Thu phí xe máy được không?
Tại kỳ họp bất thường hôm qua 30.12, HĐND TP.HCM đã chấp nhận tờ trình của UBND TP và biểu quyết thông qua nghị quyết về việc thu phí đường bộ xe máy, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 9.1.2015.
Thu phí xe máy được không?
Tại kỳ họp bất thường hôm qua 30.12, HĐND TP.HCM đã chấp nhận tờ trình của UBND TP và biểu quyết thông qua nghị quyết về việc thu phí đường bộ xe máy, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 9.1.2015.
|
Việc kê khai, nộp phí bắt đầu từ sau ngày 9.1.2015 (thời điểm nghị quyết có hiệu lực). Mức phí là 50.000 đồng/năm đối với loại xe có dung tích xy lanh đến 100 cm3; 100.000 đồng/năm đối với loại xe từ trên 100 cm3 – 175 cm3; 150.000 đồng/năm đối với loại xe trên 175 cm3.
Các trường hợp được miễn thu: xe của lực lượng công an, quốc phòng; xe của hộ nghèo.
Các trường hợp không được miễn nhưng không nộp phí sẽ bị xem xét xử phạt theo quy định tại điều 6 của Thông tư số 186/2013/TT-BTC. Theo đó, phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan thuế; thời hạn nộp tiền phí, lệ phí. Phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí, lệ phí gian lận, trốn nộp đối với hành vi gian lận, trốn nộp phí, lệ phí theo quy định; mức phạt tối đa là 50 triệu đồng.
UBND phường, xã, thị trấn sẽ thực hiện công tác kiểm tra việc chấp hành đóng phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn quản lý và việc này được thực hiện tại các hộ dân.
Thu thì phải đúng, đủ
Trước khi HĐND biểu quyết thông qua tờ trình của UBND TP, nhiều đại biểu (ĐB) đã bày tỏ băn khoăn. Bởi cấp xã, phường, thị trấn đang “ôm” nhiều việc, nay “gánh” thêm nhiệm vụ thu phí xe máy thì liệu có kham nổi hay không; cán bộ đến từng hộ dân để thống kê và thu thì có bị sót lọt không, có công bằng không khi mà một lượng lớn xe máy hoạt động trên địa bàn TP đăng ký ở các tỉnh, thành khác; việc chế tài đối với người không nộp liệu có khả thi…
|
Về vấn đề giao cho cấp xã, phường, thị trấn thu, ĐB Lê Trương Hải Hiếu, Phó chủ tịch UBND Q.1, cho rằng đây là việc “hơi khó” nhưng HĐND TP đã thông qua thì phải chấp hành. Theo ông Hiếu, dữ liệu đăng ký xe máy do công an quận, huyện quản lý. Để được “dễ thở” hơn trong việc theo dõi, tổ chức thu thì cần chia sẻ dữ liệu này cho các xã, phường, thị trấn. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nói: “Không thu thì thôi nhưng đã thu thì phải đảm bảo công bằng, thu đúng, thu đủ vì nếu để xảy ra tiêu cực, thiếu công bằng là cái hại rất lớn”.
“Cử tri sẽ phàn nàn”
Trao đổi với PV Thanh Niên, ĐB Lâm Thiếu Quân nói: “Chỉ mỗi việc thu phí đường bộ xe máy mà huy động cả một hệ thống chính trị rất là lớn thì liệu có đáng? Nếu triển khai, bảo đảm sang năm khi đi tiếp xúc cử tri, cử tri sẽ phàn nàn vấn đề này” và cho rằng nếu thu sẽ tự làm hại uy tín của chính quyền.
Còn ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở GTVT, cho rằng nếu thu thì các quận, huyện có thêm một khoản tiền để bảo trì đường giao thông tại địa bàn. Tuy nhiên, tính tổng thể thì số tiền thu được rất nhỏ. Nếu thu phí hơn 5 triệu xe máy trên toàn địa bàn TP thì sẽ có khoản tiền 307 tỉ đồng, nhưng hằng năm kinh phí duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông đã hơn 2.000 tỉ đồng. Thu phí đường bộ đối với ô tô hiệu quả vì ô tô phải đăng kiểm định kỳ, nhưng với xe máy thì khó hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP, cho biết TP đã từng kiến nghị T.Ư cho phép không thu nhưng không được chấp thuận. “Nếu không tổ chức thu thì sẽ bị phê bình. Vừa rồi Kiểm toán Nhà nước cũng có nhắc đến khoản khuyết thu này”, ông Tín nói.
Ông Tín thừa nhận kết quả của việc thu phí chủ yếu vẫn phụ thuộc vào sự tự giác chấp hành nộp phí của người chủ phương tiện. Do đó, sau khi HĐND TP thông qua, UBND TP sẽ chỉ đạo UBND các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân nộp phí. “Khả năng thu được bao nhiêu thì chưa dám nói trước nhưng sẽ cố gắng tuyên truyền, vận động để thu được ở mức cao nhất. Sau 6 tháng triển khai thu, TP sẽ họp tổng kết để tìm cách tháo gỡ những vướng mắc, bất cập”, ông Tín nói.
Cần học tập cách thu ở nhiều nước phát triển
Liên quan đến việc thu phí xe gắn máy, từ thực tế của Hà Nội phải huy động lực lượng rất lớn nhưng chỉ thu về được số tiền rất nhỏ, Thanh Niên cũng đã có nhiều bài phân tích, chỉ ra những khó khăn, bất hợp lý. Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia giao thông Nguyễn Minh Đồng cũng cho rằng, người dân đóng phí nhưng sau đó đường có thực sự tốt hơn không, người đi đường bị tai nạn do đường hư có được đền bù hay không?… Đó là các vấn đề phải làm rõ để thực sự thuyết phục người dân đóng phí. Về cách thu, ở nhiều nước phát triển, việc thu phí được tiến hành qua khâu kiểm định xe, qua tem nên không tốn công sức, tiền bạc cho bộ máy nhân sự. Đó là cách làm cần học tập. Mai Vọng – Đình Mười
|
Thu phí xe máy ở Hà Nội đạt mức thấp
Theo báo cáo của Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.Hà Nội tại kỳ họp thứ 11 vào đầu tháng 12.2014, việc thu phí đường bộ đối với xe máy trên địa bàn thành phố đạt mức rất thấp và gặp nhiều khó khăn. Các thống kê cho biết Hà Nội có khoảng 4,5 triệu xe gắn máy, năm 2013, thành phố dự kiến thu được 261 tỉ đồng nhưng thực tế chỉ thu được 55 tỉ, đạt 21%. Năm 2014, dự kiến thu 320 tỉ đồng nhưng 8 tháng đầu năm chỉ thu được hơn 11 tỉ đồng. Hồi tháng 3.2014, UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu kiểm điểm, kỷ luật hàng loạt lãnh đạo cấp huyện vì không thu được đồng phí nào. Thái Sơn
|
Đình Phú