27/11/2024

Đồng hành trên đường lập thân, lập nghiệp

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm vẫn là hai mũi tiến công để Đoàn có thể tự tin trở thành bạn đồng hành của thanh niên trên con đường lập thân lập nghiệp.

 

Đồng hành trên đường lập thân, lập nghiệp

 

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm vẫn là hai mũi tiến công để Đoàn có thể tự tin trở thành bạn đồng hành của thanh niên trên con đường lập thân lập nghiệp.

 

 


 

 

Sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm tại ngày hội “Phỏng vấn - tuyển dụng” tại Nhà văn hóa Thanh niên, Q.1, TP.HCM. Đây là hình thức “làm bạn” với thanh niên được đánh giá tốt - Ảnh: Quang Định
Sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm tại ngày hội “Phỏng vấn – tuyển dụng” tại Nhà văn hoá Thanh niên, Q.1, TP.HCM. Đây là hình thức “làm bạn” với thanh niên được đánh giá tốt – Ảnh: Quang Định

Làm được nhiều việc song cũng gặp không ít khó khăn là những điều được các trung tâm dịch vụ việc làm, dạy nghề thanh niên toàn quốc trao đổi trong cuộc gặp hôm 20-1 tại TP.HCM.

Cũng vậy, đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015” (đề án 103) vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể tạo cơ hội cho nhiều bạn trẻ hơn.

Tư vấn tìm việc

Những con số đáng nhớ

Sáu năm triển khai đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm” (2008-2015) đã tập huấn cho gần 40.000 cán bộ Đoàn tham gia ban điều hành đề án, 800 giảng viên nguồn đào tạo khởi sự doanh nghiệp.

Đề án cũng đã đào tạo về khởi sự doanh nghiệp cho gần 54.000 bạn trẻ đam mê khởi nghiệp cũng như đã tư vấn, hỗ trợ trên 3 triệu đoàn viên thanh niên về việc học nghề, lập nghiệp.

Sáu trong tổng số 10 trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên của cả nước đã được khởi công, trong đó hai trung tâm tại Thanh Hoá và TP.HCM đã khánh thành và đưa vào sử dụng.

Anh Hồ Quang Lĩnh (Trung tâm Dạy nghề thanh niên Quảng Nam), cho biết ngoài việc dạy nghề cho thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số, đơn vị này đã tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho đối tượng đặc thù là thanh niên chuẩn bị ra tù, hoàn lương tại trại giam.

Trong khi đó anh Hoàng Thanh Hà (Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm Thanh Hoá) nói song song đào tạo nghề ngắn hạn, đơn vị này đã tập trung tư vấn và hỗ trợ khoảng 5.500 bạn trẻ đi xuất khẩu lao động, tập trung ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan.

Điểm chung mà nhiều trung tâm đều làm và nhận lại phản hồi tốt là hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh.

Chị Cao Nhật Lệ (Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Bắc Ninh) thông tin đơn vị này đã tranh thủ phối hợp, tận dụng nguồn lực của chính các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh để thực hiện các chương trình tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT.

Nhìn từ góc khác, anh Hà Quốc Huy (Trung tâm Dạy nghề thanh niên Kiên Giang) cho rằng giới thiệu việc làm không chỉ đưa lao động đến với doanh nghiệp mà còn giải quyết việc làm tại chỗ.

“Làm sao để lao động trẻ tìm được việc làm ngay tại quê mình, hoặc có thể bám đất bám ruộng mà ổn định cuộc sống thì quá tốt” – anh Huy nói.

Đồng cảm, chị Phan Thị Thuỷ (Tỉnh đoàn Kon Tum) nói Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên Kon Tum cũng quan tâm đào tạo nghề sơ cấp gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, phù hợp điều kiện còn nhiều khó khăn, hạn chế của thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số miền núi.

Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – thương binh & xã hội) Nguyễn Thị Hải Vân đánh giá cao hoạt động tiếp sức người lao động mà TP.HCM đã làm thời gian qua. Theo bà Vân, việc chủ động đi tìm người lao động, tư vấn nghề cho đối tượng đặc thù như thanh niên hoàn lương, khuyết tật cần làm tốt hơn những nội dung này sắp tới.

“Sàn giao dịch việc làm có làm nhưng còn hạn chế, nếu không làm được quy mô như TP.HCM thì các tỉnh nên thu hẹp vì nhu cầu của thanh niên rất lớn. Các trung tâm của Đoàn có thể phối hợp với trung tâm của Bộ Lao động – thương binh & xã hội để tổ chức hoạt động khởi nghiệp vì các dữ liệu về nguồn cung, cầu lao động đều có sẵn ở đó” – bà Vân nói.

“Đề án 103” giai đoạn 2: nên tập trung hướng nghiệp

Có nhiều kết quả tích cực tính từ khi triển khai đề án 103, từ việc tập huấn cán bộ điều hành đề án đến đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, khởi sự doanh nghiệp…

Sáu trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm đã được khởi công, trong đó hai trung tâm tại TP.HCM và Thanh Hóa đã đi vào hoạt động. Nhiều phát biểu đều nhìn nhận tác động tích cực khi đề án đi vào thực tế nên đều mong muốn sau khi kết thúc vào năm 2015, đề án 103 sẽ được tiếp tục giai đoạn 2.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn và mong muốn kinh phí cho dự án cần rõ ràng hơn, bởi hiện nay dù là đề án do Đoàn chịu trách nhiệm thực hiện nhưng muốn gì “đều phải đi xin các sở ngành liên quan chứ không được tự quyết định”.

Anh Hà Quốc Huy (Kiên Giang) đề nghị có thể cắt bớt kinh phí dành cho đào tạo cán bộ, tuyên truyền để xây dựng các mô hình hợp tác xã thanh niên vì “vừa giúp làm ăn vừa có thể tập hợp được thanh niên”.

Trong khi anh Trần Tân Định (Bình Dương) nói nếu sắp tới đề án triển khai tiếp sẽ đầu tư cho các hoạt động huấn luyện kỹ năng tìm việc, hướng nghiệp cho học sinh, thậm chí phối hợp với đài truyền hình ghi hình phát sóng và làm tư liệu lâu dài.

Đại diện Tỉnh đoàn Hà Tĩnh chia sẻ có cảm giác đề án vẫn thiếu sự phối hợp đồng bộ của các cấp khi triển khai, Đoàn mới chỉ dừng lại tuyên truyền là chính nên cần lưu ý việc này. Ông Phan Thanh Nghệ (Bộ Giáo dục – đào tạo) nói đề án chỉ cần quan tâm làm tốt việc tư vấn, hướng nghiệp chứ không cần quá quan tâm đào tạo nghề vì đó là việc của Bộ Lao động – thương binh & xã hội.

“Cán bộ Đoàn phải hiểu nghề gồm những gì mới có thể giúp thanh niên chọn nghề, định hướng nghề được” – ông Nghệ phát biểu.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Lao động – thương binh & xã hội Nguyễn Trọng Đàm cũng cho rằng tổ chức Đoàn cần tập trung và làm tốt việc tư vấn, định hướng và chọn nghề cho thanh niên, nhất là học sinh.

“Hiện tại phần lớn học sinh đều chọn nghề theo tư duy của phụ huynh, do vậy Đoàn cần làm sao để thay đổi thực tế này. Chưa kể phải quan tâm đặc biệt đến thanh niên yếu thế, khuyết tật, thanh niên nghèo vì đó mới là những đối tượng cần được giúp nghề, giúp việc làm để ổn định cuộc sống” – ông Đàm lưu ý.


QUỐC LINH