“Không chỉ riêng cho người Cuba, mà còn cho cả Châu Mỹ Latinh”
Mới đây, trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo La Nueva Sardegna của Italia, Đức Tổng Giám mục Giovanni Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Toà Thánh và là nguyên Sứ thần Toà Thánh tại Cuba từ năm 2009 đến 2011, đã nói: “Chính Tổng thống Obama nói rằng, tiếp tục duy trì lệnh cấm vận đã trở nên vô nghĩa. Họ không thể làm được gì với lệnh cấm vận, mà chỉ làm cho dân chúng chết đói. Chế độ mà họ tẩy chay 50 năm qua và cố gắng đánh bại vẫn còn nắm quyền.”
WHĐ (06.01.2015) – Mới đây, trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo La Nueva Sardegna của Italia, Đức Tổng Giám mục Giovanni Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Toà Thánh và là nguyên Sứ thần Toà Thánh tại Cuba từ năm 2009 đến 2011, đã nói: “Chính Tổng thống Obama nói rằng, tiếp tục duy trì lệnh cấm vận đã trở nên vô nghĩa. Họ không thể làm được gì với lệnh cấm vận, mà chỉ làm cho dân chúng chết đói. Chế độ mà họ tẩy chay 50 năm qua và cố gắng đánh bại vẫn còn nắm quyền.”
Trong khi chờ đợi bước ngoặt lịch sử trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba có hiệu lực, khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua lệnh bỏ cấm vận này, Đức Hồng y Becciu đã nhận định về lời tuyên bố của Tổng thống Obama “Todos somos americanos” (Chúng ta đều là người Mỹ): “Chúng ta đang đối diện với một vấn đề sâu nặng đã kéo dài nhiều thập kỷ. Một vấn đề vượt khỏi biên giới Cuba, bởi vì toàn thể Châu Mỹ Latinh luôn quan tâm và hy vọng về một giải pháp cho những vấn đề của đảo quốc ở vùng Caribê này. Chấp nhận “chúng ta đều là người Mỹ”, có nghĩa là chia sẻ lòng mong đợi và đáp lại niềm hy vọng không chỉ riêng cho người Cuba, mà còn cho mọi người dân Châu Mỹ Latinh nữa.”
Về sự hoà hoãn này, có điều gì đó vượt trên những lý do ngoại giao như Đức Hồng y Becciu nhận định: “Trên tất cả, đó là đáp ứng những quyền lợi chính đáng của các dân tộc. Không được phép tước đoạt quyền sống về kinh tế và xã hội thường nhật của họ. Giáo hội luôn cổ võ đòi hỏi này. Chính Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã yêu cầu chấm dứt cấm vận với câu nói nổi tiếng: “Ước mong Cuba mở ra với thế giới và thế giới mở rộng với Cuba”, câu nói khẳng định những kỳ vọng cũng như giải pháp cho vấn đề này.”
Đức Hồng y Becciu nói thêm rằng hiện nay Tổng thống Obama đang nỗ lực trong khi chờ đợi Quốc hội Hoa Kỳ biểu quyết. Rõ ràng là điều này làm sống lại niềm hy vọng của nhân dân Cuba và để không làm họ thất vọng, Chủ tịch Raul Castro cũng đã cam kết chuyển dần hệ thống kinh tế tập trung thành một hệ thống kinh tế tự do hơn. Tất cả những điều này có thể xảy ra, vì chính Chủ tịch Raul Castro đã công bố vài ngày trước, trong khuôn khổ hệ thống cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Sẽ có một số nghịch nguyên tắc, nhưng những vấn đề ấy cũng giải quyết được, tùy vào nhà cầm quyền.
Đức Hồng y Becciu cũng nhắc lại khi ngài làm Sứ thần Toà Thánh tại Cuba, đúng vào lúc Chủ tịch Raul Castro đã thực hiện một số cải cách kinh tế. Ngoài ra, ông còn trả tự do 120 tù nhân chính trị. Thật là một kỷ niệm đăc biệt và một thời điểm đáng nhớ. Qua Đức Hồng y Ortega, Tổng Giám mục Havana, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Cuba, Giáo hội Cuba đã trực tiếp được Nhà nước Cuba nhờ làm trung gian để phóng thích các tù nhân chính trị. Qua sự việc này, Nhà nước Cuba tái công nhận vai trò xã hội của Giáo hội, là vai trò đã bị phủ nhận trong thời kỳ cách mạng của Fidel Castro.
Đức Hồng y Becciu hồi tưởng lại tầm quan trọng của chuyến viếng thăm lịch sử của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tại Cuba; chuyến viếng thăm đã có những thúc đẩy đáng kể để các thành phần khác nhau ngồi vào bàn đối thoại và đặc biệt công nhận Lễ Giáng Sinh là một ngày lễ nghỉ dân sự của quốc gia. Cả chuyến viếng thăm Cuba của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI năm 2012 cũng giúp cải thiện quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước. Còn Đức Thánh Cha Phanxicô hiện nay thì “đúng là đóng vai chính, âm thầm nhưng hiệu quả” trong giai đoạn cuối của cuộc hoà hoãn này.