Nhiều bất ổn trong đề xuất mới về xử phạt báo chí
Đề xuất xử phạt cả nguồn tin của báo chí và “phân loại” từng lĩnh vực đặc thù để xử phạt khi báo chí thông tin sai là những qui định bất ổn trong dự thảo nghị định mới về quản lý báo chí.
Nhiều bất ổn trong đề xuất mới về xử phạt báo chí
Đề xuất xử phạt cả nguồn tin của báo chí và “phân loại” từng lĩnh vực đặc thù để xử phạt khi báo chí thông tin sai là những qui định bất ổn trong dự thảo nghị định mới về quản lý báo chí.
Bộ Tư pháp vừa đưa ra dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật.
Vỡ kết cấu ổn định
Dự thảo nghị định mới đã sửa đổi bổ sung các nghị định theo hướng mô tả rõ hành vi cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật áp dụng đối với cá nhân, tổ chức (không bao gồm cơ quan báo chí và nhà báo). Đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật do cơ quan báo chí thực hiện thống nhất đưa về Nghị định 159/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Điểm đáng chú nhất trong bản dự thảo này là Bộ Tư pháp đã đề xuất Chính phủ bổ sung thêm điều 8a sau điều 8 của Nghị định 159/2013 với các mức phạt rất cao. Trong đó, phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát sai lệch các thông tin thống kê đã được cơ quan có thẩm quyền công bố; phạt tiền từ 75 – 100 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng thừa nhận dù đề xuất này được đa số các bộ ngành đồng tình (trong các lĩnh vực sửa đổi), nhưng vẫn còn ý kiến khác cho rằng tại điều 8 Nghị định 159 đã bao quát hết các vi phạm nội dung thông tin trong các lĩnh vực và tính chất mức độ vi phạm để áp dụng mức phạt phù hợp nên không cần phải bổ sung thêm.
Trả lời PV Thanh Niên chiều qua, ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí – xuất bản thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), cho biết: “Đề xuất bổ sung này sẽ làm vỡ cả kết cấu vốn đang ổn định của Nghị định 159, trong cơ cấu hiện nay không thể nào nói ngành nào quan trọng hơn, nếu như ngành nào cũng đòi hỏi cho rằng mình có đặc thù thì Nghị định 159 còn sửa đổi dài dài”.
Trái luật Báo chí ?
Theo dự thảo nghị định sửa đổi, việc xử lý các hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật trên các phương tiện thông tin đại chúng trong các lĩnh vực đặc thù nói trên sẽ do cơ quan quản lý nhà nước về báo chí thực hiện (tức Thanh tra Bộ TT-TT). Tuy nhiên, để tiếp nhận thông tin về việc vi phạm phải do cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực cụ thể phản ảnh và chuyển thông tin đến Thanh tra Bộ TT-TT.
Theo đó, phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, đưa tin, công bố thông tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hoá, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường; phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, đưa tin sai sự thật về sai sót trong đề thi, lộ đề thi, lộ đáp án, tiêu cực, gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp hoặc kỳ thi tuyển sinh hằng năm…
Theo ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT), không ai có quyền bắt buộc báo chí tiết lộ nguồn tin của mình trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện KSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng. Đây là điều đã được quy định tại luật Báo chí.
“Theo như tôi hiểu quy định hành vi liên quan đến thông tin sai sự thật tại dự thảo nghị định nêu trên là liên quan đến các cá nhân, tổ chức công khai, chính thức cung cấp thông tin một cách chính danh chứ không phải các trường hợp là nguồn tin của báo chí”, ông Lượng nói.
Ông Ngô Huy Toàn cũng cho rằng trong trường hợp cung cấp thông tin sai nhưng người cung cấp là nguồn tin ẩn danh của báo chí thì sẽ áp dụng theo điều 7 luật Báo chí, cụ thể là báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện KSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng.
Chưa có chế tài cơ quan “né” báo chí Theo ông Ngô Huy Toàn, trên thực tế việc chấp hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 5.2013) chưa được chấp hành triệt để, báo chí gặp nhiều khó khăn khi yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin. Ông Toàn cho biết đã nhận được một số phản ánh mang tính chất cá nhân về việc này. Hiện tại chưa có quy định cụ thể nào về việc xử lý các tổ chức, cá nhân không hợp tác cung cấp thông tin cho báo chí theo quy chế phát ngôn. Vì vậy, ông Toàn đề nghị nếu những người có trách nhiệm phát ngôn, cung cấp thông tin không thực hiện đúng chức năng của mình thì báo chí ngoài việc phản ánh với các bộ, ngành chủ quản, còn có thể phản ánh với Ban Tuyên giáo, Bộ TT-TT là các cơ quan có trách nhiệm giám sát hoạt động này. |
Thái Sơn – Trường Sơn