10/01/2025

Khi công nghệ len lỏi vào đời sống

Hàm lượng công nghệ đang đậm đặc hơn bao giờ hết ở Việt Nam. Nhận định này không chỉ đúng vào thời điểm đầu năm 2015 mà vẫn còn chính xác trong nhiều năm tới, khi xu thế ứng dụng công nghệ đang ngày càng sâu rộng hơn tới mọi ngóc ngách cuộc sống.

 

Khi công nghệ len lỏi vào đời sống

 

Hàm lượng công nghệ đang đậm đặc hơn bao giờ hết ở Việt Nam. Nhận định này không chỉ đúng vào thời điểm đầu năm 2015 mà vẫn còn chính xác trong nhiều năm tới, khi xu thế ứng dụng công nghệ đang ngày càng sâu rộng hơn tới mọi ngóc ngách cuộc sống.

 

 

 

Một góc TP.HCM được ghi hình bằng flycam – Ảnh: H.P. chụp lại từ YouTube

Công nghệ đang được ứng dụng từ cuộc sống cá nhân tới mọi lĩnh vực xã hội, từ hộ gia đình tới cơ quan nhà nước.

“Người chết cũng xài di động”

Chỉ cần nhìn xung quanh cũng có thể hình dung quy mô công nghệ ở nước mình, từ thiếu niên tới ông già bà lão, đại đa số đều dùng điện thoại di động. Ngay từ tháng 12-2012, trang công nghệ Techinasia đã công bố con số điện thoại di động ở Việt Nam lên tới hơn 130 triệu chiếc, có nghĩa bình quân cứ 100 người Việt Nam có tới 145 chiếc điện thoại di động.

Tới nay, sau hai năm, với tốc độ tăng trưởng được đánh giá là chóng mặt của điện thoại di động ở thị trường Việt Nam hơn 90 triệu dân, những con số này chắc chắn cao hơn nhiều. Theo số liệu chính thức của Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT), năm 2014 tỉ lệ thuê bao di động đạt khoảng 140 thuê bao/100 dân.

Còn nhớ báo Mỹ Huffington Post hồi đầu năm 2013 đã có một bài viết với tựa đề “giật gân” là “Ở Việt Nam, ngay tới người chết cũng cần điện thoại di động”, nói về những chiếc điện thoại hàng mã được “gửi” về thế giới bên kia cho người quá cố.

Chính từ những chiếc điện thoại di động, sau này phổ biến là smartphone rồi gần đây là những thiết bị thông minh có thể đeo được (wearables) với nhiều ứng dụng trên nền các hệ điều hành di động như Android, iOS, Windows Phone… mà công nghệ được đưa vào cuộc sống.

Các ứng dụng công nghệ này giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, không chỉ đem lại những trải nghiệm vui chơi, giải trí trên nền công nghệ số, mà còn hỗ trợ tốt cho chuyện học hành và công việc chuyên môn của mọi người.

Nói tới công nghệ ngày nay là phải nói tới kết nối Internet và di động – những nền tảng để ứng dụng công nghệ. Số liệu thống kê năm 2014 của Bộ TT-TT cho biết hiện có 41% dân số Việt Nam đã được tiếp cận Internet, trong đó thuê bao Internet băng thông rộng cố định (ADSL, cáp quang) đạt 7 thuê bao/100 dân. Mật độ phủ sóng di động trên cả nước đạt tới 94%.

Cũng theo số liệu của Bộ
TT-TT, trong năm 2014 có khoảng 27,5 triệu thuê bao phát sinh lưu lượng của dịch vụ 3G.

Có thể nói không sợ bị cho là “nổ như pháo” rằng tính có sẵn để dùng (available) của Internet nói chung và tốc độ đường truyền tại nhiều nơi ở Việt Nam hiện nay thuộc hàng top của thế giới.

Chơi và làm thời công nghệ

Ngành taxi giật mình

Sự mới mẻ của Uber đã gây lúng túng cho các cơ quan chức năng. Tuy là một loại hình công nghệ nhưng do được ứng dụng vào cuộc sống xã hội để kinh doanh, Uber cũng phải tuân thủ các quy định của các lĩnh vực mà họ can dự. Nghĩa là họ vẫn phải hoạt động trong khuôn khổ luật pháp của nước sở tại.

Nhưng không thể phủ nhận được các lợi ích mà loại hình Uber đem lại cho người dân có nhu cầu đi lại. Nó cũng khiến các hãng taxi phải giật mình mà tự nhìn lại mình, phải mau chóng cải tiến các hoạt động sao cho hợp lý, hợp tình hơn để phục vụ hành khách tốt hơn.

Trước hết là cân đối lại giá cước và sử dụng các ứng dụng di động cho hành khách có thể gọi xe và quản lý cước phí bằng thiết bị di động và trên Internet.

Trên hai nền tảng cơ bản của kết nối là cơ sở hạ tầng và thiết bị đều phong phú như vậy, người Việt Nam thoả sức tung tăng trên các mạng xã hội và thoả sức sử dụng các công nghệ trên nền tảng Internet.

Các nhà mạng di động bắt buộc phải chấp nhận xu thế thời đại mà phải năng động suy nghĩ các dịch vụ và cách làm ăn mới khi doanh thu phát sinh từ cuộc gọi và tin nhắn chính thống bị giảm mạnh, do thuê bao ngày càng khai thác mạnh các ứng dụng gọi điện và nhắn tin trên nền Internet với các dịch vụ OTT.

Người dùng ngày nay chỉ cần chịu cước thuê bao giữ tài khoản và trả phí theo các gói dữ liệu Internet hay di động là có thể sử dụng các ứng dụng thông tin liên lạc trên nền Internet. Nói cách nào đó, giờ chỉ có những chú, những thím hai lúa mới trung thành với tin nhắn SMS, gọi điện truyền thống.

Một trong những công nghệ mới bắt đầu được sử dụng nhiều hơn trong năm 2014 ở Việt Nam là những thiết bị bay điều khiển từ xa (drone). Người ta gắn thêm camera vào chúng để có thể ghi hình từ trên cao.

Thuật ngữ “Flycam” giờ đây không còn có nghĩa là hệ thống ghi hình gắn trên người của nhà quay phim để dễ dàng cơ động bám theo đối tượng nữa, mà là cách viết tắt của “flying camera” – máy ghi hình biết bay.

Loại hình này đang thu hút ngày càng nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, với những video được phát hành trên mạng YouTube. Tất nhiên loại hình Flycam cũng lập tức làm nảy sinh ra những vấn đề về bí mật riêng tư, an toàn bầu trời, an ninh quốc phòng…

Chọn cách ứng xử với công nghệ

Nổi cộm nhất trong chuyện ứng dụng công nghệ ở Việt Nam trong năm 2014 là loại hình taxi Uber. Ứng dụng công nghệ này đã kéo theo cả một bộ máy công quyền phải nhập cuộc.

Từ phản ứng của các hãng taxi do bị đe doạ cạnh tranh gay gắt, Uber đã bị các ngành chức năng “chiếu tướng” về tính hợp pháp, từ chuyện kinh doanh cho tới thuế má. Thật ra Uber không phải là một hãng kinh doanh taxi, họ không có một chiếc taxi nào và cũng không trực tiếp kinh doanh vận tải. Uber chỉ là nhà cung cấp hệ thống vận chuyển dựa trên nền tảng ứng dụng di động và Internet.

Họ làm công việc kết nối giữa những người có nhu cầu đi lại và những chủ xe đang có xe nhàn rỗi hay đang chạy trên những tuyến đường hay khu vực có người cần đi lại. Uber thu tiền cước và hưởng phí trung gian cho sự kết nối giữa cung và cầu đó.

Ưu điểm làm nên sự thành công đồng thời cũng là nhược điểm khiến Uber bị chống đối là chi phí đi lại thấp hơn cước taxi truyền thống. Công ty thành lập năm 2009 có trụ sở chính ở bang California (Mỹ) này cho tới trung tuần tháng 12-2014 đã có mặt tại hơn 200 thành phố ở 53 quốc gia trên thế giới, và được định giá lên tới hơn 40 tỉ USD. Ðó chính là những con số đáng để mọi người suy nghĩ vì sao Uber đạt được chúng?

Chắc chắn với xu thế ứng dụng công nghệ hiện nay, Uber chỉ là một trong những dịch vụ và loại hình mới có mặt ở Việt Nam trong thời gian tới. Các cơ quan chức năng không thể đối phó một cách thụ động và tiêu cực theo cách nghĩ, cách làm cũ: cái gì chưa có quy định là phạm pháp.

Họ bắt buộc sẽ phải năng động hơn, chuẩn bị năng lực để sẵn sàng đưa ra sớm nhất những quy chuẩn cho các loại hình dịch vụ công nghệ mới có thể phục vụ cuộc sống và đi vào nền nếp, đúng pháp luật. Chỉ có như vậy các ứng dụng công nghệ mới có đất sống và có thể giúp xã hội phát triển, cũng như đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

 

Khu vực chợ Bến Thành (TP.HCM) với tính năng Street View trên dịch vụ bản đồ Google Maps –  Ảnh: H.P. chụp lại từ Google Maps

Quảng bá cho du lịch

Trong năm 2014, Việt Nam trở thành một trong vài chục nước trên thế giới được dịch vụ bản đồ Google Maps bắt đầu ứng dụng tính năng Street View dùng công nghệ chụp ảnh 360 độ Photo Sphere cho phép người xem có thể nhìn thấy hình ảnh thực tế ở nhiều địa điểm trên cả nước như thể đang có mặt ngay tại những nơi đó.

Với tính năng này, ngồi ở nhà vẫn có thể “thăm viếng” các danh lam, thắng cảnh, địa điểm du lịch khắp mọi nơi. Điều này giúp quảng bá tốt cho ngành du lịch.