10/01/2025

Khi sinh viên làm nhà nghiên cứu

Ý tưởng sáng tạo, những đề tài nghiên cứu khoa học đã tạo đất dụng võ để sinh viên mặc sức tung hoành trên con đường khám phá thế giới sáng tạo khoa học.

 

Khi sinh viên làm nhà nghiên cứu

 

Ý tưởng sáng tạo, những đề tài nghiên cứu khoa học đã tạo đất dụng võ để sinh viên mặc sức tung hoành trên con đường khám phá thế giới sáng tạo khoa học.

 


 

 

Các sản phẩm do sinh viên nghiên cứu, chế tạo được triển lãm trong ngày sinh viên sáng tạo tổ chức hằng năm tại TP.HCM – Ảnh: Q.NG.

Ngoài giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka cấp thành phố, những sàn ý tưởng, cuộc thi ý tưởng sáng tạo cũng được nhiều đơn vị tổ chức. Ðó là chưa kể hàng loạt sân chơi, câu lạc bộ học thuật cấp khoa nở rộ, mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên tìm đến môi trường khoa học ngay khi vừa đặt chân vào giảng đường đại học.

Ba giải đặc biệt

Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka nhiều năm qua đã tạo được thương hiệu và có uy tín nhất định trong sinh viên TP.HCM. Có đến ba giải đặc biệt đã được trao cho các tác giả, nhóm tác giả sinh viên trong năm năm qua và đều là sinh viên ÐH Quốc gia TP.HCM.

Ðó là Lê Khắc Anh Kỳ (ÐH Bách khoa) năm 2010, Nguyễn Thị Mai (ÐH Khoa học tự nhiên) năm 2011 và hai bạn Nguyễn Duy Cường, Nguyễn Thành Gô (ÐH Khoa học tự nhiên) năm 2014.

Lê Khắc Anh Kỳ hiện đang học tiến sĩ tại Mỹ, Nguyễn Thị Mai đang công tác tại Ðà Lạt, còn Nguyễn Duy Cường và Nguyễn Thành Gô đang học khoa công nghệ thông tin. Giải đặc biệt rất hiếm hoi, không phải năm nào cũng có và dĩ nhiên chỉ được trao một giải duy nhất trong tất cả 11 lĩnh vực của giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka.

Bạn Lê Khắc Anh Kỳ từng nói khi bắt tay nghiên cứu dù có mục tiêu, định hướng của thầy cô hướng dẫn song cho ra kết quả nào còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa, và giải thưởng Euréka ở một chừng mực nào đó là niềm khích lệ rất lớn cho bước khởi đầu của hành trình đến với con đường làm khoa học.

Thạc sĩ Ðoàn Kim Thành – giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học & công nghệ trẻ Thành đoàn TP.HCM, cũng là đơn vị phụ trách cuộc thi này – cho biết những kết quả nghiên cứu được trao giải đặc biệt thường được hội đồng khoa học đồng thuận và đánh giá rất cao khi quyết định trao giải.

“Có thể nói những kết quả ấy đã vượt quá kỳ vọng và ngoài dự đoán về khả năng nghiên cứu khoa học của sinh viên trong điều kiện áp lực học tập, môi trường phục vụ nghiên cứu cũng chưa thật đầy đủ” – anh Thành chia sẻ.

Không thể không nhắc đến các cuộc thi, sân chơi và các đội, nhóm, câu lạc bộ học thuật với quy mô lớn nhỏ khác nhau do chính sinh viên hình thành và nuôi dưỡng. Trường nào “khiêm tốn” cũng vài ba câu lạc bộ, đơn vị nào làm tốt thì có đến cả chục câu lạc bộ với những cuộc thi khác nhau, mặc sức cho sinh viên thỏa đam mê sáng tạo.

Và những sân chơi ấy đã trở thành điểm hẹn không chỉ của sinh viên trường mà còn sẵn sàng đón tiếp sinh viên các trường khác tranh tài. Phổ biến nhất chính là các cuộc thi ý tưởng sáng tạo. Ðây cũng chính là môi trường “nuôi lớn” ý tưởng thành đề tài và cho ra những kết quả nghiên cứu ban đầu của sinh viên.

Chờ “cái nhìn” mới

Chị Ngô Thị Tú Trinh – từng đoạt giải nhất giải thưởng Euréka, hiện đang công tác tại Trung tâm Phát triển khoa học & công nghệ trẻ Thành đoàn – cho biết đề tài nghiên cứu của chị về việc nhân giống phôi cây đinh lăng sau đó đã được chuyển giao lại cho trường.

Từ kết quả này trường có phát triển, nghiên cứu thêm và hiện đã chuyển giao ứng dụng, nhận được những đơn hàng từ những nơi có nhu cầu về cây đinh lăng giống.

Thực tế cho thấy tiềm năng sáng tạo của sinh viên rất lớn mà ở chừng mực nào đó các sân chơi của Ðoàn hay hội sinh viên mới chỉ đáp ứng được một phần. Dù việc nghiên cứu khoa học sinh viên đã nhận được sự đầu tư lớn của các trường một cách nghiêm túc, không chỉ là phong trào của sân chơi sinh viên, nhưng thật sự sinh viên cũng còn gặp không ít rào cản.

Anh Ðoàn Kim Thành cho rằng giải thưởng Euréka đã tạo được môi trường để thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên trong các trường. Bằng chứng là có nhiều cái tên đã xuất hiện trong danh sách các trường đều đặn gửi đề tài dự giải thưởng vài ba năm trở lại đây.

Chưa kể nhiều trường đã dành khoản kinh phí xứng đáng, chỉ đạo thầy cô hướng dẫn, các phòng ban tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp với Ðoàn, hội sinh viên để hỗ trợ các đề tài nghiên cứu của sinh viên.

Ðã có những buổi chuyển giao kết quả nghiên cứu đến các đơn vị tiếp nhận, song việc triển khai các kết quả ấy vào thực tế ra sao là “chưa thể kiểm soát được”. Tuy mỗi năm có trên dưới 500 đề tài gửi tranh giải thưởng Euréka, số đề tài được trao giải mỗi năm cũng vài chục, nhưng không phải đề tài nào cũng được chuyển giao ứng dụng.

Trừ những đề tài phát triển theo hướng học thuật chuyên sâu, ngay cả những đề tài có tính ứng dụng cũng mới chỉ dừng ở nghiên cứu bước đầu.

Nhưng ngay cả khi đã cho ra thành phẩm – như kết quả nghiên cứu cấy ghép trên cùng một cây vừa cho cà chua trên thân vừa cho củ khoai tây dưới rễ của bạn Nguyễn Trang Nhã (cựu sinh viên ÐH Nông lâm TP.HCM) – thì đề tài cũng chật vật tìm đường ứng dụng, triển khai đại trà dù có nhận được hứa hẹn của cả lãnh đạo tỉnh.

“Có doanh nghiệp tiếp cận nhưng rồi lại thôi, vì nếu muốn ứng dụng cần phải nghiên cứu tiếp mà họ thì không muốn tốn thêm kinh phí. Ðây chính là điều chúng tôi phải quan tâm tính tiếp khi phát triển giải thưởng này” – anh Ðoàn Kim Thành thông tin. 

2.634 đề tài nghiên cứu

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, đã có 2.634 đề tài nghiên cứu của 6.076 sinh viên được hơn 30 trường gửi tham dự giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka. 370 đề tài trong số đó đã được trao các giải nhất, nhì, ba và khuyến khích, trong đó có ba giải đặc biệt dành cho các kết quả nghiên cứu xuất sắc nổi bật.

Những đề tài tham dự giải thưởng cấp thành này đã được tuyển chọn từ cả chục ngàn đề tài nghiên cứu cấp trường. Cho đến lúc này, giải thưởng Euréka có 11 lĩnh vực xét tranh giải gồm: kinh tế, xã hội nhân văn, giáo dục, công nghệ thông tin, quy hoạch – kiến trúc, xây dựng, pháp lý, công nghệ hoá dược, tài nguyên – môi trường, nông lâm ngư, công nghệ sinh – y sinh.


QUỐC NGUYÊN