28/12/2024

Phát triển đúng hướng, giáo dục cứu xã hội

Nhiều năm qua, bức tranh giáo dục VN là sự đan cài giữa những mảng sáng và mảng tối, nhưng năm 2014 bức tranh đó đã bộc lộ rõ hơn những đường nét dễ nhận diện của nó.

 

Phát triển đúng hướng, giáo dục cứu xã hội

Nhiều năm qua, bức tranh giáo dục VN là sự đan cài giữa những mảng sáng và mảng tối, nhưng năm 2014 bức tranh đó đã bộc lộ rõ hơn những đường nét dễ nhận diện của nó.

 

Cải tiến phương thức thi, kết hợp kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH, CĐ thành một kỳ thi quốc gia là tiêu điểm giáo dục trong năm qua

Cải tiến phương thức thi, kết hợp kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH, CĐ thành một kỳ thi quốc gia là tiêu điểm giáo dục trong năm qua – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Những hình ảnh tương phản
Bậc mầm non lâu nay chưa phải là điểm nóng của nền giáo dục, đến lúc này cũng cho thấy những mâu thuẫn giữa cung và cầu, giữa chất lượng và số lượng, giữa việc giảng dạy kỹ năng cảm nhận, giao tiếp cho trẻ theo phương pháp truyền thống và hiện đại.

 
 
Phát triển đúng hướng, giáo dục cứu xã hội - ảnh 2

 

Một lãnh đạo giáo dục đã không ngần ngại khẳng định giáo dục của ta chậm hơn thế giới nửa thế kỷ; trong khi một nhà quản lý cấp cao khác so sánh sự tụt hậu của ĐH VN ngang hàng với hai nước láng giềng trước đây vẫn mời chuyên gia giáo dục đến từ nước ta

 

Phát triển đúng hướng, giáo dục cứu xã hội - ảnh 3
 

 

 
Trong lúc các trường mẫu giáo công lập không đáp ứng đầy đủ nhu cầu nuôi dạy trẻ em, các trường tư thục đã ra đời với nhiều nỗ lực và thiện chí. Việc nhà nước trân trọng khuyến khích phát triển trường mầm non phi lợi nhuận do các cơ sở tôn giáo thành lập, nay chiếm tỷ lệ 15,5% số trường ngoài công lập thuộc bậc này trên cả nước là điều rất có ý nghĩa.
Ở bậc tiểu học, những lúng túng trong điều hành cải cách đã gây ra những hệ lụy không đáng có. Việc thay đổi cách đánh giá học sinh (HS) từ cách cho điểm, phân loại sang cách nhận xét bằng lời phê dẫn đến sự đối phó máy móc của một số thầy, cô giáo vốn đã quá tải về công việc. Đề án sách giáo khoa điện tử và bảng tương tác cho HS tiểu học của ngành giáo dục ở một thành phố lớn, do chưa thực nghiệm và luận chứng kỹ lưỡng, đã không thuyết phục được giáo chức và phụ huynh mà còn gây nghi ngờ về động cơ của nó. Hiện tượng chi xài tùy tiện trong xây dựng cơ bản và mua sắm thiết bị nhà trường rồi “đắp chiếu”, có dấu hiệu của tham nhũng trong giáo dục, khiến xã hội hết sức lo âu. Tình trạng dạy thêm và lạm thu là một lý do khiến các gia đình khá giả cho con em chuyển sang học trường quốc tế, nơi học phí cao hơn nhưng HS không chịu nhiều áp lực về thi cử.
Màu sắc bức tranh giáo dục nóng dần lên ở cấp trung học. Hiện tượng cho HS học trước chương trình, học thêm cả buổi tối, tăng dần mức độ theo tỷ lệ với cấp lớp. Hình ảnh những ngôi trường trung học tư thục vắng bóng hiệu trưởng, những ngôi trường thành nơi tiếp thị hàng hoá, trong khi giáo sinh tốt nghiệp loay hoay tìm việc làm đúng chuyên môn, trở thành nỗi buồn trong giáo dục. Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa với kinh phí cao chất ngất bị dư luận phản ứng đã từ từ hạ xuống mà không giải thích rõ ràng, trở thành chủ đề bàn luận trên các phương tiện truyền thông và diễn đàn Quốc hội, với kết thúc “có hậu” là 88,22% đại biểu tán thành thông qua. Trước khi Chính phủ quyết định tổ chức một kỳ thi quốc gia thay cho hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, một cuộc tranh luận gay gắt cũng đã diễn ra; và khi sự việc đã ngã ngũ rồi, những băn khoăn vẫn chưa chấm dứt.
Tuy nhiên, nếu dùng hình ảnh “ngổn ngang giáo dục” như nhan đề một bài báo, thì trong năm qua hình ảnh đó ứng hợp nhất với nhà trường ĐH. Một lãnh đạo giáo dục đã không ngần ngại khẳng định giáo dục của ta chậm hơn thế giới nửa thế kỷ; trong khi một nhà quản lý cấp cao khác so sánh sự tụt hậu của ĐH VN ngang hàng với hai nước láng giềng trước đây vẫn mời chuyên gia giáo dục đến từ nước ta. Mặc dù nhiều cơ sở đào tạo luôn cố gắng nâng cao chỉ số chất lượng vẫn chưa thấy sự cải thiện rõ rệt trong việc xếp loại các trường ĐH công lập VN, dù chỉ xét trong tương quan với khu vực.

 
 

Có thể là một con dao hai lưỡi

 
Ở các cơ sở ĐH hiện nay, công lập cũng như dân lập, không hiếm trường hợp một người kiêm nhiệm vị trí đứng đầu cả chính quyền, tổ chức Đảng, hội đồng nhà trường và hội đồng khoa học. Vì thế, một quan niệm tự chủ ĐH còn sơ lược, chưa chú trọng đúng mức đến tự chủ về học thuật và chưa đi kèm với nó một cơ chế kiểm soát bằng dân chủ, thì khi áp dụng, nó có thể là một con dao hai lưỡi.

 
Những vi phạm và tai tiếng trong tuyển sinh, đào tạo ngày càng lộ liễu, ngay cả ở bậc sau ĐH, cho thấy thị trường giáo dục đang là món mồi béo bở. Sau khi cơn sốt lạm phát các trường ĐH dân lập tạm ngưng, thì đến cơn sốt tranh đua giành thị phần tuyển sinh, dẫn đến hiện tượng chuyển nhượng trước nguy cơ phá sản. Như một phản ứng dây chuyền, sự bùng nổ các xung đột lợi ích trong hệ thống các trường ngoài công lập, tuy có vẻ bất ngờ nhưng là hậu quả tất yếu của quá trình thương mại hóa giáo dục đã được dự báo. Điều đáng trách ở đây là không chỉ những người chủ đầu tư kinh doanh giáo dục không che giấu mục đích thủ lợi của mình, mà ngay cả một số người ở phía đối trọng cũng chấp nhận vượt qua những giới hạn của một nền giáo dục chính trực.
Những giải pháp đang chờ kiểm nghiệm
Thật ra, những người có trách nhiệm trong ngành và cả xã hội không hề “bình chân như vại” trước thực trạng dạy và học. Nhiều lo toan tìm phương kế mới để vực dậy nền giáo dục, hay ít nhất kềm đà suy thoái của nó, đã được thể hiện. Có thể ghi nhận những giải pháp quan trọng đã được đề xuất hay sẽ được áp dụng.
Trước hết là những biện pháp hành chính nhằm chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm – một tình trạng được báo động đã lâu, không chỉ làm thương tổn đến sức khỏe và tinh thần thế hệ trẻ, mà còn ảnh hưởng đến đạo đức nhà giáo và làm sút giảm uy tín của ngành giáo dục trước mắt nhìn xã hội. Nhưng liệu có thể khắc phục tình trạng ấy bằng những chỉ thị trên giấy tờ hay những biện pháp hành chính mà thôi?
Việc cải tiến phương thức thi cử nhằm đánh giá trung thực chất lượng đào tạo là một tiêu điểm trong năm qua, rõ nhất qua việc kết hợp kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh “ba chung” thực hiện từ năm 2002 thành một kỳ thi quốc gia. Đây là thay đổi quan trọng nhất của ngành trong năm tới mà những người cầm trịch có lẽ đánh cược vào đó uy tín và năng lực điều hành của mình. Không phải chờ đợi lâu, chỉ sau Tết dương lịch nửa năm, xã hội sẽ chứng kiến giải pháp này đi vào cuộc sống như thế nào với những ưu điểm và nhược điểm của nó được kiểm nghiệm trên thực tế.
“Tự chủ ĐH” không phải là cụm từ mới xuất hiện gần đây, nhưng nội hàm của nó đang được thảo luận để xác định cụ thể. Mặc dù rất khác với quan niệm về “tự trị ĐH” ở miền Nam trước 1975, một nền ĐH tự chủ ít nhất cũng bao hàm 3 phương diện: tự chủ về học thuật, tự chủ về nhân sự, tự chủ về tài chính. Nhưng căn cứ trên những ý kiến phát biểu công khai, thì có vẻ như tự chủ về tài chính lại là điều được quan tâm nhất, đặc biệt đối với những nhà quản lý. Trên thực tế, những người đứng đầu các trường ĐH hiện nay hầu như có toàn quyền tuyển dụng nhân sự theo tiêu chuẩn và kích thước của họ, chỉ có học phí và các khoản thu là còn bị khống chế bởi mức trần do cấp trên quy định.
Trong khi các quy chế về ĐH dân lập và tư thục chưa hoàn thiện, còn tạo kẽ hở cho những cách giải thích khác nhau tùy mục đích của người vận dụng, thì việc đi tìm một mô hình thích hợp không dễ đạt sự đồng thuận. Trên thực tế, hiện nay ở nước ta chỉ mới có một trường ĐH ngoài công lập chính thức tuyên bố mô hình phi lợi nhuận. Cuộc giằng co giữa thực dụng và lý tưởng, giữa danh và thực trong lĩnh vực mà sức mạnh của đồng tiền đang cạnh tranh với sức mạnh của văn hoá có lẽ vẫn còn kéo dài chưa phân thắng bại.
 

Vẫn tiếp tục hy vọng
Trong một bức tranh nhiều mảng tối như vậy, ánh sáng chiếu lên là từ những con người thầm lặng, những việc làm thầm lặng ở bên dưới. Dù vẫn nhận đồng lương quá thấp và chịu những áp lực ngày càng đè nặng trên vai, những người dạy học, đặc biệt ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vẫn cho thấy nghề giáo là một nghề đòi hỏi nhiều lương tri. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, những kẻ làm giàu nhờ giáo dục không có tư cách gì để đại diện cho nghề nghiệp cao quý đó. Rồi sẽ đến lúc mà những nhà giáo chân chính có thể sống phong lưu bằng nghề nghiệp của mình, nhưng bây giờ chưa phải là lúc của họ.
Dù bức tranh giáo dục không thiếu nét bi quan, người ta vẫn hy vọng vào những thay đổi tiến bộ của giáo dục. Hy vọng, trước hết vì đội ngũ đông đảo nhà giáo tâm huyết, sáng tạo vẫn chưa rời bục giảng. Những người thiện chí vẫn tiếp tục hiến kế cho giáo dục, dù việc tiếp thu có chừng mực. Hy vọng, vì những người quản lý giáo dục, từ cấp cao đến cấp thấp, hầu hết đều xuất thân từ nhà giáo. Là nhà giáo, không ít thì nhiều, họ cũng hiểu những nỗi lo và khát vọng về một nền giáo dục tiên tiến. Là nhà giáo, thì bao giờ cũng biết hình ảnh mình đang soi trong mắt học trò. Đảm nhiệm cương vị lãnh đạo một trường, một sở, một bộ có lẽ ai cũng muốn mình để lại tiếng thơm cho đời.
Và nếu còn hy vọng vào giáo dục thì có nghĩa là vẫn còn niềm tin vào tương lai đất nước. Giáo dục sẽ cứu xã hội nếu xã hội biết chăm lo cho giáo dục phát triển đúng hướng.

 

 

GS-TS Huỳnh Như Phương