10/01/2025

Thừa hàng chục ngàn giáo viên – Kỳ 2: Đào tạo không sát với nhu cầu

Bộ GD-ĐT đang thực hiện giảm chỉ tiêu đào tạo khối ngành sư phạm nhằm ngăn chặn tình trạng thừa giáo viên nhưng xem ra chỉ là giải pháp tạm thời.

 

Thừa hàng chục ngàn giáo viên – Kỳ 2: Đào tạo không sát với nhu cầu

 

 

Bộ GD-ĐT đang thực hiện giảm chỉ tiêu đào tạo khối ngành sư phạm nhằm ngăn chặn tình trạng  thừa giáo viên nhưng xem ra chỉ là giải pháp tạm thời.

 

 

 

Sự thiếu kết nối giữa nhu cầu sử dụng và đào tạo, thiếu hoạt động dự báo nhân lực ngành dẫn đến tình trạng thừa giáo viên trong những năm qua

Sự thiếu kết nối giữa nhu cầu sử dụng và đào tạo, thiếu hoạt động dự báo nhân lực ngành dẫn đến tình trạng thừa giáo viên trong những năm qua – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Thiếu sự kết nối giữa nơi sử dụng và đào tạo
Hiện nay, cả nước có tới 144 trường có ngành sư phạm, 13 trường chuyên đào tạo ngành sư phạm. Thực tế cho thấy hầu như các tỉnh, thành phố trong cả nước đều có trường đào tạo giáo viên (GV) từ bậc tiểu học đến bậc THCS. Những năm gần đây, các trường này không ngừng mở rộng, phát triển cả về quy mô, số lượng lẫn hình thức đào tạo, số sinh viên tốt nghiệp ra trường có nhu cầu làm việc trong ngành giáo dục ngày càng đông thêm. Thế nhưng, ở hầu hết các địa phương, các trường học bậc phổ thông đều đang trong tình trạng bão hoà, thậm chí dư thừa GV.

 
 

Thực hiện dự báo nhân lực ngành
Theo tiến sĩ Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cần phải có thống kê cụ thể về số GV sẽ về hưu sau mỗi 4 năm, nhu cầu tuyển dụng thực tế GV từng ngành và bậc học cụ thể của các địa phương. Từ các con số này, Bộ sẽ có cơ sở để phân bổ chỉ tiêu đào tạo phù hợp cho các trường. Còn ông Trần Hiếu thì cho rằng những năm tới các địa phương cần điều tra nhu cầu nhân lực ngành này, sau đó phối hợp với các trường để đào tạo. Trước mắt cần giảm bớt chỉ tiêu ở những bậc dư thừa và tăng chỉ tiêu ở bậc thiếu, chẳng hạn mầm non.
Trước tình trạng này, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo cho biết Bộ cũng đang thực hiện đánh giá việc đào tạo ở các trường sư phạm trên dự báo của ngành để gắn kết đào tạo và sử dụng tốt hơn. Các địa phương đang tích cực rà soát để việc đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng. Ví dụ, TP.HCM đã thành lập hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ có đào tạo sư phạm và có ký kết giữa Sở GD-ĐT với các cơ sở để đảm bảo đào tạo sư phạm đúng địa chỉ còn thiếu GV.

 
Mối liên hệ giữa các sở GD-ĐT với trường CĐ sư phạm của địa phương lâu nay chưa chặt chẽ, mới chỉ đơn thuần về chuyên môn. Vấn đề chỉ tiêu của trường do Sở Kế hoạch – Đầu tư và UBND tỉnh, thành phố phê duyệt, Sở GD-ĐT gần như đứng ngoài cuộc. Chính việc “chặt khúc” trong quản lý (các trường CĐ do UBND TP quản lý) đã khiến cho việc phối hợp thiếu đồng bộ.
Việc kết nối giữa trường sư phạm và nơi có nhu cầu GV rất yếu nên sự lệch pha giữa đào tạo và sử dụng vẫn còn khoảng cách lớn.
Theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trên thực tế, Bộ đang giao nhiệm vụ giảm chỉ tiêu ngành sư phạm. Ví dụ 2 trường ĐH sư phạm lớn trên cả nước giảm 5% chỉ tiêu, trong khi các trường khác giảm 10%. Nhưng thực tế hiện nay chưa có kết nối giữa nhu cầu của các trường phổ thông (nơi sử dụng GV) và các trường ĐH, CĐ (nơi đào tạo). “Quan trọng là tính ra bằng được số lượng GV cần cho tỉnh, cho vùng, cho cả nước. Khi đó sẽ làm lại hệ thống đào tạo GV trên cả nước. Phải có quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm và trường được đào tạo GV. Trường nào đào tạo không tốt nên mạnh dạn cắt giảm nhiều chỉ tiêu, giao việc khác. Đó mới là việc làm căn cơ”, ông Hồng nói.
Chỉ chạy theo nguyện vọng người học
Đại diện các trường có ngành sư phạm thừa nhận hiện nay đào tạo chủ yếu theo nguyện vọng của người học chứ không biết đến cụ thể nhu cầu nhân lực ngành học này ở các địa phương.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tây Nguyên, chia sẻ: “Tôi biết nhu cầu tuyển dụng sư phạm hiện nay rất ít, đặc biệt các tỉnh Tây nguyên càng khó khăn. Mỗi năm chỉ tuyển một vài vị trí cho ngành sư phạm nhưng số lượng người nộp hồ sơ nhiều gấp vài ba chục lần. Đến thời điểm này, chúng tôi cũng không có thông tin nào về ngành học và bậc đào tạo cụ thể nào đang thiếu GV”. Ông Trần Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, nhận định: “Lâu nay các trường sư phạm đào tạo theo khả năng của trường và theo nguyện vọng của người học, chứ không đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng thực tế. Đó chính là lý do khiến cung luôn vượt cầu, sinh viên tốt nghiệp ra trường dư thừa, thất nghiệp”.
Tương tự, thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cũng cho hay trường hầu như không có thông tin nào từ các sở GD-ĐT, ngoài TP.HCM, về nhu cầu nhân lực sư phạm, người chọn lựa theo học ngành này chỉ theo nhu cầu riêng của bản thân.
Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng nói: “Trường vẫn gửi danh sách sinh viên sắp tốt nghiệp về các tỉnh nhưng chỉ với mục đích giới thiệu, còn việc tuyển dụng bao nhiêu lại là chuyện của các sở. Trước đây những người theo học sư phạm sẽ được phân công nhiệm sở về địa phương, nhưng thực tế hiện nay nguyên tắc này không còn tồn tại”.
Ông Lâm Văn Quản, nguyên Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp – ĐH Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện là Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, cho biết các năm qua TP.HCM liên tục thiếu GV tiểu học, mầm non, vì vậy vừa qua Sở quyết định giao Trường ĐH Sài Gòn chủ trì đề án phát triển GV mầm non để đến năm 2016 không còn diễn ra tình trạng này. Vì thế, theo ông Quản, hiện nay chỉ tiêu khối ngành sư phạm vẫn do Bộ chi phối. Trong khi đó, các trường thành lập đều xuất phát từ tình hình kinh tế – xã hội của địa phương, thừa thiếu GV ra sao chỉ có địa phương nắm rõ nhất. “Vấn đề này cần phải điều chỉnh”, ông Quản nói.
Liên tục giảm chỉ tiêu
Tháng 8.2014, Bộ GD-ĐT có Quyết định số 2833 về việc tạm dừng tuyển sinh đào tạo từ xa đối với các ngành đào tạo GV. Trước đó, năm 2013 lần đầu tiên Bộ đã có động thái cảnh báo các trường bằng việc yêu cầu giảm chỉ tiêu đào tạo hệ sư phạm chính quy.
Văn bản mới nhất của Bộ đầu tháng 12.2014 gửi các đơn vị đào tạo đã cảnh báo rằng việc xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cần giảm với các ngành có dấu hiệu dư thừa nhân lực. Trong đó, cụ thể Bộ yêu cầu các trường thực hiện lộ trình giảm chỉ tiêu các ngành sư phạm chính quy năm 2015 so với năm 2014, đồng thời có kế hoạch tạm dừng tuyển sinh có thời hạn đào tạo GV trung học.
Trường ĐH Tây Nguyên dự kiến năm 2015 sẽ giảm đồng loạt chỉ tiêu 10 ngành sư phạm. Mức giảm tối thiểu ở mỗi ngành sẽ từ 10%, tối đa mỗi ngành chỉ 40 chỉ tiêu.
Năm 2014, Trường ĐH Sài Gòn đã dừng tuyển sinh các ngành đào tạo hệ ngoài sư phạm ở bậc CĐ. Các ngành hệ sư phạm bậc ĐH và CĐ đều giảm chỉ tiêu. Năm 2015, theo thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó phòng Đào tạo, dự kiến sẽ tiếp tục giảm thêm chỉ tiêu các ngành sư phạm.
Tổng chỉ tiêu năm 2015 của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM không đổi nhưng dự kiến sẽ giảm chỉ tiêu các ngành hệ sư phạm. Khả năng chỉ tiêu các ngành sư phạm của Trường ĐH Cần Thơ cũng sẽ giảm.
Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết bình quân trường đào tạo khoảng 2.000 sinh viên/năm. Tuy nhiên, trước thực trạng số lượng cử nhân sư phạm sau khi ra trường thất nghiệp ngày một đông, trường sẽ giảm dần chỉ tiêu trong những năm tới.

 

T.Nguyễn – H.Ánh – Đ.Nguyên – M.Quyên