10/01/2025

Thừa hàng chục ngàn giáo viên

Nghịch lý đang diễn ra trong ngành giáo dục: trong khi cả nước đang thừa hàng chục ngàn giáo viên, hàng loạt giáo sinh ra trường không tìm được việc làm phù hợp

 

Thừa hàng chục ngàn giáo viên

 

Nghịch lý đang diễn ra trong ngành giáo dục: trong khi cả nước đang thừa hàng chục ngàn giáo viên, hàng loạt giáo sinh ra trường không tìm được việc làm phù hợp, nhiều sở GD-ĐT không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên trong một thời gian dài, thì nhiều nơi vẫn không thực hiện đủ – đúng tỷ lệ giáo viên theo quy định.

 

 

Từ thành phố lớn đến các tỉnh khó khăn đều đang có tình trạng dư thừa giáo viên - Ảnh: Trần HiếuTừ thành phố lớn đến các tỉnh khó khăn đều đang có tình trạng dư thừa giáo viên – Ảnh: Trần Hiếu
Địa phương nào cũng không có nhu cầu
Tháng 7.2014, Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế kiến nghị UBND các huyện, thị xã và TP.Huế dừng việc tuyển dụng biên chế giáo viên (GV) THCS và tiểu học trong năm học 2014 – 2015 và những năm tiếp theo. Lý do: để khắc phục dần tình trạng dư thừa GV ở tỉnh này.
Tương tự, từ năm 2012 – 2014, Hà Tĩnh không tổ chức tuyển dụng GV cho các bậc học: mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Nhiều năm nay, thạc sĩ, cử nhân tốt nghiệp loại giỏi trở lên ở các trường sư phạm cũng chỉ được Hà Tĩnh tuyển dụng nhỏ giọt theo diện thu hút nhân tài. Theo thống kê của Sở Nội vụ Hà Tĩnh, trong 3 năm qua, lượng GV dư thừa của tỉnh này tăng đều. Năm 2012 là 643 người, năm 2013: 1.148 và 2014: 1.209 người. Trong đó bậc THPT thừa nhiều nhất, cụ thể năm 2014 thừa 350 người, 3 bậc học còn lại năm 2014 thừa tổng cộng gần 860 người.
Nghệ An cũng thông báo thừa đến hơn 1.800 GV sau khi đã chuyển khoảng 400 người sang các trung tâm học tập cộng đồng. Nếu tới đây bố trí thêm 400 nhân viên để đủ định biên theo quy định của Thông tư số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV thì vẫn còn thừa 1.467 người; đó là chưa kể 354 người do hiệu trưởng các trường tự hợp đồng.
Tại tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Đức Hoài, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT tỉnh cho biết số lượng học sinh các bậc học mấy năm nay có chiều hướng giảm. Năm 2013, tỉnh không có chỉ tiêu GV bậc THPT. Những năm sắp tới cũng dự đoán không có nhu cầu nhiều.
Ông Trần Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương, cũng cho biết các cấp tiểu học, THCS và THPT đã tương đối đủ GV. Chỉ thiếu rất ít GV môn nhạc, hoạ và thể dục. Thời gian tới chỉ tiêu cho các môn học này cũng có nhưng không nhiều.
Cử nhân sư phạm thất nghiệp hàng loạt
Hệ quả lớn nhất của tình trạng trên, theo số liệu của các tỉnh, là cử nhân sư phạm thất nghiệp hàng loạt. Xu hướng này vẫn tiếp tục vì thông tin từ các sở GD-ĐT đều cho thấy sẽ có rất ít GV được tuyển mới trong những năm sắp tới.
TP.HCM từng là địa phương có nhu cầu lớn về tuyển GV vào các trường công lập trong thời gian dài, nhưng năm học vừa qua cũng đã dư thừa, không bố trí được 1.400 cử nhân ngành sư phạm. Tại hội thảo Đổi mới đào tạo GV đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục VN tổ chức ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vào cuối năm 2014, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Biên (Trường ĐH Phạm Văn Đồng) cho biết: Trong năm học 2014 – 2015 số giáo sinh ra trường không kiếm được chỗ giảng dạy tại tỉnh Phú Yên lên tới 3.000 người.
Bà Lê Thị Kim Oanh, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Đắk Lắk, cung cấp thông tin: “Năm 2012, tỉnh chỉ tuyển gần 200 chỉ tiêu nhưng có hơn 1.000 hồ sơ đăng ký dự tuyển. Năm 2014, chỉ tiêu ít nhưng lại khá nhiều hồ sơ dự tuyển. Nhu cầu tuyển dụng GV đang giảm rất mạnh”.
Theo ông Đàm Hoàng Long, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Sư phạm T.Ư tại TP.HCM, trong những năm tới nhu cầu GV bậc THCS và THPT vẫn bình ổn do trường lớp không tăng, HS không tăng trong khi GV đến tuổi hưu lại ít. “Do đó, GV các cấp học này cực khó xin việc”, ông Long nhận định.
Từ số liệu trên, thạc sĩ Thu Biên nhấn mạnh: “Tình trạng thừa GV đã trở thành vấn đề nan giải đối với nhiều địa phương như Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Quảng Nam…”.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, đến thời điểm hiện nay, cả nước đang thừa khoảng 35.000 GV bậc THCS và THPT. Ở không ít trường phổ thông đang có tình trạng số GV dạy không đủ tiết chuẩn, phải điều động làm những việc không đúng chuyên môn. Theo quy định, mỗi tuần GV THCS và THPT phải giảng dạy và kiêm nhiệm 17 – 19 tiết, nhưng thực tế hiện nay, hầu hết GV ở khu vực đồng bằng không đạt chuẩn này, thậm chí có GV chỉ dạy 5 – 7 tiết/tuần.
Nhu cầu cần GV ở các trường mỗi năm ít dần, trong khi đó số lượng giáo sinh ra trường lại không giảm theo tỷ lệ tương ứng. Chỉ tính ở góc độ đào tạo GV của các trường sư phạm, cũng đã cho thấy sự bất tương xứng này. PGS-TS Ngô Minh Oanh (Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: Theo báo cáo kết quả giám sát năm 2011 của Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cả nước có 14 trường ĐH sư phạm, 23 trường ĐH đa ngành có khoa sư phạm, 45 trường CĐ sư phạm, 4 trường CĐ có khoa sư phạm và 7 trường trung cấp sư phạm. Quy mô tuyển sinh hệ chính quy ĐH sư phạm hằng năm từ 22.500 – 23.000 sinh viên và CĐ từ 24.500 – 26.000 sinh viên.

 

Học sinh giảm, giáo viên tăng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số học sinh (HS) phổ thông từ tiểu học đến THPT trong những năm qua có xu hướng giảm dần. Số lượng này tăng ở mức cao nhất là năm học 2001 – 2002 với 17,87 triệu HS. Đến năm học 2010 – 2011 chỉ còn 14,79 triệu, sau đó tiếp tục giảm: 14,78 (2011 – 2012), 14,74 triệu (2012 – 2013).
Trong khi đó, số lượng GV trực tiếp giảng dạy lại tăng dần. Từ hơn 492.000 người năm học 1995 – 1996 đến hơn 847.000 người năm học 2012 – 2013. Năm học 2013 – 2014, số HS là 14,9 triệu, với 855.000 GV. Tuy nhiên, dù số lượng HS có tăng trở lại chút ít nhưng trong năm học này vẫn giảm mạnh gần 3 triệu so với năm học 2001 – 2002 (năm có số lượng HS nhiều nhất). Trong khi đó, cùng thời gian, số lượng GV đã liên tục tăng thêm đến 161.000 người.
Đáng chú ý, xu hướng chọn học ngành sư phạm của HS trong năm qua đang tăng trở lại. Theo thống kê của Trung tâm dự báo nhân lực và nhu cầu xã hội TP.HCM, HS chọn học ngành này tăng từ 10,80% (năm 2013) lên 16,59% (năm 2014). Có thể thấy rõ xu hướng ấy trong buổi bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi năm 2014 của các sở GD-ĐT cho các trường ĐH, CĐ. Tại Tiền Giang, lượng hồ sơ vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tăng gấp đôi năm 2013. Lượng hồ sơ vào sư phạm của các trường ĐH Đồng Tháp, ĐH Cần Thơ, ĐH Sài Gòn cũng đều tăng. Tại Long An, hồ sơ vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đứng hàng thứ 2. Tại Tây Ninh, mặc dù hồ sơ giảm nhưng số lượng đăng ký vào sư phạm lại tăng. HS tỉnh này đăng ký nhiều nhất vào Trường CĐ Sư phạm Tây Ninh (1.382 hồ sơ), Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (700 hồ sơ). Tương tự, tại Ninh Thuận, Sở GD-ĐT nhận được 11.246 hồ sơ thì nhiều nhất vào Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM và ĐH Sư phạm TP.HCM.

T.Nguyễn – M.Quyên – H.Ánh – Đ.Nguyên