Cô bé Martine: vì cuộc đời quá đẹp!
Năm 1954, Nhà xuất bản Casterman, Bỉ đã tập hợp nhà văn Gilbert Delahaye và họa sĩ Marcel Marlier để đề nghị họ sáng tạo ra một nhân vật nữ cho các em nhỏ từ 5-8 tuổi. Và cô bé Martine ra đời.
Cô bé Martine: vì cuộc đời quá đẹp!
Năm 1954, Nhà xuất bản Casterman, Bỉ đã tập hợp nhà văn Gilbert Delahaye và họa sĩ Marcel Marlier để đề nghị họ sáng tạo ra một nhân vật nữ cho các em nhỏ từ 5-8 tuổi. Và cô bé Martine ra đời.
Martine xuất hiện khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 đã lùi xa gần một thập kỷ. Nỗi đau thương phần nào nguôi ngoai, Tây Âu, Mỹ đang tận hưởng những năm tháng phát triển nở rộ của khoa học, công nghệ và văn hóa cùng với tâm lý lạc quan, đầy tin tưởng vào tương lai. Chính vì vậy, Martine được tận hưởng mọi điều tốt đẹp nhất về cả vật chất và tinh thần.
Ðọc về Martine, ngắm cuộc sống của Martine, nhiều đứa trẻ ao ước được như cô bé. Martine sống trong điều kiện tiện nghi. Không chỉ vậy, cô bé cũng được đi du lịch, thăm sở thú, về chơi nông trại, lăn lê bò toài trong rừng…
Đứa trẻ được yêu thương và tin tưởng
Chỉ tầm 8, 9 tuổi, song Martine đã được làm nhiều việc người lớn vẫn làm. Cô bé ở nhà một mình, tự chăm sóc em bé, tắm cho em, đưa em đi dạo. Có khi Martine cùng em trai dọn dẹp nhà cửa, giặt áo quần, rửa chén và nấu nướng. Martine thậm chí còn có thể tự mình phát động một lễ hội hóa trang nhằm kêu gọi mọi người bảo vệ côn trùng. Phía sau những đứa trẻ đầy hăng hái và tự tin ấy, ta có thể mường tượng được một lớp người lớn với tư duy tiến bộ và hết sức tin tưởng vào con trẻ.
Xêri sách về cô bé Martine khởi đầu bằng cuốn sách Cô bé Martine về nông trại xuất bản năm 1954, và được nối tiếp bởi 59 cuốn sách khác. Xêri này đã được dịch ra khoảng 30 thứ tiếng và bán được gần 100 triệu bản. Khi tác giả Gilbert Delahaye mất vào năm 1997, Jean – Louis Marlier, con trai của Marcel Marlier, đảm nhận việc viết lời cho cuốn sách. Bộ sách kết thúc vào năm 2011 khi họa sĩ Marcel Marlier qua đời ở tuổi 80. |
Phải chăng đó chính là điều nhiều phụ huynh trong chúng ta đang thiếu: niềm tin vào trẻ em? Chúng ta không cho con mình lăn lê nghịch đất nghịch cát vì sợ chúng bị bẩn, bị ốm. Chúng ta không để chúng làm việc nhà, nấu cơm, rửa bát vì “thương con vất vả”.
Nhiều người lớn trong chúng ta quên rằng mình đã khám phá về thế giới, đã dày dạn, chín chắn hơn từ những buổi nghịch ngợm lấm lem và những ngày chuệch choạc giúp cha mẹ việc nọ việc kia.
Nghệ thuật của một tâm hồn yêu đời
Ðối với bộ sách về cô bé Martine, có lẽ không nên nói là “đọc sách”, mà phải là “ngắm sách” vì mỗi cuốn sách đều là một tác phẩm nghệ thuật đáng nể. Họa sĩ Marcel Marlier cực kỳ cầu toàn.
Ông say mê nhìn ngắm thế giới quanh mình, quan sát thật kỹ chuyển động của con vật, con người để có thể nắm bắt bí mật kết cấu ẩn trong mỗi đường gân, thớ thịt.
Tình yêu cuộc sống của người họa sĩ tài ba lấp lánh trong những bông hoa chuông nơi hiên nhà, trong đôi mắt xanh thẳm của những đứa trẻ, trong cả vạt rèm khẽ rung động trong gió.
Lắm lúc, người đọc có cảm giác như mỗi bức tranh là một lỗ hổng trên tường mà họa sĩ đã chọc thủng, để từ đó ta có thể “nhòm trộm” cuộc sống của Martine.
Vì vậy, khi mở sách ra, đôi khi cha mẹ có thể tạm quên nội dung truyện để cùng con khám phá từng hình vẽ, vì mỗi hình vẽ trong đó cũng đủ là một kỳ quan nho nhỏ rồi đấy!