11/01/2025

Tạo cơ chế để báo chí mạnh lên

Hội nghị trung ương 10 (khóa XI) đã cho ý kiến về đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

 

Tạo cơ chế để báo chí mạnh lên

 

Hội nghị trung ương 10 (khóa XI) đã cho ý kiến về đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. 

 

 

 

Học sinh các trường THPT tỉnh Tây Ninh xem thông tin về tuyển sinh trên báo Tuổi Trẻ trong buổi tư vấn hướng nghiệp tại Trường THPT Lý Thường Kiệt (Tây Ninh) sáng 10-1-2015 - Ảnh: Như Hùng
Học sinh các trường THPT tỉnh Tây Ninh xem thông tin về tuyển sinh trên báo Tuổi Trẻ trong buổi tư vấn hướng nghiệp tại Trường THPT Lý Thường Kiệt (Tây Ninh) sáng 10-1-2015 – Ảnh: Như Hùng

Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ về một số nội dung trong đề án này, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ (phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương) cho biết:

Ông Nguyễn Thế Kỷ - Ảnh: V.V.Thành
Ông Nguyễn Thế Kỷ –
Ảnh: V.V.Thành

– Tại hội nghị vừa qua, trung ương đã thảo luận sôi nổi về đề án và cơ bản đồng ý với những vấn đề lớn đề án nêu ra.

Một trong những mục đích lớn nhất của đề án là trên cơ sở đánh giá khách quan, chính xác về thực trạng báo chí hiện nay, bao gồm các loại hình báo chí, công tác quản lý báo chí, đội ngũ những người làm báo, hệ thống cơ chế, chính sách liên quan đến báo chí, môi trường hoạt động của báo chí, công chúng báo chí, xu thế phát triển báo chí trên thế giới… để qua đó nhìn nhận, đánh giá đề ra các quyết sách phù hợp với tình hình mới.

Cùng với đó, mục đích của đề án là để cho báo chí chúng ta mạnh lên. Mạnh về tư tưởng chính trị, nội dung thông tin, đảm bảo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, thông tin đến công chúng phải bổ ích, hiệu quả.

Đề án không chỉ tính đến chuyện tăng hay giảm số cơ quan báo chí, điều quan trọng là phải rà soát lại đội ngũ những người làm báo, từ người lãnh đạo quản lý cho đến biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên…

Từ đó phân tích làm rõ những ưu điểm của đội ngũ, những điểm nào còn hạn chế, trên cơ sở đó tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ những người làm báo. 

Liên quan đến đội ngũ, ngoài vấn đề phẩm chất chính trị, trình độ năng lực chuyên môn, tôi cho rằng vấn đề đạo đức nghề nghiệp lúc này cũng phải đặt ra một cách nghiêm túc, xem xét thấu đáo, vì thực tế vừa qua cho thấy có không ít “con sâu làm rầu nồi canh”, lợi dụng danh nghĩa báo chí để doạ dẫm doanh nghiệp, để thông tin sai sự thật…

Theo quy luật đào thải

* Thưa ông, vấn đề quy hoạch báo chí được đặt ra theo hướng nào?

– Đề án đã nêu rõ những quan điểm về quy hoạch phát triển báo chí. Trong đó nhấn mạnh báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. 

Đúng là vừa qua có lúc, có nơi chúng ta còn cân nhắc kỹ lưỡng quá nên thông tin không thật kịp thời. Chắc chắn rằng cùng với việc hoàn thiện, triển khai đề án một cách đồng bộ thì chúng ta sẽ khắc phục được nhiều tồn tại lâu nay. Tinh thần là công khai, minh bạch, tuy nhiên phải đặt trên cơ sở an ninh quốc gia, phải vì lợi ích của đất nước
Ông NGUYỄN THẾ KỶ

Cụ thể về quy hoạch, nếu quan sát đời sống báo chí hôm nay, không khó để chúng ta thấy rằng đã và đang có những điểm bất hợp lý.

Liệu chúng ta có nên tiếp tục để những sự bất hợp lý đó tồn tại? Rõ ràng cũng như lâu nay chúng ta hay nói tái cấu trúc nền kinh tế để phát triển chất lượng hơn, bền vững hơn, với báo chí cũng tương tự như vậy.

Trước hết sự ra đời và phát triển của một cơ quan báo chí, một sản phẩm báo chí không phải từ ý chí chủ quan mà phải từ nhu cầu khách quan của bạn đọc.

Tiếp cận từ góc nhìn này để xem xét cơ quan báo chí nào đã phát triển tốt thì khuyến khích và tạo cơ chế để phát triển tốt hơn. Cơ quan báo chí nào, sản phẩm báo chí nào vi phạm tôn chỉ mục đích, tiêu tốn ngân sách và không cần thiết cho bạn đọc thì cần có sự điều chỉnh. 

Nói một cách nôm na là theo quy luật đào thải, anh tồn tại và phát triển được, đóng góp tốt cho sự phát triển của xã hội thì thực tế sẽ chứng minh, nếu không thì sự tồn tại đó sẽ được đặt dấu hỏi một cách khách quan và theo đúng quy luật.

* Hiện nay có thực tế là nhiều trang web bên ngoài và mạng xã hội đưa lên một số thông tin mà chúng ta hay gọi là “nhạy cảm” khiến dư luận quan tâm. Sau đó báo chí chính thống xác minh qua cơ quan chức năng thay vì cơ quan chức năng chủ động lên tiếng. Ví dụ thông tin liên quan đến sức khỏe ông Nguyễn Bá Thanh vừa qua hay liên quan kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở trung ương lần này. Ông nghĩ sao?

– Đối với các vấn đề nảy sinh mà cơ quan chức năng thấy xã hội có nhu cầu thông tin thì chủ động cung cấp thông tin càng sớm càng tốt.

Trong trường hợp cụ thể liên quan đến trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh, có một vấn đề mà Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ trung ương cân nhắc là theo quy định pháp luật thì thông tin về tình trạng sức khoẻ là quyền cá nhân như chúng ta đã biết.

Trở lại vấn đề chủ động thông tin, trong quá trình trung ương góp ý cho đề án đã có ý kiến đề nghị chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy, tiếp tục đổi mới phương thức làm việc để thông tin đến với công chúng một cách nhanh nhạy, sắc bén hơn nữa. 

* Như vậy nhu cầu khách quan của bạn đọc là tiêu chí quan trọng đánh giá một tờ báo. Đề án có đặt ra vấn đề ông vừa nêu?

– Về cơ bản đề án đã thể hiện được. Sau khi trung ương cho ý kiến thì Bộ Chính trị tiếp thu và tiếp tục lãnh đạo hoàn thiện đề án để triển khai thực hiện.

Thật ra có những vấn đề đã được đề cập từ nhiều năm nay nhưng chưa rõ nét, trong khi thực tế luôn vận động.

Lần này quan điểm của trung ương và Bộ Chính trị là quyết tâm triển khai thật tốt đề án với tinh thần phát triển tốt đi đôi với quản lý tốt. Quản lý là tạo điều kiện để phát triển chứ không phải ngược lại.

Trong quá trình hoạt động của bất cứ cơ quan báo chí nào, bên cạnh những mặt tích cực tất nhiên không tránh khỏi có lúc sai sót.

Vấn đề ở đây là cơ quan báo chí nào, tờ báo nào có ảnh hưởng tốt đối với công chúng và cần cho đời sống xã hội thì sẽ tồn tại và phát triển một cách khách quan. 

Ai có thông tin đi trước sẽ giành ưu thế

* Ông có nghe trong giới báo chí có những ý kiến băn khoăn lo lắng về dự kiến quy hoạch lần này và ông có thể chia sẻ gì với các băn khoăn đó?

– Đúng là một số anh em báo chí cũng có hỏi tôi rằng trong đề án thì tờ báo này, tờ báo kia tới đây sẽ như thế nào.

Tôi trả lời rằng trong đề án chúng tôi chú ý đến những vấn đề cốt lõi, những vấn đề lớn, từ quan điểm phát triển và quản lý như thế nào và các mục tiêu đề ra, từ đó xác định nhiệm vụ, giải pháp.

Đi vào cụ thể thì còn là một câu chuyện chúng ta tiếp tục trong quá trình tiếp thu ý kiến trung ương để hoàn thiện và triển khai đề án tới đây. 

Một vấn đề tôi có thể khẳng định là những tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, tạp chí nào lâu nay được công chúng khẳng định đó là cơ quan báo chí cần thiết (không phải nói theo định tính mà theo định lượng, dựa trên số phát hành, số lượng truy cập, số lượng người xem, người nghe và dựa trên các căn cứ khách quan, khoa học) thì được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển tốt hơn, đúng hướng hơn.

* Để có đời sống báo chí sôi động, lành mạnh, không chỉ phụ thuộc vào báo chí, vào quy hoạch. Ở đây cần có sự cởi mở thông tin, chủ động cung cấp thông tin tốt hơn nữa. Ông nghĩ sao về điều này?

– Nhiều người có chung suy nghĩ này. Chúng ta đã có nhiều cố gắng theo hướng đó, dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên từ mong muốn, từ cố gắng đến thực hiện còn có khoảng cách. Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin, ai có thông tin đi trước sẽ giành ưu thế.

Thậm chí thông tin sai mà đi trước thì sau này cải chính cho được cũng mất rất nhiều thời gian và công sức. Chính vì vậy, việc chủ động cung cấp thông tin chính là để chiếm lĩnh trận địa thông tin. Không có cách nào khác. Hiện nay thông tin đi trước, đi sau đang được tính bằng giây, bằng phút chứ không phải tính từng ngày như trước đây. 

Nhìn vấn đề như vậy để thấy rằng chúng ta phải cùng nhau cố gắng, từ cơ quan quản lý báo chí cũng như từng tờ báo, từng nhà báo. Tất nhiên nhanh nhạy thì phải đi liền với cẩn trọng. Một cá nhân sai sót không sao, nhưng một tờ báo có thương hiệu mà sai sót thì sẽ lan toả và ảnh hưởng lớn trong xã hội.

Giật gân, câu khách không thuộc diện khuyến khích

* Điều quan trọng là làm sao giữ được sự đa dạng của báo chí. Vì thực tế có những tờ báo tôn chỉ mục đích gần giống nhau, tưởng là chồng chéo mà thật ra không phải vì đó chính là môi trường cạnh tranh tạo động lực phát triển cho các tờ báo?

– Khái niệm tôn chỉ mục đích ta không nên hiểu một cách máy móc, xơ cứng. Ví dụ nói báo Tuổi Trẻ TP.HCM chỉ tập trung những vấn đề của giới trẻ ở TP.HCM thì không phải, mà những vấn đề tuổi trẻ cả nước quan tâm thì báo Tuổi Trẻ phải hướng đến.

Điều này đã được hình thành và nhận thức từ nhiều năm nay. Tuổi Trẻvẫn tiếp tục phục vụ bạn đọc của mình. Ở đây cũng không phải vấn đề là mỗi lĩnh vực chỉ một vài tờ báo.

Có một số tờ báo lâu nay hoạt động rất thiếu tính chuyên nghiệp, không chỉ ở cách chọn vấn đề, lựa chọn thông tin mà còn ăn theo báo khác, ăn theo từ ý tưởng, nội dung cho đến copy tin bài của người khác. Những cơ quan báo chí đó có cần thiết không? Rõ ràng tự mỗi người trong chúng ta có câu trả lời.

Tôi đồng ý phải có sự đa dạng, phong phú. Hoàn toàn không phải quy hoạch cho gọn lại để dễ quản lý mà đây là quy hoạch phát triển. Điều quan trọng đối với mỗi tờ báo là xem xét sự cần thiết của nó trong đời sống báo chí và đời sống xã hội hiện nay.

Anh cứ xin giấy phép ra báo nhưng không tự nuôi nổi bộ máy mà đi xin tài trợ, trong khi sản phẩm của anh không được xã hội đón nhận, rõ ràng nguồn lực xã hội tài trợ cho anh nếu được khơi dòng tập trung cho đơn vị khác hiệu quả hơn, chất lượng hơn thì sẽ tốt hơn.

Chúng ta tự hỏi là cái gì cần khuyến khích, cái gì không? Chắc chắn là nhóm báo lá cải, nhóm báo đi vào giật gân câu khách không thuộc diện khuyến khích.

Tương tự đối với phát thanh, truyền hình cũng vậy. Có những đài năng lực yếu, một ngày chỉ sản xuất vài ba giờ chương trình, nhưng phát sóng cả ngày, chủ yếu là chiếu phim nước ngoài để lấy quảng cáo, vấn đề là anh khai thác phim thiếu chọn lọc.

Những đài như vậy có cần hai ba kênh hay là đưa về một kênh? Thậm chí trong một kênh cũng không nhất thiết trải dài 24 giờ mỗi ngày. Trước hết anh phải tái cấu trúc chương trình của anh chứ.

ĐÀ TRANG – VÕ VĂN THÀNH thực hiện