08/01/2025

Bệnh “ngồi nhầm lớp”

Nhiều khi chúng ta gặp những học sinh sau nhiều năm học vẫn không đọc, viết được và gọi đó là hiện tượng “ngồi nhầm lớp”. Vậy thực hư hiện tượng này xét về mặt y học như thế nào?

 

Bệnh “ngồi nhầm lớp”

 

Nhiều khi chúng ta gặp những học sinh sau nhiều năm học vẫn không đọc, viết được và gọi đó là hiện tượng “ngồi nhầm lớp”. Vậy thực hư hiện tượng này xét về mặt y học như thế nào?

 

 

 


 

 

Ðối với người Việt có sức khỏe trung bình, chỉ cần học 3-5 tháng là đã đọc thông viết thạo, không lý gì học sinh đến lớp 4, lớp 5 lại không đọc và viết được, rồi đổ lỗi cho thầy cô giáo. Bài này không đề cập đến các yếu tố giáo dục, chỉ đề cập các khía cạnh về sức khỏe ảnh hưởng đến việc “ngồi nhầm lớp”.

Chậm phát triển trí tuệ

Khi đề cập chuyện học người ta thường nghĩ đến trí tuệ. Không may là có rất nhiều bệnh làm trí tuệ của trẻ chậm phát triển, cứ 10.000 trẻ thì có 5-15 trẻ mắc bệnh. Các kỹ năng cơ bản như ngôn ngữ, giao tiếp, xã hội hóa, khả năng phân tích, phán đoán, suy luận… của các cháu phát triển chậm so với độ tuổi. Các bệnh này được gọi chung là chậm phát triển trí tuệ mà ngày nay thuật ngữ y khoa gọi là các rối loạn phát triển lan toả. Các rối loạn thường gặp là:

Tự kỷ, rối loạn này ngày càng phổ biến, là mối đau khổ cho nhiều bậc phụ huynh, thầy thuốc cũng gặp rất nhiều khó khăn vì không có thuốc đặc trị. 75% trẻ tự kỷ chậm phát triển trí tuệ và cần được giáo dục đặc biệt.

Hội chứng Asperger, tương tự như tự kỷ dù trí tuệ, ngôn ngữ và khả năng nhận thức phát triển bình thường, nhưng trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc tập trung chú ý, giao tiếp, tương tác xã hội, phối hợp động tác và tầm quan tâm đến ngoại cảnh cũng bị thu hẹp.

Hội chứng Rett, hiếm gặp, ngoài các triệu chứng chậm phát triển trí tuệ, trẻ còn bị nhiều rối loạn về các kỹ năng vận động như đi lại, vận động bàn tay, phối hợp vận động kém. Do bất thường ở nhiễm sắc thể X nên hội chứng này thường gặp ở bé gái.

Ngoài ra còn một số bệnh lý hiếm gặp khác nữa.

Hội chứng tăng động giảm chú ý

Ðây là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất, ở Hoa Kỳ tỉ lệ 3-5%, phần lớn là bé trai. Biểu hiện chủ yếu là giảm chú ý và hành vi tăng động mang tính xung động, làm trẻ gặp nhiều khó khăn trong học tập.

Trẻ đứng ngồi không yên, không kiên nhẫn, hay nói chuyện trong lớp, hay quên, luôn ngắt lời người khác, không tập trung vào công việc.

Có trường hợp trẻ không tăng động mà chỉ bị giảm chú ý đơn thuần nên những trẻ này không được đưa đi khám và điều trị, chỉ xem như lơ đãng, lười biếng, ham chơi… Hội chứng này được điều trị bằng thuốc và liệu pháp hành vi, tuy nhiên các thuốc này chưa được phổ biến ở nước ta.

Các bệnh lý cơ thể và tâm thần

Có nhiều khiếm khuyết cơ thể làm trở ngại việc học tập của trẻ như khiếm thính, khiếm thị, các dị tật về vận động. Các rối loạn tâm thần ở trẻ thường do căn nguyên tâm lý như chứng sợ trường học, lo âu, trầm cảm, bị bạn bắt nạt, bị áp lực do kỳ vọng của bố mẹ, mất tự tin, bị ức chế, thậm chí loạn thần.

Các bệnh lý trên đều dễ nhận biết, tuy nhiên có những trường hợp sau đây khó phát hiện và được gọi chung bằng một thuật ngữ là “khó khăn học tập”.

Mới tiếp xúc qua thì những trẻ này về mặt trí tuệ, hành vi gần như bình thường, trông lanh lợi. Nhưng khả năng xử lý thông tin của não bộ có vấn đề, làm cho một hoặc nhiều quá trình tâm lý bị rối loạn. Khả năng thông hiểu, sử dụng ngôn ngữ nói hoặc viết bị trở ngại, làm trẻ không có khả năng nghe, suy nghĩ, diễn đạt ý tưởng, đọc, viết, đánh vần, lý luận và tính toán được. Kết quả học tập thấp ngay ở bậc tiểu học, không phù hợp với mức độ thông minh của trẻ.

Trẻ không thuộc được các chữ cái, đánh vần khó khăn, đọc không trôi chảy, không hiểu được nội dung của bài đọc, viết khó khăn, cách cầm viết cũng rất khó chịu, chậm biết nói, vốn từ ít, không hiểu được câu nói đùa hoặc mỉa mai, không làm đúng theo chỉ dẫn, không chọn được từ đúng với ngữ cảnh, không phân biệt các ký hiệu toán học, không kể lại được một câu chuyện theo trình tự, không biết bắt đầu công việc từ đâu…

Theo Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, rối loạn này chiếm 1/5 dân số Mỹ, khoảng 3 triệu học sinh từ 6-21 tuổi gặp một khó khăn học tập nào đó.

Các trẻ này cần được phát hiện sớm ngay từ khi mới đi học. Cần đưa trẻ đến các lớp giáo dục đặc biệt, thậm chí có những chương trình học tập được thiết kế cho từng học sinh, tuỳ tính chất của từng trường hợp. Nếu có phương pháp và sự nỗ lực thích hợp thì kết quả học tập sẽ khả quan.

 

Mở lớp học đặc biệt

Các trẻ có vấn đề khó khăn trong học tập cần được đánh giá về mặt sức khỏe nhằm tìm ra nguyên nhân để có cách can thiệp phù hợp. Ở nước ta do hệ thống y tế học đường còn mỏng, nên phụ huynh nếu cảm thấy con cái mình có vấn đề nên đưa các cháu đi khám, đặc biệt tại các thầy thuốc chuyên khoa tâm thần để phát hiện vấn đề sớm.

Ngành giáo dục cần phát triển hơn nữa các lớp giáo dục đặc biệt cho các trẻ này. Hiện nay tại các thành phố lớn tuy đã có những lớp giáo dục đặc biệt nhưng chủ yếu cho trẻ khiếm thính, khiếm thị hay bị khuyết tật vận động… còn các trẻ bị khó khăn học tập vẫn phải học chung với trẻ bình thường nên mới tạo ra hiện tượng “ngồi nhầm lớp”.

 

BS NGUYỄN HỮU CÁT