11/01/2025

Để không chết vì thực phẩm chứa độc tố

Thống kê gần đây thì ngộ độc liên quan đến thực phẩm chứa độc tố tự nhiên chiếm 25-35% tổng số vụ ngộ độc, như năm 2014 là trên 30% số vụ, chiếm 85-95% tổng số tử vong. Những người được cứu thì chi phí điều trị rất lớn, đều lên đến hàng trăm triệu đồng.

 

Để không chết vì thực phẩm chứa độc tố

Ngộ độc do độc tố tự nhiên chiếm 85-95% ca tử vong liên quan đến thực phẩm.

Bác sĩ ở Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị cho nạn nhân vụ ngộ độc nấm rừng tại Thái Nguyên – Ảnh: D.Ngọc

Năm 2014 có 15 người chết do ăn phải nấm độc và ba người chết do ăn ốc chứa độc tố. Ngày 5-1-2015 lại có thêm ba ngư dân chết vì ăn ốc độc… Ngộ độc do độc tố tự nhiên chiếm 85-95% ca tử vong liên quan đến thực phẩm.

Đó là chưa kể một người chết vì ngộ độc so biển, hai người chết do ăn cá nóc, một người chết do ăn bọ xít, hai người chết vì rượu ngâm rễ cây.

Ông Lâm Quốc Hùng - trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế – đã đưa ra những con số nhức nhối nói trên.

Điều đáng ngại lâu nay là những người có nguy cơ bị ngộ độc do độc tố tự nhiên đều ít đọc báo, nghe đài, ít nghe được những thông điệp truyền thông về mức độ nguy hiểm của thực phẩm chứa độc tố tự nhiên.

Ông Hùng nhận định: Có một số lý do dẫn đến ngộ độc thực phẩm chứa độc tố. Trong đó có cả yếu tố chủ quan của cơ quan quản lý và chủ quan, cố tình ở người sử dụng thực phẩm. Ở vụ ngộ độc ốc biển làm ba người tử vong ngày 5-1 (Tuổi Trẻ đã phản ánh) thì trên thuyền có sáu ngư dân nhưng ba người không ăn vì họ thấy loài ốc đó lạ, ba người ăn thì tử vong sau đó.

Vụ ngộ độc nấm kinh hoàng nhất năm 2014 là trường hợp một gia đình năm người ở Thái Nguyên ăn phải nấm độc khiến bốn người chết.

Cùng thời gian này (tháng 3-2014) có chín người ở Thái Nguyên và Tuyên Quang được chuyển đến cấp cứu tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng rất nặng do ăn nấm độc. Hậu quả đau lòng là năm người trong số này đã tử vong.

Với ngộ độc nấm cũng thế, đa số người bị ngộ độc nấm là người đi rừng, thường khai thác nấm, có kinh nghiệm về nấm dại nhưng họ vẫn ăn.

Vụ ngộ độc cá nóc gần đây ở Gia Lai cũng vậy, ba mẹ con ăn cá nóc và giờ còn một người đang nguy kịch. Trường hợp này bà con biết cá nóc độc nhưng không ngờ độc đến như vậy! Trong khi cá nóc, ốc biển độc đều có chứa chất độc thần kinh đến nay vẫn chưa có thuốc giải độc.

Thống kê gần đây thì ngộ độc liên quan đến thực phẩm chứa độc tố tự nhiên chiếm 25-35% tổng số vụ ngộ độc, như năm 2014 là trên 30% số vụ, chiếm 85-95% tổng số tử vong. Những người được cứu thì chi phí điều trị rất lớn, đều lên đến hàng trăm triệu đồng.

* Công tác truyền thông cho người dân ở vùng biển, vùng núi được thực hiện thế nào mà người dân vẫn ăn ốc biển độc, cá nóc, so biển, nấm độc và uống rượu ngâm rễ cây dẫn đến nhiều cái chết đau lòng?

– Thật ra công tác truyền thông là khó nhưng khó vẫn phải làm, chứ không phải khó là không làm. Quan điểm của chúng tôi là truyền thông phải mạnh hơn đến mức giúp thay đổi hành vi, chứ không chỉ thay đổi nhận thức.

Chúng tôi đã có dự án phòng chống ngộ độc nấm. Nhờ hỗ trợ của dự án này, những năm qua chúng tôi đã xây dựng nhiều vật liệu truyền thông, tìm những hình ảnh cập nhật nhất và in ra poster, trong đó mô tả kỹ bằng tiếng Việt, Tày và Mông để người dân nhận thức được sự nguy hiểm của nấm độc.

Năm 2014, chúng tôi cũng được hỗ trợ để nhắn tin tới từng máy điện thoại của người dân sống trong vùng có nguy cơ bị ngộ độc, rồi truyền thông trên đài tiếng nói địa phương vì qua khảo sát, chúng tôi thấy người đi nương thường mang theo chiếc đài nhỏ để nghe thông tin và ca nhạc.

Trong một số trường hợp. Chúng tôi nhờ hỗ trợ của già làng, trưởng bản để phát tờ rơi tới các gia đình. Ở khối điều trị tại y tế cơ sở, những vật tư y tế như than hoạt tính cũng được dự trữ để phòng có trường hợp ngộ độc. Tuy nhiên, đó là dự phòng khi đã xảy ra ngộ độc, quan trọng nhất là dự phòng sớm trước khi có ngộ độc.

* Với những biện pháp như ông nói, theo ông thì bao giờ mới hết các câu chuyện đau lòng là chết vì những bữa ăn do nấm, ốc, cá độc?

– Đó là một kỳ vọng, ngay cả nước Mỹ vẫn còn có người ngộ độc nấm. Đó là thói quen dùng thực phẩm của nhiều người, muốn thay đổi phải có thời gian “ngấm” và liên quan đến vấn đề điều kiện kinh tế – xã hội.

Nhưng những công việc đã làm để phòng chống ngộ độc thì phải tiếp tục làm, làm nhiều hơn tại các vùng có nguy cơ, như tôi đã nói ở trên là để thay đổi hành vi sử dụng thực phẩm của người dân.

 

Cảnh báo còn chung chung

Hơn một tháng rưỡi đã qua, nhưng nỗi ám ảnh về vụ ngộ độc ốc biển với cả nhà làm đứa con gái 7 tuổi chết vẫn đeo bám ông Lê Hải (ở xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Ông Hải kể ngày 23-11-2014, ông ra biển bắt được nhiều con ốc hình thù đẹp, mang về luộc ăn cùng ba đứa con.

“Ăn ốc buổi trưa, đi nghỉ một chút thì tôi và đứa con trai lớn thấy tê nhẹ ở môi và tê tay, còn đứa con gái nhỏ 7 tuổi thì nặng lắm. Đưa vô tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên thì con bé hôn mê, mờ sáng hôm sau thì mất…” – ông Hải nghẹn ngào.

Người đàn ông 40 tuổi này cho biết trước khi xảy ra vụ ngộ độc, gia đình ông không biết gì về việc ốc biển có thể gây ngộ độc, nguy hiểm đến mức chết người và chết nhanh chóng như vậy.

“Trước kia dân ở các làng biển cũng ăn cá nóc nhiều, sau đó được tuyên truyền, thông báo thường xuyên về nguy cơ ngộ độc chết người từ cá nóc nên người dân không dám ăn nữa, còn các loại ốc biển thì cho tới nay chẳng thấy cơ quan chức năng nào nói cho dân biết là nó gây ngộ độc hết” – ông Hải nói.

Bác sĩ Nguyễn Vinh Quang – giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe thuộc Sở Y tế tỉnh Phú Yên – cho hay mấy năm gần đây ở vùng Nam Trung bộ có xảy ra những vụ ngộ độc ốc biển, trung tâm cũng có truyền thông cảnh báo đến người dân thông qua các bài báo.

“Tuy nhiên chỉ là cảnh báo chung, khuyến cáo dân không nên ăn các loài ốc lạ mà trước đây họ chưa từng ăn, chưa được kiểm chứng về độ an toàn, đặc biệt là không ăn các loài ốc mà vỏ có nhiều màu sắc sặc sỡ vì nguy cơ ngộ độc rất cao. Cho đến nay chưa có một phân loại cụ thể những loài ốc nào có chứa độc tố nguy hiểm chết người để truyền thông cho nhân dân. Chính việc cảnh báo chung chung, thiếu chi tiết, không cụ thể như thế nên truyền thông về ốc biển độc rất khó “vô” dân, khiến người ta thờ ơ, chủ quan” – bác sĩ Quang cho hay.

Còn bác sĩ Tôn Thất Toàn – giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe thuộc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa – cho rằng ngành y tế cần nhanh chóng phối hợp với Viện Hải dương học và các cơ quan liên quan biên soạn, phát hành các tờ gấp, tờ rơi, sách nhỏ, apphich để tuyên truyền về việc không ăn ốc độc, ốc lạ trực tiếp đến người dân vùng nguy cơ cao là các làng biển và ngư dân.

DUY THANH