10/01/2025

​Thêm kỹ năng, tăng cơ hội

Không ít sinh viên học giỏi nhưng chật vật tìm việc làm, thậm chí đánh mất cơ hội tưởng như trong tầm tay. Vì sao? Câu trả lời như đùa mà rất thật – thiếu kỹ năng bổ trợ.

 

​Thêm kỹ năng, tăng cơ hội

 

Không ít sinh viên học giỏi nhưng chật vật tìm việc làm, thậm chí đánh mất cơ hội tưởng như trong tầm tay. Vì sao? Câu trả lời như đùa mà rất thật – thiếu kỹ năng bổ trợ.

 

 

Chương trình “Phỏng vấn thử – thành công thật” đã thu hút đông đảo sinh viên thành phố đến tham dự để tìm cơ hội tiếp cận với nhà tuyển dụng và rèn luyện kỹ năng phỏng vấn tìm việc – Ảnh: Q.NG.

Đi tìm lời giải cho bài toán ấy, đề án trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho sinh viên đã nhận được sự đồng thuận cao ngay tại Đại hội IV Hội Sinh viên VN TP.HCM (tháng 1-2010). Đến cuối nhiệm kỳ, những kết quả đạt được khả quan để có thể nghĩ đến việc nâng cấp đề án cho chặng đường năm năm tới.

Từ khó như dạy - học kỹ năng

Một tập đoàn chuyên về công nghệ thông tin khi tuyển dụng nhân viên cho chi nhánh tại VN đã nhận được sự quan tâm lớn của ứng viên. Sau nhiều vòng xét tuyển, khoảng 100 ứng viên lọt vào vòng cuối. Nhưng kết quả còn hơn bị “tạt gáo nước lạnh” khi chỉ có 2/100 ứng viên được tuyển dụng.

Lý do: các ứng viên có chuyên môn tốt nhưng đành phải “chào tạm biệt” vì họ không có những kỹ năng mềm cần phải có cho các vị trí ứng tuyển. Câu chuyện ấy từng gây sốc một thời gian dài.

Những kỹ năng như làm việc nhóm, học đại học hiệu quả, phát triển bản thân, giao tiếp, chuẩn bị hồ sơ tìm việc, phỏng vấn, tự lập… nghe có vẻ đơn giản nhưng đã từng là điều khá xa lạ, nếu không muốn nói là mù mờ với nhiều sinh viên.

“Lúc học phổ thông rất ít khi học hay làm việc nhóm nên mình đã quen với việc học một mình. Nhưng lên đại học lại hoàn toàn khác, vì vậy khi bắt đầu ngồi lại với nhau tụi mình không dễ chấp nhận ý kiến của nhau và hầu như các buổi họp nhóm đầu tiên đều thất bại. Vậy là phải tìm lớp đi học”, bạn Minh Châu (ĐH Văn Lang) cho biết.

Nhưng sinh viên cũng không dễ chọn lựa giữa một rừng đơn vị, trung tâm huấn luyện, giáo dục kỹ năng với nhiều lời quảng cáo bùi tai.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP.HCM (SAC) Quách Hải Đạt cho biết cái khó chính là chưa có một giáo trình chuẩn về những kỹ năng cần được trang bị nên từ góc độ đơn vị thực hiện, SAC phối hợp cùng một số chuyên gia, tham khảo ý kiến sinh viên để lên danh sách những kỹ năng sinh viên thường có nhu cầu để trang bị cho các bạn.

Các lớp học thường chỉ thu một mức phí tối thiểu, khi tìm được đối tác hỗ trợ, phần lớn các khoá huấn luyện này sinh viên đều được tham dự miễn phí.

“Không phải trường nào cũng thật sự quan tâm việc trang bị kỹ năng cho sinh viên. Có nơi chúng tôi đặt vấn đề mở các khoá huấn luyện miễn phí mà họ còn không thèm phối hợp” – anh Hải Đạt cho biết.

Công bằng mà nói việc thành lập hẳn một trung tâm huấn luyện kỹ năng trực thuộc trường mà sinh viên có thể tìm lớp phù hợp để học như ĐH Tôn Đức Thắng là chưa nhiều. Trong khi phần lớn các đơn vị khác nếu có cũng chỉ là liên kết với một đơn vị bên ngoài để làm, hoặc có khi là Đoàn, hội sinh viên tổ chức như một phong trào cho sinh viên tham gia.

Đến bước chuyển cho quá trình hội nhập

Dù có những trở ngại nhất định song nhu cầu được trang bị kỹ năng của sinh viên là có thật và rất cần thiết. SAC đã khảo sát 2.000 sinh viên và kết quả cho thấy nhận thức của sinh viên về việc cần thiết phải được trang bị các kỹ năng mềm bổ trợ ngày càng được nâng cao.

Trong hơn bốn năm, SAC đã mở 426 lớp huấn luyện kỹ năng thực hành xã hội cho gần 20.000 sinh viên và cấp chứng chỉ cho học viên sau khi hoàn thành khóa học. Cũng vậy, 10 chương trình “Phỏng vấn thử – thành công thật” đã thu hút hơn 24.000 sinh viên tìm đến để tiếp cận các nhà tuyển dụng, hiểu được cách thức phỏng vấn tìm việc.

Anh Quách Hải Đạt cho biết việc trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho sinh viên sẽ được làm tiếp vì đây là điều thiết thân với sinh viên, yêu cầu của nhà tuyển dụng, nhất là trong điều kiện nguồn nhân lực VN sẽ hội nhập và cạnh tranh với các nước trong khu vực khi cộng đồng ASEAN hình thành cuối năm 2015. Nhưng sinh viên muốn được trang bị gì?

“Tụi mình muốn có thêm sự trải nghiệm, tăng tính thực hành với các kỹ năng được học hơn là chỉ các buổi chia sẻ lý thuyết của chuyên gia” – bạn Hoàng Minh (ĐH Kinh tế TP.HCM) đặt hàng.

“Chắc chắn công việc này sẽ không làm theo cách cũ bởi sắp tới sẽ đầu tư cho các kỹ năng chuyên sâu, chuyên biệt liên quan và theo yêu cầu của ngành nghề. Và chúng tôi đang tính đến các liên kết để giúp sinh viên trải nghiệm thực tế nhiều hơn” – phó giám đốc SAC Lê Xuân Dũng thông tin.

Theo anh Dũng, việc trang bị các kỹ năng cơ bản trung tâm sẽ hỗ trợ khi cơ sở có nhu cầu như tài liệu, báo cáo viên và để cơ sở tự làm.

Từ góc nhìn sinh viên, bạn Hoa Mai (ĐH Công nghệ TP.HCM) đề xuất: “Nếu có giáo trình bài bản của những nhà xuất bản đáng tin cậy thì sinh viên cũng có thể tự tìm đọc, kết hợp với một vài khoá huấn luyện nữa sẽ rất lý tưởng. Với riêng tôi, tôi quan tâm nhiều hơn chất lượng đội ngũ báo cáo viên vì thực tế không ai kiểm soát được điều này tại các trung tâm giáo dục kỹ năng hiện nay”.

Trên 913.000 lượt sinh viên tham gia

Tính đến cuối nhiệm kỳ, đề án trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho sinh viên từ cơ sở đến cấp thành đã tổ chức 4.084 hoạt động thu hút trên 913.000 lượt sinh viên tham gia.

Trong đó, các hoạt động cấp thành do Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP.HCM chịu trách nhiệm tổ chức đã đến với gần 182.000 lượt sinh viên.

Các hoạt động trang bị kỹ năng cũng đa dạng như: lớp học, tham vấn học đường, chương trình tập huấn, hội nghị, toạ đàm, sinh hoạt của các câu lạc bộ, đội, nhóm chuyên về kỹ năng… Bên cạnh đó, các chương trình như: Phỏng vấn thử – thành công thật, Chìa khóa thành công, Cà phê 3600… thu hút số lượng lớn sinh viên với nhiều kỹ năng bổ ích, rất cần thiết.


QUỐC NGUYÊN