 1/2 đến 1/3. Hiện máy quét 3D đang trong quá trình đăng ký cấp bằng giải pháp độc quyền hữu ích tại Cục Sở hữu trí tuệ VN. Giải pháp được rất nhiều doanh nghiệp, trường ĐH trong nước và ngoài nước quan tâm. Ngoài ra, anh còn phối hợp với bên y tế và cơ khí để nghiên cứu ứng dụng sản phẩm.

Ngoài giải pháp trên, Phan Huỳnh Lâm còn là chủ nhiệm của 6 đề tài, trong đó có 3 đề tài được triển khai ứng dụng trong thực tế như: “Phần mềm quản lý hệ thống thu nhận dữ liệu đo mưa ngập” năm 2011; “Chương trình điều khiển xe omi đa hướng” năm 2013; “Chương trình điều khiển máy quét 3D” năm 2014. 

Phan Huỳnh Lâm đang tiếp tục ấp ủ 3 đề tài liên quan đến nông nghiệp, năng lượng, ứng dụng kỹ thuật trong nghệ thuật. Trong tương lai, Lâm mơ ước sẽ mở một viện nghiên cứu về công nghệ kỹ thuật.  

Lễ trao giải thưởng Khoa học kỹ thuật mang tên Quả cầu vàng năm 2014 được T.Ư Đoàn và Bộ Khoa học – Công nghệ tổ chức diễn ra vào ngày 20.1 tại Hà Nội. Giải thưởng nhằm phát hiện, tôn vinh các thanh niên có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và đời sống. Năm 2014, T.Ư Đoàn đã quyết định trao giải Quả cầu vàng cho 10 tài năng trẻ xuất sắc trong 4 lĩnh vực: công nghệ môi trường, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ y – dược.

 

Thu Hằng